Bài đăng phổ biến

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

NGUYỄN NHẬT THỨ TRƯỞNG BGTVT

Nguyễn Nhật – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải: Con đường đi từ Formosa đến vành móng ngựa

Posted by adminbasam on 26/02/2017
Chính Quang
26-2-2017
Nguyễn Nhật- Thứ trưởng Bộ GTVT, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Nguồn: internet
Nguyễn Nhật- Thứ trưởng Bộ GTVT, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Nguồn: internet
Theo thông báo chính thức của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW), từ ngày 15 đến ngày 17/2, Ủy ban đã họp kỳ thứ 11, xem xét, kết luận việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng (BCSĐ) UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cá nhân liên quan đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; buông lỏng quản lý, điều hành; thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện dự án; để xảy ra các vi phạm trong thẩm định, phê duyệt, cấp phép và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh.
UBKTTW đã chỉ rõ trách nhiệm chính thuộc về ông Võ Kim Cự, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban quản lý Khu kinh tế (2008-2010) và Nguyễn Nhật (sinh năm 1961), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nay là Thứ trưởng Bộ GTVT, chịu trách nhiệm chính khi phụ trách công tác liên quan trực tiếp tới đối tác Formosa Hà Tĩnh và giải phóng mặt bằng dự án.

Vậy Nguyễn Nhật chịu trách nhiệm như thế nào trong vụ việc này?
1) Nguyễn Nhật có dấu hiệu cố ý làm trái pháp luật:
Nguyễn Nhật cùng với Võ Kim Cự đã cố tình làm trái pháp luật về đầu tư, do đối với loại dự án như Formosa Hà Tĩnh cần có hai quyết định bắt buộc là:
(a) Quyết định của TTCP cho phép đối với lĩnh vực đầu tư có điều kiện (Nghị định 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Điều 37 (Dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư);
(b) Ngoài ra đối với dự án với thời hạn đầu tư 70 năm phải được Chính phủ quyết định (Luật Đầu tư 2005, Điều 52 “Thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài phù hợp với yêu cầu hoạt động dự án và không quá năm mươi năm; trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với dự án nhưng không quá bảy mươi năm.” Lưu ý rằng Hiến pháp 2013, Điều 95 nêu rõ Chính phủ là gồm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.., chứ không phải của Thủ tướng)
Nhưng thực tế đến thời điểm hiện tại dự án Formosa Hà Tĩnh chưa có 2 quyết định này; tuy  nhiên Nguyễn Nhật và Võ Kim Cự đều lý giải rằng Thủ tướng Chính phủ và các Bộ/ ngành đã đồng ý, và dự án này nằm trong khu kinh tế Vũng Áng. Lý luận của Nhật và Cự là lấp liếm, là chống chế mà thôi, do khu kinh tế này Thủ tướng mới chỉ phê duyệt đến năm 2025. Vì vậy quá rõ ràng Nguyễn Nhật và Võ Kim Cự đã có hành vi cố ý làm trái pháp luật.
h2Nguyễn Nhật (thứ 2 từ phải qua), tay đút túi quần chỉ đạo triển khai nhanh dự án Formosa. Nguồn: internet
2) Nguyễn Nhật có dấu hiệu bất chấp các quy định pháp lý, tạo ưu đãi cho Formosa về thuế, phí…
Ngoài việc cấp phép cho Formosa khởi công xây dựng dự án 70 năm trái pháp luật, Nguyễn Nhật tham mưu chính và cùng Võ Kim Cự triển khai hàng loạt chủ trương và hành động bất chấp các quy định pháp lý như
(a) Chỉ đường cho Formosa cách chạy để hưởng hàng loạt ưu đãi, rõ ràng nhất và thiệt hại cho nhà nước nhất là cho Formosa được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% áp dụng trong 15 năm kể từ khi dự án bắt đầu hoạt động kinh doanh; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo;
(b) Cam kết ưu đãi khi dự án đi vào hoạt động, UBND tỉnh Hà Tĩnh sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án;
(c) Sau khi quyết toán thuế, nếu bị lỗ thì Formosa được chuyển khoản lỗ sang những năm sau để trừ vào thu nhập chịu thuế, thời gian chuyển lỗ không quá 5 năm;
(d) Formosa được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải chuyên dùng để tạo tài sản cố định của dự án trong 5 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất đối với nguyên liệu sản xuất, vật tư, linh kiện và bán thành phẩm phải nhập khẩu mà trong nước chưa sản xuất được;
(e) Formosa được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với người có thu nhập cao, bao gồm cả thu nhập thường xuyên và không thường xuyên, kể cả người Việt Nam và người nước ngoài, làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng;
(g) Formosa được hỗ trợ giảm 50% chi phí quảng cáo trên Báo Hà Tĩnh và Đài Phát thanh truyền hình Hà Tĩnh cho sản phẩm mới của nhà máy trong thời gian 1 năm.
3) Với vai trò chỉ đạo chính, Nguyễn Nhật vi phạm pháp luật về thu hồi, bồi thường, cưỡng chế, tái định cư,… cho các hộ dân trong dự án Formosa:
(a) Cho thuê 33 km2 đất, (để dễ so sánh, diện tích này lớn gấp 1,2 lần diện tích Ma Cao – Trung Quốc; tương đương diện tích của 4 quận nội thành Hà Nội: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng), gồm đất liền và bờ biển chạy dọc gần Đèo Ngang đến đường xuống cảng Vũng Áng, Kỳ Anh – Hà Tĩnh cho Tập đoàn Formosa, Đài Loan – Trung Quốc để làm dự án đầu tư. Với thời hạn 70 năm, giá thuê 96 tỷ đồng VN trong 70 năm ( tức là chỉ khoảng 3,45 đồng/1m2 /01 tháng; có nghĩa là nhịn uống 1 ly nước trà 5.000 đồng thì thuê được 1450 m2 đất mà Nguyễn Nhật – Võ Kim Cự cho Formosa thuê tại Vũng Áng trong 1 tháng).
(b) Trong quá trình triển khai, Nguyễn Nhật đã cho Formosa đã đào một con sông và xây “chiến lũy” chạy dọc theo đường Quốc lộ 1A, trở thành như một vùng lãnh thổ “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trên vùng đất này. Chính quyền huyện Kỳ Anh và tỉnh Hà Tĩnh gấp rút triển khai ép buộc, cưỡng bức hơn 1.300 nghìn hộ dân với khoảng 33.000 nhân khẩu rơi vào cảnh cùng cực, đền bù không đúng, tái định cư đưa dân đến nơi như “ấp chiến lược”, không còn lối thoát cho cuộc sống hôm nay và mai sau.  Người dân ở Kỳ Anh đã bức xúc, kêu cứu nhiều năm trước, một vài dẫn chứng cụ thể là:
+ Dự án trên, đã triển khai thực hiện không đúng Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg ngày 03/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế hoạt động của khu kính tế Vũng Áng – tỉnh Hà Tĩnh và Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 20/08/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vũng Áng – tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025. Đáng chú ý là trong các Quyết định trên của Thủ tướng đã nói rõ về khu dân dụng: “Các khu tái định cư: các hộ dân không gắn với nghề biển được bố trí đan xen trong các khu đô thị mới; các hộ dân gắn liền với nghề biển được bố trí ở ven sông Quyền thuộc xã Kỳ Hà và khu vực phía Tây núi Bàn Độ; các hộ dân làm nông nghiệp được bố trí ở chân núi Hoành Sơn phía Nam quốc lộ 1A đã nắn tuyến. Các khu dân cư nông thôn: được giữ nguyên vị trí hiện trạng; đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội và tạo việc làm cho các cư dân trong độ tuổi lao động”.
Đau đớn thay! Đất dưới chân núi Hoành Sơn phía Nam quốc lộ 1A đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện đã giao cho doanh nghiệp hoặc bán cho tư nhân. Dẫn đến đất tái định cư cho dân được tiến hành “lấy chỗ này đập chỗ khác”, dân được định cư thì đưa lên vùng đồi núi; nhiều gia đình không có đất để làm nông nghiệp, không làm được nghề biển,… tập trung như: “Ấp chiến lược”, gió bấc, gió lào, nuôi gà gà chết, nuôi chó chó bỏ đi, dân chỉ biết ngẩng mặt lên trời mà kêu than;
+ Nguyễn Nhật đã chỉ đạo cấp huyện triển khai vi phạm pháp luật đất đai, không có quyết định thu hồi đất của từng hộ gia đình, vấn đề này đã được UBKTTWĐảng kết luận; thời gian đó nhiều văn bản không đưa bản chính mà chỉ đưa bản photo cho dân, số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng không công bố cụ thể mà chỉ bắt ép dân đến lấy, còn bao nhiêu tiền đúng sai dân khiếu nại không cần biết. Như hộ gia đình ông Nguyễn Đình Phiên ở xã Kỳ Thịnh: tại Quyết định số 2568/QĐ-UBND ngày 31/8/2010 của UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt dự toán kinh phí bồi thường cho gia đình ông Nguyễn Đình Phiên là 962 triệu đồng, nhưng UBND huyện Kỳ Anh đưa 03 văn bản cùng số (018/BBTT) không đóng dấu, nhưng cùng ngày (01/10/2010) cho gia đình ông Phiên với ba mức giá bồi thường khác nhau (962 triệu đồng, 636 triệu đồng, 622 triệu đồng); như vậy, gia đình ông Phiên được nhận số tiền nào? Sự chênh lệch và thiệt hại chỉ riêng hộ gia đình ông Phiên là hơn 300 triệu, dân thiệt hại còn tiền đó vào túi ai?
Dân thắc mắc thì không giải đáp, không nhận đền bù thì cưỡng chế, dân phản ứng thì bắt giam xét xử quy tội cho bằng được. Thử hỏi pháp luật ở đâu trên thế giới này có tình trạng như vậy không? Tất cả những bức xúc này gây ra cho dân đều do Nguyễn Nhật chủ mưu và trực tiếp chỉ đạo.
+ Nguyễn Nhật còn sử dụng lực lượng Quân đội để cưỡng chế thu hồi đất của hộ dân, làm trái với chỉ thị của Bộ Quốc phòng (Quyết định số 2766/QĐ-CC ngày 21/11/2011 và Kế hoạch số 259/KH/UBND ngày 30/10/2011 của UBND huyện Kỳ Anh phản ánh điều đó, không khác gì việc triển khai 1 cuộc chiến với dân);
+ Nguyễn Nhật đã áp dụng nhiều giải pháp quái đản, như quy định ai có con cháu, anh em đang làm việc trong Cơ quan huyện Kỳ Anh, thậm chí là trong tĩnh Hà Tĩnh, mà không yêu cầu gia đình nhận tiền bồi thường đền bù, tự nguyện giao trả mặt bằng (dù đúng hay sai) thì bị sa thải, chuyển ngành; ai là đảng viên có nguy cơ bị khai trừ; ai muốn đăng ký kết hôn, xin xác nhận lý lịch, hay khai sinh cho con mới sinh, xin xác nhận thẩm tra lý lịch vào Đảng,… mà gia đình không nhận tiền đền bù, tự nguyện giao trả mặt bằng,.. sẽ không được giải quyết; dùng mọi biện pháp ngăn cản dân đi hoặc gửi đơn khiếu nại tố cáo đến các cơ quan Trung ương… Thử hỏi trên thế giới này, có nơi nào người dân bị áp bức, bị đè nén đến như vậy không!
4) Nguyễn Nhật cố ý làm trái pháp luật nhiều dự án khác, có dấu hiệu tham nhũng, lợi ích nhóm .
Nguyễn Nhật khi còn làm Tổng Giám đốc Tổng công ty Khoáng sản Hà Tĩnh, chủ yếu làm khai thác và xuất khẩu Titan, chưa biết đưa được lợi ích gì cho quê hương, cho đất nước nhưng có thể nói là một trong những người làm ảnh hưởng đến môi trường của Hà Tĩnh. Nguyễn Nhật kiếm bộn tiền từ xuất khẩu khoáng sản để chạy lên chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Ngoài dự án Formosa có “công” làm “biển chết”, còn nhiều dự án khác mà trong đó đơn cử có thể kể đến “rừng hết” và “chợ mất” như sau:
(a) Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có diện tích đất và dân số nhỏ nhất cả nước, khoảng cách từ bờ biển đến biên giới với Lào là ngắn nhất. Có diện tích rừng là 276.000 ha, vậy mà trên 3 huyện giáp Lào là Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê có 12 dự án công trình thủy điện đã, đang và sẽ mọc lên. Những dự án do Nguyễn Nhật-nguyên Phó Chủ tịch phụ trách công nghiệp trực tiếp chỉ đạo – không chỉ góp phần phá hủy rừng núi, cây cối, động thực vật, hệ sinh thái, sông suối; thu hồi đất nông nghiệp – trồng rừng là nguồn sống chính của dân;…mà còn tạo nên những “quả bom nước” có thể vỡ bất cứ lúc nào nhấn chìm và cuốn trôi nhà cửa, tài sản và tính mạng người dân
(b) Nguyễn Nhật dùng thủ đoạn để tham nhũng, lợi ích nhóm trong 02 dự án chuyển dời 02 chợ truyền thống là Chợ huyện (cũ) Kỳ Anh và Chợ Hồng Lĩnh về tay 2 doanh nghiệp tư nhân; các doanh nghiệp phải lại quả thông qua hai dự án này riêng cho Nguyễn Nhật tổng cộng 18 tỷ đồng
Một con người cơ hội, ra mặt đạo đức giả, bòn vét không từ thứ gì của dân, câu kết với Formosa để đầu độc môi trường biển các tỉnh miền Trung, đẩy người dân lương thiện vào bước đường cùng… như Nguyễn Nhật, dùng tiền kiếm được để luồn lách lên tới Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, rồi khi nghe thấy Formosa có mùi của pháp luật, đã tìm cách chạy khỏi Hà Tĩnh, rồi leo tới chức Thứ trưởng Bộ GTVT…
Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng Nguyễn Nhật chắc chắn không thoát khỏi lao lý, vành móng ngựa và còng số 8 hẳn đang chờ đợi ông ta!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét