Bài đăng phổ biến

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

NGỤY BIỆN HẾT

Đào Tuấn Theo Lao động Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có lần bức xúc hỏi đường miền núi mà lại làm to như vậy, rộng 60-70m, ai quyết định đầu tư? Chủ tịch Quốc hội có lần than: “Sờ vào đâu cũng thấy lãng phí, thất thoát… Trong khi việc dừng, dãn, hoãn, cắt bớt chỉ “cắt là cắt trên sổ”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh có lần dẫn chứng: “Công trình thủy lợi dự tính tưới tiêu 1.000ha, nhưng làm xong chỉ tưới được 500ha. Ai chịu trách nhiệm khi ký quyết định đầu tư? Ai chịu trách nhiệm khi suất đầu tư đang 1 tỉ đồng/ha, nay 2 tỉ đồng mới được 1ha? Ai nói do thiết kế không đúng rồi đổ cho biến đổi khí hậu?”. Và ông kêu lên rằng “Đó chỉ là ngụy biện, ngụy biện hết”, khi “lãng phí nhất, thất thoát nhất chính là chủ trương đầu tư”. 8 năm thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và 8 năm có một sự thật không đổi: Cứ ở đâu dùng tiền công là ở đó có lãng phí. Lãng phí ngay từ chữ ký đầu tiên. Đang rõ ràng có một sự ngụy biện giữa quyết tâm chống lãng phí và cái cách mà các cơ quan sử dụng tiền ngân sách coi là lãng phí. Chúng ta lên án tệ đốt vàng mã trong dân, nhưng lại quên mất tên người ký phê duyệt cái nhà hoang mang tên bảo tàng hàng ngàn tỉ đồng. Chúng ta săm soi đếm từng mâm cỗ cưới, miệng kêu hoang phí; trong khi đó, chỉ riêng việc loại bỏ thủy điện ĐN 6 và 6A ra khỏi quy hoạch - đã có từ năm 2002 - đã khiến chủ đầu tư thiệt hại hàng chục tỉ đồng, chưa kể 400 dự án thủy điện lớn bé khác cùng lúc ra đi. Chúng ta đưa vào luật tinh thần “tiết kiệm là quốc sách”, còn ngoài thực tế, một cái gác chuông cũng mời bằng được bộ trưởng vào dự lễ khởi công. Cải tạo một con đường cũng cắt băng khánh thành. Chúng ta bảo phải học “bài học nhà máy đường, nhà máy ximăng”… giờ hoang hóa khắp nơi và liền sau đó các sân bay, cảng biển tới tấp mọc lên. Đôi khi chỉ một cái đầu, một quyết định, một chữ ký cho một chủ trương sai, một chính sách không chính xác sẽ dẫn tới sự lãng phí xã hội khủng khiếp. Đến ngày hôm qua, rất thẳng thắn, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy phần nào lý giải sự bất lực, rằng “chống lãng phí chỉ mới chạm tới phần ngọn mà bỏ qua cái gốc. Đó là do ban hành chính sách không phù hợp, quyết định thiếu chính xác dẫn đến lãng phí hàng nghìn tỉ đồng, mà người ra quyết định cùng lắm thì cũng chỉ bị phê bình, khiển trách”. Còn ĐBQH Trần Du Lịch đặt câu hỏi: “Chính phủ đã phải cắt giảm, loại bỏ hơn 400 dự án thủy điện, nhưng doanh nghiệp tốn hàng chục tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ đồng lập dự án rồi lại gạt dự án đi thì thiệt hại này như thế nào?”. Không ai trả lời ông cả. Bởi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng có lần đã bảo “Anh định đầu tư thì phải chịu chi phí. Có ai từ đầu dám chắc là làm dự án sẽ được phê duyệt (?!). Anh phải hình dung có thể phải chịu rủi ro. Có dự án lớn hơn nhiều, tầm quốc gia, trình Quốc hội, tốn hàng triệu USD mà có phê duyệt đâu. Điều này, chủ đầu tư phải chấp nhận”. Hóa ra, bà Kim Thúy đã đúng: Chúng ta chưa tìm thấy cái gốc của cây cổ thụ lãng phí. Hóa ra Bộ trưởng Vinh đã không sai khi dùng hai chữ: “Ngụy biện”! Gửi email bài đăng nàyBlogThis!Chia sẻ lên TwitterChia sẻ lên Facebook

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét