Bài đăng phổ biến

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

MỘT CUỘC TRIỂN LÃM KỲ LẠ

                                                 Nguyễn Đào Trường


                Nói kỳ lạ. Nhiều người chắc hẳn cho rằng cuộc triển lãm phải quy mô hiện đại, hoành tráng chưa từng có, đặc biệt nghệ sỹ điêu khắc từ Hoa Kỳ tới.  Nó gợi trí tò mò, gây xôn xao dư luận công chúng yêu nghệ thuật hội họa, số đông người hiếu kỳ, trong đó có chúng tôi, không thể bỏ lỡ dịp may hiếm hoi này, mặc dù thời tiết những ngày cuối xuân, ngoài trời vẫn dày đặc mưa phùn đường sá ướt át, đi lại khó khăn, hơn nữa mỗi người còn mắc bận công việc riêng tư. Chúng tôi vẫn kiên định đi xem bằng được để mục sở thị, thưởng lãm môn nghệ thuật sắp đặt chưa mấy khi được xem.
               Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình 文期聲不見其形 nghĩa là: (Chỉ nghe nói chưa thấy hình dạng). Tới nơi mới thấy triển lãm kỳ lạ thực sự. Không giống như những cuộc triển lãm được mở ở các trung tâm triển lãm lớn như trung tâm văn hóa Pháp Việt. Việt Hàn… Hay như nhà triển lãm 16 Ngô Quyền Hà Nội… Những địa điểm này mang tính chuyên nghiệp cao sẵn có loa đài, bàn ghế, ánh sáng, nơi bày, treo tranh nói chung mọi phương tiện, nghi thức phục vụ cho hành nghề rất chu đáo. Ở đây khác hẳn! Cuộc triển lãm sắp đặt  mang tên " TÁI NGỘ ". Tại địa điểm làng nghề GỐM CẬY, xã Long xuyên, huyện Bình Giang, Hải Dương. Gốm Cậy, nơi làng nghề truyền thống từ thời xa xưa, đã  có nghệ nhân được nhà nước phong tặng danh hiệu đôi bàn tay vàng, như cụ nghệ nhân Nguyễn Văn Cửu, nay gần 90 tuổi nhưng vẫn mạnh khỏe, minh mẫn  bảo ban, truyền nghề cho các lớp hậu sinh, cũng nhờ vậy truyền thống làng nghề không mai một, ngày càng phát triển rực rỡ, sản phẩm làm ra đảm bảo kỹ, mỹ thuật đẹp đẽ tinh xảo không thua kém sản phẩm gốm sứ những nơi có thương hiệu nổi tiếng như: Chu Đậu, Bát Tràng…
             Trong khu nhà gia đình ông bà nghệ nhân gốm sứ Vũ Xuân Năm, dành cho cả khu vườn trồng vải nhãn rộng lớn, khoảng giữa có sân gạch trên 100m2, tổng diện tich khu sắp đặt cỡ 600m2. Mọi hình hài tranh ảnh, mô hình được bày đặt trong không gian rộng lớn, phần nhiều các bức hình được các tác giả xây dựng, sáng tác theo ý tưởng sắp đặt tại chỗ ví như bức" MẸ VIỆT NAM" hình thành bởi nhiều lá rụng của các cây vải khô, quét vun khéo léo thu lại thành hình chữ "S" giống như tấm bản đồ nước Việt Nam có chiều dài tới 20m, châm lửa đốt cháy, lại mang nước tưới cho tắt loang lổ, biểu hiện ý tưởng toàn dân tộc đang gồng mình vượt qua đói nghèo, chống lại sự xâm lược của kẻ thu, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Hay như bức"Lỗi Thời" lấy khung sườn của chiếc xe công nông đầu dọc của đồng chí "Bốn tốt, mười sáu chữ vàng" hỏng bỏ xó lâu ngày, một loại phương tiện vận tải chủ yếu của bà con nông dân toàn quốc từ những năm 70, 80 thế kỷ trước, được chằng buộc bằng nhiều mối dây ngang, dọc không hàng lối, đằng đầu treo một số vỏ lọ nhựa mực Tầu, các lọ rỗng không mực, nhưng đều còn dán nguyên nhãn chữ Tầu rõ ràng   墨汁   "MẶC CHẤP" Nghĩa là: mực đen, thân xe tạo bởi 4 khẩu súng nhựa  trẻ con chơi cũng đồ Tầu, giữa buộc xen 2 mặt nạ nhựa trắng sứt sẹo trông gớm ghiếc tởm lợm, hình nhân như muốn hăm dọa kẻ yếu bóng vía. được phủ lớp sương khói học thuyết Mao- ít" LỌ MỰC THUỐC SÚNG ĐẺ RA CHÍNH QUYỀN"(Tác giả Đỗ Quốc Vị). Chiếc tiểu sành cũ để dựng đứng, trong lòng tiểu viết hàng chữ"Sen tàn cúc lại nở hoa", câu thơ trong truyện Kiều Nguyễn Du, Ngài Tổng Thống Hoa Kỳ Bil- Cờ- Lin -Tơn trước kia sang thăm hữu nghị Việt Nam ông đã đọc câu này tại buổi nói chuyên với thầy trò trường đại học khoa học xã hội nhân văn quốc gia Hà Nội. Trên đặt bình gốm, cắm vài cành rào lơ thơ, khô quắt queo những vật này được đặt chồng lên đống lá mục tạo nửa hình chữ "S", toàn bộ ý tưởng tác phẩm muốn nói một điều trong đời sống xã hội từ con người cho tới mọi sinh vật đều sinh ra, mất đi theo quy luật sinh tồn trời đất, không gì cưỡng được tự nhiên, xem tác phẩm người giàu trí tưởng tượng có thể luận giải ví như hôm trước ta đang đứng bên hồ giữa mùa sen nở, bao tán lá xanh rung rinh tác động bởi làn gió nhẹ, mơn mởn mở rộng giống những chiếc dù, hoa sen khoe màu hồng đào tỏa mùi thơm dịu mát quyến rũ, những đóa sen hàm tiếu mang gương mặt trái xoan thôn nữ đương thì, cảnh vật, hương thơm cho ta tâm lý lâng lâng, sảng khoái. Ít hôm sau có dịp trở lại thì ôi thôi cảnh đẹp cũ của sen không còn, lòng người cảm giác hẫng hụt, một nỗi buồn thoáng qua, lan tỏa sự mất mát, nuối tiếc. Nhưng rồi bình tâm trở lại để thấy"Cúc lại nở hoa", tên gọi "NÓI ĐI".  Một tác phẩm sắp đặt nữa cũng cần nói đến có tên "TUỔi THƠ" được dựng lên bởi một cây đào khô nhổ cả gốc rễ để nguyên thân xờ xạc, cành to nhất bị bẻ cong, căng sợi dây cao su cũ kỹ mốc mác, lấy một cành cây khác đặt xuyên qua dây cao su tựa mũi tên bắn vào không trung. Không gian cảnh vật ở đây lại chính những cành khô xờ xạc của cây tác phẩm trông thật sự kỳ quái. Ngày nay đang thời khoa học kỹ thuật hiện đại, thời của máy bay siêu tốc, tên lửa nhanh gấp mấy lần tốc độ tiếng động, thời của mạng in- tơ- net với máy tính siêu tốc, chỉ cần di chuột cả thế giới hiện hình theo ý muốn. Tác giả lại khéo xây dựng tạo một tác phẩm sắp đặt ngược lai. Thì ra không thiếu những nơi nào đó trên hành tinh chúng ta đang sống, còn rất nhiều chỗ người dân lao động thấp cổ bé họng đang quằn quại đau khổ, dẫy dụa dưới sự cướp đoạt của nhà cầm quyền vô rất trách nhiệm. Phải chịu cuộc sống nhếch nhác, nghèo túng thiếu đói, trẻ con lấy đâu ra đồ chơi sang trọng đắt tiền, chả chơi trò bắn súng cao su đơn giản, lạc hậu như một phần cuộc sống đầu đời của"THAIBUI"chính tác giả vậy. Nhiều tác phẩm sắp đặt khác cũng được các nghệ sỹ bày biện từ đồ gốm sứ của gia đình chủ nhà ông bà nghệ nhân Vũ Xuân Năm, chum vại, thống đỉnh, lư hương, chân đèn, gạch gốm, tượng người… Gia chủ phấn khởi nhiệt tình tự tay lấy trong kho đưa các đồ vật cũ cho nghệ sỹ sắp đặt, sự có mặt những đồ vật này làm giàu cảm xúc, phong phú, đa dạng, sinh động cho cả một khung cảnh triển lãm rộng. Nó góp tiếng nói hòa chung cùng các nghệ sỹ tên tuổi từng tham gia bày tranh của mình ở nhiều nước trên thế giới.
                Sẽ là khiếm khuyết nếu không đề cập đôi điều về nhân thân của nhóm tác giả nghệ sỹ điêu khắc: Thái Bùi công dân Hoa Kỳ, sinh 1961, ông người Hà Nội chính gốc, phố Hàng Chiếu. Ngoài 20 tuổi  sang Mỹ theo học trường cao học nghệ thuật tại đại học mỹ thuật Hoa Kỳ, sau tốt nghiệp ông làm việc trong ngành nghệ thuật, nhập quốc tịch Hoa Kỳ, lấy vợ người Mỹ da trắng cùng đồng nghiệp, hiện có 1 con gái đã tốt nghiệp đại học. Từng tham gia triển lãm tranh tượng nhiều nước trên thế giới, đặc biệt cá nhân ông có tượng hoành tráng trang trí cho công trình cầu tại Hoa Kỳ. Cả một quốc gia giàu có văn minh đầy người tài năng trong mọi lĩnh vực vào bậc nhất thế giới, bản thân được chọn tác phẩm trương lên lâu dài, đứng sừng sững bền vững giữa đất trời kỳ vĩ, thật là phần thưởng cao quý không gì bằng, như thế đáng tự hào lắm lắm chứ! quốc gia văn minh, dân chủ trả công xứng với tầm của ông. Được vậy tôi tin chắc ông không phải đi cửa trước, bước cửa sau, chạy chọt, mua bán trả giá như ở ta với lại nền văn minh Hoa Kỳ không dung nạp những cử chỉ, hành động thiếu văn hóa. Nay về Việt Nam kết hợp với nhóm nghệ sỹ có cùng xu hướng nghệ thuật, ý hợp tâm đầu mở cuộc triển lãm sắp đặt tại làng quê nghèo cũng là việc làm lạ hiếm có. Đại bộ phận người ta thường chọn  những thành phố sang trọng, nơi đô hội sầm uất để mở triển lãm, hoặc tổ chức các trò vui, đằng này các ông làm ngược lại.
                 Đỗ Quốc Vỵ sinh 1953 tại Hải Dương, ông tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc năm 1984, trường đại học mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Tu nghiệp và triển lãm 2 lần tại Hoa Kỳ. Hiện đang là giảng viên trường đại học mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, khoa điêu khắc. Ông có nhiều  tác phẩm điêu khắc ngoài trời ( ví dụ tác phẩm ở vườn tượng quốc tế  đền Hùng Vương Phú Thọ, Tượng vườn quốc tế  Núi Sam Châu Đốc. Tuợng vườn quốc tế Hòn Dấu Hải Phòng…)  Ông tham gia nhiều cuộc trển lãm trong và ngoài nước, đặc biệt được mời triển lãm, làm tranh hoành tráng bằng gốm tại Santiago - Cuba năm 2010, người duy nhất được tham dự triển lãm nghệ thuật sắp đặt quốc tế taị Hàn Quốc năm 2011.
               Cùng tham gia nhóm triển lãm lần này, còn có họa sỹ Trần Duy Hưng, người ở Cậy, với cả gia đình nghệ nhân nghề gốm Vũ Xuân Năm, trong tình cảm thân ái yêu thương hết lòng vì nghệ thuật. Cũng là dịp các nghệ nhân, nghệ sỹ trao dồi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, công chúng gần xa chốn thôn dã thưa vắng tận hưởng môn nghệ thuật sắp đặt kỳ lạ có một không hai.

                                                                                N ĐT









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét