Bài đăng phổ biến

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

Vương Triều Lý

Vương triều Lý dưới góc nhìn của tiểu thuyết gia Hoàng Quốc Hải

Đặng Văn Sinh

Sau khi bộ tiểu thuyết lịch sử "Bão táp triều Trần" được xuất bản trọn 0bộ vào năm 2003 làm xôn xao dư luận văn đàn Việt Nam, thì đến cuối năm 2010, nhà văn Hoàng Quốc Hải lại tiếp tục trình làng bộ trường thiên sử thi "Tám triều vua Lý" (1) không kém phần hoành tráng. Đây là bộ tiểu thuyết mà ông đã thai nghén trong vòng hai mươi năm, được xem như một tập đại thành về vương triều nhà Lý từ lúc khởi nghiệp đến khi suy vong.
"Tám triều vua Lý" gồm bốn tập ("Thiền sư dựng nước", "Con ngựa nhà Phật", "Bình bắc dẹp nam", "Con đường định mệnh"), được tác giả phân định theo các mốc thời gian quy ước của khoa nghiên cứu lịch sử. Tổng cộng 3509 trang, khổ 14,5 X 20,5, chỉ xét về dộ dày cũng đã là một kỷ lục đáng nể.
Với tư cách là tiểu thuyết, "Tám triều vua Lý" bao quát cả một giai đoạn lịch sử dài 216 năm, tương ứng với khoảng thời gian từ năm Kỷ Dậu (1009), Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế và kết thúc vào năm Ất Dậu (1225) khi Lý Chiêu Hoàng bị Trần Thủ Độ ép nhường ngôi cho Trần Cảnh. Thời gian của bộ tiểu thuyết là tuyến tính, phù hợp với các đặc trưng thi pháp của loại hình tự sự truyền thống nhưng lại không lạnh lùng, vô cảm như những dòng nhật lịch của các sử gia quan phương, mà ở đây, nó được phát triển trên cái nền cảm hứng vô tận của lòng yêu nước, niềm kính ngưỡng các bậc anh hùng hào kiệt đã mở ra cho dân tộc Việt một thời đại huy hoàng, rất đáng tự hào.
Dưới ngòi bút của Hoàng Quốc Hải, vương triều nhà Lý, sau khi được chuyển giao một cách êm thấm từ cái chết của hôn quân Lê Long Đĩnh, Lý Công Uẩn đã kiến lập được một mô hình xã hội khá tiến bộ với chủ trương dung nạp cả ba tôn giáo Phật, Nho, Lão với phương châm hòa đồng "xã hội nho, tâm linh Phật, thiên nhiên Đạo". Chính sự kết hợp hài hòa những phần tinh túy nhất của ba hình thái tôn giáo này là động lực thúc đẩy xã hội phát triển cả về chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, để lại một dấu ấn quan trọng trong lịch sử trung đại Việt Nam.
Là loại hình tiểu thuyết lịch sử, "Tám triều vua Lý" hiển nhiên cũng phải chịu sự chi phối của đặc trưng thi pháp truyền thống, đó là hư cấu. Vì vậy, không có gì là khó hiểu khi chúng ta nhận thấy, tỷ lệ hư cấu của tác phẩm khá cao, tạo ra sự cuốn hút, bắt người đọc, đọc đến tận cùng, nhưng lại tuyệt đối đảm bảo tính chân thực, không phá vỡ logic lịch sử, mà làm phong phú thêm lịch sử. Sự ghi nhận thành công đầu tiên của Hoàng Quốc Hải là, ông đã dám mạo hiểm xông vào một địa hạt vô cùng trống vắng tư liệu. Nếu chỉ căn cứ vào các bộ sử chính thống của nhà nước phong kiến thì, như tác giả từng nói, chỉ có thể viết được nhiều nhất là 200 trang. Chính vì thế, ông đã bỏ ra đến hai mươi năm để sưu tầm tài liệu với sự kiên nhẫn đáng khâm phục. Ngoài việc lục tìm tư liệu trong các thư viện lớn, kể cả kho tư liệu đồ sộ của Viễn Đông bác cổ do người Pháp để lại, Hoàng Quốc Hải còn tiếp cận Tống sử, Minh sử bằng nhiều nguồn khác nhau (mà bằng con đường chính thống, ở Việt Nam không có hoặc rất hiếm). Đây là nguồn tư liệu không kém phần quan trọng, vì nó là biên niên sử, do chính các sử quan Trung Quốc ghi chép từ cả ngàn năm trước, đảm bảo độ tin cậy. Cảm thấy vẫn chưa đủ, tác giả còn thường xuyên điền dã, tìm về những địa chỉ trước đây vốn là bãi chiến trường ở vùng biên ải, tham vấn các thiền sư, nghiên cứu kinh Phật, tìm hiểu bia cổ, câu đối, hoành phi, khảo cứu dã sử, sưu tầm đồng dao, ca dao, tục ngữ, để có được ý niệm đầy đủ về diện mạo xã hội thời Lý.
Cái tài của người viết ở đây là có sự điều hòa một cách hợp lý giữa chính sử, dã sử và hư cấu, tạo nên những hình tượng văn học giầu cá tính, đủ sức thuyết phục ngay cả những bạn đọc khó tính. Có thể thấy, thiền sư Vạn Hạnh, thiền sư Đa Bảo, Định Hương trưởng lão, Lý Thái Tông, thiền sư Viên Chiếu, Khu mật sứ Mai Mạnh Minh, Thái sư Lý Đạo Thành, Thái úy Lý Thường Kiệt, Nhiếp chính Ỷ Lan... phần lớn đều là những nhân vật lịch sử nhưng lại được miêu tả dưới góc độ văn chương với những suy nghĩ, hành động và cách ứng xử như những cá thể sinh động thậm chí phức tạp, phản ảnh được tinh thần thời đại.
Hư cấu nhưng không vo tròn, bóp méo lịch sử, đó là quan điểm thẩm mỹ xuyên suốt toàn bộ tác phẩm của Hoàng Quốc Hải. Vì thế, những ấn tượng về các nhân vật lịch sử tiêu biểu trong tư tưởng tình cảm của người đọc không bị phá vỡ, gây ra cơn sốc tâm lý, kiểu như là "giải thiêng thần tượng", mà ngược lại, càng củng cố thêm sự ngưỡng mộ, lòng biết ơn với các bậc tiền nhân. Nói cách khác, cái gọi là hư cấu trong thi pháp tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quốc Hải là tạo ra một trạng thái tâm hồn dưới dạng thức suy tư của những nhân vật lịch sử từng được định hình trong tâm thức dân tộc. Tuy nhiên cũng cần phải phân định rạch ròi giữa tôn trọng lịch sử và mô phỏng lịch sử để tránh tình trạng lạm dụng. Một tiểu thuyết lịch sử, nếu chỉ dừng ở mức mô phỏng, cho dù cách viết có gợi cảm đến mấy cũng khó chinh phục người đọc bởi tác giả đã bỏ qua một đặc trưng vô cùng quan trọng của nghệ thuật văn chương là sáng tạo. Trong mấy chục năm qua, nền văn học Việt Nam đã quá thừa thãi những cuốn sách thuộc đẳng cấp này. Đó chính là nguyên nhân vì sao, mảng đề tài lịch sử ít hấp dẫn độc giả. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến Hoàng Quốc Hải, có lần bàn về tiểu thuyết lịch sử ở trại sáng tác Tam Đảo, ông đưa ra một nhận xét ngắn gọn, nhưng thực chất lại là vấn đề lớn với người cầm bút: "Muốn phổ cập hóa lịch sử thì không gì bằng văn chương hóa lịch sử". Những trang văn tài hoa, đầy trách nhiệm công dân và cảm hứng sáng tạo về vương triều Lý của tác giả dường như luôn quán triệt phương châm trên.
Sử dụng lối hư cấu trạng thái tâm lý trong cái vỏ nhân vật lịch sử có thật, chính là một dạng "biện chứng pháp tâm hồn" mà Lev Tolstoi đã sử dụng rất thành công trong "Chiến tranh và hòa bình". Theo trình tự của quy luật tư duy, từ suy nghĩ đến hành động, các nhân vật lịch sử được tác giả nhìn nhận dưới những góc độ khác nhau, tương tác lẫn nhau qua các mối quan hệ vua tôi, cha con, thầy trò, vợ chồng, chủ tớ... tạo nên một hệ thống mang tính cộng đồng hết sức uyển chuyển. Các yếu tố thời đại, tôn giáo, văn hóa, phong tục tập quán và nhất là chiến tranh thường được xem như những hằng số lịch sử. Đó chính là nguồn năng lượng kỳ diệu không bao giờ cạn làm nảy sinh minh triết Việt tộc, tâm hồn Việt tộc mà tác giả dường như đã hóa thân, nhập vào dòng chảy tâm linh ấy qua những Công án Thiền.
Trong lịch sử văn học Việt Nam chưa bao giờ có một tác phẩm dưới dạng tiểu thuyết lịch sử mà lại thấm nhuần tinh thần tôn giáo sâu sắc như "Tám triều vua Lý". Dưới ánh sáng của tư tưởng Thiền, các vị hoàng đế Lý triều cai trị đất nước bằng tấm lòng bác ái, từ bi hỷ xả, mọi chúng sinh đều bình đẳng trước Phật tổ, nhưng không bài bác các tôn giáo khác mà đề xuất một chủ trương tiến bộ là "tam giáo đồng nguyên". Đó là triều đại thực sự lấy dân làm gốc, coi dân như con, dạy dân sống chân thật, ghét thói điêu trá, khác hẳn thứ quỷ kế đa đoan của những triều đại độc tài, tàn bạo sau này, coi dân như nô lệ nhưng lại được che đậy bằng nhiều thứ ngôn từ hoa mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét