13/04/2017
100 năm Cách mạng Tháng Mười (7/11/1917 – 7/11/2017)
Lê Phú Khải
I. Những gì mắt thấy tai nghe
May mắn cho người viết là được có mặt ở Liên Xô đầu năm 1991 trong một chuyến đi “công tác” được chứng kiến tận mắt, nghe tận tai, do các bạn Nga trong ban Tiếng Việt của Đài Phát thanh đối ngoại Liên Xô nói tiếng Việt rất thạo, nói về tình hình Liên Xô lúc đó. Tức tình hình Liên Xô lúc gay cấn nhất và chỉ vài tháng sau, Liên Xô tan rã. Sở dĩ tôi đặt chữ “công tác” trong dấu nháy (“ ”) vì thực chất là đi chơi, nói đi công tác để cho oai mà thôi (!). Hai nước với danh nghĩa trao đổi phóng viên, hàng năm có những cuộc giao lưu, lúc vui vẻ thì người ta đi hết rồi, nay mới đến lượt tôi, kẻ thường trú tận mãi đồng bằng Sông Cửu Long xa xôi.
Từ TP.HCM, tôi ra Hà Nội và nằm chờ máy bay để đi Matxcơva. Gia đình, bạn bè trong giới báo chí văn nghệ, ai cũng ái ngại cho tôi. Vì lúc đó Liên Xô rất khổ, cái gì cũng thiếu thốn, còn thiếu thốn và “nghèo” hơn cả Việt Nam lúc đó! Có bạn thật thà hỏi tôi: Nghe nói ông ở trong ấy, viết lách cũng được, bài gửi ra, Đài phát thanh liên tục, báo Nhân dân đăng liên tục, vậy mà sao người ta lại kỷ luật đày ông đi Liên Xô lúc này?! Trước lúc bay, tôi lên Bộ Thủy sản gặp Bộ trưởng Nguyễn Tấn Trịnh. Ông Trịnh cho tôi 10 chai Lúa mới, 10 cây thuốc lá Vinataba để làm quà cho các bạn trong Ban Tiếng Việt Đài Mátxcơva. Ông Trịnh còn viết cho tôi một lá thư bằng tiếng Nga gửi cho Bộ trưởng Bộ Nghề cá Liên Xô đề phòng có khó khăn gì thì tôi gặp Bộ trưởng Nghề cá Liên Xô nhờ giúp đỡ. Sở dĩ có sự ưu ái này vì tôi tuy không ở trong ngành thủy sản nhưng được Bộ trao nhiều bằng khen và sau này còn trao “Huy chương vì sự nghiệp phát triển nghề cá”. Lúc đó ở Liên Xô Goocbachôp đang cấm rượu nên ông Bộ trưởng tặng “Lúa mới” Việt Nam là tâm lý lắm!
Vợ tôi mua cho tôi son phấn, bút kẻ lông mày… để tặng Irina, nữ Trưởng ban Việt ngữ đài Mátxcơva. Cô em dâu họ mua hộ tôi 10 cái đồng hồ điện tử để “bán lấy tiền tiêu vặt”! Riêng tôi mua hai bình hoa sơn mài Việt Nam và 10 cây viết “bic” Mỹ tặng Ban Việt ngữ đài Mát. Cái vali đi “công tác” của tôi nặng như cái cùm! Chỉ nhìn vào những thứ mà tôi mang đi Liên Xô, cũng đã nói lên sự khan hiếm hàng hóa ở Liên Xô lúc đó.
Mátxcơva tháng 3-1991, đi trên đường phố, lên xe buýt, xuống tàu điện ngầm thấy một không khí rất trầm uất. Người Nga nào mặt mũi cũng đăm chiêu, hình như trong đầu họ chứa chấp nung nấu, dồn nén một cái gì ghê gớm lắm. Không ai nói với ai một câu nào, không thấy một nụ cười nào trừ những nụ hôn say đắm của những cặp trai gái siết chặt lấy nhau dưới ga tàu điện ngầm! Không khí xã hội oi bức như đêm trước của một ngày giông bão lớn hôm sau. Nhìn những bà già buồn bã xếp hàng mua dưa chuột muối, những người đàn ông Nga to lớn xếp hàng rồng rắn để mua những cái pin nhỏ bé cho chiếc đồng hồ điện tử đeo tay của mình. Tôi không khỏi ngậm ngùi cho số phận của nhân dân Xô Viết. Chính những bà cụ già kia là mẹ của những chiến sĩ Hồng quân đã hy sinh trong chiến tranh giữ nước vĩ đại. Chính những người công dân Nga to lớn đang xếp hàng mua pin cho chiếc đồng hồ điện tử của mình là những người đã bay lên vũ trụ đầu tiên trong lịch sử con người. Tôi hỏi một bạn trong ban Việt ngữ đài Mátxcơva thì được đồng nghiệp của tôi trả lời (bằng tiếng Việt): “Thời Brêgiơnep thì cái gì chúng tôi cũng có, nhưng chẳng bằng ai. Còn bây giờ cải tổ thì chẳng có cái gì cả!”.
Tôi muốn dừng ở đây để nói về cái vế “cái gì cũng có nhưng chẳng bằng ai”! Đúng là như thế. Tôi nhờ một đồng nghiệp là phóng viên nhiếp ảnh, và khó khăn lắm, anh mới mua hộ tôi một cái máy ảnh nhãn hiệu Zenit nổi tiếng của Liên Xô còn tương đối mới để làm kỷ niệm cho chuyến đi. Nhưng cái máy ảnh này không có đèn flash. Muốn chụp có đèn phải gắn cái đèn vào máy, và cái đèn flash đó, lại có dây điện để mỗi khi muốn chụp có đèn thì dùng dây cắm vào ổ điện. Mỗi khi di chuyển, phải rút ổ cắm ra, rồi lại cắm vào ổ khác mới chụp có đèn được! Làm được vệ tinh, vũ khí hạt nhân… nhưng hàng tiêu dùng cho nhân dân thì tồi tệ đến thế. Cái đồng hồ điện tử bấy giờ ở Hà Nội trẻ em đi học cũng có để đeo tay. Thế mà ở Mátxcơva lúc đó là thứ thời thượng với đàn ông Nga. Vì thế mới có cảnh xếp hàng rồng rắn để mua pin cho đồng hồ điện tử!!! Lúc đi, cái vali của Trần Kiên trưởng đoàn của tôi đã ắp những quần lót phụ nữ hàng Thái Lan. Ông Trưởng đoàn của tôi có vợ đang lao động làm thuê bên Nga nên ông đem sang cho vợ bán. Vì thế, khi Ban Tiếng Việt đài Mát mời tôi và Trần Kiên phát biểu cảm tưởng trên đài, tôi đã nói: Khi đi từ Hà Nội sang Mát, tôi thấy mọi người đều đem quần áo lót phụ nữ sang Liên Xô để bán. Điều đó chứng tỏ rằng, Liên Xô chỉ vĩ đại ở tầm vĩ mô, nhưng phần vi mô thì cái quần lót phụ nữ lại thiếu!!! (Qua tấm kính phòng thu âm, tôi thấy các bạn Nga đều gật gù tán đồng). Nhưng khi tôi nói tiếp: Tôi tin là công cuộc cải tổ ở Liên Xô hiện nay sẽ khôi phục những nguyên tắc Lêninnít của chủ nghĩa xã hội… (nói đến đấy, tôi thấy mọi người bên ngoài đều lắc đầu, xua tay)!!!
Thì ra chính các bạn Nga, đã không tin gì công cuộc cải tổ sẽ đi đến đích. Có bạn còn hỏi tôi: Anh có biết vì sao Lênin là người nói đến dân chủ nhiều nhất ở Liên Xô không? Còn chưa biết trả lời thế nào, thì anh bạn đó đã nói: Vì có người thứ hai nói đến dân chủ thì đã bị ông ta đập đầu chết rồi! Chính người Nga đã chán ghét lãnh tụ của họ đến thế cơ mà! Thời gian ở Đài Mát, tôi còn được nghe rất nhiều giai thoại về chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, có thể thu gom để viết thành một cuốn sách “Tiếu lâm thời cộng sản”!
Tôi học thuộc mấy câu tiếng Nga. Lên xe buýt, tôi đứng ở đầu xe nói lớn: Tôi là nhà báo Việt Nam, xin hỏi các bạn: Goocbachôp? Cả xe đều lắc đầu, xua tay. Tôi lại hỏi: Enxin? Mọi người gật đầu tán thưởng. Lúc đó nhân dân đã chán Goocbachôp vì đời sống quá khó khăn và lại trông đợi vào Enxin.
Ở các cuộc biểu tình, người ta trưng biểu ngữ: Enxin là nước Nga!
Sắp đến ngày về Irina hỏi tôi: thế anh Phú Khải không định tìm hiểu cái gì à? Sở dĩ Irina hỏi thế vì ngày làm việc đầu tiên, Irina hỏi về các yêu cầu tìm hiểu của đoàn. Trưởng đoàn Trần Kiên nói một thôi. Irina ghi chép đầy đủ. Đến lượt tôi, tôi trả lời: Chẳng tìm hiểu cái gì cả! Irina hỏi tại sao? Tôi nói: Đi máy bay của hãng Liên Xô Aeroflôt thấy các cô tiếp viên đẹp như sao trên trời, sang đây thấy nhà cao cửa rộng, ga tàu điện ngầm như cung điện… là tìm hiểu rồi chứ còn gì nữa! Mọi người đã cười vui vẻ! Nhưng lúc này thấy Irina thật tình, tôi mới nói: Có định tìm hiểu, nhưng khó lắm! Chị tiếp lời: Thì anh Phú Khải cứ nói đi. Tôi trình bày rằng, muốn gặp một trí thức hàng đầu ở Mátxcơva để tìm hiểu về công cuộc cải tổ đang diễn ra đầy kịch tính ở Liên Xô, mà người phiên dịch phải là Irina! Tôi không ngờ chị cười và nói ngay: Dễ thôi, đi ngay bây giờ! Lên đến xe rồi, Irina bảo: Em đưa anh đi gặp viện sĩ, giáo sư X, người đang là Trưởng ban cải cách Hiến pháp Liên Xô. Đến lúc này thì tôi hoàn toàn bị Irina thuyết phục. Đúng như người ta đã ca ngợi chị là người xông xáo, là một nhà báo toàn năng, một nhà “Việt Nam học”, chị vừa là Trưởng ban Việt ngữ, vừa là nhà phát thanh viên Tiếng Việt số 1 của Ban Việt Ngữ. Cặp đôi phát thanh viên Trần Phương giọng Nam bộ, Irina giọng Hà Nội đã thu hút được người nghe đài đối ngoại Mátxcơva. Bà con nghe đài ở Chợ Lớn TP.HCM đã mê giọng phát thanh viên Irina và Trần Phương nên đã mời Irina sang TP.HCM đến 17 lần. Ở Ban Việt Ngữ đài Mát có hai nữ là Irina và Tanhia. Tanhia bố người Nga, mẹ người Việt dân Bến Tre. Bố Tanhia đi lính lê dương Pháp, chạy sang hàng ngũ Việt Nam và lấy vợ Bến Tre. Đến khi Tanhia hơn 10 tuổi mới theo cha về Nga, nhưng Tanhia nói tiếng Việt và hiểu tiếng Việt kém Irina xa. Ngồi trên xe, tôi mừng thầm là chuyến đi này đã đạt mục đích ở ngày cuối cùng. Duy có cái tên ngài viện sĩ dài như cầu Long Biên thì tôi không thể nhớ nổi! Tôi chào ông viện sĩ có vẻ bề ngoài rất quắc thước này bằng tiếng Pháp. Ông đứng hẳn dậy bắt tay tôi và lại ngồi xuống cái ghế bành bề thế. Irina giới thiệu tôi với ngài, tôi không hiểu nàng đã nói những gì mà lâu đến thế (!). Sau đó giục tôi: Anh hỏi đi. Tôi hỏi: Thưa ông viện sĩ, chúng tôi thường đọc sách và thấy Lênin nói, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô gấp triệu lần nền dân chủ ở các nước tư bản. Vậy bây giờ Liên Xô cải cách hiến pháp là dựa trên nguyên tắc, nguyên lý nào? Irina dịch và ngài viện sĩ trả lời qua lời dịch của chị: Chúng tôi đang nghiên cứu Montesquieu! Tôi nghe xong câu ấy thì đứng lên, cúi đầu rất thấp để cám ơn và chào ngài viện sĩ đáng kính này và nói với Irina: Thôi, thế là đã rõ. Chúng ta về thôi.
Ra đến cửa, tôi bảo với Irina: Vậy là quay lại thế kỷ 18 để thực hiện tam quyền phân lập. Chúng ta đã đi lộn đường mất hai thế kỷ rồi! Irina không nói gì cả. Lúc vào thang máy tôi nói: Việt Nam đi theo Liên Xô nên mới khổ thế này. Irina than: Thì nước Nga chúng em cũng đang rên xiết chứ sung sướng gì! Tôi lại bất ngờ vì từ “rên xiết” của chị. Đến một cô gái Hà Nội chính cống cũng không chọn được từ “rên xiết” chỉ cái tình cảnh nước Nga lúc này! Nhưng Irina lại đưa tôi đi tiếp, vì theo chị, còn nhiều thời gian. Đến một ngôi nhà cao tầng trong một khu phố không lấy gì là sang trọng, chị bảo tôi: Em đưa anh đi gặp Tổng bí thư của một đảng đối lập, tầng lầu mà chúng ta sắp lên là chính Đảng Cộng sản thuê cho đảng đối lập này làm trụ sở. Vậy là tôi lại hiểu thêm một “kênh” chính trị nữa ở Liên Xô lúc đó. Tổng bí thư đảng đối lập là một người đàn ông trung niên tầm thước, gương mặt hiền hòa nhưng có đôi mắt rất sáng. Trong cuộc trao đổi với ông, tôi nhớ hai câu nói đầy ấn tượng của chính trị gia tuổi trung niên này. Câu thứ nhất nói về Liên Xô: Liên Xô chúng tôi là một cái chiến hạm mắc cạn còn Việt Nam là một chiếc thuyền thúng không biết trôi dạt về đâu (!). Câu thứ hai nói về xã hội Xô Viết: Thằng Ivan nó không có gì cả thì nó không thể nên người được. Nó phải có gia sản thì mới nên người. (Ivan là cách nói tượng trưng chỉ người đàn ông Nga, như người Việt nói: anh Ất, anh Giáp – LPK). Khi chỉ còn tôi và Irina trong thang máy, chị lấy tay gỡ cái huy hiệu biểu tượng của đảng đối lập mà ông Tổng bí thư vừa gắn lên ngực áo tôi để làm kỷ niệm, vừa gỡ vừa nói: Em tịch thu của anh cái huy hiệu này!
Về đến Đài, để ăn mừng thắng lợi của buổi sáng, tôi lấy từ túi xách ra chai “Lúa mới”, khao các bạn Nga. “Lúa mới” Việt Nam tại Nga rất được ưa thích. Một lần vợ trưởng đoàn Trần Kiên đưa đến một bạn hàng của chị là một người đàn ông Nga. Tôi cũng mời anh ta một ly cối “Lúa mới”. Anh ta làm một hơi hết sạch, chùi ria mép, rồi ba hoa: “Nước Nga của chúng tao bao giờ cũng là một cái làng lớn đầy hủ tục (!)”. Người Nga thật thà như một tảng đá, không che giấu cái sức ỳ của chính mình!!!
Khi chúng tôi rời Liên Xô về Hà Nội, “kết thúc tốt đẹp chuyến công tác” thì các nước cộng hòa vùng Bantích đang biểu tình đòi ly khai khỏi Liên bang Xô Viết.
Không tiễn chúng tôi được, Irina gửi cho tôi một lá thư ngắn. Tôi không ngờ chữ của chị đẹp như thế (xem bút tích của Irina).
Tác giả trên cầu Mátxcơva (1991)
Tác giả với các bạn Nga (1991)
Biểu tình ở Mátxcơva với biểu ngữ “Enxin là nước Nga” (Ảnh LPK)
Irina (phải) và Tanhia (1991)
(Ảnh LPK)
Bút tích của Irina (1991)
Về đến Hà Nội, gặp tù nhân vụ án Xét lại năm xưa Nguyễn Kiến Giang, ông khen bài phát biểu của tôi trên Đài Matxccơva là “được”! Đến báo Nhân dân, nhà báo Hữu Thọ biết tôi mới đi Liên Xô về dặn: Cậu đừng viết chửi Goocbachôp, người ta là nguyên thủ quốc gia, sẽ không có lợi cho ngoại giao hai nước. Tôi vừa đi Bắc Triều Tiên về. Kim Hạnh Tổng biên tập Tuổi Trẻ cũng đi, về đã viết bài chửi Triều Tiên, sứ quán người ta đang kiện mình kia kìa! Về đến thành phố bên sông Tiền nơi tôi đang thường trú vùng đồng bằng Sông Cửu Long, Phó Tổng biên tập báo địa phương là anh KT cũng nói nghe được bài phát biểu của tôi trên đài Mát. Lúc đó, trí thức Việt Nam quan tâm đến thời cuộc theo dõi tình hình diễn biến ở Liên Xô rất chặt chẽ qua chương trình phát thanh tiếng Việt của Liên Xô.
Nhà Xô Viết học Nguyễn Kiến Giang (trái) và tác giả (Ảnh chụp năm 2003)
Tượng Nguyễn Kiến Giang do điêu khắc gia Phạm Văn Hạng thực hiện
II. Thử lý giải
Một buổi sáng đẹp trời cuối tháng 8 năm 1991, tôi đang ngồi làm việc tại nhà riêng, nơi tôi thường trú tại TP. Mỹ Tho bên bờ sông Tiền êm ả, một người lao xe máy vào sân nhà, hối hả đưa tin về cuộc đảo chính Goocbachôp ở Liên Xô. Anh ta là một cán bộ của văn phòng Ủy ban tỉnh. Anh cho biết, thường vụ tỉnh ủy đã cho dắt một con bò về buộc ở trụ sở tỉnh ủy. Đợi đến chiều nay (21-8-1991) Goocbachôp bị bắt thì sẽ mổ bò ăn mừng (!). Anh hỏi ý kiến tôi, một nhà báo mới đi Liên Xô về, liệu Goocbachôp có bị bắt không? Tôi trả lời dứt khoát: Chiều nay sẽ thả bò ra!
Chiều tối hôm đó căn nhà nhỏ của tôi ngồi chật cứng các vị, tạm gọi là trí thức của tỉnh. Mọi người hỏi tôi vì sao nhà báo lại trả lời một cách chắc mẩm như đinh đóng cột là “Chiều nay sẽ thả bò ra”?!
Tôi phân giải: Đầu năm tôi có ở Liên Xô và đã thấy tận mắt, nghe tận tai người Xô Viết đã chán ngán chủ nghĩa xã hội như thế nào. Tôi đã nhìn thấy những sĩ quan và binh lính đứng gác trên quảng trường đỏ Mátxcơva vẻ chán trường đến tột độ. Họ sẽ không bắn vào ai cả. Cho dù ông giám đốc KGB hay ông Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô ra lệnh cho họ. Bây giờ giữa người lính cầm súng và người chỉ huy cao nhất của họ không còn là một nữa. Vì thế cuộc đảo chính do Phó Tổng thống Javanev, ông Thủ tướng Palov, ông Bộ trưởng Quốc phòng Yarov, ông Giám đốc KGB Kryuchkov ra tay thì cũng chẳng có ai nghe theo lệnh của “Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp” do các ông ấy nặn ra cả. Vậy thôi, Liên Xô sụp đổ không phải do một cá nhân nào như Stalin độc tài mà nó sai từ những nguyên tắc tồn tại, nguyên tắc cai trị, nguyên tắc cấu trúc quyền lực. Tôi đưa ra nhận xét nôm na rằng, giống như người vợ đã quá chán chét người chồng của mình sau nhiều năm chung sống. Người vợ dù không biết tương lai sẽ ra sao, cuộc hôn nhân mới sẽ xấu hơn hay tốt hơn, nhưng dứt khoát phải ly dị, dứt khoát từ bỏ người chồng của mình. Dứt khoát. Tôi cảm nhận toàn thân điều đó nên mới trả lời dứt khoát: “Chiều nay sẽ thả bò!!!”. Mọi người đã ra về.
Ngày 20-8-1991, năm vạn người Matxcơva đã tụ tập để bảo vệ Nhà Trắng Quốc hội Nga và văn phòng Tổng thống Nga Boris Enxin. Một kế hoạch tấn công vào trụ sở Quốc hội Nga của nhóm Anpha, lực lượng đặc nhiệm được trang bị vũ khí hạt nhân cầm tay của KGB bị hủy bỏ khi toàn bộ đội Anpha nhất trí từ chối lệnh. Một đơn vị xe tăng đã rời bỏ hàng ngũ chính phủ, đến bảo vệ quanh nhà Quốc hội, chĩa tháp pháo ra ngoài. Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã đứng trên một chiếc xe bên ngoài Nhà Trắng để chống lại cuộc đảo chính.
Ngày 22-8-1991, Goocbachôp đang bị giam lỏng ở khu nghỉ mát Krym đã về Matxcơva nắm lại quyền Tổng thống và tuyên bố từ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, yêu cầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng giải thể. Ngày 25-12-1991 Tổng thống Liên Xô Goocbachôp từ chức và bàn giao mật mã kích hoạt tên lửa hạt nhân của Xô Viết cho Tổng thống Nga Boris Yeltsin vào 7 giờ 32 phút tối cùng ngày. Liên Xô chính thức chấm dứt tồn tại vào ngày 26-12-1991 bởi tuyên bố số 1420-H của Hội đồng Tối cao Liên bang Xô Viết công nhận quyền độc lập của 12 nước cộng hòa còn lại.
Liên Xô tan rã (sau 74 năm) đã khiến nhiều người cộng sản trên thế giới chết lặng trong đau đớn, bàng hoàng, trong đó có những người cộng sản Việt Nam.
Nhiều người cộng sản Việt Nam, đặc biệt là những thành phần đặc quyền đặc lợi đã căm phẫn nói với tôi rằng, nếu gặp Goocbachôp thì sẽ… đâm chết ngay tên phản bội đó! Cả một dàn hợp xướng của giới lãnh đạo và tuyên huấn ở Việt Nam đã đồng ca sự “phản bội” của Goocbachôp! Chỉ có một người mà tôi biết – đã viết thành văn bản – quá trình tự sụp đổ của Liên Xô, đó là đại tá công an, nguyên Cục trưởng Cục Nghiên cứu Tổng hợp Bộ Công an Việt Nam: Lê Hồng Hà.
Vì sao Liên Xô, siêu cường hạt nhân hàng đầu thế giới lại sụp đổ tan tành?
Đó là câu hỏi không dễ trả lời, cũng không khó với những người biết “lắng nghe tầm hồn mình” (Nguyễn Trần Bạt).
Trong phần mở đầu của Tuyên ngôn Cộng sản (1848) ở ngay chương I viết: “Lịch sử tất cả các xã hội cho đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp. Người tự do và người nô lệ, quý tộc và bình dân, chúa đất và nông nô, thợ cả của phường hội và thợ bạn, những kẻ áp bức và những người bị áp bức luôn đối kháng với nhau đã tiến hành một cuộc đấu tranh không ngừng, lúc ngấm ngầm lúc công khai, một cuộc đấu tranh bao giờ cũng kết thúc bằng một cuộc cải tạo cách mạng toàn bộ xã hội, hoặc bằng một cuộc diệt vong của cả hai giai cấp đấu tranh với nhau” (Tuyên ngôn Cộng sản, nxb Sự Thật, 1983, trang 42, 43).
Ở đoạn kết Tuyên ngôn viết: “Những người cộng sản không tự hạ mình mà đi giấu giếm những ý kiến và dự định của mình. Họ công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng bạo lực lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện có. Mặc cho giai cấp thống trị run sợ khi nghĩ đến một cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa. Trong cuộc cách mạng ấy những người cách mạng chẳng mất gì hết, ngoài xiềng xích trói buộc họ. Trong cuộc cách mạng ấy, họ giành được cả một thế giới cho mình. Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!” (sách đã dẫn, trang 100).
Lênin sau này định nghĩa đấu tranh giai cấp là cuộc đấu tranh của những người công nhân làm thuê hay những người vô sản chống người hữu sản hay giai cấp tư sản.
Học thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Marx đã trở thành kim chỉ nam, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc Cách mạng Tháng Mười do Lênin lãnh đạo và những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội Liên Xô.
Và, nó chỉ có thể tiến hành bằng “bạo lực” chống những người “hữu sản”… Liên tiếp những cuộc thanh trừng đẫm máu từ Cách mạng Tháng Mười cho đến những năm dưới chính quyền Xô Viết đều được nhân danh vô sản chống hữu sản. Bây giờ đọc lại những tác phẩm văn học như Đất vỡ hoang của Sôlôkhốp, Và một ngày dài hơn thế kỷ của Aitmatốp, v.v. người ta thấy không chỉ giai cấp tư sản, đại địa chủ mà cả những người phú nông (cu lắc) cần cù năng động chỉ vì có ít ruộng đất, tài sản để lao động kiếm sống mà trở thành kẻ thù của những người cộng sản. Số phận của họ vô cùng bi thảm trong công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp. Bi kịch của chủ nghĩa cộng sản là tư bản (nhà máy, xưởng thợ, ruộng đất) sau các cuộc đấu tranh giai cấp mà vô sản giành được cả “một thế giới cho mình” thì những người nhân danh nhà nước vô sản quản lí khối tài sản khổng lồ đó lại trở thành giai cấp đặc quyền đặc lợi thành tư bản đỏ, quý tộc đỏ, sử dụng bộ máy toàn trị để đàn áp nhân dân một cách bạo liệt nhất. Giai cấp tư sản quý tộc đỏ không hề có năng lực nâng cấp xã hội Xô Viết lên cấp độ văn minh. Nguyên nhân sâu xa là giai cấp vô sản nghèo khó và thất học khi có chính quyền rồi thì “bao nhiêu lợi quyền về tay mình” (Quốc tế ca) và chỉ có thế. Khác hẳn với cách mạng tư sản, tiêu biểu là cách mạng Pháp 1789 giai cấp tư sản đã hình thành và lớn mạnh, vua Louis 16 còn phải vay tiền của các chủ nhà băng để trang trải công nợ cho triều đình. Giai cấp tư sản Pháp chỉ dựa vào bạo lực của số đông nông dân để lật đổ bọn quý tộc và tăng lữ, sau đó họ đủ trí tuệ và bản lĩnh để nâng xã hội Pháp từ phong kiến lạc hậu lên xã hội công nghiệp văn minh.
Về tầng lớp tinh hoa mà bất cứ đất nước nào cũng cần có ánh sáng của nó dự báo và soi đường, xin nhắc lại lời của Sartre: Nếu ai chế ra quả bom nguyên tử thì người đó là bác học nhưng không phải là trí thức. Chỉ khi nào người đó nhận ra cái xấu của bom nguyên tử và kêu gọi loại trừ nó, thì từ đó trở đi anh ta mới được gọi là trí thức.
Liên Xô là đất nước có nhiều nhà bác học nhất thế giới 1/4 các nhà bác học thế giới là của Liên Xô. Liên Xô có tiềm năng khoa học – kỹ thuật rất lớn, đã đạt đỉnh cao về vật lý hạt nhân, cơ học lượng tử, chinh phục vũ trụ… Đất nước có nhiều bác học nhất thế giới đó lại không có trí thức. Hay nói đúng hơn không có tầng lớp trí thức, không có tầng lớp tinh hoa có khả năng “đánh thức không cho xã hội ngủ” (Cao Huy Thuần). Dưới chế độ độc tài, Liên Xô chỉ có một lớp người “thông minh béo tốt và dễ bảo” (Irina) để đảng sai khiến, “lãnh tụ thiên tài” dạy bảo. Joseph Pulitzer, một ký giả danh tiếng của làng báo Hoa Kỳ đã nói về nghề ký giả như sau: “Một ký giả là một người canh chừng trên chiếc cầu của con thuyền nhà nước. Anh ghi nhận mỗi cánh buồm lướt qua, những dấu hiệu nhỏ nhoi, cần phải chú ý ở chân trời khi thời tiết còn tốt. Anh đứng tường thuật những cái gì đang nổi lềnh bềnh mà chiếc tàu có thể cứu vớt được. Anh xuất hiện qua sương mù và bão tố để dẫn đầu và báo trước những hiểm nguy… Anh đứng đó để canh chừng an ninh và hạnh phúc của nhân dân tín nhiệm ở nơi anh.” (dẫn theo John Hohenberg, Ký giả chuyên nghiệp. Lý thuyết và thực hành trong các ngành truyền thông đại chúng (ấn bản 1973), bản dịch của Lê Thái Bằng và Lê Đình Điểu, Sài Gòn, Nxb Hiện đại Thư xã, 1974, tr. 5). Vai trò dẫn đầu và báo trước hiểm nguy của báo chí ở thế kỷ văn minh lại hoàn toàn vắng mặt ở Liên Xô. Văn học, nghệ thuật là “niềm vui thích cao nhất mà con người tự mang lại cho mình” thì ở xã hội Xô Viết, nó chỉ là công cụ để ngợi ca kẻ cầm quyền. Chính Marx đã từng viết: “Nguyên tắc duy nhất của chủ nghĩa chuyên chế là khinh miệt con người, là con người bị làm mất nhân tính… Kẻ độc tài bao giờ cũng nhìn thấy con người thấp hèn” (Mác và Angghen, Toàn tập, tập 1, Hà Nội, Sự Thật, tr. 491).
Chính mắt người viết bài này đã nhìn thấy con người bị “khinh miệt” và “thấp hèn” trên những tượng đài hoành tráng được xây dựng ở thủ đô Matxcơva. Tôi đã nhìn thấy một bức phù điêu lớn ở trung tâm Mátxcơva, trên bức phù điêu vĩ đại đó là hình Lênin phanh ngực áo nhô người về phía trước, dưới chân của Lênin là lớp lớp nhân dân bé nhỏ li ti xếp hàng đi ở dưới! Tôi đã nhìn thấy tượng Gagarin, toàn thân nhà du hành vũ trụ này được mô phỏng là cái tên lửa đang lao vút lên bầu trời, dưới chân là quả địa cầu bé xíu… Nhìn tượng Gagarin, người ta thấy cả nhân loại này như bị người Xô Viết dẫm đạp dưới chân mình! Nó hãnh tiến và khoa trương một cách vô lối! Tôi đã nói với Irina rằng, cái đáng buồn là chính các nghệ sĩ Nga, bộ phận tinh hoa nhất của nhân dân lại tư duy như thế, lại bị kẻ độc tài tha hóa đến thế. Nàng nghe tôi nói và yên lặng!
Nhà văn sinh ra để chăm chú nhìn xã hội, “họ nhìn thấy những gì mà người ta bỏ qua không phát hiện ra” (Nguyên Ngọc), nhà văn là “nhà thiên văn học của những luồng khí quyển lưu hành trong xã hội” (Stefan Zweig) nhưng trong xã hội toàn trị (totalitarisme) Liên Xô thì giới văn nghệ sĩ có “mật độ” tự tử cao nhất so với các tầng lớp khác! Con chim báo bão của đất nước đã trở thành “con chim ca hót quanh lăng” thì con tàu đất nước đâm xuống vực là tất yếu. Đấy là nguyên nhân chủ yếu đã dẫn đến sự “tự sụp đổ” (Lê Hồng Hà) của Liên Xô, không có “kẻ phản bội” nào có thể xô đổ Liên Xô, không có thế lực nào có thể phá nát một đảng có 17 triệu Đảng viên như Đảng Cộng sản Liên Xô.
Chính vì thế mà nhà tương lai học nổi tiếng của Mỹ Alvin Toffler – tác giả của bộ ba sách:Cú sốc tương lai (Future Shock), Làn sóng thứ ba (The Third Wave) và Thăng trầm quyền lực (Power Shift) – trong cuốn Làn sóng thứ ba, từng được xem là “kinh thánh” của giới trí thức phái cải cách của Trung Quốc, đã chỉ nhìn cuộc cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 như một “làn sóng” tăng tốc hệ thống công nghiệp quy mô lớn, mà không nhìn nhận nó như một tiến trình xã hội bền vững văn minh: “Ở nước Nga, sự va chạm giữa những lực lượng Làn sóng thứ nhất và thứ hai cũng nổ ra. Cuộc cách mạng năm 1917 là bản dịch của Nga về cuộc nội chiến Mỹ. Nó được chiến đấu không phải cho chủ nghĩa cộng sản, mà là cho vấn đề công nghiệp. Khi những người Bônsêvich quét sạch những dấu vết cuối cùng của chế độ nông nô và nền quân chủ phong kiến, họ đẩy nông nghiệp ra phía sau và tăng tốc hệ thống công nghiệp quy mô lớn. Họ trở thành Đảng của làn sóng thứ hai”. (Alvin Toffler,Làn sóng thứ ba, Hà Nội, nxb Thông tin Lý luận, 1992, trang 23).
Nhận định của tác giả Làn sóng thứ ba cho chúng ta cơ sở để suy nghĩ, lý giải vì sao Đại hội 14 của Đảng Cộng sản Liên Xô tháng 12 năm 1925 quyết định công nghiệp hóa trước tiên, nhắm vào công nghiệp nặng. Và chỉ sau hơn 15 năm Liên Xô đã trở thành cường quốc công nghiệp, đứng đầu Châu Âu về tổng sản lượng công nghiệp. Công cuộc tập thể hóa nông nghiệp chỉ được tiến hành sau đó, và cũng chỉ để phục vụ sự phát triển nhanh công nghiệp. Stalin cũng dùng những biện pháp hành chính để ưu đãi chế độ cộng sản (hưởng theo nhu cầu) đối với đội ngũ các nhà bác học (không phải trí thức); để lập nên thành phố Ngôi Sao, biệt đãi họ ở đó, nhờ thế mau chóng đưa được người lên vũ trụ. Nhưng lên được vũ trụ rồi vẫn phải quay về đất nước mà ở đó thiếu nhân văn, ở đó đã tan rã về đạo đức, thiếu lương tâm công dân, những kẻ có hành vi tồi tệ lại nắm giữ những cương vị then chốt. Những điều đó mọi người Xô Viết đều biết và im lặng. Lương tâm người Xô Viết đã im lặng. Ở Liên Xô thời cải tổ xuất hiện khái niệm “nền chuyên chính của lương tâm” thay cho “chuyên chính vô sản”. Nhà văn Xô Viết Đamien Granin đã viết về sự xói mòn lương tâm qua câu chuyện như sau: “Mẹ một người quen của tôi bị ốm. Bà phải mổ. Anh ta nghe nói phải “lót tay” cho bác sĩ. Anh ta vốn tính rụt rè, nhưng nỗi băn khoăn về người mẹ đã làm cho anh ta vượt qua được tính rụt rè ấy, và lấy cớ phải mua thuốc thêm, anh ta định đưa cho bác sĩ 25 rúp. Bác sĩ khoát tay nói: “Tôi không lấy chừng ấy”. “Phải bao nhiêu ạ?”, “Gấp mười”! Người quen của tôi là một kỹ sư bình thường, không giàu có gì. Nhưng đây là sức khỏe của mẹ, anh ta chạy đủ số tiền và ngượng nghịu đưa phong bì cho bác sĩ, và người bác sĩ này điềm nhiên rút tiền ra đếm lại. Sau ca mổ, người mẹ chết. Người bác sĩ giải thích cho người quen của tôi: - Tôi đã kiểm tra lại, mẹ anh chết không do mổ, mà vì tim bà không chịu đựng nổi, vì thế tôi vẫn giữ lại số tiền kia. Anh ta nói với vẻ tin chắc vào sự ngay ngắn của mình: nếu người phụ nữ kia chết vì mổ, anh ta sẽ trả lại tiền. Tôi nhắc lại trường hợp này không phải vì nó đặc biệt gì, mà vì người ta không coi nó là đặc biệt” (Lòng nhân từ, báo Văn học, số 12, 3-1987, Liên Xô). Tình trạng xã hội ấy đặc biệt trở nên nghiêm trọng khi tầng lớp đặc quyền đặc lợi biến địa phương được giao phụ trách là những vương quốc riêng, họ lập những “góc thiên đường” dành riêng cho mình. Khi các quan ở Trung ương về, họ mời “lên thiên đường”! Tình trạng này đã phổ biến ở thời Brêgiơnép và tiếp tục kéo dài…
Xã hội xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô trong nhiều năm tháng dưới chế độ toàn trị (totalitarisme), bệnh quan liêu mệnh lệnh, giai cấp đặc quyền đặc lợi quyết bám trụ, thực chất là một xã hội phong kiến trá hình do quý tộc đỏ nắm giữ sau “làn sóng thứ hai”. Vì thế, nó hung bạo hơn bất cứ chế độ độc tài nào trong lịch sử. Nó gia cố tệ sùng bái cá nhân, xây dựng uy quyền tuyệt đối nhằm kiểm soát toàn đời sống xã hội: Văn hóa, kinh tế, quân sự, chính trị… đến đời sống dân sinh và tư duy cá nhân. Mọi suy nghĩ cũng bị kiểm soát chặt chẽ, phục tùng tuyệt đối, trung thành tuyệt đối với “lãnh đạo vĩ đại”, với “người cha của tổ quốc”, “nhạc trưởng của khoa học”, “thiên tài kiệt xuất cảu nhân loại”, “ kiến trúc sử của chủ nghĩ cộng sản”, “người trông nom hạnh phúc của loài người”… Vì thế, người ta có thể giải thích được, vì sao Stalin lại có thể trị vì lâu đến thế và giết nhiều người đến thế…
Trong thời gian ở Liên Xô (1991) tôi đã được các bạn Nga nói rằng: ở Liên Xô, không một gia đình, một dòng họ nào không có người bị Stalin giết hại. Hiện tượng này cũng là một đặc điểm của tất cả các chế độ cực quyền. Ở Trung Quốc, Mao Trạch Đông từng được ca ngợi là: người dẫn đường vĩ đại, người lãnh đạo vĩ đại, người cầm lái vĩ đại, người tham mưu trưởng vĩ đại. Ở Cuba, ở Bắc Triều Tiên cũng thế… Giết người không xét xử, đó là đặc điểm nổi bật nhất của chủ nghĩa cộng sản. Vì thế, trong bia tưởng niệm những nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản ở thủ đô của nước Mỹ có dòng chữ, chủ nghĩa cộng sản là “Chủ nghĩa giết người, đàn áp đối lập và khinh bỉ tự do…”.
Nếu đến bây giờ ai đó còn nghi ngờ gì về sự sụp đổ của Liên Xô thì xin đọc lại diễn văn từ chức dài 7 phút của Goocbachốp trên truyền hình Liên Xô mà Thông tấn xã Việt Nam đã in trong tài liệu tham thảo thời điểm đó: “Tôi có thể làm Nga Hoàng 20 năm nữa, nhưng như thế là vô đạo đức, vì thế tôi cải tổ...”. Liên Xô sụp đổ vì cái xã hội không có đạo đức, sụp đổ niềm tin, chính những người lãnh đạo cao nhất đã nhận ra điều đó và họ tự diễn biến… Vì thế cũng như Cách mạng Tháng Mười, nó ít đổ máu nhất. Liên Xô sụp đổ còn vì ba nguyên nhân nữa:
Một là, Đảng Cộng sản Liên Xô áp đặt quyền lực tuyệt đối lên nhà nước, làm thay bộ máy nhà nước khiến bộ máy Đảng rất cồng kềnh, già cỗi, kém hiệu lực. Không có thiết chế kiểm soát lãnh đạo của Đảng và cá nhân lãnh đạo Đảng. Nhóm cải cách Goocbachốp vừa không thoát khỏi cách làm cũ, vừa mắc sai lầm mới, không kiểm soát được xã hội.
Hai là, hệ thống kinh tế quan liêu bao cấp, mô hình kinh tế không động viên được sức lao động. Kế hoạch hóa kinh tế cưỡng ép, chủ quan, đi ngược quy luật kinh tế. Tình trạnh quan liêu, tham nhũng do ai cũng có quyền ra lệnh, can thiệp vào các hoạt động kinh tế và không ai chịu được trách nhiệm về các kết quả kinh tế cuối cùng.
Ba là, chính quyền vi phạm các quyền tự do dân chủ của công dân. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trở thành nhạt nhẽo, đơn điệu, nghèo nàn, “niềm vui thích cao nhất mà con người tự đem lại cho mình” không còn nữa. Tâm hồn người Xô Viết khô héo!!!
Một nguyên nhân nữa phải nhắc đến là Liên Xô đã “sập bẫy” chạy đua vũ trang với Mỹ trong chiến tranh lạnh khiến ngân sách kiệt quệ…
Thể chế chính trị thối nát, lòng tin khủng hoảng, tài chính kiệt quệ, chế độ suy tàn thì vũ khí hiện đại cũng trở nên vô dụng. Liên Xô sụp đổ hoàn toàn. Nói như En-xin, cộng sản không thể sửa chữa mà chỉ có thể vứt bỏ!
Một trăm năm đã đi qua kể từ cái ngày “rung chuyển thế giới” 7-11-1917. Từ một nước tư bản trung bình, cách mạng Tháng Mười, 1917 đã cho ra đời nhà nước Xô Viết, đưa đất nước này trở thành một siêu cường hạt nhân hàng đầu thế giới, hình thành phe xã hội chủ nghĩa làm đối trọng với thế giới tư bản khiến nó phải điều chỉnh mọi mặt để dần hình thành một thế giới văn minh. Người dân Liên Xô được hưởng thành quả của “làn sóng thứ hai” công nghiệp hóa một nước rộng lớn, con người được hưởng văn minh vật chất. Nền công nghiệp hàng đầu thế giới của Liên Xô đã giúp nhân loại góp phần đánh bại chủ nghĩa Phát xít trên toàn thế giới, đó là một sự thật không thể bác bỏ. Cách mạng Tháng Mười thành công không phải là một ngẫu nhiên lịch sử thì sự sụp đổ của Liên Xô cũng không phải là một ngẫu nhiên, do những nguyên nhân đã được phân tích ở trên. Đảng Bônsêvích đã chiến đấu không phải cho chủ nghĩa cộng sản với những lí tưởng tốt đẹp mà là cho vấn đề công nghiệp như Alvin Toffler đã chỉ ra. Thảm họa của nhân loại chính là ở chỗ đó. Nhân vật Ăng-giô-rát trong Những người khốn khổ của Victo Hugo đã tuyên bố trên chiến lũy: “Lý tưởng ơi, chỉ có mày là có thật!”. Lý tưởng thiên đường cộng sản mà bao chiến sĩ cách mạng trên thế giới đã hy sinh vì nó là không có thật. Chỉ có cái con người mơ ước về nó (tức lý tưởng) là có thật. Vì thế nhà xã hội học Nguyễn Kiến Giang mới giải thích, các tôn giáo không đề ra kế hoạch 5 năm nào để tiến đến thiên đường cả. Vì thế tôn giáo cứ tồn tại mãi. Cộng sản Xô Viết đề ra các kế hoạch 5 năm để tiến tới chủ nghĩa cộng sản nên có nhà thơ đã viết “Những thiên đường vỡ chợ, những học thuyết đứng đường!” (Trần Mạnh Hảo). Năm 1963 khi bác sĩ Nguyễn Khắc Viện bị Pháp trục xuất về nước, về đến ga Hàng Cỏ Hà Nội, ông đã nói một câu nổi tiếng với các nhà báo ra đón ông: “Nếu mở mắt ra, nước Việt Nam thành nước Pháp thì tôi đi theo chủ nghĩa tư bản. Nếu phải đi 200 năm “đầy máu và nước mắt” (Marx) để Việt Nam thành nước Pháp thì tôi đi theo Liên Xô”. Đùng một cái, Liên Xô sụp đổ tan tành. Đầu năm 1992, trí thức TP.HCM họp mặt ở nhà khách Viện Pasteur TP.HCM để mừng ông vừa được giải thưởng lớn Pháp văn (grand prix francophonie) tôi hỏi ông: “Bây giờ Liên Xô sụp đổ rồi, bác nghĩ sao đây?”. Ông Viện đã thẳng thắn trả lời: “Bây giờ thì tôi đi theo chủ nghĩa tư bản văn minh, chứ không đi theo tư bản hoang dã (sauvage)”. Tôi hỏi ông: “Tư bản hoang dã là những nước nào?”. Ông trả lời: “Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore...”. Ông giải thích thêm: “Các nước này mới nổi lên, chưa qua tư bản văn minh nên vào ta đầu tư thì bọn tư bản hoang dã chỉ phá hủy môi trường mà thôi!”.
Năm nay là vừa tròn 20 năm bác sĩ Viện qua đời, nghĩ đến những lời tiên tri của ông chúng ta thấm thía với Bột ngọt Vedan và sông Thị Vải, Formosa Vũng Áng đầu độc biển Miền Trung; vụ hối lộ dự án đường sắt ở Việt Nam của các nhà thầu Nhật Bản… Cái tư bản hoang dã Phương Tây mau chóng trở thành tư bản văn minh là do nó có khả năng thích ứng cao, tự vận động để chuyển hóa và một phần nhờ có đối trọng Liên Xô. Tất cả những gì không có đối trọng thì sớm muộn cũng trở thành hoang dã. Đó là quy luật tất yếu khách quan của vận động xã hội.
Liên Xô tan rã và để lại một nước Nga trì trệ do người dân sống quá lâu trong bao cấp cả tư duy lẫn vật chất. Cái xã hội có bản năng bầy đàn rất mạnh ấy ở Liên Xô rất cần đến một anh đầu đàn dẫn dắt. Putin đã được chọn. Anh chàng KGB láu cá mà báo chí dân chủ gọi là anh hề chính trị (polichinelle de la politique) này đầu độc dân chúng bằng chủ nghĩa Sô-vanh nước lớn “Đại Nga”. Nhưng trì trệ vẫn hoàn trì trệ. Cái xe ôtô La-đa và Vonga của Liên Xô cũ bây giờ vẫn như thế. Người Nga bây giờ đi toàn xe đời mới của nước ngoài. Những công việc lao động nặng nhọc người Nga không bao giờ làm, họ đấu thầu – và chỉ người Nga chính phủ mới cho đấu thầu – như làm vệ sinh đường phố, lái xe buýt, xe cẩu… rồi họ cho dân nhập cư thuê lại, ngồi hưởng chênh lệch và rung đùi uống rượu Vốtka! Các nhân viên công vụ thì ăn hối lộ là “chuyện thường ngày ở huyện”! Chính phủ của Putin tồn tại được là nhờ nguồn tài nguyên vô cùng giàu có của nước Nga và nhờ bán vũ khí, thừa hưởng công nghệ vũ khí từ thời Liên Xô cũ. Và, nước Nga mênh mông của Puskin vẫn là “một cái làng lớn đầy hủ tục”. Nó “luôn đội trên đầu mình cái mũ mà Châu Âu đã vứt bỏ” như chính Lênin đã nhận xét về nước Nga trước Cách mạng Tháng Mười 1917!
Đúng 100 năm sau cái ngày “rung chuyển thế giới”, thế giới lại chuyển rung khi nước Mỹ đã bầu lên một chỉ huy thế giới là một anh con buôn chính trị (politicailleur), chỉ có nghiệp vụ “chia lô bán đất” như chính người Mỹ đã nhận xét. Anh con buôn này tuyên bố: Nước Mỹ là trên hết! Chưa có vị Tổng thống Mỹ nào lại hạ nhục nước Mỹ như thế trong lịch sử nước Mỹ. Nước Mỹ chỉ lo cho chính mình thì ngọn cờ dẫn dắt thế giới sẽ rơi về đâu nếu không phải vào tên thổ phỉ Tập Cẩm Bình đang muốn làm bá chủ… Nhân loại đang “đi giật lùi đến tương lai” (Nguyễn Trần Bạt),
Chưa bao giờ lời cảnh báo của Phuxích lại cần phải nhắc lại như lúc này: “Nhân loại hãy cảnh giác”.
TP.HCM 4/2017
L. P. K.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét