Từ những chuyện tưởng là nhỏ ….
Bùi Xuân Đính
Hổ đá trong lăng Trần Thủ Độ |
Trần Thủ Độ (1194 - 1264) là người có công đưa Trần Cảnh lên ngôi, tức Vua Trần Thái Tông (1218 - 1277), mở đầu cho nhà Trần tồn tại trong 175 năm (1226 - 1400). Tuy không có học vấn cao, nhưng Thủ Độ có tài chính sự hơn người, làm quan tới Thái sư (như Tể tướng đầu triều), rất giỏi việc hành chính, nghiêm minh trong thực thi pháp luật, không để tình cảm anh em, vợ chồng xen lẫn vào việc công. Sử cũ ghi lại một số câu chuyện về ông :
Chuyện thứ nhất :
Trần Thái Tông lên ngôi khi tuổi còn nhỏ, vì thế, phần nhiều các công việc trong triều đều do Thủ Độ quyết. Có kẻ thấy ông quyền to hơn cả vua, ghen ghét ông, bèn vào gặp Trần Thái Tông khóc mà nói rằng :”Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ thì quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?”. Thái Tông lập tức đến dinh của Thủ Độ, bắt cả người đàn hặc ấy đi theo và nói cho Thủ Độ biết những lời của người đó. Thủ Độ nghe và nói lại với Vua :”Đúng như lời hắn nói”, rồi lấy ngay tiền và lụa thưởng cho.
Chuyện thứ hai :
Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung là vợ Thủ Độ có lần ngồi trên kiệu, đi qua thềm cấm trong cung, bị quân lính ngăn lại. Linh Từ Quốc mẫu liền đến dinh của Thủ Độ mà khóc với chồng :”Mụ này mà còn bị quân hiệu khinh nhờn đến thế, những người khác sẽ sao?”. Thủ Độ nghe vậy, nghĩ rằng chắc chắn quân lính có điều gì không phải với vợ mình nên bà mới khóc nói như vậy, liền cho đi bắt người lính nọ giải về dinh. Trên đường đi, người lính đinh ninh rằng, mình cản trở vợ Tể tướng nên bị dẫn giải như thế, chắc chắn sẽ phải tội chết, nghĩ mà lo sợ không đi nổi, quân lính phải dìu đi. Đến nơi, bị Thủ Độ vặn hỏi, người lính ấy cố trấn tĩnh, theo sự thật mà trả lời. Thủ Độ nghe vậy liền bảo :”Người ở chức thấp mà giữ được phép tắc, ta còn trách gì nữa”, rồi lấy vàng thưởng cho người lính và cho về.
Chuyện thứ ba :
Tuy bận bịu với bao công việc trên cương vị của người Tể tướng, nhưng Thủ Độ rất quan tâm đến cả những mặt nhỏ của đời sống thường ngày, trực tiếp xem xét hoặc cho người kiểm tra rồi tâu báo lại để có hướng giải quyết cụ thể. Đặc biệt, ông thường hay về các làng quê xem xét tình hình của dân chúng. Một lần, ông về một làng ngoại đô để kiểm duyệt hộ khẩu. Trước đó, một người ở làng này đã đến gặp Linh Từ Quốc mẫu - vợ ông, nhờ bà nói với ông cho được làm câu đương (một chức danh trong bộ máy quản lý làng xã thời Trần). Thủ Độ im lặng, không trả lời. Khi ông về làng, cho gọi người xin xỏ kia. Người ấy mừng rỡ chạy đến. Thủ Độ bảo anh ta : “Ngươi vì có Linh Từ Quốc mẫu xin cho làm câu đương, ta đồng ý, nhưng vì chức câu đương của ngươi có được là do xin xỏ chứ không phải do bầu, vậy nên ta phải chặt một ngón chân của ngươi để cho thiên hạ phân biệt được chức câu đương của ngươi là khác với chức câu đương của người được bầu.” Người kia sợ quá, kêu van xin thôi, mãi mới được Thủ Độ tha cho. Từ sau đó, không ai dám đến gặp riêng ông và vợ ông để xin xỏ, nhờ vả gì nữa.
Chuyện thứ tư :
Trần Thái Tông vì kính trọng Thủ Độ mà có lần đã có ý cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm Tể tướng. Thủ Độ liền tâu:”An Quốc là anh của thần, nếu Bệ hạ cho An Quốc là giỏi thì thần xin trí sĩ; nếu cho thần là giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An quốc làm Tể tướng được. Nếu anh em cùng làm Tể tướng thì việc triều đình sẽ ra sao?”.
Lời bàn:
Những chuyện “tưởng như là nhỏ” trên đây lại chứa đựng cả những vấn đề lớn về cung cách làm việc của một vương triều và cách xử thế của những người có quyền thế, có trách nhiệm giải quyết việc công trong triều đình nhà Trần.
Về Trần Thủ Độ, ông thể hiện là người có nhân cách lớn :
- Là con người quyết đoán, dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình;
- Là Tể tướng nhưng luôn giữ đúng nguyên tắc làm việc, không để người nhà ỷ thế lợi dụng. Ngay cả với vợ, mà theo lệ thường, nhiều ông chồng dù làm quan to cũng không ”điều khiển” nổi, nhưng Thủ Độ cũng vẫn thể hiện được ”ưu thế” của mình nhờ tính nguyên tắc ấy. Đặc biệt, ông rất cương quyết với tội hối lộ để chạy chọt chức quyền, không để người khác dùng vợ mình làm hậu thuẫn, bình phong để có được quyền chức.
- Thận trọng, công bằng trong đánh giá việc làm của người ở chức phận dưới, không vì một lời nói của vua hay của vợ mà vội vàng quy chụp, dùng quyền để giáng phạt họ; ngược lại, khuyến khích, biểu dương khi họ làm đúng nguyên tắc.
- Biết đặt lợi ích của vương triều, của quốc gia dân tộc lên trên, không vun vén cho anh em, gia đình mình, thấy anh mình không có tài thì ngăn cản vua đề bạt anh làm Tể tướng.
Về bà Trần Thị Dung - vợ Trần Thủ Độ đã mang một suy nghĩ cùng một việc làm “quen thuộc”: đã là “bà lớn”, là vợ Tể tướng thì “có quyền” làm được cả những việc cấm, bởi những người dưới quyền của chồng mình ai chẳng nể nang, “chặc lưỡi” cho qua và ai là người dám cản ngăn những việc không đúng nguyên tắc của “bà lớn”; có quyền “nói riêng” với chồng về việc cất nhắc một người nào đó, xử lý những việc liên quan đến một người nào đó (đương nhiên, để được “bà lớn” nói riêng với chồng về những việc của mình, những người muốn nhờ vả phải có những “động tác” nào đó).
Nhưng, suy nghĩ và việc làm sai của bà đã vấp phải tính nguyên tắc, biết làm đúng trách nhiệm, chức phận, không chỉ của người chồng Tể tướng, mà của cả những người lính trong cung cấm. Đặc biệt, người lính trong câu chuyện thứ hai đã không mang trong mình một suy nghĩ : là cấp dưới, là bề tôi thì không có quyền ngăn cản mọi việc làm, cả việc làm sai quy định của bề trên, Vậy nên, mới kiên quyết cản ngăn “quan bà Tể tướng” đi qua thêm cấm trong cung.
Những câu chuyện trên tưởng như là nhỏ, nhưng lại dung chứa những vấn đề rất lớn và nhạy cảm của xã hội; cho thấy, ở triều đại nào, chính phủ nào, các hoạt động muốn đi vào quy củ, có hiệu quả thì từ người có chức trách cao nhất đến người có chức phận bình thường đều phải giữ đúng nguyên tắc làm việc, không được lạm dụng quyền lực để mưu lợi riêng.
Chuyện nhỏ mà không nhỏ.
B.X.Đ
8 nhận xét:
- Đào Tiến ThiMar 8, 2012 08:58 PMChuyện không hề nhỏ bác Đính ơi. Nếu nhỏ thì làm sao nó được ghi vào bộ chính sử lớn nhất nước ta (Đại Việt sử ký toàn thư).Trả lời
Người như Trần Thủ Độ tuy độc đoán nhưng nghhiêm khắc và trong sạch, cho nên trở thành rường cột nước nhà. Lúc quân Mông Cổ sang xâm lược, thế giặc mạnh, nhà Trần phải bỏ Thăng Long chạy, có kẻ bàn hàng, thì Trần Thủ Độ nói với vua: "Đầu tôi chưa rơi thì bệ hạ đừng lo". Chỉ mấy tháng sau, nhân lúc quân giặc gặp khó khăn, quân tá phản công và đại thắng lợi. - Nặc danhMar 8, 2012 09:56 PMBài học hay. Những người có chức vụ trong xã hội, tổ chức phải lấy đó làm bài học cho mìnhTrả lời
- Nặc danhMar 8, 2012 11:06 PMTrích:Trả lời
"Những câu chuyện trên tưởng như là nhỏ, nhưng lại dung chứa những vấn đề rất lớn và nhạy cảm của xã hội; cho thấy, ở triều đại nào, chính phủ nào, các hoạt động muốn đi vào quy củ, có hiệu quả thì từ người có chức trách cao nhất đến người có chức phận bình thường đều phải giữ đúng nguyên tắc làm việc, không được lạm dụng quyền lực để mưu lợi riêng.
Chuyện nhỏ mà không nhỏ."
Mỗi câu chuyện là một bài học LỚN chứ không NHỎ đâu bác Bùi Xuân Đính ơi !
Học làm quan (đàng hoàng) cũng đâu có dễ gì ? - Nặc danhMar 9, 2012 12:22 AMTruyền thuyết thôi TS Diện ơi, hồi nhỏ chúng tôi được học bao nhiêu chuyện về, ông Lê nin trong hiệu cắt tóc, Bác Mao chạy thóc cho hàng xóm khi trời mưa, bác Kim, bác của ta nữa... cũng thành truyền thuyết cả thôi.Trả lời
- Nặc danhMar 9, 2012 01:11 AMTrước tiên phải là người tử tế đã thì chuyện kinh bang tế thế cũng là chuyện nhỏ,còn nếu là người không tử tế thì đồng xu cũng là chuyện lớnTrả lời
- Huỳnh Tấn MãnMar 9, 2012 07:18 AMBài của Bác Buì Xuân Đính quá tuyệt vời, nên không dám góp ý thêm. Kính Bác.Trả lời
- Tu thân, tề gia đã, rồi mới đủ tư cách đảm nhận việc trị quốc, bình thiên hạ. Cái tiêu chuẩn rất hay của người xưa đó, tiếc thay ngày nay bị nhiều chính khách (và có khi cả người dân) coi nhẹ. Những người không có một sự "tu thân" tối thiểu nào đó - và sự tu thân đó biểu hiện qua chính nếp sống gia đình của họ - thì không đáng tin cậy để người dân giao phó cho quyền hành. Có tài đến mấy mà thiếu cái tâm thì khi nắm quyền lực trong tay chỉ có làm khổ dân hại nước thôi!Trả lời
Có bác cho rằng những chuyện kể trên về Trần Thủ Độ chỉ là "truyền thuyết", ngụ ý nói chỉ là những huyền thoại tô son vẽ phấn cho lãnh tụ. Tôi không tin thế đâu, vì truyến thống của dân Á Đông phận biệt rất rõ kẻ gian hùng và người tài đức. Một vị lãnh đạo tài đức thì dù chẳng có chức quan gì cả, vẫn có thể được nhân dân cung kính lập đền thờ. Còn những kẻ làm chính trị thủ đoạn thì dù có công thành danh toại nhất thời vẫn khó che mắt được hậu thế, và "bia miệng" của nhân dân thường không ngần ngại phê phán họ cách nghiêm khắc.
Còn quan chức ngày nay toàn hô khẩu hiệu: Hãy làm như tôi nói,đừng làm như tôi làm
Bao giờ cho đến ngày xưa!