Bài đăng phổ biến

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Phải mở rộng “tầm ngắm” bác Bá Thanh ạ

Phải mở rộng “tầm ngắm” bác Bá Thanh ạ

Đào Tuấn 
Thứ khiến cho người dân bức xúc, phẫn nộ, thứ gây mất mát niềm tin lớn nhất, lại là thứ mà đôi khi chẳng mấy cơ quan chống tham nhũng để ý: Tham nhũng vặt.
 Trưởng ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh vừa phát biểu đề nghị Ban Nội chính các tỉnh “Hành quân và phát động thi đua tìm kiếm các vụ việc (tham nhũng) mới… từ nay đến cuối năm phát hiện ít nhất một vụ việc tham nhũng để xử lý”, bởi theo ông “cứ ngồi than vãn thì không bao giờ đạt được kết quả”.

Chống tham nhũng có cần “hành quân” như ra trận không?

Có chứ. Trên diễn đàn QH, tham nhũng được mô tả như “giặc nội xâm” trên mặt trận không có tiếng súng nhưng ác liệt hơn ngoài chiến trường và thứ mà chúng phá hoại là những rường cột xã hội được gọi là niềm tin. Như chính Trưởng ban Nội chính cũng đã nói “cái khó nhất chính là đụng chạm trực tiếp đến người thân, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp và không loại trừ cả cấp trên”.

Chống tham nhũng có cần phát động thi đua không?

Có. Thi đua để từ đó, chống tham nhũng để trở thành thái độ xã hội, để người ta không chặc lưỡi hay mũ ni che tai khi nhìn thấy những tiêu cực quanh mình, để ít nhất những người chống tham nhũng, như chị Oanh Hoài Đức chẳng hạn, không phải rơi nước mắt tủi phận trong chính ngày mà họ được biểu dương, khen thưởng.

Chống tham nhũng có cần chỉ tiêu không?

Câu trả lời cũng là có. Chống tham nhũng không thể chỉ là hô hào, để rồi sau đó là tình trạng đầu voi đuôi chuột mà ví dụ thời sự nhất vừa được Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường vừa nêu ra “có những tỉnh như Ninh Bình, hai năm xử được chín bị cáo về tội tham nhũng thì tám vị được hưởng án treo”. 9 bị cáo, 8 án treo. Hay “hai năm xử 3 vụ, và 2 trong đó là án treo”. Hoặc tệ hơn: Có nơi 100% án treo.

Nhưng câu chuyện chống tham nhũng, có lẽ không chỉ là phát động, là thi đua, là hành quân, là chỉ tiêu. Lại càng không phải chỉ là những vụ lớn, đong đếm bằng “hàng ngàn tỷ”. Thứ khiến cho người dân bức xúc, phẫn nộ, thứ gây mất mát niềm tin lớn nhất, lại là thứ mà đôi khi chẳng mấy cơ quan chống tham nhũng để ý: Tham nhũng vặt.

Đài tiếng nói Việt Nam vừa đưa ra dư luận một vụ việc khiến dư luận sững sờ trước nỗi truân chuyên của một vị giám đốc.

Đại ý: Để có được một dự án Chợ Kim Nỗ (Đông Anh, Hà Nội), “đối tác” đã phải “bắn” hơn 130 con dấu và 8 sở, ban, ngành. “Hơn 130 con dấu của tất cả các cơ quan công quyền, mỗi con dấu là một cái “bốt”, nếu không “bắn” vào đó thì không thể qua được”. Và “phí bôi trơn” được kê lên tới hơn 18,2 tỷ. Mở ngoặc nói thêm, toàn bộ dự án có tổng mức đầu tư vào khoảng 40 tỷ đồng.

Một chi tiết không tình cờ: Vị doanh nhân khổ chủ nọ tuy là người Việt nhưng từ lâu đã định cư nước ngoài. Và một cái chép miệng: Việt Nam mình nó thế.

Câu chuyện khốn khổ đang cho thấy nhiều thực tế. Rằng chính những cái “bốt” đang hủy hoại những nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn. Liệu vị doanh nhân khốn khổ nọ sẽ còn dám một lần quay lại để đầu tư về quê hương? Để yêu nước?

Năm 2007, trong một cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho biết: “Bản thân tôi cũng bị hành” khi nghe cử tri phản ánh kêu than trước việc hành dân của cán bộ nhà nước.

Người dân, trong sự bất lực với cái chép miệng “Việt Nam mình nó thế”, còn thấm thía hơn rằng sự cau có, gắt gỏng, coi thường, làm khó đó sẽ ngay lập tức trở thành một nụ cười nếu họ biết điều. Điều gì? Là “Việt Nam mình nó thế”. Là “không phải nói một là một, hai là hai”. Là phải “bắn” thật mạnh mới có thể qua “bốt”.

Có lẽ, cơ quan chức năng sẽ phải mất rất nhiều thời gian trước những vụ như thế này. Cũng như còn cần nhiều năm nữa để làm giảm bớt được tình trạng “Việt Nam mình nó thế” ngay từ trong não trạng của cả những nạn nhân của tham nhũng.

Một cách vui tính, bạn đọc VietNamNet vừa đề nghị ông Thanh nên công khai địa chỉ email, dù ngay sau đó, họ lo lắng rằng mail của trưởng ban Nội chính sẽ nghẽn mạng. Nghẽn vì giờ đây tham nhũng không còn là chuyện con sâu nữa, mà đã là chuyện “nồi đầy sâu”. Nghẽn vì dẫu sao, trong mắt dân chúng, ông Thanh vẫn là người thẳng thắn, bộc trực, là người nói đi đôi với làm, và họ tin vẫn còn có người chống tham nhũng.

Nhưng tham nhũng đâu có vô hình, đâu có thiên biến vạn hóa. Nó hiển hiện ngay trong các tòa công sở, trong mồ hôi nước mắt, nỗi bức xúc, tức giận của người dân mỗi khi lâm cửa quan.

Hôm qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bảo rằng “chỉ cần chú tâm quan sát hiện tượng, hành vi… ở một vài cơ quan hay giao tiếp với dân là sẽ dễ dàng thấy ngay”.

ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền từng bảo: “Chống tham nhũng phải như quét cầu thang, quét từ trên quét xuống chứ không phải quét từ dưới quét lên”. Những vụ tham nhũng lớn cần được xử lý nghiêm minh và công khai, để người dân thấy rằng có thể tin vào quyết tâm chống tham nhũng. Nhưng cũng xin đừng xem tham nhũng vặt là chuyện “Việt Nam mình nó thế”. Bởi số tiền hàng chục ngàn đô hay hàng tỷ đồng mà một vị quan chức tham nhũng chắc chắn sẽ không gây bức xúc dư luận, không làm mất niềm tin bằng câu chuyện nhan nhản những cái “bốt” có thể nhìn thấy hàng ngày, bằng mắt thường.

Phải mở rộng thước ngắm để dân được nhờ, bác Thanh ạ
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét