Bài đăng phổ biến

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

VAI TRÒ TRÍ THỨC TRONG VĂN HỌC

Vai trò của trí thức trong văn học và giáo dục Việt Nam hiện đại

Thanh Trúc, phóng viên RFA
clip_image001
Nhà thơ, nhà báo, dịch giả Hoàng Hưng. Courtesy photo
Một lần mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi từng giới thiệu đến quí vị Văn Việt và Văn Đoàn Độc Lập, tổ chức xã hội dân sự hoàn toàn khác với Hội Nhà Văn Việt Nam do nhà nước thành lập và nắm quyền kiểm soát.

Năm 2013, một nhóm trí thức gồm văn sĩ, thi sĩ ở bên nhà, đã cùng bạn bè thân hữu bên ngoài khởi xướng báo mạng Văn Việt, từ đó đẩy mạnh cho sự hình thành một Văn Đoàn Độc Lập. Nhà thơ, nhà báo, dịch giả Hoàng Hưng cho biết việc thành lập văn đoàn này:
Chúng tôi rất may mắn được sự hưởng ứng của không ít cây bút có tiếng tăm trong nước và cả nước ngoài như Mỹ, Canada, Đức, Pháp. Có những người tham gia hẳn vào văn đoàn, có những người không tham gia vào thành phần của ban vận động văn đoàn nhưng là cộng tác viên của báo mạng Văn Việt.
Nhà thơ Ý Nhi, tác giả tập thơ nổi tiếng Người Đàn Bà Ngồi Đan:
Khi thấy có việc thành lập Văn Đoàn Độc Lập thì tôi hưởng ứng tại vì tôi đã ra khỏi Hội Nhà Văn Việt Nam lâu rồi. Có lần tôi đã trả lời ở đâu đó rằng tôi thích hai chữ “độc lập”, có lẽ hai chữ “độc lập quyến rũ tôi. Khi Văn Việt ra đời, có thể gọi một cách to tát là cơ quan ngôn luận của Văn Đoàn Độc Lập, thì tôi tham gia cùng với mọi người thôi.
Khi tôi còn nhỏ ông đã cho tôi học tiếng Pháp, rồi vì mê văn chương tôi cũng tự học thêm rất nhiều. Chính đó là cái hệ lụy về sau bởi vì cái suy nghĩ cái quan điểm của tôi nó không giống những thứ mà người ta dạy tôi ở nhà trường.
Thi sĩ Hoàng Hưng
Ở Việt Nam thì việc lập hội chưa được công nhận, lâu nay chỉ có mỗi Hội Nhà Văn Việt Nam thôi, giờ có thêm một cái nữa cộng thêm chữ “độc lập” nên là thấy nó cũng hơi lạ chứ ở Mỹ hay những nơi khác thì việc này rất bình thường phải không.
Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, hành nghề bác sĩ tại Vancouver, Canada, thường có những bài phê bình trên diễn đàn Văn Việt, cho biết:
Văn Đoàn Độc Lập với diễn đàn của nó là Văn Việt cố gắng hết sức để tạo ra được cái mới trong sinh hoạt văn học nghệ thuật và đặc biệt trong thơ. Một là nối kết trong nước và ngoài nước, giữa các nhà văn nhà thơ từ các quá khứ khác nhau và một số các vấn đề khác nhau trong lịch sử, cùng ngồi lại với nhau và làm được công việc cho văn chương và cho thơ ca Việt Nam.
Thứ hai là hết sức tìm cách nâng hoạt động văn học nghệ thuật lên một bước, hướng về các giá trị mà hiện nay đang chưa được phổ biến rộng rãi, đặc biệt là khuyến khích một nền văn học tự do, nhân bản, hướng về các giai điệu của dân tộc.
Ông Hoàng Hưng một thành viên trong văn đoàn, tên thật là Hoàng Thụy Hưng, quê ở Từ Sơn, Bắc Ninh, sau năm 1975 đã chuyển hẳn vào sống ở Sài Gòn kể lại một chuỗi sự kiện làm cho cuộc đời ông thay đổi đến tận cùng của một ngòi bút:
Đầu tiên tôi là nhà giáo, tôi dạy văn cho một trường trung học. Sau đó tôi lại đi làm báo. Đầu tiên là báo Giáo Dục, sau đó phụ trách phần văn hóa văn nghệ cho tờ báo Lao Động. Khi về hưu tôi vẫn tiếp tục làm báo mạng, làm biên tập cho Talawas cũng về văn học và nghệ thuật. Tôi cũng có tham gia báo mạng Bauxite Việt Nam và bây giờ thì trang báo mạng Văn Việt của ban vận động Văn Đoàn Độc Lập. Còn nghề thứ ba, coi như nghề kiếm sống của tôi, là dịch sách, dịch báo.
Tôi sang Mỹ lần đầu tiên năm 2003 theo lời mời của hai trường, một là đại học bang Washington, University of Washington ở Seattle, và trường thứ hai là Columbia College ở Chicago. Tại Washington University là để thuyết trình về Thơ Mới của Việt Nam, còn trường ở Chicago tôi đến tham dự một sự kiện hàng năm gọi là Tuần Lễ Đọc Thơ. Họ mời một số nhà thơ của Mỹ và mỗi một năm thì đều có một nhà thơ nước ngoài. Năm đó nhà thơ nước ngoài được mời chính là tôi.
Thi sĩ Hoàng Hưng là tác giả tập thơ Ngựa Biển, Người Đi Tìm Mặt và Ác Mộng. Tuy nhiên tập thơ thứ ba, Ác Mộng, không được phép in và phát hành trong nước. Những khó khăn hay trở ngại trong việc in ấn và lưu hành tác phẩm văn xuôi hoặc văn vần trong thời kỳ đổi mới được thi sĩ Hoàng Hưng thuật lại qua trường hợp cá biệt của ông:
Gốc gác gia đình tôi có thể nói là ảnh hưởng văn hóa phương Tây, bố tôi là một trong số mấy bác sĩ đầu tiên tốt nghiệp ở bên Pháp từ năm 1927. Khi tôi còn nhỏ ông đã cho tôi học tiếng Pháp, rồi vì mê văn chương tôi cũng tự học thêm rất nhiều. Chính đó là cái hệ lụy về sau bởi vì cái suy nghĩ cái quan điểm của tôi nó không giống những thứ mà người ta dạy tôi ở nhà trường, tôi hoài nghi rất nhiều điểm mà người ta dạy mình. Cũng vì lý do đó nên tại sao tôi lại chơi rất thân với mấy ông bên Nhân Văn Giai Phẩm, từ đấy mới ra nhiều chuyện rắc rối.
Điều khiến mọi người chú ý đến ông Hoàng Hưng nhiều nhất là chuyện ông bị bắt và bị kêu án 39 tháng tù hồi năm 1982 vì tôi tàng trữ và âm mưu phổ biến tập thơ Về Kinh Bắc của thi sĩ Hoàng Cầm:
clip_image002
Một số thành viên trong ban vận động thành lập Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam. Hình do Văn Việt cung cấp
Khi đó tôi là nhà báo của Bộ Giáo Dục, tôi ra ngoài Bắc vừa là công tác vừa kết hợp thăm gia đình. Đến thăm ông Hoàng Cầm thì tôi có xin ông chép cho tập bản thảo Về Kinh Bắc, mục đích để mang về khoe với bạn bè ở Sài Gòn thôi.
Thế nhưng tôi không biết là họ đang bao vây nhà ông Hoàng Cầm bởi vì lúc đó có những Việt kiều về cũng xin tập thơ đấy để mang đi, cụ thể nhất là nhà thơ Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng ở Canada về và trước khi đi thì có xin chép tập thơ Về Kinh Bắc để mang sang Canada. Họ biết và mở chiến dịch bao vây để bắt ông Hoàng Cầm về tội chuyển bản thảo ra nước ngoài. Lúc bấy giờ họ đánh giá rất nặng nề, họ coi bản thảo Về Kinh Bắc đó là phản động, bây giờ lại lưu truyền ra nước ngoài và có khả năng sẽ được công bố ở nước ngoài thì họ không chịu được. Sau này họ lại còn tung lên cái tin là tôi định mang tập thơ đó vào sứ quán Pháp nhưng hoàn toàn không có chuyện đó, tôi chỉ định mang vào Sài Gòn thôi. Bắt tôi hôm trước thì hôm sau họ bắt Hoàng Cầm.
Nhà thơ Hoàng Hưng bị tuyên phạt 39 tháng tù mà không được đưa ra tòa xét xử. Năm 1988, ông Hoàng Hưng cho ra đời tập thơ Ngựa Biển:
Lúc bấy giờ Việt Nam bắt đầu đổi mới, bắt đầu dễ dãi trong chuyện xuất bản. Từ trước đến nay tất cả những ấn phẩm đều do nhà xuất bản của nhà nước đứng ra in, tiền của nhà xuất bản có nghĩa là tiền của nhà nước. Nhưng lúc bắt đầu đổi mới thì nhà nước cũng chẳng có tiền đâu mà in, cho nên các nhà xuất bản nhất là ở miền Nam thì họ rất linh hoạt, họ cho các nhà văn nhà thơ gởi bản thảo đến cho họ xem. Nếu không có vấn đề gì rắc rối về chính trị hay gì đó thì họ sẽ cấp cho một giấy phép với một số tiền tạm coi như là bán giấy phép xuất bản. Người muốn xuất bản thơ là phải mua giấy phép đó rồi tự bỏ tiền ra mà in, rồi có bán được hay không thì kệ anh. Lúc đó Nhà Xuất Bản Trẻ có ông giám đốc Trương Văn Khuê là một cựu sinh viên đấu tranh Sài Gòn, có cái nhìn rất cởi mở nên anh cấp giấy phép cho tôi. Thế thì công an có đến nói với ông Khuê là phải cho họ đọc thì ông Khuê nói rằng cái này tôi chịu trách nhiệm, các anh không có quyền đọc, bao giờ tôi in ra rồi nếu các anh thấy có vấn đề gì thì lúc bấy giờ các anh có ý kiến. Tập Ngựa Biển ra đời trong hoàn cảnh ấy.
Tập thơ Người Đi Tìm Mặt
Năm 1994, tập thơ thứ hai, Người Đi Tìm Mặt, phản ảnh suy tư của giới trí thức trong lòng một chế độ đề chuyên cao tập thể nhằm phục vụ chiến tranh hơn là ý thức hay hạnh phúc cá nhân:
Người Đi Tìm Mặt là nhan đề một bài thơ tôi làm năm 1972 ở Hà Nội. Lúc bấy giờ sinh hoạt xã hội ở ngoài Bắc người ta gọi nó giống như một trại lính, tất cả sinh hoạt đều phải mang bộ mặt gọi là đồng phục. Tất cả là phục vụ cho chiến tranh, cá nhân hoàn toàn không tồn tại, chỉ có gương mặt chung của tập thể thôi.
Trong hoàn cảnh đó, người trí thức và người nghệ sĩ vẫn có nỗi ưu tư, nỗi băn khoăn là phải tra vấn lại bản thể, tra vấn cá nhân của mình:
Cho nên tôi mới đặt tựa Người Đi Tìm Mặt có nghĩa là đi tìm mặt mình chứ tôi không chấp nhận có khuôn mặt gọi là đồng phục mà người ta khoát lên tất cả xã hội. Khi tập Người Đi Tìm Mặt ra đời thì cũng có vấn đề, tôi cũng lại rất cám ơn nhà thơ Quang Huy, giám đốc nhà xuất bản Văn Hóa. Khi gởi bản thảo cho ông tôi cũng nói là trong này có một số bài thơ chắc cũng khó in. Ông ta viết thư trả lời tôi rằng chả phải bỏ bài nào hết, cứ in. Quả nhiên khi ông in xong thì công an rồi Bộ Văn Hóa xuống làm việc với ông liên tục, nhưng mà ông khôn khéo đối phó được hết.
Sau những vụ rắc rối từ thi phẩm Người Đi Tìm Mặt, nhà thơ Hoàng Hưng, lúc đó đang phụ trách mảng văn hóa nghệ thuật cho báo Lao Động, bị áp lực phải nộp đơn xin nghỉ việc.
Năm 2002, tập thơ thứ ba, Ác Mộng, không được in và phát hành trong nước:
Người Đi Tìm Mặt là nhan đề một bài thơ tôi làm năm 1972 ở Hà Nội. Lúc bấy giờ sinh hoạt xã hội ở ngoài Bắc người ta gọi nó giống như một trại lính.
-Thi sĩ Hoàng Hưng
Có một sự thực là trong thời gian ở tù 39 tháng đó thì đêm nào tôi cũng thấy ác mộng, ở trong tù là một cơn ác mộng dài. Tập thơ Ác Mộng tập hợp 36 bài thơ viết lén trong tù, sau khi ra tù thì nhớ lại và ghi lại, và một số bài viết về tâm trạng của người mời ở tù ra. Tôi đưa cho mấy nhà xuất bản thì không ai chịu in cả. Nhà thơ Ngô Văn Phú lúc đó là giám đốc nhà xuất bản Hội Nhà Văn cũng nói với tôi là không in được. Thấy không có khả năng gì để có thể in được tôi bèn để cho Talawas công bố trên mạng.
Trở lại với Văn Đoàn Độc Lập, gần ba năm qua, việc có ý nghĩa và đáng kể nhất mà Văn Việt làm được là chuyên đề Văn Học Miền Năm 1954-1975, giới thiệu một cách hệ thống những tác giả và tác phẩm quan trọng của văn học miền Nam mà những thế hệ sau năm 75 ở trong nước không có điều kiện biết đến:
Chúng tôi đã giới thiệu đến hôm nay được 260 bài, 260 kỳ với rất nhiều tác giả, kể cả những tác giả bị mang tiếng chống cộng hay là thân Mỹ như Võ Phiến chẳng hạn, hay là những tác phẩm nghệ thuật có nhiều vấn đề mà cộng sản không chấp nhận thì chúng tôi đều giới thiệu hết.
Chuyên đề thứ hai, Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại, với 50 tác giả từ Mỹ, Pháp, Úc, Canada, Đức, Nga, Ba Lan:
Và thứ ba là chúng tôi đã thành công với Giải Thưởng Văn Việt lần thứ nhất mới trao tháng Ba năm nay. Đó là giải đặc biệt về nghiên cứu và phê bình cho nhà nghiên cứu Thụy Khuê ở Pháp, giải đặc biệt về văn xuôi cho nhà văn quá cố Bùi Ngọc Tấn. Chúng tôi còn phát hiện một tài năng mới về văn chương, tác giả Di hoặc Hạnh Nguyên mới khoảng hơn 20 tuổi. Một nhà thơ nữa rất trẻ là Nguyễn Hoàng Anh Thư, cô giáo dạy văn ở Huế, rất xuất sắc. Đó coi như là những thành tựu chúng tôi đã làm được.
Từ Hà Nội, nhắc đến Văn Việt mà ông có bài đăng trên đó, nhà giáo Phạm Toàn nói như tâm sự:
Càng sống, càng trải nghiệm, càng viết càng gặp những cản trở thì chúng tôi bắt đầu nhận thấy ước mơ của mình, hoài bão của mình đã đặt nhầm chỗ. Phải nói trong một thời gian rất dài tôi không muốn viết gì nữa, không đọc gì nữa mà tập trung làm giáo dục rồi thì cũng không đạt được.
Khi Văn Việt hình thành là cơ hội để người nghệ sĩ chân chính có tác phẩm nghệ thuật và tấm lòng đồng cảm. Với tư cách một nhà giáo cũng là người sáng tác tôi thấy nhãn giới, tầm nhìn của bạn đọc Việt Nam, tầm nhìn của những người sáng tác văn học Việt Nam cực kỳ hạn hẹp. Bây giờ Văn Việt chủ động mở rộng tầm mắt con người ra, thí dụ điểm lại văn học miền Nam Việt Nam trong thời chiến là công rất lớn của anh Nguyên Ngọc, anh Hoàng Hưng và ban biên tập. Phải nói làm như thế để cho những nhà văn, Việt Nam với nhau thôi đã, không còn quay lưng lại với nhau. Còn thì văn học của thế giới cũng được điểm đến, tràn vào. Văn Việt còn là diễn đàn tự do phát biểu, hội luận, cái nhìn đa dạng, đa phương một thái độ khoan dung, khoan thư đối với tất cả những gì trước đây cứ bị coi là khác mình tức là nó không tốt.
Vừa rồi là câu chuyện văn chương trang mạng Văn Việt và tổ chức Văn Đoàn Độc Lập. Mục Đời Sống người Việt Khắp Nơi tạm chấm dứt ở đây. Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị thứ Năm tuần tới.
T. T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét