28/11/2016
Tương Lai
Như thường lệ,
chúng tôi lại ngồi cùng nhau trong ngày này để gợi lại những kỷ niệm, những nỗi
nhớ thương về con người ấy với nỗi khắc khoải “giá lúc này có ông”. Lúc
này, đặc biệt là lúc này đây, đất nước đang đối diện với bao mối họa dồn dập
cùng một lúc ập đến đòi hỏi bản lĩnh của người đứng mũi chịu sào phải có tầm
nhìn thời đại để lèo lái con thuyền đất nước vượt qua mọi phong ba bão táp,
kiểu người như Võ Văn Kiệt.
Muốn
có được tầm nhìn ấy, ngoài yếu tố “thiên bẩm” từng được đề cập đến, phải là
người đã dám cháy hết mình trong sự nghiệp cứu nước, từ đó mà tích lũy được vào
mình trí tuệ và sức mạnh của dân tộc và của thời đại để đưa ra được những quyết
sách có ý nghĩa đột phá, xoay chuyển tình hình, biến nguy thành an ở cả hai mặt
không thể tách rời nhau của một chỉnh thể về đối nội và đối ngoại. Càng đặc
biệt hơn nữa đối với một quốc gia bán đảo trên Biển Đông nằm vào vị thế
địa-chính trị cực kỳ nhạy cảm sát nách một nước khổng lồ đang nuôi mộng siêu
cường bằng hành động của một Frankenstein thế kỷ XXI.
Là đặc biệt,
song không hề lạ lẫm với một truyền thống dân tộc vốn dày dạn kinh nghiệm từ
thời dựng nước, giữ nước với một ý chí quật khởi tự cường “sơn hà cương vực
đã chia” vốn là chuyện “tiệt nhiên định phận tại thiên thư”, coi
việc đánh tan tác kẻ thù xâm lược phương Bắc là chuyện cha truyền con nối không
mới mẻ gì. Có “mới” chăng là đám Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống thời hiện đại
được khoác lên tấm hoàng bào mới mấy chữ “cùng chung ý thức hệ xã hội chủ
nghĩa” với đám thiên triều mới của thời Mao, Đặng, Giang, Hồ, Tập để dễ bề lừa
bịp những người kém hiểu biết từng bị đầu độc quá lâu, nhất là sau sự kiện
Thành Đô nhục nhã.
Ông Sáu Dân là
người có đủ bản lĩnh để tập hợp một bộ phận tinh hoa của đất nước cùng gánh vác
sứ mệnh lịch sử ở vào thời điểm cam go nhất ấy, nhưng cũng chính vì thế ông trở
thành nạn nhân trực tiếp của người khởi xướng sự kiện Thành Đô, một sản phẩm
của sự thiển cận về chính trị, mù quáng về thời cuộc, hẹp hòi nhỏ nhen về tính cách
cá nhân. Ấy vậy mà lịch sử đôi khi lại bị ngáng đường bởi những ti tiện, nhỏ
nhen của một cá nhân mà do ngẫu nhiên của tình huống lại bỗng trở thành “nhân
vật lịch sử”. Nhiều người rành chuyện “thâm cung bí sử” vẫn thở dài nuốt giận:
“Hồi ấy nếu Nguyễn Văn Linh không bằng mọi cách quyết gạt bỏ mọi đề nghị để
Võ Văn Kiệt giữ trọng trách Tổng Bí thư thì tình hình đâu đến nỗi như thế này”.
Chao ôi, lịch sử làm gì có chữ “nếu”.
Nếu lịch sử luôn
diễn ra theo như mong ước đầy thiện chí của con người thì làm sao một anh thư
sinh văn dốt vũ dát, nhờ được lọt vào mắt xanh “do cậu ấy hiền lành dễ bảo,
biết vâng lời” mà hễ rời diễn văn được viết sẵn ra thì nói câu nào “đi vào
lịch sử” câu ấy trong sự ngán ngẩm phát buồn nôn của công chúng, lại là kẻ đang
định làm lịch sử cơ đấy!
Ừ, “lịch sử” thì
đã sao nào? Mà lịch sử đâu có hiếm những ngẫu nhiên kiểu “chó ngáp phải ruồi”
theo môtíp cà chớn này. “Làm sao cũng chẳng làm sao / Dẫu có thế nào cũng
chẳng làm chi” (Phan Khôi), quần chúng đâu có lúc nào cũng “quần chúng” như
người ta tưởng. Đấy là cách tự trấn an quen thuộc của không ít người. Còn nói
theo lối ưu tư của một vài bậc thức giả thì “vận nước đang hồi đen”, song le
“vật cùng tắc phản”, hãy nhìn về phía trước!
Đương nhiên, như
F. Engel từng gợi lên rất đúng “Ở đâu mà cái ngẫu nhiên hình như tác động
ngoài mặt thì ở đấy bao giờ tính ngẫu nhiên ấy cũng phải phục tùng những quy
luật nội tại ẩn giấu. Toàn bộ vấn đề chỉ là phát hiện những quy luật đó”.
Trong trường hợp cụ thể về sự ngẫu nhiên tai ác này thì sự “phát hiện”
không có gì khó cả. Đó chính là một trong những hệ lụy tệ hại nhất của một thể
chế toàn trị phản dân chủ đã thẳng tay gạt bỏ những tài năng, làm thui
chột bộ phận tinh hoa của đất nước! Bộ phận không cam chịu cúi đầu trước bạo
quyền ngu dốt và phản tiến hóa, phản khoa học, bộ phận những người vốn luôn
biết cách tự khẳng định mình chứ không chịu trở thành những con cừu phải được
chăn dắt.
Thế nhưng, chính
cái quy luật nội tại ẩn giấu nói trên lại đồng thời đẩy tới sự loại bỏ cái cũ
đang mất hết lý do tồn tại để mở đường cho cái mới ra đời không sao cưỡng lại
được. Khốn khổ thay, cho dù cái cũ chỉ còn là những xác chết đang thối rữa chưa
kịp chôn thì những uế khí chúng gây ra cũng đang đầu độc cuộc sống. Lịch sử
không thiếu những trang bi thảm như vậy.
Cái cảm giác này
dường như đè nặng lên tâm tư của những người đang trầm ngâm nhìn lên bức hình
Võ Văn Kiệt thân tình nở nụ cười với mình như muốn tìm một câu trả lời cho
chính mình về những rối ren của thời cuộc. Hai bó hoa của Hiếu Dân gửi đến và
Kim Hạnh vừa đưa vào như thì thầm những lời muốn nói với người đã khuất đang
cười đây kia.
Phá vỡ sự im
lặng trầm mặc, Huỳnh Bửu Sơn được mời nói về những cảm nhận tại chỗ về cuộc bầu
cử ở Mỹ mà anh vừa từ đó bay về được mấy hôm. Một trong những nhân vật của “Nhóm
thứ Sáu” thời ông Sáu Dân vẫn giữ được cách trình bày giàu cảm xúc và giàu
biểu cảm về những gì tai nghe mắt thấy về cuộc bầu cử Mỹ, vẫn không giấu được
những lo lắng và những cảnh báo khá nặng nề. Và để cân bằng lại nhịp xúc động,
người mở đầu cho buổi kỷ niệm đã nhắc lại lời nhắc nhở của ông Sáu Dân về sức
mạnh trong dân với niềm tin rằng “hào kiệt đời nào cũng có”.
Quả có thế!
Nhưng giọng pariton (nam trung) trong buổi “hợp xướng” thân tình của buổi kỷ
niệm ngân lên vừa dứt, thì ngay lập tức một giọng contralto (nữ trầm) cất lên
ngay “Nhưng hào kiệt đang bị ngồi tù cả rồi anh ơi” bỗng có sức lay động
tâm tư của mọi người! Thì cũng là thế thật. Cái sự thật chát chúa này đủ sức
khơi dậy một nỗi đau nhân thế khi những người dũng cảm đứng lên bảo vệ những “lẽ
phải không ai chối cãi được” mà Tuyên ngôn Độc lập 2.9 năm 1945 khai sinh
ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa long trọng tuyên bố trước thế giới, lại bị
cái nhà nước tự xưng là của dân, do dân và vì dân đang phản bội lại Tuyên ngôn
ấy trấn áp, bỏ tù. Người ta có lý để e ngại rằng nhịp độ trấn áp, bỏ tù này sẽ
tăng dần lên tỷ lệ thuận với cơn lũ của lòng dân ngày một dâng cao mà để tạm
thời tránh hiểm họa nhỡn tiền là chiêu “phân lũ”. Giải pháp trấn áp bắt bớ bỏ
tù, tuy biết đó là cách giải khát bằng thuốc độc, nhưng trong phác đồ điều trị
theo “quy trình nhiệm kỳ” thì đây là cách cấp cứu tức thời có tác dụng.
Lại nữa, xem ra
sự lên ngôi của cái tạm gọi là “Trumpism” như ai đó gợi ra, với sự thắng thế
của chủ nghĩa biệt lập thì e là chuyện nhân quyền ở một nước xa xôi bên mép
Thái Bình Dương như xứ ta không còn là mối bận tâm của ông chủ Nhà Trắng sắp
tới. Vậy là sức ép của quốc tế, trước hết là từ Mỹ về chuyện này trước mắt chưa
đè quá nặng lên những cái đầu đang bấn loạn trong việc thanh toán đối thủ. Vậy
thì tạm thời hãy cứ xài cái hạ sách quen thuộc này đã, hệ lụy tất yếu tính sau.
Trước mắt cứ ung dung mà thớ lợ tuyên bố vềcái nhìn tổng quát là tốt đẹp
chưa từng có để ru ngủ những những kẻ nhẹ dạ và tự trấn an mình theo
kiểu thằng nhát gan tự gào to lên khi đi qua nghĩa địa rằng tao chẳng sợ ma đâu.
Khi những người
yêu nước không chịu cúi đầu khuất phục trước bạo quyền như Ba Sàm Nguyễn Hữu
Vinh, những người phụ nữ mảnh mai nhỏ nhắn trong dáng vóc nhưng lại kiên cường
trong khí phách và mạnh mẽ trong tâm hồn như blogger Mẹ Nấm Như Quỳnh bị bỏ tù,
thì những kẻ như tôi nay đang ngồi trước di ảnh ông Sáu Dân nhân kỷ niệm ngày
sinh của ông để lòng tự dặn lòng sao cho khỏi xấu hổ với người đã khuất phải tự
hiểu ra rằng: Chính mình cũng đang bị cầm tù.
Tôi nhớ như in
hình ảnh mỏi mệt của Ông Sáu trong lần cuối cùng tôi ngồi với ông vào trưa ngày
19 tháng 5 tại nhà số 6 khu Hồ Tây Hà Nội. Mới đấy mà đã tám năm. Theo yêu cầu
của Ông, tôi bay vào lại Sài Gòn để thu xếp chuyện đón và làm việc với GS Lê
Xuân Khoa từ Mỹ sang xin gặp Ông Sáu Dân để trao đổi về việc hình thành một hợp
tác nghiên cứu giữa một nhóm trí thức Việt Kiều ở Mỹ và một số anh chị em trí
thức trong nước. Hai ngày sau tôi bay trở lại Hà Nội, từ sân bay tôi đến thẳng
nhà số 6. Bước vào phòng khách, tôi thấy ông Sáu đang ngả người trên nệm ghế,
hai chân duỗi thẳng gác lên bàn nước: “Xin lỗi tôi phải ngả lưng một tí, anh
ngồi đi, tôi vừa đi về, hơi mệt”.
Vắn tắt tôi
trình bày những việc đã làm theo yêu cầu của Ông. Ông yên lặng nghe, không hỏi
gì thêm, rồi bỗng hạ giọng: “Tôi vừa nói với Lê Hồng Anh tối qua, phải thả
ngay hai nhà báo, cậu Chiến ở Thanh Niên và cậu Hải ở Tuổi Trẻ. Càng giữ thì
“họ” càng thích vì trúng ý “họ” muốn”. Ông còn mệt mỏi nói một hơi dài hơn
nữa, tôi đã có dịp kể, xin không nhắc lại nữa.
Nhân nói về nội
dung công việc với những trí thức Việt kiều trong bối cảnh mới của sự kiện
“Trumpism”, tôi nhớ đến câu chuyện của Giáo sư Ngô Vĩnh Long đã nói trong bữa
cơm với ông Sáu ở nhà Hiếu Dân dạo ấy (mà theo Long cho biết đó là bữa cơm cuối
cùng của anh với người đồng hương cao niên mà anh rất mực kính yêu và thương
mến). Tháng 7 vừa rồi gặp lại, Ngô Vĩnh Long một lần nữa nhắc đến lời cảnh báo
của anh. Với tôi, đây cũng là lời cảnh báo từng được nghe nhiều lần từ những
người bạn trí thức ở Mỹ mà tôi từng được gặp: “Các anh phải làm thế nào nói
cho các nhà cầm quyền biết rõ tình hình nước Mỹ với cuộc vận động hành lang
quyết liệt của Trung Quốc thông qua những chuyên gia lobby cáo già người Do
Thái mà họ không tiếc tay vung tiền. Để vuột mất cơ hội vàng với chính quyền
Obama và những người bạn của Việt Nam như J. Kerry, đang tạo mọi điều kiện
thuận lợi trong mối quan hệ Việt-Mỹ, thì rồi cái giá phải trả sẽ rất đắt nếu
không nói là có tội với lịch sử”.
Tìm biết thêm,
tôi hiểu ra rằng tại sao những người bạn quý của tôi ở Mỹ lại lo lắng đến thế.
Lobby, vận động hành lang là một hoạt động thường xuyên và phổ biến trong chính
trường Mỹ. Có hẳn cả một Đạo luật về hoạt động này (Lobbying Disclosure Act
1995 – LDA). Cách đây mười năm đã từng có đến 13.700 lobbyist và khoảng 300
công ty lobby có đăng ký kinh doanh dịch vụ hái ra tiền này. Mà trong các chiêu
“võ Tàu” thì đây là “chiêu tuyệt kỹ” có truyền thống hàng mấy nghìn năm. Những
Lã Bất Vi buôn vua thời hiện đại kỹ thật số còn lợi hại gấp trăm ngàn lần
chuyến buôn Tử Sở đang phải làm con tin của Tần ở nước Triệu xưa kia để cho ra
một Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc vào năm 221 trước Công
nguyên.
Ông Sáu Dân cũng
đã hiểu những chuyện ấy và cho biết đã rất nhiều lần Ông đề cập vấn đề này với
những người giữ trọng trách. Bản thân Ông đã quá thấm thía về những áp lực nặng
nề nhằm ngăn cản bằng được việc ký kết Hiệp định Thuơng mại Việt-Mỹ để tiến tới
gia nhập WTO mà rồi đến phút cuối của cuộc chuẩn bị ký kết tại Auckland, New
Zealand, vào tháng 9 năm 1999 đã bị chặn đứng, thời cơ lịch sử bị ngang xương
vứt bỏ.
Thế là, với tầm
nhìn thời đại, người chuẩn bị quyết liệt cho bước ngoặt mới đưa đất nước đi tới
nay đã thành người thiên cổ, và hài hước thay, những kẻ cản đường lịch sử thì
vẫn còn kia. Liệu họ đang nghĩ gì nhỉ. Nhìn lên nụ cười trên di ảnh của người
chúng tôi đang kỷ niệm hôm nay, tôi cứ lẩn thẩn trong suy tư về sự oái oăm của
lịch sử. Oái oăm? Đúng thế. Thì chẳng phải Voltaire nhà Khai sáng Pháp đã bình
một cách thâm thúy: “Lịch sử không là gì hơn ngoài màn kịch của tội lỗi và
bất hạnh”.
Tội lỗi và bất hạnh ư? Phải có một bề dày
văn hóa nhất định cộng với một cái tâm biết phục thiện thì may ra những người
gây ra nỗi bất hạnh cho đất nước mới hiểu được tội lỗi của mình. Còn “có tội
với lịch sử” ư? Đối với những đầu óc bã đậu, đã quá u mê lú lẫn với những
giáo điều mốc meo cũ nát chỉ mong chờ vào sự hà hơi tiếp sức của “người đồng
chí cùng chung ý thức hệ” để thoi thóp qua ngày thì e hơi xa xỉ với khái
niệm này.
Những lời cảnh
báo đầy tâm huyết của những trí thức yêu nước đang sống ở nước ngoài vừa nhắc ở
trên xem ra cũng như nước đổ đầu vịt. Chẳng những gác ngoài tai, người ta còn
canh chừng những ai muốn có một quan hệ chiến lược với Mỹ vì sợ bóng sợ vía ông
bạn vàng mười sáu chữ cho nên cứ ngoan cố bám vào cái thế đu dây để tự mất mặt
với bạn bè trên thế giới vì người ta đã quá ngán ngẩm trò tiểu xảo vặt. Thế còn
những khuyến cáo quyết liệt từ tầm nhìn thời đại của Sáu Dân được khởi phát từ
trái tim đập cùng nhịp với cuộc sống và khát vọng nóng bỏng của dân thì cái hệ
lụy tất yếu sẽ là gì, mọi người đã rõ. Trong “Một lời nhắn gửi” của “Mênh
mông thế sự 47” người viết đã vắn tắt gợi ra, tưởng cũng chẳng cần phải
nhắc lại.
Và rồi hôm nay,
cái sự thật đắng cay không còn chỉ là dự báo của những trí thức am hiểu thời
cuộc mà đang là một thách đố nhỡn tiền với biết bao lo âu. Thì đó, Dan Rather,
một trong những nhà báo huyền thoại nổi tiếng nhất trong lịch sử báo chí Mỹ đã
thẳng thắn tuyên bố: “Lịch sử sẽ đòi hỏi quyền được biết bạn đang đứng về
phía nào” sau sự kiện Donald Trump. Ông viết: “Bây giờ là thời điểm mà
không ai trong chúng ta có thể đủ sức để tiếp tục ngồi nhìn hoặc im lặng. Tất
cả chúng ta phải đứng lên”.
Có lẽ nhà báo
lão thành 86 tuổi này không chỉ nói riêng với người Mỹ. Với chúng ta, đây là
thời điểm cần có một bộ óc tỉnh táo để nhận ra những gì có thể xảy ra khi mà
toàn cảnh kinh tế của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang và sẽ thay đổi rất
nhanh. Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội này để đóng vai trò đầu tàu, lấp vào
chỗ trống của Mỹ. Nên nhớ rằng, từng bị gạt ra ngoài TPP, một sáng kiến của
Washington nhằm tạo ra đối trọng với Trung Quốc thì đây là thời điểm để Bắc
Kinh lôi kéo các đồng minh của Mỹ về phía mình, đẩy mạnh dự án Hiệp định Đối
Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực RCEP mà trong đó không có Hoa Kỳ. Hình ảnh
Duterte của Philippines, và không chỉ ông ta, đang nói lên nhiều điều.
Và rồi sẽ không
có gì ngăn cản Trung Quốc thay thế TPP bằng hiệp định RCEP này để toàn quyền
thao túng các nền kinh tế trong khu vực theo quỹ đạo mà siêu cường hung đồ này
toan tính. Rồi sẽ không chỉ có chuyện họ Tập ban truyền chiếu chỉ tại Hội
trường Diên Hồng của Quốc hội Việt Nam và tiếp đó Trương Đức Giang, đại diện
cho “thiên triều” ngạo mạn ngồi trên đầu các ông bà nghị Việt Nam để “dự khán”
khóa họp Quốc hội cũng tại nơi mang tên Diên Hồng này!
Đương nhiên,
nhắc lại nỗi đau Diên Hồng trong buổi nhiễu nhương tồi tệ này, người viết không
ngây thơ, càng không ngây dại mong một trận “Sát Thát” mới như chuyện chẳng
đặng đừng mà ông cha ta buộc phải làm trong thế kỷ XIII. Để trả lời câu hỏi về
lịch sử, không nên bị ám ảnh bởi một lời tiên đoán quá nghiệt ngã mà Martin
Luther, nhà thần học Đức thế kỷ XVI, đã từng vạch ra “chỉ máu mới có thể
xoay vần bánh xe lịch sử”, cho dù đó là một thực tế đau đớn mà dân tộc ta
từng phải trải nghiệm, Chúng ta biết và dám đổ máu để không chịu cúi đầu, “Đằng
Giang tự cổ huyết do hồng” (Giang Văn Minh), chúng ta ghi nhớ nằm lòng khí
phách của ông cha ta để quyết liệt cảnh cáo lũ cướp nước và lũ bán nước.
Nhưng để trả lời
câu hỏi của Dan Rather “Lịch sử sẽ đòi hỏi quyền được biết bạn đang đứng về
phía nào” thì tôi lại muốn mượn lời của đại văn hào Pháp Victor Hugo “Lịch
sử là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai
trên quá khứ” nhằm nghe cho thấu tiếng vọng của ông cha để mà biết sáng tạo
phát huy truyền thống trên cái nền thời đại của một thế giới phẳng của văn minh
trí tuệ thế kỷ XXI.
“Đêm đêm rì
rầm trong tiếng đất / Những buổi ngày xưa vọng nói về” (Nguyễn Đình Thi)
lay động tâm hồn, giục giã hành động của mỗi chúng ta. Buổi kỷ niệm ngày sinh
Ông Sáu Dân trôi nhanh trong dồn dập những tranh luận giàu cảm xúc khiến cho
một vài tiết mục thơ, văn đã được chuẩn bị để tăng phần rôm rả như vốn dĩ ông
Sáu Dân vẫn muốn thế lúc sinh thời hay ngồi quây quần với bọn chúng tôi, đành
phải gác lại cho một dịp khác còn đến đây thì vừa lai rai trong “tiệc đứng” tại
nhà để tiếp tục trao đổi quanh đĩa xôi xéo, vài đĩa bánh và bát bún thang theo
khẩu vị của cả Hà Nội, Huế và Sài Gòn!
Đáng tiếc là hôm
nay thiếu vắng một số người mà ý kiến đóng góp trong buổi kỷ niệm năm ngoái còn
đọng lại trong nhiều người nên cũng hơi hụt hẫng vì không được nghe tiếp. Vào
lúc sắp bắt đầu thì anh Võ Viết Thanh gửi tin nhắn qua điện thoại là máy bay từ
Hà Nội trở về bị hoãn khởi hành, chắc khó có mặt kịp. Anh Phan Chánh Dưỡng thì
điện thoại xin lỗi vì vừa nhận được tin bà cụ thân sinh ở Cà Mau giục phải về
gấp. Đào Công Tiến thì trầm giọng than thở, muốn đi hết sức nhưng huyết áp đang
tăng vọt phải nằm, nhờ gửi lời hỏi thăm tất cả anh chị em và hy vọng có mặt
trong buổi sinh hoạt tới… Rồi Trương Đình Hiển, rồi một vài anh chị khác cũng
băn khoăn vì buộc phải trễ hẹn dịp này nhưng mong sớm gặp trong dịp tới.
Dịp tới là dịp
nào vậy? “Thế sự du du”, việc đời dài dằng dặc, nhưng có lẽ so với buổi
kỷ niệm năm ngoái thì nhu cầu thông tin có chiều sâu trở nên bức xúc trong bối
cảnh mới. Một ý kiến nêu lên: sao không học tập nhóm 23 Hà Nội để định kỳ hàng
tháng anh chị em chúng ta ngồi lại với nhau rồi mời một ai đó trong số anh chị
em ta, hoặc bạn bè của chúng ta, chuẩn bị trình bày một chuyên đề giúp nâng cao
nhận thức cho cả nhóm. Ý tưởng trên càng trở nên hấp dẫn hơn khi Bùi Văn Nam
Sơn đang ở Hà Nội theo lời mời trình bày chuyên đề về triết học đã gửi email về
cáo lỗi vắng mặt và lời chúc “Chư huynh an lạc, trí dũng song toàn” đồng
thời biểu tỏ “Xin chấp hành phân công. Hẹn một dịp nào đó”.
Quả là đã bắt
được đúng mạch, lại thêm hào hứng với bức điện thư của Nam Sơn, mọi người hào
hứng tán đồng và nhất trí với mấy vấn đề được gợi ra để diễn giả chuẩn bị:
“Hàng Việt
Nam chất lượng cao trong bối cảnh thắng thế của chủ nghĩa bảo hộ và biệt lập
“Trumpism”. “Vấn đề môi trường với thảm họa nước biển dâng và Đồng bằng
sông Cửu Long cùng những tranh luận gần đây về chủ trương của ông Sáu Dân về
cải tạo vùng tứ giác Long Xuyên và đắp bờ làm ba vụ lúa”. “Nền tảng
triết lý của sự trỗi dậy chủ nghĩa dân tộc ở Phương Tây với sự kiện Brexit ở
Anh và kết quả bất ngờ của bầu cử Tổng thống ở Mỹ”. “Vấn đề tâm linh
trong thế giới hiện đại, những trải nghiệm về lĩnh vực này qua những chuyến
hành hương về những địa danh nổi tiếng nhất của Phật giáo từ Tây Tạng, về Ấn
Độ, đến Nepal qua Bhutan…”.
Vậy thì gọi sinh
hoạt này của chúng ta là “Nhóm 23” hay là “Câu lạc bộ 23”, một câu hỏi bật ra?
Cái tên không quan trọng, “nhóm” hay “Câu lạc bộ” cũng được, vấn đề là giữ cho
được nội dung cốt lõi phải hướng đến: ý nghĩa thiết thực về “kỷ niệm ngày
sinh Ông Sáu Dân”. Kỷ niệm ngày sinh của Ông, nhớ đến Ông là để noi theo
khí phách, bản lĩnh và trí tuệ của Ông, đó là lý do để chúng ta ngồi lại với
nhau hôm nay.
Riêng tôi, lòng
tự dặn lòng rằng, nuôi dưỡng cho được khí phách ấy, bản lĩnh ấy của người tôi
kính trọng, yêu mến và noi theo, để trong cái buổi nhá nhem tranh tối tranh
sáng này, tự tìm lấy một cách tự thanh lọc tâm hồn nhằm giữ cho mình một tư thế
sống sao cho khỏi hổ thẹn với lương tâm. Và tôi, qua tuổi 80 rồi, thì đây cũng
là cách gìn giữ lấy để nuôi dưỡng “cái khí hạo nhiên”, điều tâm nguyện của cha
tôi truyền dạy lại cho tôi. Chỉ có thế.
Ngày
23.11.2016
T. L.
Tác giả gửi BVN.
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:44
Nhãn: tản mạn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét