Phạm Kỳ Đăng
Người trí thức lên tiếng, phản tỉnh và dấn thân? Điều ấy thuộc về cuộc sống thường hằng như mưa nguồn chớp biển. Xã hội nhân quần chỉ sôi nổi bàn rộ khi trí thức vắng hẳn tiếng nói trong xã hội nan nguy ầm ầm lao như một cỗ xe tuột dốc không phanh, không cơ chế số lùi trong thiết kế.
Tôi thuộc diện không mấy thiết tha với biệt nhãn nhìn họ ở vị trí được nâng cao hơn tầm xứng đáng với họ. Trí thức khai sáng văn minh, cũng từng xây dựng học thuyết bao biện cho độc tài và những thể chế tàn bạo, từng truy nã tận diệt tư tưởng đối kháng và, ghê rợn nhất, từng có những phát minh công xưởng hoá, dây chuyền hoá sự giết người hàng loạt.
Nếu tôi không lầm, trí thức – nâng tầm văn hoá và cả tận diệt nhân văn – bao gồm rất nhiều giới, hay nói đúng hơn rất nhiều giới làm nên trí thức. Ở nước Nga của Tolstoi và Dostojevski vĩ đại cùng cự tuyệt bạo lực chuyên chính, chính Lênin là một trong những lãnh tụ đầu tiên đòi hỏi cải tạo và xây dựng giới trí thức thành một giới chuyên dụng sau này cho nhà nước, đương nhiên coi trí thức là công cụ – như một hệ quả logic của tham vọng cấy trồng người tương lai. Để rèn giũa người, mọi phương tiện giao dịch đều được huy động hết công suất liên thanh “nổ” khẩu hiệu và giáo điều. Người đứng máy nổ đó, là trí thức, còn ai vào đấy nữa. Như vậy, cùng với thảm hoạ đốt sách hoặc thuần hoá trí thức bằng trại tập trung hay trại cải tạo, đã từng xảy ra vụ thông đồng hủ lậu kéo dài nhiều thập kỷ giữa người cầm quyền và trí thức. Lãnh tụ ban đầu, e dè và khinh thị, còn coi trí thức bằng hoặc không bằng cục phân. Sau này lãnh tụ của nhà nước Angkar còn không cần phân nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét