Bài đăng phổ biến

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

LOÀI CẦY SỦA TRĂNG - Mộc Nhân-Lê Đức Thịnh





 LOÀI CẦY SỦA TRĂNG

        
                                                                                                         Mộc Nhân - Lê Đức Thịnh


Ở xứ sở thiên đường nọ - hạnh phúc hơn hẳn vạn lần các xứ thiên đường khác - có loài cầy lạ.
          Hình thù, vóc dáng của loài cầy này cũng chẳng khác với mấy với các loài cầy thường dù đôi khi nó giống một con sư tử ốm đói. Nhưng nhìn qua có thể phân biệt được ở mấy điểm nổi bật:
          - Cái đuôi dài, đẹp dường như để luôn tự khoe mẽ.
          - Bộ lông có nhiều khoang đen trắng để đánh lừa người khác theo kiểu "đa nhân cách" : có khi rất dễ thương, thân thiện như một chú gấu Fanda đang bú mẹ nhưng khi cần thì sẵn sàng lộ mặt lưu manh.
          - Cái đầu bự nhưng trán thấp tẹo, như bọn trẻ tuổi teen thường gọi là "đầu to, óc như trái nho".
          - Bản mặt sần sần, đỏ tím tía như say rượu.
          - Quần tụ lại thành bầy đàn , tiếng kêu của chúng khi thì rin rít như mấy nhà "phê bình kiểm dịch", lúc thì tru tréo như kiểu "phê bình chỉ điểm". Khi đồng loại có sự khác biệt, chúng không chấp nhận "mỹ học của cái khác" là lập tức ỉa vào mồm nhau không thương tiếc .
          Người ta có thể dễ dàng nhận ra đó là "loài cầy sủa trăng".
          Loài cầy này có điều rất khác lạ là hình như … không sợ người. Khi gặp người, nó thường tỏ vẻ thân thiện, đứng nhìn khá lâu rồi rít lên the thé như ngâm thơ, mời rượu.
          Nghe nói rằng đó là giống cầy đã ghi tên vào sách đỏ, đang trên bờ tuyệt chủng, cả trái đất này nghe đâu chỉ còn vài ba bầy đàn và dự báo trước sau gì cũng tuyệt chủng.
          Theo người miền cao kể lại thì vào những đêm trăng, tiếng rít ban ngày hoặc tiếng tru đêm của chúng giờ đây trở thành tiếng sủa khá đặc biệt - nên chúng được gọi là "cầy sủa trăng".
          Trăng càng sáng, tiếng sủa (tru) của chúng càng vang xa giữa núi rừng êm ả nhưng ma mị.
          Thảng hoặc, bóng trăng bị mây che khuất thì tiếng sủa (tru) của chúng lắng lại.
          Khi mây tạo hình "vân cẩu" chúng càng sủa hung tợn, dường như chúng không thích cái khác lạ !
          Cũng có thể chúng dị ứng với mọi thứ ngoại trừ bóng tối và rừng rú là những thứ đã quen thuộc.
          Chúng sợ ánh trăng hoặc sợ rằng một ngày nào đó mặt trăng khác sẽ thay thế mặt trăng này chăng !
          Sự dị ứng đó lại trở thành một hiệu ứng chơi khăm của thiên nhiên. Trăng sáng, cầy càng sủa tợn; cầy càng sủa thì trăng càng sáng !
          Không ai giải thích được hiện tượng này.
          Mọi sự bịa đặt cho một cổ tích đều phi lí và bất lực.
          Tuy nhiên hai lí giải sau đây có thể nghe được:
          1. Gìa làng Alăng Ngơ  cho rằng giống cầy ấy  xưa kia chính là con chó của chú Cuội trên cung trăng; chú cuội mải mê với chị Hằng nên chú chó tội nghiệp cảm thấy bị bỏ rơi; về sau chú chó ấy hoá kiếp thành “Cầy sủa trăng”.
          2. Còn Briu Múp - cô sơn nữ đẹp nhất của bản Ma Xó thì cho rằng “Cầy sủa trăng” chính là chú cuội ngồi gốc cây đa. Một kẻ nói láo, lăng nhăng vô lối, thơ thẩn đang tiếc nuối những ngày tháng trên cung trăng với chị Hằng !
          Bọn nhà văn dở hơi thì lại lợi dụng hình tượng "cầy sủa trăng" để tán rằng : cái đẹp là vĩnh hằng luôn song hành bên cái chưa đẹp. Mỗi thứ đều có lí do tồn tại của mình nhưng chắc chắn cái chưa đẹp vẫn có những giá trị của nó, nó có quyền "mở miệng" dù nó tồn tại "bên lề".
          Chả biết đằng nào mà lần nhưng có một điều chắc chắn là: cầy cứ tru cứ sủa, trăng cứ sáng cứ đẹp.
          Và muôn đời vẫn thế.

Mộc Nhân LÊ ĐỨC THỊNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét