Bài đăng phổ biến

Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

DIỆT THAM NHŨNG KHÔNG DỄ, NHƯNG PHẢI LÀM

05/02/2015

Diệt tham nhũng không dễ, nhưng phải làm

Nguyễn Duy Vinh
Trong quá trình trao đổi ý kiến sau bài viết [1], tôi đã nhận được một số điện thư hồi âm và một số phản biện trên mạng. Đặc biệt có bài của ông Nguyễn Đình Cống [2].
Trước hết tôi xin nói ngay là tôi rất hoan nghênh và trân trọng đóng góp của ông Nguyễn Đình Cống cũng như những đóng góp của một số bạn bè qua điện thư. Đa số những phản biện đều đưa đến một kết luận tương tự như kết luận của ông Cống mà tôi chép lại dưới đây:

… Nguyên nhân gốc của nhiều tệ nạn ở Việt Nam hiện nay là sự kết hợp, sự cộng hưởng giữa một số tính xấu của người Việt và những phần độc hại của Chủ nghĩa Mác Lênin …
Và ông viết thêm:
… Tính xấu đó, cái NHÂN đó gặp được cái DUYÊN là những phần độc hại trong Chủ nghĩa Mác thì phát triển nhanh chóng và rộng rãi. Tính xấu đó là từ trong phần yếu kém của nền văn hóa dân tộc. Những yếu tố độc hại của Chủ nghĩa Mác gặp được sự yếu kém này càng phát huy tác hại mạnh mẽ…
Ông Cống đã đánh giá những yếu tố độc hại của chủ nghĩa Mác Lê là (i) đấu tranh giai cấp, (ii) chuyên chính vô sản, (iii) công hữu hóa, (iv) tập thể hóa tư liệu sản xuất và (v) tuyên truyền sự tốt đẹp của CNCS. Mặc dù ông Cống đã cố gắng khai triển thêm để đi sâu vào từng chi tiết của mỗi yếu tố độc hại nhưng theo tôi việc diễn giải đó vẫn chưa nói lên được sự liên hệ mật thiết của mỗi yếu tố độc hại với tính xấu của người Việt tuy tôi cũng mường tượng được chút nào sự liên hệ này. Tỉ dụ tôi có thể nhìn thấy đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản đã đào tạo ra rất nhiều lãnh đạo vừa dốt (vì hồng hơn chuyên) lại vừa tàn bạo (vì phải học những thủ đoạn để tiêu diệt những giai cấp khác) (mời các bạn đọc Những lời trăng trối của Trần Đức Thảo [5] để hiểu rõ hơn về những yếu tố này). Riêng những yếu tố (iii) và (iv) thì theo tôi đã đưa đến sự nắm giữ quyền hành độc đoán trong tay những quan chức nhà nước vừa là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam. Yếu tố thứ (v) đưa đến sự dối trá và xảo quyệt của những nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam.
Và tôi rất đồng tình với ý kiến của ông Cống [2]. Tuy nhiên với tôi, nhân duyên, tức là điều kiện chính và cốt lõi để tham nhũng phát triển vẫn là lòng tham. Ông Cống gọi nó là nhân, là những tính xấu của người Việt. Nếu chúng ta bỏ qua vấn đề khác biệt về cách dùng chữ, lý luận của tôi cũng như lý luận của ông Cống không khác nhau về nội dung. Cả hai lý luận cùng đưa đến một kết luận là cái nhân đó (lòng tham theo tôi hay tính xấu theo ông Cống) mà con người Việt Nam đang mang sẵn trong người, gặp phải sự lãnh đạo và quản lý tồi tệ của nhà nước mà nền móng là chủ thuyết Mác Lê Nin, đã bùng lên dữ dội. Ông Cống dùng chữ “cộng hưởng” rất hay. Khi đã cộng hưởng rồi tức là cả hai yếu tố trong (tính xấu) và ngoài (chủ nghĩa Mác Lê) đó phải có cùng một tầng số để cho biên độ biểu biệt (amplitude of the manifestation) hay biên độ bị kích thích (excited amplitude) tăng lên tới cực điểm. Sự lãnh đạo và quản lý tồi tệ của nhà nước đã mang đến những điều kiện thuận lợi làm tham nhũng phát sinh mà chính ông Cống cũng đã nhận xét qua bài viết của tôi [1] và đó là 9 cái duyên phụ mà tôi đã tóm tắt ở cuối bài và xin chép xuống đây một lần nữa:
1. Pháp luật lỏng lẻo và không được thực thi nghiêm chỉnh,
2. Đảng độc quyền nắm giữ pháp luật,
3. Người có quyền lực thường được bảo vệ,
4. Báo chí không được độc lập và không có tự do,
5. Sư sợ hãi nơi người dân,
6. Tiền viện trợ ODA, FDI và kiều hối đầu tư từ nước ngoài không được quản lý chặt chẽ,
7. Công an tiếp tục trấn áp những người lên tiếng về tham nhũng,
8. Tham nhũng và hối lộ trở thành cách sống của người dân (văn hóa tham
nhũng và văn hóa hối lộ),
9. Tham nhũng lan rộng khắp nơi trong các ban các ngành của nhà nước (nhìn đâu cũng thấy sâu).
Dĩ nhiên là nếu đảng và nhà nước tập trung vào 9 điểm này và tìm cách cải thiện chính sách cai trị của mình, nhà nước sẽ tìm được rất nhiều giải pháp, tỉ dụ như:
1. Pháp luật lỏng lẻo và không được thực thi nghiêm chỉnh:
thì đảng phải sửa đổi pháp luật cho nó được chặt chẽ và thực thi pháp luật nghiêm chỉnh hơn, đem công lý đến khắp nơi. Đem bộ luật hình sự đã có ra để khảo sát và nghiên cứu lại, bổ túc những phần khiếm khuyết cho nó được toàn vẹn và công minh hơn.
2. Đảng độc quyền nắm giữ pháp luật:
Cái này đụng đến điều 4 hiến pháp CHXNCN Việt Nam nên rất khó thay đổi. Điều 4 này có từ hiến pháp 1958 và cho đến nay văn bản năm 2013 vẫn giữ y nguyên, tức là: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”
Điều 4 này đưa Đảng Cộng sản Việt Nam lên trên tất cả những quyền lực tối cao của nhà nước Việt Nam kể cả Quốc hội (xin đọc liên kết [3] và [4]). Muốn Đảng không còn độc quyền thì chỉ còn cách đi đến tam quyền phân lập. Phải có ít nhất một đảng đối lập để giữ cán cân quyền hành và tránh độc quyền độc đoán. Phải có bầu cử tự do. Điều này hiện nay chắc chắn là khát vọng của người dân trong nước. Người dân mong có một chính phủ do dân bầu và một hiến pháp thực sự bảo vệ quyền tự do căn bản của họ.
3. Người có quyền lực thường được bảo vệ:
Cũng tương tự như bình luận trên, vì đảng nắm toàn quyền sinh sát. Lấy điều 4 đi và thay vào đó bằng một tiến trình dân chủ tự khắc người có quyền phải tuân lệnh pháp luật nghiêm minh.
4. Báo chí không được độc lập và không có tự do:
Báo chí là lực lượng thứ tư rất quan trọng, ngoài ba quyền tư pháp, lập pháp và hành pháp. Báo chí là một phần cặp mắt của người dân. Nếu được độc lập và tự do, nó có khả năng nói lên những bất công và oan ức của người dân cũng như chỉ trích sự quản lý tồi tệ của nhà nước. Báo chí tự do là thanh gươm diệt trừ tham nhũng rất hữu hiệu.
5. Sự sợ hãi nơi người dân:
Sự sợ hãi này phải mất ít nhất một hay hai thế hệ may ra mới lấy nó đi được. Sự nơm nớp lo sợ của người Việt Nam đã ăn sâu vào xương vào tủy người Việt từ bao nhiêu đời. Nó được hun đúc bởi những cuộc chiến tranh xâm lược thảm khốc của quân Tàu thống trị Việt Nam hơn cả nghìn năm, rồi cả trăm năm bị giặc Tây đô hộ, với bao nhiêu cuộc chiến đầy khói lửa và chết chóc, những lần di tản khốn khổ, những nạn đói kinh hồn thời Nhật chiếm đóng. Rồi đến cách cai trị bất nhân của nhà nước cộng sản Việt Nam (hãy đọc Những lời trăng trối của Trần Đức Thảo [5]), từ cải cách ruộng đất đến Nhân Văn Giai Phẩm, rồi đến chính sách cải tạo dã man trước và sau 1975. Sự sợ hãi này to lắm, bất cứ nhà nước nào biết thương dân và lo cho dân đều phải có bổn phận giúp dân lấy đi sự sợ hãi này.
6. Tiền viện trợ ODA, FDI và kiều hối đầu tư từ nước ngoài không được quản lý chặt chẽ:
Chỉ có một chế độ dân chủ và luật pháp nghiêm minh mới thay đổi được sự quản lý này.
7. Công an tiếp tục trấn áp những người lên tiếng về tham nhũng;
Bộ Công An nằm dưới quyền nhà nước và chỉ biết phục vụ Đảng. Chỉ có một chế độ dân chủ mới thay đổi được điều này.
8. Tham nhũng và hối lộ trở thành cách sống của người dân (văn hóa tham nhũng và văn hóa hối lộ):
Phải mất ít nhất một thế hệ may ra mới thay đổi được cách sống của người dân vì tham nhũng ở Việt Nam đã có tính cách hệ thống. Phải có một Ban Kiểm Soát Tham Nhũng (còn được gọi là Organe de Surveillance) hoàn toàn độc lập theo gương các nước đã thành công về việc diệt trừ tham nhũng như Singapore, Botswana, Chile, Ba Lan, Ouganda và Hồng Kông (nên đọc liên kết [6]). Nước Anh đã mất hơn một thế kỷ mới diệt được nạn tham nhũng theo bài viết này. Nạn tham nhũng còn được gọi là con rắn 7 đầu bên Âu Châu (tiếng Tây là “hydre” cũng có nghĩa là tai họa khó diệt trừ). Cứ chặt được một đầu của con rắn thì nó lại mọc thêm đầu khác. Vì thế phải có Ban Kiểm Soát Tham Nhũng độc lập gồm toàn những người trong sạch. Ban Nội Chính ở Việt Nam hiện nay cũng đang tìm cách chống tham nhũng nhưng hình như ban này cũng đang gặp nhiều khó khăn vì ban này vẫn còn nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng (tức là không độc lập), thêm vào đó dân chúng nghi ngờ đa số thành viên của Ban Nội Chính chưa được gọi là đủ trong sạch. Rất dễ hiểu là nếu “tay ai cũng đã nhúng chàm” thì rất khó kiểm soát người khác. Bài viết của cô Gray và ông Kaufman của World Bank [6] rất đáng đọc. Bài này có một đồ hình cho thấy 3 nước có nhiều quan chức nhà nước tham dự vào các dự án phát triển nhất lại là 3 nước đứng đầu bảng tham nhũng theo chỉ số của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International). Ba nước đó là Nga, Trung Quốc và Việt Nam.
9. Tham nhũng lan rộng khắp nơi trong các ban các ngành của nhà nước (nhìn đâu cũng thấy sâu):
Làm trong sạch guồng máy nhà nước đòi hỏi thời gian. Trước hết phải có pháp luật nghiêm minh. Phải đưa luân lý và đạo đức vào học đường. Phải chú trọng vào việc đào tạo những thanh niên thiếu nữ biết giữ luân thường đạo lý. Khi an sinh người dân được ổn định, tệ nạn sẽ giảm đi. Một thế hệ trẻ hạnh phúc không còn sợ hãi, với tâm hồn trong sáng và đầy niềm tin nơi tương lai là một cuộc đầu tư vĩ đại nhất cho tương lai nước Việt. Ổn định kinh tế theo mô hình định hướng xã hội chủ nghĩa như hiện nay mà thiếu đạo đức luân lý thì ổn định đó sẽ không tồn tại lâu dài .
Qua những khó khăn vừa kề trong việc tìm những giải pháp, có nhiều người nghĩ là chỉ còn mỗi một cách: lấy cái khúc gỗ (tức là chế độ cộng sản) hiện tại đi vì khúc gỗ này đã bị sâu mọt ăn ruỗng và thay vào đó bằng một khúc gỗ mới (chẳng hạn như chế độ dân chủ). Trên nguyên tắc thì đúng đấy, nhưng còn một đám bọ nheo nhóc (đầy tính xấu) vất đi đâu. Đám bọ này rồi cũng sẽ ăn ruỗng khúc gỗ mới (như tình trạng nước Nga hiện nay dưới cách cai trị độc đoán của ông Putin và đám quan chức tàn dư của chế độ cũ). Phải có cách lấy đám bọ đó ra khỏi khúc gỗ mới và phải tiếp tục có thuốc trừ sâu. Nhưng chúng ta sẽ không tiêu diệt đám bọ bằng thuốc trừ sâu vì “giết người đi thì ta ở với ai” (Phạm Duy). Đám bọ đó chính là con người và chúng ta phải có cách chuyển hóa lòng tham ngự trị trong chiều sâu tâm khảm của những con người, nhất là những con người đã bị tiêm nhiễm nặng nề chủ thuyết cộng sản.
Với một hay hai thế hệ, tương lai Việt Nam sẽ sáng sủa hơn. Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để lấy đi khúc gỗ đang mục nát.
Và chúng ta sẽ làm lại từ đầu. Xin chép xuống vài dòng của bài nhạc Giã từ vũ khí của nhạc sĩ Nhật Ngân để nói lên tâm trạng của người thanh niên Việt Nam sau chiến tranh, với biết bao hy vọng đã không bao giờ thành tựu. Buồn thay cho thân phận quê hương.
“Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa
Rồi anh sẽ đón cha mẹ về
Rồi anh sẽ sang thăm nhà em
Với miếng cau, với miếng trầu, ta làm lại từ đầu
Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm
Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn
Bạn anh đó đang say ngủ yên
Xin cám ơn ! Xin cám ơn ! Người nằm xuống
Ðể có một ngày, có một ngày cho chúng mình
Ta lại gặp ta, còn vòng tay
Mở rộng thương mến bao lạ
Chuông chùa làng xa, chiều lại vang
Bếp ai lên khói ấm tình thương
Bát cơm rau thắm mối tình quê
Có con trâu, có nương dâu
Thiên đường này mơ ước bao lâụ”
Yaoundé, 2015
N. D. V.
[5] Trần Đức Thảo – Những Lời Trăng Trối (sách in năm 2014) tác giả: Tri Vũ Phan Ngọc Khuê xuất bản tại Hoa Kỳ
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét