Bài đăng phổ biến

Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

GỌI NHẬP NGŨ SINH VIÊN RA TRƯỜNG

Gọi nhập ngũ sinh viên ra trường: Suy sụp kinh tế - văn hóa?


Băng Tâm

(VNTB) - Kêu hết sinh viên vào quân đội thì mục tiêu thực sự của quốc phòng Việt Nam là gì? Là thực hiện nuôi biển người trong chiến đấu? Một quy trình nuôi quân ngược trong chiến tranh hiện đại?

"Thượng tọa Bắc Triều Tiên" Thích Thanh Quyết

Cách đây một tuần đã diễn ra cuộc thảo luận về dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Bên cạnh sự tán thành đề nghị quy định độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân thống nhất từ 18 – 25 tuổi như Luật NVQS hiện hành của Thường trực UBQPAN, vấn đề tạm hoãn gọi nhập ngũ/ miễn ngũ đối với sinh viên chính quy lại gây ra nhiều tranh cãi.

Theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước, ông vẫn giữ quan điểm rằng, sau khi học xong sinh viên phải thực hiện NVQS. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đồng thuận, đã đỗ vào đại học rồi thì có thể hoãn nhưng không phải miễn NVQS.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh “thể hiện mong muốn” gọi được hết số thanh niên trong độ tuổi đi NVQS.

Kêu đi hết thì ai ở lại làm việc?

NVQS là thiêng liêng, nhưng dù như thế nào cũng cần đặt nó vào bối cảnh của đất nước, đất nước đang cần gì, muốn gì trong thời điểm này.

Việc gọi hết sinh viên sau khi tốt nghiệp vào NVQS không đơn giản như cách ông Phùng Quang Thanh hay một số ĐBQH “thể hiện mong muốn”.

Thứ nhất, kêu hết sinh viên vào quân đội thì mục tiêu thực sự của quốc phòng Việt Nam là gì? Là thực hiện nuôi biển người trong chiến đấu? Một quy trình nuôi quân ngược trong chiến tranh hiện đại (con người làm chủ vũ khí, vũ khí làm chủ chiến cuộc)? 

Việc gia tăng số lượng quân, thực ra là “phổ cập đại học trong quân nhân” chỉ có ý nghĩa gì khi mà chương trình NVQS vẫn là chương trình của hàng chục năm về trước, vẫn là trồng rau – nuôi lợn, gánh phân – lau chùi, tháo ráp AK. Gia tăng số lượng quân có trình độ đại học có ý nghĩa như thế nào khi mà hiện nay (và cả tương lai dài về sau) Việt Nam vẫn theo sau Trung Quốc, ở cả số lượng/hệ thống vũ khí tinh vi; về số lượng quân dân nhập ngũ và quyền lợi cho quân dân nhập ngũ; về hệ thống vũ khí “tương tự nhau” khi mua ở Nga nhưng khả năng nắm bắt, vận hành của Trung Quốc lại cao hơn một bậc. Yếu tố chiến thuật gần như không phải là cơ hội cho nước ta. Việc tiến hành “dồn vét” số sinh viên để tăng cường cho quân đội không đủ làm nên tính cần thiết cho nền quốc phòng trong chiến tranh hiện đại, mà ngược lại còn đánh mạnh thêm vào nền kinh tế vốn còn nhiều yếu kém.

Thứ hai, hiện nay (và cả tương lai), sự tụt hậu kinh tế (chiến tranh kinh tế giữa nước ta với Trung Quốc đang xảy ra, thế yếu thuộc về Việt Nam), đe dọa về văn hóa còn khẩn thiết hơn cả nguy cơ đe dọa về sự “trỗi dậy bạo lực” từ Trung Quốc, việc giáo dục – đào tạo lâu nay vốn đã không đáp ứng được các yêu cầu của xã hội (đại học tràn lan, sinh viên ra trường phải buộc đào tạo lại mới sử dụng được), vậy thử hỏi sau hai năm nghĩa vụ, thì ai sẽ đảm bảo chất xám, quá trình đào tạo 3-4 năm sẽ sử dụng được? Nếu không muốn nói thẳng ra, sinh viên lúc đó chỉ còn đầu đất và hoàn toàn không thể đáp ứng được chu trình tiến triển xã hội. Điều này càng sát hơn với các sinh viên được đào tạo ở các chuyên ngành thiết kế, y dược, công nghệ thông tin, marketing, phiên dịch viên, nghệ thuật,… Nguồn nhân lực dành cho phát triển kinh tế - văn hóa, nay lại chuyển thành nguồn nhân lực phục vụ quốc phòng trong thời bình. 

Liệu rằng đó có phải là ý hay, nếu không muốn nói thẳng ra, việc kéo dài độ tuổi NVQS và kêu gọi sinh viên ra trường phải thực hành NVQS là cách nhanh nhất làm què quặt nền kinh tế - văn hóa nước nhà. Ai sẽ đảm đương phát triển kinh tế - văn hóa, các tập đoàn nhà nước hay là nguồn lực kinh tế, lao động tư nhân? Chưa kể, Bộ Quốc phòng sẽ giải quyết vấn đề tâm lý sinh viên ra trường bị buộc nhập ngũ như thế nào khi sức ép về công ăn việc làm, trả nợ (do vay vốn ngân hàng), cơ hội nghề nghiệp…

Thứ ba, ngân sách đâu để nuôi lượng quân sinh viên khi ra trường? Bởi theo mục tiêu đề ra tại Quyết định 37/2013/QĐ-TTg, đến năm 2020, tổng quy mô đào tạo ĐH và CĐ đạt khoảng 2.200.000 sinh viên, số sinh viên chính quy tuyển mới đạt khoảng 560.000. Như vậy, tính theo mỗi năm, quân đội phải dung nạp gần nửa triệu trường hợp NVQS.

Giải pháp nào cho nghĩa vụ thời bình?

Cần phải xác định rõ ràng rằng, việc “xây dựng quân đội nước ta mạnh như quân đội CHDCND Triều Tiên” mà Thượng tọa Thích Thanh Quyết từng lên tiếng vào tháng 10/2014 là một yêu cầu chính đáng. Tuy nhiên, nó phải phù hợp với thực trạng nước ta, về cả ngân sách quốc phòng, sự đảm bảo quyền lợi cho người nghĩa vụ lao động, những nguy cơ đe dọa thực sự (văn hóa, kinh tế), cho đến tinh thần “binh cốt tinh chứ không đông” (quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại)... Qua đó, không thể nhìn vào mô hình tuyển binh của Hàn Quốc, Triều Tiên hay Singapore… để áp đặt một cách máy móc vào nước ta. 

Hiện nay, sinh viên các trường CĐ-ĐH, vào đầu năm nhất sẽ có có 1 tháng học quân sự, có lẽ thay vì cho sinh viên lau chùi, tháo súng AK, và tăng gia sản xuất thì nên tập trung tăng cường các kỹ năng cơ bản về quân sự cho sinh viên, cũng như giáo dục về lòng yêu nước (thay vì chế độ). Và có thể tiến hành 1 tháng quân sự như vậy vào đầu mỗi năm học (kéo dài hết thời kỳ sinh viên). Việc lồng ghép quân sự vào ĐH-CĐ chính là cách thức hiệu quả nhất để nâng chất lượng đào tạo quân sự (đảm bảo khả năng chiến đấu cơ bản, giáo dục lòng yêu nước, nhưng không làm bỏ lỡ quá trình đào tạo), chứ không phải là phương thức dồn sinh viên vừa ra trường vào môi trường quân đội để nâng cao chất lượng quân đội, và tạo ra “sức mạnh toàn dân”, vì đó hẳn là một ý tưởng tồi tệ. 

Nếu tiếp tục buộc phải đưa số sinh viên ra trường vào trong NVQS, thì cần phải giảm thời gian tại ngũ lại, tăng chất lượng khóa quân sự lên, trong đó giảm phần “chăn rau, nuôi heo, cuốc đất”, đồng thời phải tiến hành công bằng đối với tất cả đối tượng, bao gồm con cái của các vị quan chức (yếu tố này vốn không được thực thi khiến cho thanh niên dạy nhau cách trốn nghĩa vụ quân sự), và dành thời gian để thao trường, học về chiến tranh hiện đại cũng như tiếp cận với các kiến thức phổ dụng nhất (hiện thời) về quân sự và quốc phòng để sẵn sàng khi đất nước nguy biến. Tiến tới, xác lập ngay một lực lượng nghĩa vụ quân sự có chọn lọc và đãi ngộ, đảm bảo rằng, người đi NVQS thực sự an tâm cho công ăn – việc làm về sau này (cho phục vụ tiếp trong quân đội hoặc chuyển qua một cơ quan dân sự bất kỳ). 

Ngoài ra, có thể mở rộng ý niệm “nghĩa vụ quân sự” ra rộng hơn, cụ thể thay vì cố định nó vào trong khuôn khổ quân đội với thao trường, thì có thể người thực hiện nghĩa vụ có thể thực hiện các chức năng, nhiệm vụ khác thay thế, trong đó đảm bảo rằng, họ sẽ có những đóng góp thiết thực trong xây dựng một nền quốc phòng toàn dân vững chắc (có thể thông qua hoạt động công ích, thuế phí…). Ví như, thực hiện công tác tại các vùng sâu, vùng xa, vùng trọng điểm khó khăn của đất nước trong các lĩnh vực y tế - giáo dục – chính trị… Như một đội quân “Thanh niên xung phong” thời bình!

Quốc phòng toàn dân chính là lòng dân

Trong quân sự, sự chuyên nghiệp (quân đội/ quốc phòng một nước) thường chú trọng hậu cần, trong khi nghiệp dư lại nghiêng hẳn về chiến thuật. Hậu cần bao gồm yếu tố văn hóa, tinh thần tự chủ, địa lý, lòng yêu nước… Chính khả năng hậu cần mới là thứ giúp Việt Nam duy trì được nền độc lập, tự chủ sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc…  Hiện nay, về văn hóa, ta bị yếu tố ngoại lai xâm chiếm, chỉ một ứng dụng Võ Tắc Thiên đã làm cho giới trẻ khuynh đảo, về kinh tế, ta ở thế yếu so với sự phát triển vượt bậc của “công xưởng thế giới”, về chính trị - trong khi ta thiếu tính triệt để và phân tán nội bộ vì tham nhũng thì bạn đang từng ngày, từng giờ “trảm tướng để yên lòng dân”. 

Hồ Nguyên Trừng, con trai của Hồ Quý Ly, người từng với cha mình xây dựng một đội quân lớn mạnh, với vũ khí tiềm lực trong tay, thế nhưng chế độ được xây dựng bằng quân sự đó lại bị sụp đổ nhanh chóng trước Minh triều, và câu cuối mà ông ca thán, đó chính là: “Không sợ thế giặc mạnh. Chỉ sợ lòng dân không theo.”

Vậy Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và những ai muốn “tăng số lượng NVQS” dưới bình phong “bảo vệ tổ quốc, thể hiện lòng yêu nước”, thông qua việc đánh vào tầng lớp tri thức (sinh viên) nước nhà có lẽ nên nghiệm lại câu nói cha ông. Thay vì tìm mọi cách bòn rút yếu tố gầy dựng sự vững mạnh của quốc gia, thì có lẽ, nên “khoan sức dân”, và đi về chất lượng thay vì chạy theo số lượng trong quân sự, ưu tiên xây dựng nền kinh tế, văn hóa đủ mạnh thay vì cứ mải miết với trò chơi “chạy đua vũ trang/ con người quân sự” như hiện nay, vốn không giúp cho thanh niên hăng hái thực hiện nghĩa vụ quân sự và tất nhiên, sẽ chẳng thể nào làm nên sự vững chắc trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét