Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

HÔM NAY, KỶ NIỆM 140 NĂM NGÀY HÀ THÀNH THẤT THỦ LẦN THỨ NHẤT



Kỷ niệm 140 năm ngày Hà thành thất thủ lần thứ nhất

(20-11-1873 – 20-11-2013)


VỀ CUỘC HÀ NỘI THẤT THỦ LẦN THỨ NHẤT

(20-11-1873)

Đào Tiến Thi

Nếu Việt Nam bấy giờ biết chăm lo tu chỉnh về quân chính, mở rộng dân quyền, vua tôi trên dưới đều mạnh mẽ mưu trị nước, nghiên cứu sâu trí học của ngoại dương, tẩy trừ khuôn khổ hủ lậu, “kịp thời chưa mưa dầm lấy những gốc dâu mà gài cửa sổ”, nước còn có thể phấn chấn lên được. Nhưng nước Việt Nam mơ màng đôi mắt ngủ, uể oải một thân bệnh, tôn quân quyền, ức dân quyền (...), chủ nhân nằm dài trên giường luôn luôn ngáp dài mệt mỏi. Than ôi, Nguy ngập lắm thay.

(Phan Bội Châu)

I- VIỆT NAM NHỮNG NĂM SAU HOÀ ƯỚC NHÂM TUẤT (1862)
Hoà ước Nhâm Tuất (1862) ra đời sau khi quân Pháp chiếm được thành Gia Định. Gọi là “Hoà ước” cho văn vẻ chứ thực chất là một hiệp ước đầu hàng, một hiệp ước bán nước nhục nhã đầu tiên của triều Nguyễn đứng đầu là vua Tự Đức ký với thực dân Pháp và Tây Ban Nha. Hai điểm nặng nề nhất trong hiệp ước này là việc triều đình nhượng 3 tỉnh miền Đông (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) và việc Việt Nam không được tự đặt ngoại giao với nước nào nếu không được sự đồng ý của Pháp.

Sau đó Tự Đức cũng tiếc nên cử phái đoàn do Phan Thanh Giản cầm đầu sang Pháp xin chuộc lại. Việc này lại là một sai lầm nghiêm trọng tiếp theo. Bởi vì thực tế lúc này thực dân Pháp đang sa lầy vào cuộc chiến tranh Mehico vô cùng hao người tốn của, không thể tiếp viện cho chiến trường Việt Nam. Nếu triều đình tận dụng cơ hội này, có thể đánh bật hoàn toàn quân Pháp ra khỏi ba tỉnh miền Đông. Nhưng do hy vọng mù quáng vào cuộc thương thuyết, triều đình đã đàn áp phong trào kháng chiến của nhân dân miền Đông và cũng chẳng phòng bị gì cho ba tỉnh miền Tây. Vì vậy, khi cuộc chiến Mehico vừa chấm dứt, quân Pháp tiến công luôn ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) và chiếm được rất dễ dàng trước sự ngơ ngác của vua quan ta (1867).

Mất Nam Kỳ là mất “thiên phủ” (kho trời) vô cùng giàu có, làm cho đất nước suy yếu nhưng chưa phải là mất hết hy vọng. Theo Phan Bội Châu: “Bấy giờ toàn hạt (Bắc Kỳ và Trung Kỳ - ĐTT) 30 tỉnh chưa động đậy gì, binh tài sung túc, ví bằng người phụng mệnh giảng hoà có can đảm, có cơ mưu, chỉ y theo điều ước trước cho thông thương và cho giảng đạo, cương quyết tranh biện, thì cũng chưa đến nỗi mất hết”.

Thế nhưng suốt 7 năm sau khi mất Nam Kỳ, triều đình chẳng làm gì để củng cố đất nước. Bắc Kỳ vẫn chịu cảnh đói kém và cảnh giặc giã liên miên bởi các toán thổ phỉ Cờ Vàng, Cờ Đen, Cờ Trắng từ Trung Quốc tràn sang. Loay hoay không dẹp được ba toán giặc trên nhưng triều đình vẫn tiếp tục đàn áp khốc liệt các cuộc khởi nghĩa của nông dân, vẫn gác bỏ ngoài tai các đề nghị cải cách của các sỹ phu tiến bộ.

Lợi dụng tình hình đó, thực dân Pháp ráo riết tiến hành các hoạt động do thám và cài cắm các “con ngựa thành Troa” trên đất Bắc. Tiêu biểu nhất là chúng khuyến khích tên lái buôn Jean Dupuis (Đồ Phổ Nghĩa) mượn cớ buôn bán để do thám và xây dựng lực lượng dọc theo sông Hồng, suốt từ cửa Cấm lên Vân Nam (Trung Quốc). Dọc đường sông, J. Dupuis tự tuyển mộ quân (bằng cách lôi kéo các thương nhân Hoa Kiều, bọn thổ phỉ Tàu và một số người Công giáo), ngang ngược sách nhiễu nhân dân, xé bố cáo của quan sở tại (bố cáo ngăn cấm người Tây Dương đi lại tuỳ tiện), có khi bắt cả quan sở tại xuống thuyền giam lại.

Nhìn chung các viên quan địa phương nơi bị J. Dupuis tuỳ tiện đi lại hoặc sách nhiễu luôn ở tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Không xử lý thì bị quở trách, xử lý cũng bị quở trách là “không khéo léo”. Các chiếu chỉ của Tự Đức cũng chẳng bao giờ thể hiện quan điểm rõ ràng, dứt khoát. Ví dụ, tháng 8-1873, khi J. Dupuis chở vũ khí và hàng hoá lên Vân Nam, Nguyễn Tri Phương lệnh cho quan Bố chính Vũ Đường mời hắn đến sứ quán nói chuyện. Dupuis lấy cớ “đi vắng”, giao cho Lý Ngọc Trì (một viên quan của nhà Thanh) tiếp, nhưng Trì cũng cáo ốm. Vũ Đường đòi khám tàu, giữ lại vũ khí, chỉ cho đem hàng hoá đi. Bọn quan lại nhà Thanh trên tàu vẫn không nghe. Việc tâu về triều, Tự Đức quở trách Nguyễn Tri Phương là “khiêu khích sinh sự”. Liền sai Binh bộ hữu Tham tri Phan Đình Bình ra Hà Nội giải quyết việc của J. Dupuis. Tự Đức dặn Bình: “Thuyền của Phổ Nghĩa (J. Dupuis) sắp sửa đến Vân Nam, rất đáng lo. Nguyễn Tri Phương tuổi cao tính cố chấp, Bùi Thức Kiên gặp việc hoảng hốt (...), ngươi đi chuyến này nên tuỳ cơ làm khéo, khiến cho hắn (J. Dupuis) vui lòng nghe; phàm mọi việc để lỡ đều do Nguyễn Tri Phương yêu cầu khắt khe nên mới đến thế. Trước đã lỡ việc, nay phải xử trí cho khéo” (Đại Nam thực lục).  

Vì vậy đến cuối năm 1872, “con ngựa thành Troa” J. Dupuis đã trở thành một lực lượng quân sự khá lớn gồm 2 tàu máy, 30 đại bác, 7000 súng tay, 15 tấn đạn và hơn 100 lính được vũ trang đầy đủ. Chính lực lượng này là “tiền trạm” và hậu thuẫn cho Francis Garnier tấn công thành Hà Nội và một số tỉnh Bắc Kỳ vào năm 1873.

II- HÀ THÀNH THẤT THỦ, NGUYỄN TRI PHƯƠNG TỬ TIẾT

Phải nói rằng đế quốc Pháp trong những năm 1870 – 1873 chưa có ý định mở rộng đánh chiếm lãnh thổ Việt Nam. Bởi vì họ vừa mới thua Phổ rất nặng nề[1]. Nhưng sự nóng lòng “thông thương” của J. Dupuis cộng với sự ươn hèn của triều đình Nguyễn đã kích thích một số tên thực dân “diều hâu” ở Nam Kỳ muốn tiến quân ra Bắc.

Đúng lúc ấy, nhân việc triều đình Nguyễn nhờ giải quyết vụ J. Dupuis, Thống đốc Nam Kỳ Dupré cử Thiếu tá (có tài liệu nói là đại uý) Francis Garnier (Gạc Nhe, Gạc Nhi hay An Nghiệp) đem quân từ Sài Gòn ra Hà Nội và giao cho Garnier tuỳ ý quyết định thiết lập chế độ bảo hộ hay thuộc địa ở Bắc Kỳ. Số quân từ Sài Gòn ra khoảng 200 tên (bao gồm cả lính thợ và lính nguỵ), 11 đại bác, hai tàu chiến, một tàu đổ bộ.

Ngày 5-11-1873, Garnier ra đến Hà Nội. Hắn không những không đả động gì đến “vụ Jean Dupuis” mà còn ngang ngược tuyên bố quyền “mở mang thông thương” của nước Pháp. Thấy rõ âm mưu của Garnier, Nguyễn Tri Phương, lúc này đang giữ chức tuyên sát đổng sức đại thần (chức quan phụ trách quân sự toàn bộ Bắc Kỳ), gấp rút lo chuẩn bị chiến đấu. Ông điều thêm quân các tỉnh về Hà Nội, ra lệnh cho quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc (lúc này đã về hàng ta) đóng phủ Hoài Đức (áp sát mạn tây bắc), quân của Trương Quang Đản đóng Bắc Ninh (áp sát mạn đông bắc), sẵn sàng tiếp ứng cho Hà Nội.

Chiều tối 19-11-1873, Garnier gửi tối hậu thư buộc Nguyễn Tri Phương giao thành. Mờ sáng hôm sau, khi Nguyễn Tri Phương chưa kịp trả lời thì Garnier đã ra lệnh tấn công.

Mặc dù đã chuẩn bị nhưng Nguyễn Tri Phương cũng không ngờ Garnier tấn công nhanh như vậy. Quân trong thành của ta có khoảng 6000 (có tài liệu nói 7000) nhưng trang bị kém, súng bắn không đi được xa và ít khi trúng mục tiêu, quân sỹ lại không được luyện tập nên khả năng tác chiến rất kém, lại lần đầu tiên nghe tiếng đại bác nổ thì hoảng sợ. Quân của Garnier trái lại, tuy ít hơn hẳn nhưng dũng cảm[2] và thiện chiến, có sự phối hợp giữa pháo binh và bộ binh. Ngoài đại bác từ ngoài sông yểm trợ, Garnier cho kéo một số khẩu vào sát mục tiêu, bắn vỡ cửa Đông. Ban đầu quân ta ở trên thành bắn xuống như mưa nhưng rất ít trúng. Những cây gỗ cắm chông lại được chính quân Pháp dùng làm thang trèo vào thành.

Khi quân địch lọt được vào trong thành thì quân ta vỡ trận nhanh chóng. Tất cả chỉ diễn ra chưa đầy một giờ đồng hồ thì thành bị hạ. Quân ta hy sinh 80 người, bị thương 300 trong khi quân giặc cả chết và bị thương chỉ vài người. Nguyễn Tri Phương bị thương và bị bắt. Ông tuyệt thực và qua đời ngày 20-12-1873 – đúng một tháng sau ngày Hà thành thất thủ[3].

Sau khi quân Pháp chiếm được Hà Nội, triều đình chẳng những không lo giữ các tỉnh thành lân cận, lại cử người đi xin chuộc thành. Điều đó đã tạo điều kiện cho Garnier đánh chiếm các tỉnh trung châu Bắc Kỳ khá dễ dàng. Lần lượt các tỉnh bị mất là: Hưng Yên 23-11; Phủ Lý 26-11; Hải Dương 3-12; Ninh Bình 5-12, Nam Định 12-12. Trong số trên chỉ có thành Hải Dương chiến đấu được lâu nhất – khoảng 2 giờ đồng hồ. Thành Ninh Bình có hơn 1000 quân nhưng viên tuần phủ đã nộp thành cho một toán quân Pháp chỉ có 9 người!

Cám cảnh trước cuộc tan tác quá nhanh chóng này, Đốc học Nam Định Phạm Văn Nghị thốt lên:

Thương ôi, bảy mươi ba năm[4] áo dày cơm nặng, xiết bao bể rộng non cao

Vừa một chớp nhoáng đất rộng trời kinh, mới biết kẻ hư người khá

Trong bốn tỉnh biết bao ông cả, há rằng không có chí can thành

Giữa ba mươi chưa hết ba tuần[5], sao bỗng nỡ rời tay then khoá

Hay là vốn không chí đánh, thét gào rằng gò rằng ụ, chỉ giơ súng sậy hò voi

Hay là vốn sẵn chước hoà, lẩn quẩn xin cối xin chày, quen dắt bò vàng đón cửa.

Nhưng tấn tuồng mất nước chưa khép lại ở đó. Đó mới là màn thứ ba sau màn mất ba tỉnh miền Đông (1862) và mất ba tỉnh miền Tây (1867)

III- CHUYỆN “HẬU” HÀ THÀNH THẤT THỦ: TRẬN CẦU GIẤY (I) – GARNIER BỊ GIẾT, QUÂN PHÁP RÚT KHỎI BẮC KỲ

Chiếm được Hà Nội và 6 tỉnh trung châu Bắc Kỳ, nhưng với quân số ít ỏi lại bị rải ra quá rộng, quân Pháp chẳng mấy chốc rơi ngay vào thế bất lợi.

Trong lúc Garnier đem quân đi đánh các tỉnh thì Hoàng Tá Viêm và Lưu Vĩnh Phúc ở Sơn Tây, Trương Quang Đản ở Bắc Ninh cũng cho quân áp sát Hà Nội. Ngày 19-12, phái đoàn thương thuyết của triều đình do Trần Đình Túc cầm đầu đến Hà Nội và ngày 20-11 bắt đầu đàm phán với Garnier thì cũng là lúc quân ta đã khép chặt vòng vây. Sáng 21-12, Lưu Vĩnh Phúc cho quân khêu chiến, khiến Garnier bỏ cả cuộc họp để đem quân đuổi đánh. Garnier hành quân đến Cầu Giấy, đi tắt xuống cánh đồng khô để nhanh đến phủ Hoài Đức, không ngờ ruộng hãy còn ướt, khẩu đại bác bị thụt bánh. Loay hoay mãi không kéo được lên, Garnier phải cho một toán quân ở lại tiếp tục kéo súng, còn mình dẫn một toán khác tiến lên. Đúng lúc ấy, quân mai phục của ta đổ ra đánh. Đội hình quân Pháp rối loạn. Quân Cờ Đen xông vào đánh sát lá cà. Garnier bị hàng chục vết đâm chém rồi bị cắt đầu. Một toán quân khác do viên sỹ quan Balny chỉ huy tiếp tục tiến về phủ Hoài cũng bị quân Cờ Đen phục kích. Balny cùng một số tên Pháp bị giết tại trận, 4 tên bị cắt đầu. Hoàng Kế Viêm cho đem 4 cái đầu này cùng với đầu của Garnier bêu khắp nơi khiến quân Pháp vô cùng khiếp sợ, mất hết tinh thần chiến đấu.

Tuy thế, triều đình không nhân cơ hội này mà phản công, lại bắt Hoàng Tá Viêm lui quân về Sơn Tây, bắt Lưu Vĩnh Phúc lên đóng quân tận Tuyên Quang, đồng thời đưa Nguyễn Văn Tường đi theo Philastre (Hoắc Đạo Sinh) ra Hà Nội thương thuyết.

Philastre là một tên thực dân cáo già. Thấy rõ tình hình bất lợi cho quân Pháp nên bất chấp thái độ hiếu chiến của J. Dupuis và Giám mục Puginier, ông ta bắt quân Pháp phải trả lại tất cả các thành vừa chiếm và trục xuất J. Dupuis về nước.  

Sau đó một hiệp ước đã được ký giữa Pháp và triều đình Nguyễn, gọi là Hoà ước Giáp tuất (năm Giáp tuất, 15-3-1874). Theo Hoà ước, triều đình chính thức nhượng toàn bộ Nam Kỳ cho Pháp; triều đình mở cửa Thị Nại (Quy Nhơn), Ninh Hải (Hải Phòng), Hà Nội và sông Hồng cho người Pháp vào buôn bán. Trong thế thua mà thực dân Pháp đạt được kết quả như trên là điều chúng không mong đợi gì hơn. Phía triều đình, tuy được trả lại Hà Nội và mấy tỉnh thành nhưng với việc chính thức nhượng toàn bộ Nam Kỳ, việc thừa nhận quyền thông thương của Pháp ở nhiều nơi, việc cho phép người Pháp có đất nhượng địa tại Hà Nội (có cả quân thường trú), một lần nữa triều đình lại nuôi thêm nhiều “con ngựa thành Troa”. Chủ quyền còn lại trên đất Bắc Kỳ và Trung Kỳ càng trở nên mong manh.

Và điều đến đã phải đến. Gần 10 năm sau, khi sự chuẩn bị đã chín mùi, ngày 25-4-1882, Henri Rivie tấn công Hà Nội, lần thứ hai Hà Nội lại thất thủ và sau đó các tỉnh miền Bắc lần lượt rơi vào tay giặc. Ngày 18-8-1883, quân Pháp tấn công cửa biển Thuận An, cổ họng của kinh thành Huế. Triều đình vội ký Điều ước Harmand (25-8-1883), chấp nhận quyền “bảo hộ” của Pháp tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ, tức là đầu hàng hoàn toàn. Chúng tôi sẽ trở lại nói về màn cuối của tấn tuồng này vào dịp khác.  

ĐTT

Xem bài liên quan của cùng một tác giả: 



.
Tài liệu tham khảo chính:

1. Bùi Kha: Nguyễn Trường Tộ và vấn đề canh tân, NXB Văn học, 2011

2. Dương Kinh Quốc: Việt Nam – Những sự kiện lịch sử (1858 – 1918), Nxb Giáo dục, tái bản 2003.

3. Đinh Xuân Lâm (Chủ biên): Đại Cương lịch sử Việt Nam, tập 2. Nxb Giáo dục Việt Nam, tái bản 2010.

4. Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Khánh, Phạm Hồng Tung, Phạm Xanh: Lịch sử Việt Nam, tập 3. Nxb Giáo dục Việt Nam, 2012.

5. Nguyễn Lộ Trạch: Thời vụ sách (Kế sách đối với thời cuộc, in trong Văn xuôi tự sự Việt Nam thời Trung đại, tập 2), NXB Giáo dục, 2001.

6. Nguyễn Trường Tộ: Tế cấp bát điều (Tám việc cần làm gấp, in trong Văn xuôi tự sự Việt Nam thời Trung đại, tập 2), NXB Giáo dục, 2001.

7. Nguyễn Văn Nam: Lịch sử Việt Nam, NXB Thời đại, 2010.

8. Phan Bội Châu: Việt Nam vong quốc sử (in trong Phan Bội Châu toàn tập, tập 2). Nxb Đà Nẵng, 2001.

9. Phạm Xuân Hằng – Phan Phương Thảo: Biên niên lịch sử Thăg Long – Hà Nội, NXB Hà Nội, 2010.

10. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục (tập 7). Nxb Giáo dục, 2007.

11. Trần Huy Liệu (Chủ biên): Lịch sử thành phố Hà Nội. Nxb Hà Nội, tái bản 2000.

12. Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, NXB Đà Nẵng, tái bản 2003.

13. Vũ Ngọc Phan: Những trận đánh Pháp (1858 – 1884) (in trong Vũ Ngọc Phan tác phẩm, tập 2), Nxb Hội Nhà văn, 2000.

14. Vương Chính Bình, Lầu Quân Tín, Tôn Nhân Tông (chủ biên): Bộ thông sử thế giới vạn năm, tập 2A. Trần Đăng Thao, Nguyễn Văn Ánh dịch. Nxb Văn hóa - thông tin, 2000.

15. Yosiharu Tsuboi: Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (1847 – 1885). Nguyễn Đình Đầu dịch, Nxb Tri thức, 2011.

16. Tinh tuyển văn học Việt Nam: Văn học thế kỷ XIX (Hoàng Hữu Yên tuyển chọn và giới thiệu), NXB Khoa học xã hội, 2004.



[1] Nước Phổ là một đế chế hùng mạnh ở châu Âu hồi thế kỷ XIX, về sau trở thành một bộ phận của nước Đức. Sau chiến Pháp – Phổ (1870 – 1871), Pháp phải cắt vùng Alsace và một phần ba vùng Lorraine cho Phổ và bồi thường chiến phí chiến phí 5 ngàn triệu franc.

[2] Ví dụ tinh thần của Garnier đêm trước cuộc tấn công Hà Nội. Dù nắm chắc phần thắng nhưng Garnier cũng sẵn sàng chết. Đêm 19-11-1873, Garnier viết thư cho người anh ở Pháp. Thư có đoạn: “Ngày mai, hồi tang tảng sáng, tôi sẽ cùng 180 người đánh thành Hà Nội, trong đó có đến 7000 quân. Nếu anh nhận được thư này mà không thấy tôi ký tên, không thấy tôi viết thêm câu nào ở dưới, tức là tôi đã chết hay bị thương nặng rồi”. Garnier đưa thư cho viên hạ sỹ ở lại trông pháo thuyền, dặn rằng nếu mai hắn chết thì niêm phong lại và gửi, còn nếu hắn sống, hắn sẽ viết thêm rồi mới gửi.

[3] Con ông – Phò mã Nguyễn Lâm, từ quê ra thăm cha, cũng nhập luôn vào cuộc chiến đấu giữ thành và hy sinh. Em ông là Nguyễn Duy hy sinh trong trận Chí Hoà năm 1862.

[4] Tính từ khi Gia Long chiếm lại Phú Xuân (1801) đến năm Tự Đức thứ 26 (1873).


[5] Chưa đầy một tháng Pháp lấy được Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định

6 nhận xét:

  1. Nhờ Nguyễn Xuân Diện sửa chỗ này ( phần I, đoạn 2 dưới lên):
    tháng 8-1973, khi J. Dupuis chở vũ khí và hàng hoá lên Vân Nam
    thành :
    tháng 8-1873, khi J. Dupuis chở vũ khí và hàng hoá lên Vân Nam
    (sửa 1973 thành 1873)
    Cảm ơn
    Đào Tiến Thi


    1973 thành 1873
    Trả lời
  2. Rất cám ơn tác giả bài viết này. Nhiều đoạn sao thấy giống bây giờ thế. Ví dụ như đoạn: "Lợi dụng tình hình đó, thực dân Pháp ráo riết tiến hành các hoạt động do thám và cài cắm các “con ngựa thành Troa” trên đất Bắc. Tiêu biểu nhất là chúng khuyến khích tên lái buôn Jean Dupuis (Đồ Phổ Nghĩa) mượn cớ buôn bán để do thám và xây dựng lực lượng dọc theo sông Hồng, suốt từ cửa Cấm lên Vân Nam (Trung Quốc). Dọc đường sông, J. Dupuis tự tuyển mộ quân (bằng cách lôi kéo các thương nhân Hoa Kiều, bọn thổ phỉ Tàu và một số người Công giáo), ngang ngược sách nhiễu nhân dân, xé bố cáo của quan sở tại (bố cáo ngăn cấm người Tây Dương đi lại tuỳ tiện), có khi bắt cả quan sở tại xuống thuyền giam lại."

    Nó quá giống với những gì người TQ đang làm với VN hôm nay. CẢNH BÁO! CẢNH BÁO!
    Trả lời
  3. Chưa đầy một tháng Pháp lấy được Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định
    Dân Hà Thành đi xem quân Pháp đánh nhau với quân Nam.
    Đó chính là sự rệu rã trong mối liên hệ quan - quân - dân mà bây giờ chính chúng ta cần phải lấy làm bài học.
    Trả lời
  4. Một đất nước rách nát đâm chỗ nào cũng thủng , Saigon, Hà Nội, rồi Huế . Đó là do những sâu mọt trong Triều Đình không chịu mở mắt trước những cảnh báo từ những trí thức , nhân sĩ tiến bộ. Một nhà vua u mê trong sách thánh hiền Khổng Mạnh .
    Trả lời
  5. Đọc mà thấy lòng đau quặn trách thay triều đình nhà Nguyễn. Liệu rồi chính phủ hiện thời của ông Nguyễn có mang tội với đất nước này như triều đình nhà Nguyễn khi xưa?
    Sách giáo khoa lịch sử chỉ nói rằng triều đình chiến đấu nhưng không được lòng dân ủng hộ nên thất bại, chứ đâu biết cơ sự như thế này...
    Trả lời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét