Phan Thành Đạt
Kỳ 2. Các khuyết điểm của Hiến pháp năm 1946 và các bản Hiến pháp tiến bộ
Từ
Bản thỉnh nguyện của nhân dân An Nam đến Hiến pháp năm 1946, những
người Việt Nam ưu tú đã biết áp dụng những thành tựu trong lĩnh vực luật
pháp do con người đúc kết từ hơn 4000 năm nay.
Đất
nước đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Việt Nam đến nay vẫn là
chú bé tí hon, ngơ ngác bên cạnh những người khổng lồ trong lĩnh vực
luật pháp. Giấc mơ Phù Đổng sẽ khó thành hiện thực, nếu chú bé Việt Nam
không biết đứng trên vai những người khổng lồ mà đi. Việt Nam chưa cần
có những sáng tạo và chưa đủ khả năng sáng tạo ra những điều lớn lao về
luật pháp. Việt Nam chỉ cần áp dụng những thành tựu về luật pháp mà nhân
loại tiến bộ đã nghĩ ra và đã qua trải nghiệm từ mấy nghìn năm. Hiến
pháp năm 1946 được coi là dân chủ và tiến bộ bởi vì hai điều kiện cơ bản
của một bản Hiến pháp văn minh, theo điều 16 của Bản tuyên ngôn nhân
quyền và dân quyền năm 1789 đã được tuân thủ: Bảo vệ quyền con người và
tôn trọng nguyên tắc tam quyền phân lập. Một bản Hiến pháp không ghi
nhận, hoặc phủ định hai nguyên tắc này, mới là bản Hiến pháp có khuyết
điểm lớn nhất. Chúng ta sẽ quá nghiêm khắc khi cho rằng Hiến pháp năm
1946 có những khuyết điểm nghiêm trọng. Tuy nhiên, Bản Hiến Pháp này có
những thiếu sót cần phải khắc phục. Khi xem xét các bản Hiến pháp tiến
bộ nhất hiện nay, chúng ta sẽ thấy rằng bản Hiến pháp nào cũng có những
khuyết điểm.
A. Những khuyết điểm của Hiến pháp năm 1946
Hiến
pháp năm 1946 dành nhiều quyền hạn cho ban thường vụ Quốc hội. Ban
thường vụ có thể thay mặt Quốc hội, kết hợp với Chính phủ thực thi và
đưa ra các quyết định quan trọng như tuyên bố chiến tranh hay đình
chiến. Điều này hoàn toàn sai về nguyên tắc, vì khi Quốc hội không họp,
không có bất cứ tổ chức hay cơ quan nào có quyền quyết định thay cho
Quốc hội. Trừ khi nhân dân có thể quyết định thay, thông qua quyền phúc
quyết được Hiến pháp công nhận. Quốc hội là cơ quan dân biểu, nên mọi
quyết định lớn nhỏ thuộc thầm quyền, phải được các đại biểu thảo luận và
bàn bạc. Các đại biểu phải có mặt đông đủ, nếu số lượng vắng mặt quá
mức quy định, mọi dự thảo luật được thông qua đều không có giá trị.
Trong những trường hợp khẩn cấp, như nguy cơ chiến tranh, thiên tai định
họa, hoặc cần phải đưa ra những quyết định quan trọng thông qua các đạo
luật. Quốc hội cần được triệu tập khẩn cấp nếu không phải giai đoạn họp
theo định kỳ.
Vấn đề kiêm nhiệm của các đại
biểu Quốc hội cũng không được nêu cụ thể, Hiến pháp chỉ quy định các đại
biểu là thành viên Chính phủ, sẽ không giữ vai trò nghị sĩ trong Quốc
hội. Còn các đại biểu đồng thời là các cán bộ viên chức ở các cơ quan
hành chính khác vẫn được phép kiêm nhiệm nhiều chức vụ. Do đó tính
chuyên nghiệp của Quốc hội và hiệu quả công việc của các đại biểu sẽ
không cao.
Vai trò của Phó chủ tịch nước được
Hiến pháp quy định không rõ ràng. Mối liên hệ giữa Chủ tịch nước và Thủ
tướng Chính phủ không được quy định cụ thể. Nhiệm kì của các đại biểu
Quốc hội chỉ có 3 năm, trong khi nhiệm kì của Chủ tịch nước là 5 năm,
như vậy nhiệm kì của Quốc hội và Chủ tịch nước được Hiến pháp quy định
hoàn toàn không hợp lý. Cách sắp xếp tốt nhất là nên thống nhất nhiệm kì
5 năm của Quốc hội và Chủ tịch nước. Như vậy mỗi khóa mới, các nghị sĩ
sẽ bầu ra Chủ tịch nước thay vì phải hợp tác với người đứng đầu cơ quan
hành pháp được bầu ra từ khóa trước. Nhờ đó hợp tác giữa hai cơ quan
hành pháp và lập pháp sẽ tốt hơn để hoàn thành những kế hoạch được đề
ra. Chủ tịch nước và Chính phủ sẽ phải chịu sức ép nhiều hơn từ phía
Quốc hội, điều này buộc cơ quan hành pháp không sao nhãng công việc của
mình.
Hiến pháp năm 1946 không bàn đến việc
thành lập Tòa bảo hiến, vai trò và cách thức hoạt động của Tòa án đặc
biệt này, cũng không hề nêu ra cơ chế kiểm soát các đạo luật vi hiến. Vì
vậy, các đạo luật sai trái do Quốc hội thông qua (điều này hoàn toàn có
thể diễn ra thường xuyên trong thực tế), được Chính phủ thi hành, thông
qua các nghị định áp dụng luật. Nếu luật đã sai vì vi hiến, nghị định
áp dụng cho dù đúng luật đó, cũng sai theo. Cả luật và nghị định đều sai
cùng tồn tại, mà không có một cơ chế nào để hạn chế những vi phạm này.
Đây là thiếu sót lớn nhất của Hiến pháp năm 1946 và cũng là thiếu sót
của các bản Hiến pháp của nước Pháp trước năm 1958. Cơ chế bảo hiến hoàn
toàn không được coi trọng trong vòng nhiều thập kỳ ở Pháp và khuyết
điểm này lại được lặp lại trong Hiến pháp 1946. Điều này hoàn toàn có
thể hiểu được vì tính thượng tôn của luật pháp (la nomophonie) được các
nhà tư tưởng như Sieyès, RobesPierre, Saint Jus khai thác triệt để. Luật
pháp là cách biểu đạt chung, thể hiện tinh thần và nguyện vọng của nhân
dân (la loi est l’expression de la volonté générale). Do đó các đạo
luật được ban ra không thể sai được, thiết lập một cơ chế bảo hiến để
xem xét và kiểm soát các đạo luật là không cần thiết. Vì điều này sẽ ảnh
hưởng tiêu cực đến tinh thần và nguyện vọng chung. Cái nhìn chủ quan và
duy ý chí đã tạo ra lỗ hổng luật pháp trong nhiều năm liền. Hiến pháp
năm 1958 của Pháp đã khắc phục được điểm yếu này, khi vai trò của Hội
đồng bảo hiến được quy định cụ thể. Việt Nam cũng không có cơ hội để sửa
đổi và bổ sung khuyết điểm này của Hiến pháp năm 1946 do chiến tranh
liên miên và bối cảnh lịch sử có nhiều biến động. Vì vậy Hiến pháp 1946
được ban ra, nhưng không được sửa đổi và bổ sung cho hoàn thiện như các
bản Hiến pháp tiến bộ khác của Mỹ, Đức, Tây Ban Nha… Các bản Hiến pháp
tiếp theo của Việt Nam, gồm cả Hiến pháp năm 1992 đều mắc khuyết điểm
này. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn trong việc xây dựng Nhà nước pháp
quyền và bảo vệ các giá trị đích thực được Hiến pháp ghi nhận.
Nước
Mỹ đã có cơ chế bảo hiến từ rất sớm. Tòa án tối cao Mỹ, trong một phán
quyết mang tính lịch sử Marbury v. Madison năm 1803, đã khẳng định và đề
cao vai trò bảo hiến, nhiệm vụ này được Tòa án tối cao Mỹ và tòa án các
bang thực hiện nghiêm chỉnh từ hơn hai thế kỷ nay. Ở Châu Âu, Tòa bảo
hiến xuất hiện lần đầu tiên năm 1920 tại Áo, do nhà luật học Hans Kelsen
sáng lập, sau đó nhiều nước đã áp dụng theo mô hình này. Không phải
riêng gì các bản Hiến pháp của chú bé tí hon Việt Nam mới có khuyết
điểm, các bản Hiến pháp của những người khổng lồ về luật pháp cũng có
sai sót.
B. Những khuyết điểm của các bản Hiến pháp tiến bộ
1. Hiến pháp Mỹ và quyền được mang vũ khí
Hiến
pháp Mỹ là văn bản luật có sức sống lâu bền và là một trong những bản
Hiến pháp nổi tiếng và có ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới. Đây là một
văn bản ngắn gọn và có sức khái quát cao. Một câu hay một ý có thể diễn
đạt được nhiều điều. Tòa án tối cao Mỹ là cơ quan quan trọng nhất để
biểu đạt các nguyên tắc được Hiến pháp ghi nhận và có nhiệm vụ bảo vệ
các giá trị của Hiến pháp Mỹ. Bằng nhiều quyết định quan trọng của mình,
Tòa án tối cao Mỹ đã góp phần đưa Hiến pháp vào đời sống hàng ngày nhằm
bảo vệ các quyền công dân được Hiến pháp công nhận, nhằm loại bỏ các
đạo luật vi hiến, và điều ý nghĩa hơn cả là giúp công dân hiểu Hiến pháp
và pháp luật để xây dựng Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân, vì dân
(Abraham Lincoln). Một bản Hiến pháp tiến bộ mà không có cơ chế bảo hiến
thì bản Hiến pháp đó sẽ không phát huy tác dụng, nói theo cách của các
nhà luật học Pháp, đó là bản Hiến pháp chết yểu (une Constitution
morte-née). Tòa án tối cao Mỹ trong một phán quyết mang tên Texas v.
Johnson năm 1989 nhằm bảo vệ tự do ngôn luận, quyền này được lần sửa đổi
thứ nhất Hiến pháp Mỹ công nhận. Tòa án tối cao đã tuyên bố: «Đốt cờ Mỹ
khi tham gia biểu tình là một cách biểu đạt tự do ngôn luận, được điều
sửa đổi thứ nhất bảo vệ». Bang Texas không có quyền trừng phạt người
biểu tình, quyền tự do ngôn luận ghi trong Hiến pháp có giá trị cao hơn
luật lệ của các bang. Năm 1990, Tòa án tối cao Mỹ đã loại bỏ một đạo
luật hạn chế biểu tình, vì vi phạm Hiến pháp. Tòa án tối cao Mỹ luôn nỗ
lực bảo vệ Hiến pháp, tuy nhiên phải chăng mọi điều ghi trong đó luôn
đúng. Ở đây, chúng ta sẽ bàn đến quyền được sử dụng vũ khí của công dân
Mỹ.
Điều sửa đổi thứ 2 là 1 trong số 12 điều
được Đại hội (gồm Thượng viện và Hạ viện nhóm họp) đề nghị bổ sung vào
Hiến pháp Mỹ, ngày 25 tháng 9 năm 1789. 10 điều sửa đổi đã được Đại hội
phê chuẩn, 10 điều này ghi nhận các quyền cơ bản của công dân. Điều sửa
đổi thứ 2 bảo vệ quyền sử dụng vũ khí của người Mỹ: «Lực lượng cảnh sát
được tổ chức chặt chẽ là yếu tố cần thiết để đảm bảo an ninh trong một
đất nước tự do, nhân dân có quyền sử dụng vũ khí, và mang theo vũ khí.
Quyền này được Hiến pháp bảo vệ», (điều sửa đổi thứ 2, Hiến pháp Mỹ,
ngày 17 tháng 9 năm 1787).
Quyền được trang bị
và sử dụng vũ khí gây nhiều tranh cãi, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Khi mà trong vòng chưa đầy một tháng, đã có 3 vụ xả súng bắn vào đồng
loại, tình trạng mất an toàn và tâm lý lo sợ của người dân Mỹ, khiến
nhiều người Mỹ trang bị vũ khí để phòng thân, vì thế các cửa hàng bán vũ
khí đang làm ăn phát tài. Thực tế là nước Mỹ cho dù đã có những cơ chế
quy định việc mua bán vũ khí của công dân, vẫn không kiểm soát nổi việc
sử dụng vũ khí và thị trường buôn bán mặt hàng này. Những vụ xả súng vào
đồng loại vì thế chưa thể chấm dứt và có chiều hướng ngày càng phức
tạp, điều nguy hại là, hiện tượng này đã lan sang Châu Âu, qua các vụ xả
súng bắn vào đồng loại ở Na Uy và Pháp. Đạo diễn Machael Moore đã chua
chát nhận xét: «Những người Mỹ là những kẻ giết người có năng khiếu».
Quyền sử dụng vũ khí được Hiến pháp Mỹ thừa nhận là con dao hai lưỡi.
Quyền này cho phép công dân Mỹ sử dụng súng khi cần thiết nhất là trong
tình huống phòng vệ hợp pháp khi bị tấn công, khi mạng sống bị đe dọa.
Cũng cần hiểu rõ thêm về điều sửa đổi thứ 2 trong Hiến pháp. Điều này
được thông qua năm 1789, vào thời điểm mà xã hội Mỹ đang được tổ chức,
tình trạng thiếu an toàn diễn ra phổ biến ở các thành phố mới do những
nhóm người di cư đến. Nhiều nơi họ tự bầu ra các nhóm tự quản trang bị
vũ khí để bảo vệ người và tài sản. Hơn nữa, dùng súng phục vụ cho các
hoạt động săn bắn đã trở thành truyền thống của nhiều thế hệ người Mỹ.
Quyền sử dụng súng được Hiến pháp thừa nhận dựa trên các điều kiện đó.
Hơn hai thế kỷ đã trôi qua, xã hội Mỹ đã được tổ chức chặt chẽ. Hoàn
cảnh đã có nhiều thay đổi, các tác động tiêu cực của các bộ phim hành
động và các trò chơi game bạo lực khiến xã hội Mỹ thêm phức tạp. Nếu vẫn
giữ nguyên điều này trong Hiến pháp, sẽ gây thêm nhiều bất ổn. Các đạo
luật ngăn cấm và hạn chế tối đa việc sử dụng súng có thể bị coi là vi
hiến, và không áp dụng được. Quyền sử dụng súng để bảo vệ mạng sống của
mình và gia đình, chống lại cái ác là hợp pháp, nhưng quyền này cũng tạo
ra các tiêu cực, và quyền được sống của nhiều người vô tội đã bị tước
đoạt.
Tất cả các bản Hiến pháp tiến bộ của các
nước Châu Âu đều không đả động gì về quyền được sử dụng vũ khí của công
dân, duy nhất Hiến pháp Mỹ ghi nhận công khai quyền này. Cả nước Mỹ đang
đau đầu về tình trạng sử dụng vũ khí tràn lan, có lẽ liều thuốc hữu
hiệu là loại bỏ hoàn toàn điều này khỏi Hiến pháp Mỹ, để tạo điều kiện
cho các đạo luật siết chặt việc sử dụng vũ khí và tiến tới cấm hẳn các
hoạt động buôn bán vũ khí và sử dụng vũ khí, và Nhà nước nên thu mua các
loại vũ khí của dân, có lẽ như vậy lợi sẽ nhiều hơn hại.
Để
loại bỏ điều sửa đổi thứ 2 khỏi Hiến pháp Mỹ, điều cơ bản là cần có
tiếng nói ủng hộ của các nghệ sỹ, các chính khách và các tổ chức xã hội,
cuộc vận động bãi bỏ điều sửa đổi thứ hai có thể kéo dài nhiều năm. Vì
điều này đã tồn tại được 223 năm và ăn sâu vào tiềm thức của nhiều
người. Có nhiều người Mỹ muốn Nghị viện loại bỏ điều này khỏi Hiến pháp,
nhưng cũng có không ít người muốn quyền được sử dụng vũ khí tiếp tục
hiện diện trong Hiến pháp Mỹ (chính Tổng thống Obama cũng không bàn gì
về điều này trong trương trình tranh cử nhiệm kỳ 2 của mình). Nhưng điều
cơ bản nhất là an ninh phải được đảm bảo bằng các biện pháp hữu hiệu
khác, chứ không nhất thiết phải sử dụng vũ khí, vì đây là nguồn gốc của
các vụ bắn giết tràn lan, khiến người Mỹ luôn sống trong trạng thái căng
thẳng và lo sợ. Loại bỏ điều này ra khỏi Hiến pháp cũng không kém phần
khó khăn, giống như sự nghiệp đấu tranh đòi các quyền bình đẳng của
người da den và da màu trên đất Mỹ của mục sư Martin Luther King. Nhưng
khi xã hội Mỹ bị đánh động và thuyết phục thì điều này sẽ sớm được bãi
bỏ.
Nếu chúng ta phân tích kỹ hơn bản Hiến pháp
già cỗi này (cách gọi của giáo sư Mélin-Soucramanien), chúng ta sẽ nhận
thấy Hiến pháp Mỹ có một số chi tiết mang tính tôn giáo như việc Tổng
thống Mỹ, trong lễ nhận chức, chạm tay vào kinh thánh và tuyên thệ trung
thành với các giá trị của Hiến pháp quy định, đồng thời luôn luôn bảo
vệ các giá trị đó. Chi tiết này dập khuôn theo lễ phong danh hiệu hiệp
sĩ thời Trung cổ ở Châu Âu. Một nghi lễ tôn giáo được chuyển thành nghi
lễ mang tính chính trị sẽ không phù hợp trong một số hoàn cảnh cụ thể.
Nghi lễ này sẽ mang tính giáo điều, không hợp với quyền tự do ngôn luận
và tự do tín ngưỡng được chính Hiến pháp Mỹ bảo vệ. Chúng ta hãy lấy ví
dụ, Tổng thống Mỹ trong tương lai có thể không phải là người theo công
giáo mà là tín đồ nhiệt thành của một tôn giáo khác như đạo Phật, đạo Bà
la môn, hay đạo Hồi, hoặc theo một giáo phái nào đó. Nghi lễ này sẽ trở
thành giáo điều, khiến ta liên tưởng đến các vị vua của Pháp thời Trung
cổ, vua phải là tín đồ công giáo, được giáo hội thừa nhận bằng nghi lễ
phong vương (vua Henry IV là người theo đạo Tin lành, ông buộc phải thay
đổi tôn giáo để trở thành vua hợp pháp).
Quyền
sử dụng súng, có thể là ý tưởng từ những quy định trong bộ luật hiệp sĩ
(le code chevaleresque). Theo đó, hiệp sĩ là người được mang vũ khí, để
bảo vệ niềm tin tôn giáo, và che chở những người yếu đuối. Người có vũ
khí không được tấn công phụ nữ, người già và trẻ em, không được phá hủy
mùa màng của nông dân… Nếu vi phạm sẽ bị tước danh hiệu hiệp sĩ và bị
rút phép thông công. Hai hình thức trừng phạt nặng nề. Quyền được mang
vũ khí của người hiệp sĩ để bảo vệ người yếu đuối và chiến đấu vì công
bằng xã hội được các nhà lập hiến Mỹ học theo và ghi nhận là quyền tự do
được Hiến pháp công nhận, điều này rất không ổn.
Các
giá trị tự do của Mỹ ở một số khía cạnh đã đi quá xa, nhưng ở một số
khía cạnh khác lại siết chặt. Ví dụ tự do đi lại đã bị siết chặt bằng
các hình thức kiểm tra khắt khe kể từ vụ khủng bố ngày 11tháng 9 năm
2001.
Người Pháp tỏ ra thận trọng hơn khi công
bố các quyền tự do. Điều 4, Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm
1789 ghi rõ: «Tự do là làm tất cả những gì không hại đến người khác, đó
là các quyền tự nhiên của con người, thực hiện các quyền tự do ở mỗi
người cũng cần có giới hạn, giới hạn ấy nhằm đảo bảo cho các thành viên
khác trong xã hội cũng được hưởng các quyền tự do tương tự. Các giới hạn
của tự do cần được quy định bằng các đạo luật». Cho dù các nhà soạn
thảo Bản tuyên ngôn của Pháp rất tài năng và các nhà lập hiến pháp sau
này có kế thừa các giá trị vĩnh cửu của Bản tuyên ngôn năm 1789, nhưng
các bản Hiến pháp được họ viết ra, vẫn bộc lộ nhiều thiếu sót.
2. Hiến pháp Pháp năm 1958, tấm áo vá víu các quyền tự do dân chủ
Hiến
pháp Pháp ngày 04 tháng 10 năm 1958 được các nhà lập hiến biên soạn
trong một khoảng thời gian ngắn (3 tháng). Hiến pháp được 86 % dân số
Pháp tán thành thông qua hình thức trưng cầu dân ý. Bản Hiến pháp được
biên soạn theo sáng kiến của tướng De Gaulle với mục đích ban nhiều
quyền cho cơ quan hành pháp, để cơ quan này giải quyết tốt hơn cuộc
khủng hoảng chính trị tại thuộc địa Algérie. Hiến pháp năm 1958 thiết
lập nền cộng hòa đệ ngũ. Hiến pháp cũng chú trọng đến sự cân bằng giữa
các nhánh quyền lực nhằm tạo sự ổn định về chính trị. Tuy nhiên bản Hiến
pháp này bộc lộ nhiều khuyết điểm.
Hiến pháp
năm 1958 không nêu rõ các quyền cơ bản của công dân, Đây là thiếu sót
rất lớn của bản Hiến pháp này, so với 14 bản Hiến pháp trước đó. Ngoại
trừ điều 66 quy định thẩm quyền của cơ quan tư pháp phụ trách về luật
tư: «Không ai có thể bị giam giữ theo kiểu không minh bạch mà không biết
rõ tội trạng, quan tòa phụ trách về luật tư là người bảo vệ duy nhất
các quyền tự do cơ bản của công dân. Các đạo luật phải luôn tuân thủ
nguyên tắc này». Điều này nhằm đảm bảo các quyền cơ bản của công dân
chống lại sự lạm quyền của Nhà nước. Vì ở Pháp, luật công và luật tư là
hai nhánh tách biệt, quan tòa phụ trách về luật công có vai trò và nhiệm
vụ khác với các quan tòa luật tư. Nếu giao việc bảo vệ các quyền cơ bản
nhất của công dân cho các quan tòa luật công, khi mà họ ðều là công
chức nhà nýớc, mỗi khi Nhà nýớc vi phạm các quyền công dân, các nhà lập
hiến sợ rằng các quan tòa luật công sẽ phán xét theo hướng bất lợi cho
công dân và có lợi cho Nhà nước. Điều 66 thể hiện tinh thần dân chủ của
Hiến pháp năm 1958, tuy vậy điều này lại trừu tượng và không nêu các
quyền cơ bản của công dân là những quyền nào. Toàn bộ nội dung của Hiến
pháp năm 1958 cũng ít đề cập về các quyền công dân, mà thiên về cách
thức tổ chức của các cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp và quy định
các thẩm quyền riêng biệt của 3 nhánh quyền lực này. Một bản Hiến pháp
ít chú ý đến quyền con người là bản Hiến pháp lạc hậu, và bản Hiến pháp
biên soạn theo ý tưởng của De Gaulle đã bộc lộ yếu kém đó. Hội đồng bảo
hiến bằng một quyết định lịch sử năm 1971 đã khắc phục thiếu sót này.
Quyết định có tên tự do lập hội (la liberté d’association). Quyết định
này ghi nhận Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789 và lời tựa
của Hiến pháp năm 1946 là hai văn bản bổ sung cho Hiến pháp năm 1958 và
có giá trị như Hiến pháp. Nhà luật học Louis Favoreu, trưởng khoa luật
Aix en Provence gọi hai văn bản thêm vào này là những nguyên tắc mang
giá trị hiến pháp (le bloc de constitutionnalité). Nhờ quyết định này,
Hiến pháp năm 1958 trở nên đầy đủ hơn, các quyền cơ bản của con người
được thừa nhận và bảo vệ từ năm 1789 và ghi nhận thêm năm 1946, tiếp tục
được Hiến pháp kế thừa. Quyết định này cũng nâng cao vai trò của Hội
đồng bảo hiến, đó là bảo vệ quyền con người được Hiến pháp ghi nhận. So
với Hiến pháp Đức, Tây Ban Nha, Ý. Hiến pháp Pháp năm 1958 sơ sài và có
nhiều thiếu sót, nhưng nhờ những cố gắng không mệt mỏi của Hội đồng bảo
hiến, bản Hiến pháp này được bổ sung và trở nên tiến bộ hơn, đóng góp
lớn vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền (3) Tuy vậy Hiến pháp năm
1958 và các văn bản bổ sung vẫn không nêu rõ một số quyền cụ thể, như
quyền được sống. Các quyết định của Hội đồng hiến pháp thừa nhận quyền
này, nhưng các lập luận và phân tích của các quan tòa hiến pháp không có
sức thuyết phục. Một ủy ban do cựu Thủ tướng Lionnel Jospin đứng đầu
đang nhóm họp và có thể sẽ đưa ra các sáng kiến quan trọng nhằm cải cách
hành chính và sửa đổi Hiến pháp để ghi nhận rõ ràng hơn các quyền cơ
bản của công dân.
Ngoài ra, điều 16 Hiến pháp
năm 1958 cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ đe dọa đến các giá trị tự do dân chủ
của nước Pháp. Nội dung điều này quy định, một khi đất nước lâm vào
tình thế hiểm nguy như chiến tranh, đe dọa khủng bố, thiên tai… Tổng
thống có toàn quyền lập pháp và hành pháp để đề nghị và thực thi các
quyết định quan trọng nhằm bảo vệ đất nước. Trước khi ra quyết định,
Tổng thống cần hỏi ý kiến chủ tịch hai viện và các quan tòa của Hội đồng
hiến pháp. Quốc hội sẽ họp thường trực và không thể bị giải tán trong
hoàn cảnh này. Điều 16 được áp dụng trong bối cảnh đặc biệt này đã vi
phạm nguyên tắc tam quyền phân lập. Bản Hiến pháp dân chủ nhưng lại ghi
nhận một nguyên tắc của Nhà nước độc tài, các nhà lập hiến ban ra điều
này, giúp Tổng thống có toàn quyền đưa ra các quyết định nhanh chóng để
bảo vệ đất nước trong hoàn cảnh khó khăn, nhằm tránh những thất bại
trước đây, như khi Pháp thua Phổ năm 1870, Tổng thống Napoléon III, cháu
của Napoléon I, phải chạy sang Anh. Hay cuộc tháo chạy của quân đội
Pháp năm 1940, sau khi phòng tuyến Maginot bị quân của Hitler phá vỡ.
Tổng thống François Mitterrand muốn xóa bỏ điều này khỏi Hiến pháp,
nhưng sau nhiều cuộc thảo luận, điều này vẫn được giữ lại. Cho dù điều
này đã được sửa đổi, các quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp của Tổng
thống bị giám sát kĩ hơn, nguy cơ thiết lập một chế độ độc tài ít có khả
năng diễn ra tại Pháp, tuy nhiên, giao cho Tổng thống quá nhiều quyền
hành trong hoàn cảnh đặc biệt, luôn khiến các nhà luật học lo ngại, vì
các quyền con người sẽ bị xem nhẹ khi áp dụng điều 16, hơn nữa, cách
hành xử độc đoán khi áp dụng điều này hoàn toàn có khả năng diễn ra.
Các
bản Hiến pháp tiến bộ khác của các nước phương Tây, ít nhiều đều có
thiếu sót. Tuy nhiên, những khuyết điểm đều có thể khắc phục được bằng
cách sửa chữa và bổ sung thêm các giá trị nhằm bảo vệ quyền con người,
xây dựng nền dân chủ và Nhà nước pháp quyền tiến bộ. Hiến pháp Bỉ có
thiếu sót khi muốn thiết lập Nhà nước liên bang, tuy nhiên các điều kiện
để xây dựng mô hình liên bang chưa được chuẩn bị kĩ, cách thức phân bố
quyền lực giữa hội đồng vùng và cộng đồng không hợp lí, những lợi ích
của hai cộng đồng Flandre và Wallonnie không được giải quyết khéo léo…
Tất cả những thiếu sót này đã dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị ở Bỉ
trong nhiều tháng. Các bản Hiến pháp Đức, Ý, Tây Ban Nha tương đối hoàn
chỉnh, tất cả những giá trị cơ bản nhất như bảo vệ quyền con người, xây
dựng Nhà nước pháp quyền của dân do dân và vì dân, các nguyên tắc đảm
bảo và duy trì nền dân chủ như tôn trọng tam quyền phân lập, đề cao vai
trò của tòa bảo hiến… đều được Hiến pháp công nhận và được Nhà nước
nghiêm túc thực hiện. Trong tất cả các bản Hiến pháp phương Tây, Hiến
pháp Đức tiêu biểu hơn cả và là văn bản xứng đáng để Việt Nam tham khảo
và học tập.
Hiến pháp năm 1946 là văn bản được
ban ra cho quốc dân đồng bào trong hoàn cảnh đặc biệt. Đó là thời kỳ mới
giành độc lập, ảnh hưởng của các cường quốc Liên Xô và Trung Quốc chưa
sâu đậm trong đời sống văn hóa, chính trị của Việt Nam. Điều đáng quý
nhất ở bản Hiến pháp này là tiếp thu được những nguyên tắc cơ bản của
nền dân chủ phương Tây, đồng thời đề cao tinh thần đoàn kết dân tộc, và
phát huy tiềm lực của người Việt Nam nhằm kiến thiết đất nước văn minh,
giàu mạnh. Chính vì vậy mà bản Hiến pháp này có sức sống lâu bền với
thời gian vì những khát vọng của các nhà soạn thảo Hiến pháp năm 1946
cũng chính là ước mơ của mỗi người Việt Nam từ bao đời nay.
Trở
lại với Hiến pháp năm 1946, không phải là người Việt Nam hôm nay chép
lại toàn bộ từng câu từng chữ của bản Hiến pháp, mà là trở lại với tinh
thần dân chủ, nhân bản và tiến bộ đó. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 1946 cũng
có một số khuyết điểm cần phải chỉnh sửa và cần bổ sung thêm một số
nguyên tắc, bởi vì từ khi văn bản quan trọng này được ban hành, Việt Nam
không có cơ hội để sửa đổi và bổ sung thêm các giá trị được các nước
phương Tây sáng tạo nhằm xây dựng chế độ nghị viện tiên tiến. Hơn nữa
tinh thần của Hiến pháp năm 1946 chưa được tiếp thu và phát huy một cách
sáng tạo, bài bản ở các bản Hiến pháp sau này. Hiến pháp năm 1946 là
văn bản luật tiến bộ song chưa hoàn chỉnh. Để bổ sung thêm các nguyên
tắc mà các nước phương tây đã sáng tạo và hoàn thiện thêm cho thể chế
nghị viện, người viết bài này xin đưa ra một số gợi ý nhằm lấp những
khoảng trống mà Hiến pháp chưa đề cập đến.
(Còn tiếp)
P.T.Đ.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét