Bài đăng phổ biến

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Ai đục bỏ thơ Cụ Hồ

26/07/2011


Ai kiểm duyệt, đục bỏ thơ Hồ Chí Minh?

Mặc Lâm, Biên tập viên RFA
Diễn lại hoạt cảnh vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã đánh bại quân xâm lược Trung Quốc vào năm 1789, tổ chức vào ngày 11 tháng 2 năm 2008 tại Hà Nội. AFP photo
Gần đây, một thông tin có thể làm nổi lên lòng cuồng nộ của cả nước khi hai văn bia tuyên xưng công trạng của vua Quang Trung nằm tại đền thờ Núi Quyết thuộc tỉnh Nghệ An đã bị đục bỏ.
Đục bốn chữ "Trung Quốc xâm lược"
Điều đáng nói là một trong hai văn bia này là thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên dương Quang Trung Nguyễn Huệ. Sự thật ra sao mời quý vị theo dõi bài nói chuyện của Mặc Lâm với ông Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch hội Nhà văn Hà Nội, là người phát hiện ra việc đục bỏ này mời quý vị theo dõi sau đây:
Câu chuyện về tấm bia đặt tại đầu cầu Khánh Khê thuộc tỉnh Lạng Sơn kỷ niệm chiến thắng Trung Quốc khi họ tấn công vào Việt Nam năm 1979 đã bị ai đó đục bỏ bốn chữ "Trung Quốc xâm lược" vẫn chưa nguôi, sau một thời gian dấy lên sự chống đối của nhiều người nhưng mau chóng bị quên bẵng. Người phát hiện vụ việc là nhà báo Đỗ Hùng, anh kể lại chuyến công tác của mình tại Lạng Sơn để viết bài kỷ niệm 32 năm chiến thắng Trung Quốc.

Chỉ một thời gian rất ngắn, bài viết cảm động của anh không còn xuất hiện trên tờ Thanh Niên nữa và độc giả cũng tự biết tại sao. Tuy nhiên trên trang blog của Đỗ Hùng vẫn còn dấu tích bài viết nhất là tại đoạn ghi lại hình ảnh của tấm bia này như sau: Từ “Trung Quốc” đã bị xóa gần như hoàn toàn, từ “xâm lược” cũng thế. Tấm bia ghi chiến tích đánh Trung Quốc của quân đội Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới 1979 đã bị đục nát như là bằng chứng cho sự khiếp nhược đã tới mức không thể diễn tả bằng lời. Ở TP HCM, tôi thấy những tấm bia ghi chiến tích đánh Mỹ đặt trước Lãnh sứ quán Mỹ, khách sạn Park Hyatt vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Hà Nội làm lễ kỷ niệm 219 năm chiến thắng giặc Tàu 1789-2008 hôm 11/2/2008. AFP photo
Đỗ Hùng và báo Thanh Niên không nói ai là người đục bỏ bốn chữ kia trên tấm bia nhưng chỉ nhẹ nhàng than thở, “khi người ta đã dám đục bỏ bốn chữ "Trung Quốc xâm lược” tức là đã đục bỏ lòng yêu nước”. Hành động này phải được gọi là gì nếu không dùng hai từ "phản quốc”?
Thời gian để làm người hiểu chuyện quên đi hành động phản quốc này chưa lâu thì lại xảy ra một câu chuyện khác tương tự như việc tấm bia tại Lạng Sơn. Lần này thì không cần phải tìm kiếm ai là thủ phạm vì kẻ xuống tay rất dễ thấy, và tấm bia bị đục cũng rất dễ truy tầm nguyên gốc. Người phát hiện là nhà phê bình văn học, đương kim Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên.
Trong một lần về Nghệ An thăm núi Quyết, Phạm Xuân Nguyên đã thấy hai tấm bia trong đền thờ Nguyễn Huệ. Vốn là nhà phê bình văn học nổi tiếng ông cảm nhận ngay nét đẹp khác trên hai bài văn bia ngay. Nhà bia bên trái khắc “Công trạng vua Quang Trung”. Nhà bia bên phải khắc “Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về Quang Trung” ông Phạm Xuân Nguyên nhớ lại:
“Tôi lên đó vào năm 2009 thấy kiến trúc ở trên đó rất là đẹp. Khi bắt đầu bước vào thì gặp tấm bình phong và hai nhà bia một cái bên tả một cái bên hữu. Bên trái là bia công trạng Quang Trung Nguyễn Huệ tức là tiểu sử của ông, công trạng của ông đánh đông dẹp bắc như thế nào. Còn bên phải là tấm bia ghi lời thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi Nguyễn Huệ Quang Trung. Bài thơ này chúng tôi rất thích đọc thấy nó nôm na nhưng rất đúng. Ca ngợi Nguyễn Huệ như thế vừa xác thực vừa đồng thời nói được khí phách dân tộc và tôi thuộc ngay”.
Tuy nhiên một dấu chấm hỏi theo ông một thời gian dài khi người giữ đền nói với ông rằng hai nhà bia này sắp bị thay đổi vì có người cho là bia viết không hay, ông kể:
“Nhưng cũng chính ngày 29 ấy thì người giữ đền cũng đã có nói sắp tới có khi phải hạ tấm bia này, tấm bia khắc thơ của Hồ Chủ tịch đấy. Chúng tôi đã lờ mờ hiểu chuyện nhưng cũng cố hỏi vì sao, thì người giữ đền nói là họ cho rằng nó không hợp, không ăn!
Từ “Trung Quốc” đã bị xóa gần như hoàn toàn, từ “xâm lược” cũng thế.
Nhà báo Đỗ Hùng
Mặc dù quá trình chọn một bài để khắc lên bia không phải là đơn giản. Quá trình ấy là sau khi chọn câu nào, của ai, sau đó sẽ giao cho một nhóm thông qua, rồi báo cáo ra Bộ, ra Trung ương quyết định rồi mới tới giai đoạn chọn chữ khắc lên bia. Vì vậy việc chọn chữ khắc lên bia là rất quan trọng, rất thiêng liêng không thể tuỳ tiện được.
Nghe thế thì chúng tôi đã thấy buồn rồi. Tất cả chúng tôi, đoàn nhà văn nhà báo đã sững sờ và tự hỏi sao lại như thế được”?
Bài học chống ngoại xâm
Hai năm sau ông Phạm Xuân Nguyên phát giác ra rằng có ai đó đã thay đổi cả hai lời khắc trên bia. Tấm bia bên trái khắc “Công trạng vua Quang Trung” đã bị đục bỏ, thay bằng bài “Tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung” của Vũ Khiêu. Bài Thơ yêu nước của Hồ Chí Minh đã bị đục bỏ, thay bằng đoạn trích chiếu của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ gửi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp chọn đất đóng đô.
Nói về nội dung bài thơ của Hồ Chí Minh ông Phạm Xuân Nguyên kể:
“Tôi phải nói rõ ràng đoạn thơ này nằm trong cuốn “Lịch sử nước ta” do Việt Minh Tuyên truyền Bộ xuất bản tại Cao Bằng năm 1942. Năm 1941 ông Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm ở nước ngoài đã trở về Việt Nam qua con đường từ biên giới Trung Quốc xuống Cao Bằng. Ông xây dựng căn cứ ở đấy và tổ chức lực lượng cho cách mạng trong nước. Trong công tác tuyên truyền thì ông nêu lại lịch sử Việt Nam, những bài học lịch sử kiên cường của tổ tiên nòi giống để khích lệ tinh thần người dân trong cuộc đấu tranh chống lại thực dân Pháp.
Bia ghi lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về Vua Quang Trung trong đền thờ. Photo courtesy of dvhnn.org.vn
Tháng 2 năm 1942 sách lịch sử xuất bản tại Cao Bằng mở đầu với “Lịch sử nước ta” viết bằng lục bát từ đời Hồng Bàng cho đến thời cận đại. Ông điểm qua từ thời Hồng Bàng, Hai Bà Trưng, Lê Lợi cho đến Nguyễn Huệ ông đều viết như vậy. Đến đời Nguyễn Huệ thì ông viết:
Nguyễn Huệ là kẻ phi thường
mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm giặc Tàu
ông đà chí cả mưu cao
dân ta đoàn kết cùng nhau một lòng
cho nên Tàu dẫu làm hung
dân ta vẫn giữ non sông nước nhà!
Cái  đoạn này có lẽ là đoạn ông rất tâm đắc và ông rất sảng khoái vì trước đó ông viết chủ yếu một ngàn năm Bắc thuộc thì chỉ đánh Tàu thôi. Ông luôn luôn nhấn mạnh cứ khi nào nhân dân đoàn kết thì chúng ta chiến thắng ngoại xâm, và khi đến phần Nguyễn Huệ thì ông tổng kết một  bài học như thế.”
Lý do mà ai đó đưa ra là thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không thích hợp vì gọi Nguyễn Huệ là “kẻ”. Tuy hợp lý nhưng không hợp tình. Ai cũng biết đối với Việt Nam chỉ cần đụng tới một chữ rất bình thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một điều phạm húy, có thể suốt đời phải ngồi tù vì tội phản động huống chi là cả một bài thơ, lại là thơ lịch sử thì kẻ đó chắc không phải là người thường.
Hơn nữa trong tình hình khủng hoảng niềm tin như hiện nay, thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể bị chê một cách tùy tiện, vì cả nước đang vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong mọi việc từ lớn tới nhỏ. Tư tưởng này sẽ thay thế dần học thuyết Mác Lê vì đã đi quá xa với thực tế.
Vậy thì ai là người đủ can đảm đục bỏ bài thơ để thay bằng một bài khác kém sức thuyết phục vì chỉ nói tới việc dời đô, trong khi bài thơ của Bác thẳng thừng kêu cả nước Tàu ra mà chỉ trích?
Ông luôn luôn nhấn mạnh cứ khi nào nhân dân đoàn kết thì chúng ta chiến thắng ngoại xâm, và khi đến phần Nguyễn Huệ thì ông tổng kết một bài học như thế.
Ông Phạm Xuân Nguyên
Trong thời gian trước năm 1975, báo chí miền Nam Việt Nam khi muốn tố cáo hay chống đối chính phủ mà không muốn tờ báo bị tịch thu, chủ bút sẽ bỏ trống mấy chữ “nhạy cảm” và thay vào đó bằng câu: “tòa soạn tự ý đục bỏ”!
Ngày nay câu chuyện xảy ra không khác mấy với chuyện ngày xưa. Ai đó đã “tự ý đục bỏ” câu thơ “phạm huý” với người Tàu, với nước Tàu để còn được cơ hội thăng quan tiến chức. Ngày xưa, người Chủ bút tránh voi để mua sự sống còn của tờ báo. Ngày nay, một vài kẻ cai trị muốn đem cả đất nước để chỉ đổi lấy sự sung túc cho vài chục gia đình, hay cùng lắm là vài chục giòng họ.
Cuối cùng ai cũng thấy: cuộc đổi chác khá hời cho kẻ lái buôn biết nhìn xa trông rộng.
M.L.
Nguồn: rfa.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét