Chủ tịch nước Trần Đại Quang để lại gì?
1. "Ông Trần Đại Quang ra đi và không để lại dấu ấn gì đáng kể"
TS. Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam bình luận trên Bàn tròn Đặc biệt của BBC Tiếng Việt hôm 21/9:
“Ông Trần Đại Quang cuối cùng đã ra đi một cách không trọn vẹn, mặc dù tuổi được coi là vẫn còn trẻ ở trong Bộ Chính trị. Và ông Trần Đại Quang ra đi và không để lại dấu ấn gì đáng kể.
“Thực sự dấu ấn đáng kể nhất của ông là thời còn Bộ trưởng Bộ Công an, tôi nghĩ là dấu ấn đáng kể nhất của ông là đã chỉ huy những chiến dịch đàn áp nặng nề đối với giới đấu tranh, hoạt động dân chủ nhân quyền ở Việt Nam và bắt nhiều người.
“Và di sản của ông Trần Đại Quang để lại, tất nhiên ngày hôm nay mà nói những điều đó với một người vừa qua đời thì kể ra tôi nghĩ rằng nó cũng có cái gì đó hơi khập khiễng, nhưng nếu đánh giá một cách khách quan thì cũng phải nhắc lại cho đầy đủ rằng người nào có công, người nào có tội và người nào làm được gì đó, thì tôi nghĩ rằng di sản ông Trần Đại Quang để lại, thậm chí cho cả Bộ Công an sau này kế thừa, đến đời ông Tô Lâm còn đàn áp nhân quyền mạnh hơn nữa...
“Và di sản thứ hai mà ông Trần Đại Quang để lại, tôi nghĩ rằng dấu ấn lớn nhất của ông thời Bộ trưởng Bộ Công an trước khi làm Chủ tịch Nước là ông đã có một chuyến đi Washington tiền trạm cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để ông Trọng đi Washington sau đó gặp Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.
“Và trong chuyến đi tiền trạm đó vào tháng 3/2015, ông Trần Đại Quang đã được rất nhiều quan chức của Mỹ tiếp, kể cả quan chức của Bộ Quốc phòng, rồi FBI, rồi CIA v.v…, tất cả, nhưng mà sau đó vai trò của ông mờ nhạt và mờ nhạt hẳn kể từ tháng 7/2017…”
2. LS Trần Quốc Thuận: "ông Trần Đại Quang để lại một di sản nặng nề"
Bình luận trong chương trình Bàn tròn Thứ Năm hôm 21/9 của BBC Tiếng Việt, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội nói:
“Về quan điểm của tôi thì thấy ông Trần Đại Quang để lại một di sản, tôi dùng chữ ‘di sản nặng nề’ nhất, chính là Bộ Công An, đã có lần tôi nói là một cuộc cải cách hay là ‘thay máu toàn diện’. Từ 12 Tổng cục giải thể hết và chỉ còn lại là các Cục, thì rõ ràng là hàng loạt tướng lĩnh, rồi sỹ quan cấp tá, cấp này kia ra đi phải được bố trí trở lại.
"Đó là một câu chuyện di sản và di sản đó không chỉ là sắp xếp bộ máy khổng lồ như thế, rồi phong tướng, phong quan hàng loạt như thế, thì bây giờ việc bố trí như thế nào? Đó là một câu chuyện không phải đơn giản.
“Nhưng cái để lại mà người ta nói nhiều nhất là để lại những dấu hiệu tiêu cực mà bây giờ đã thành tội phạm rồi, như vụ án Vũ Nhôm…, rồi một số tướng lĩnh bị điều tra tiêu cực...
“Tôi đang nghĩ đến Quyết định 102 của Bộ Chính trị và nếu những người nào liên quan đến việc có dấu hiệu tiêu cực nghiêm trọng, thì cho dù có qua đời thì cũng phải kết luận đó là cái gì. Tôi nghĩ rằng kết luận trách nhiệm về thiết kế của Bộ Công an, bộ máy mà bây giờ nhiều người bị phạm tội như thế thì trách nhiệm thế nào? Thì cái đó có áp dụng quy định 102 hay không?
“Đó là vấn đề người ta nghĩ tới phải đặt ra, phải làm một cách không có vùng cấm, cho nó rõ ràng, sòng phẳng, chứ không thể để người ra đi vì nếu mà có thì cũng nói cho nó rõ, hoặc là không có vấn đề gì cả".
3. GS. Carl Thayer, chuyên gia về chính trị Việt Nam từ Úc, nhận định
"Sau khi ông Trần Đại Quang rời vị trí Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện các bước cắt giảm cơ cấu nặng nề của bộ."
"Rõ ràng là những quyền lợi đặc biệt mà Bộ này đã tận hưởng đang bị cắt giảm trong một nỗ lực để làm cho Bộ có trách nhiệm hơn."
"Những quyết định này được đưa ra trong khi ông Quang là thành viên của Bộ Chính trị. Chức năng cơ bản của Bộ Công an sẽ không thay đổi nhưng bây giờ bộ này sẽ chịu sự giám sát của các quan chức cấp cao hơn."
4. Tuyên bố của Phil Robertson về Chủ tịch nước
Phó Giám đốc khu vực Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói gì?
Phil Robertson
"Di sản trong nhiệm kỳ của Chủ tịch Trần Đại Quang là một cuộc đàn áp nhân quyền kéo dài nhiều năm và khiến nhiều tù nhân chính trị rơi vào chốn lao tù hơn bất kỳ thời điểm nào trong những năm tháng gần đây.
Và hơn bất kỳ ai, ông cũng là người đã giúp Bộ Công an xâm nhập vào mọi ngõ ngách của cuộc sống thường ngày của người dân Việt Nam, gây ra tình trạng vi phạm nhân quyền, tham nhũng và uy hiếp kèm theo sự hiện diện ngày càng gia tăng của cảnh sát.
Dưới sự lãnh đạo của ông, Bộ Công an đã có quyền lực vô cùng lớn đối với Bộ Chính trị Đảng Cộng sản cầm quyền và bây giờ chúng ta sẽ phải xem liệu ảnh hưởng của Bộ trưởng Bộ Công an có còn được duy trì hay không".
Nguồn:
5. Lê Hồng Hiệp: Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời và tác động
Việc Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đột ngột qua đời vào ngày 21 tháng 9 năm 2018 là một cú sốc đối với nhiều người Việt Nam. Mặc dù ông Quang được biết là đã bị bệnh một thời gian, ông vẫn được nhìn thấy tiếp đón các nhà lãnh đạo nước ngoài và tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị và xã hội khác nhau cho đến một vài ngày gần đây. Tuy nhiên, các báo cáo chính thức tiết lộ rằng ông bị phát hiện nhiễm một loại vi-rút “hiếm”, “độc hại” và không thể chữa được vào tháng 7 năm 2017 và đã trải qua sáu đợt điều trị tại Nhật Bản.
Ông Quang là Chủ tịch nước Việt Nam đầu tiên qua đời khi đang đương chức kể từ khi Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ trần năm 1980. Khi qua đời, ông Quang mới chỉ phục vụ được 2 năm và 172 ngày trong cương vị Chủ tịch nước. Vì vị trí Chủ tịch nước nhìn chung mang tính lễ nghi trong khi tình trạng bệnh tật đã hạn chế hoạt động của ông trong hơn một năm qua, di sản mà ông Quang để lại không có nhiều nổi bật. Đồng thời, chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam từ năm 2016 đến nay đã phơi bày nhiều vụ bê bối tham nhũng tại Bộ Công an, nơi ông Quang từng giữ chức Bộ trưởng từ năm 2011 đến năm 2016. Mặc dù ông Quang chưa chính thức bị quy trách nhiệm về những bê bối này, chúng vẫn phủ bóng đen lên nhiệm kỳ của ông. Cùng với tình trạng sức khỏe kém, khả năng ông bị quy trách nhiệm cho các vụ bê bối kể trên đã dẫn tới những đồn đoán cho rằng ông có thể bị loại khỏi vị trí Chủ tịch nước trong tương lai gần.
Sự qua đời của ông Quang đã giúp Đảng Cộng sản Việt Nam không phải tiến hành thủ tục nhiều khả năng sẽ khó khăn và nhạy cảm này nếu xét việc từ trước tới nay chưa có lãnh đạo nào trong hàng ngũ “tứ trụ” của Việt Nam từng bị cách chức hoặc thay thế khi đang còn tại vị. Tuy nhiên, Đảng sẽ phải tìm kiếm một ứng cử viên để điền vào vị trí mà ông Quang để lại. Quyết định về vấn đề này có thể sẽ được đưa ra tại Hội nghị trung ương lần thứ tám của Ủy ban Trung ương Đảng được triệu tập vào tháng 10 tới. Sau đó, ứng cử viên được lựa chọn sẽ được Quốc hội phê chuẩn, nhiều khả năng tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2019. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ giữ chức Quyền Chủ tịch nước cho đến khi vị Chủ tịch nước mới được bổ nhiệm.
Hiện tại, vẫn chưa rõ ai sẽ được Đảng đề cử để đảm nhận chức vụ này. Có các tin đồn cho rằng ông Nguyễn Thiện Nhân, hiện là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí này. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cũng chỉ ra rằng Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng cũng có thể là một ứng cử viên tiềm năng.
Mặc dù vị trí Chủ tịch nước phần lớn mang tính lễ nghi, nhưng ai được chọn để tiếp quản vị trí này trong thời gian tới lại có thể có một số tác động quan trọng đối với hệ thống chính trị của Việt Nam trong tương lai. Ví dụ, nếu ông Nhân được chọn, cấu trúc lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, bao gồm bốn chức vụ (Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội) do bốn chính trị gia khác nhau nắm giữ, có thể sẽ được duy trì. Tuy nhiên, trong trường hợp Đảng chọn ông Vượng, người hiện cũng được xem là ứng viên tiềm năng nhất thay thế Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì có một khả năng là ông Vượng sẽ nắm giữ cả hai chức danh Chủ tịch nước và Tổng Bí thư sau Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2021.
L.H.H.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét