Đức Quốc xã làm thế nào để kiểm soát dư luận xã hội?
“Thấm nhuần học thuyết của Đảng quốc xã quan trọng hơn công tác sản xuất”
Thời kỳ đầu Quốc xã Đức lên nắm quyền, tỷ lệ thâm nhập của đài phát thanh ở Đức không cao, trong một thời gian ngắn thì không có cách nào khiến nhà nhà người người đều có thể nhanh chóng sở hữu đài radio riêng.
Xuất phát từ thực tế này, chính quyền quốc xã đã ra chính sách nghe đài phát thanh tập thể mọi lúc mọi nơi. Nếu một người nào không có đài radio, thì làm sao họ có thể nghe được những chỉ thị mới nhất của lãnh đạo, từ đó lĩnh hội và hiểu được phương châm chính sách mới của chính phủ và đảng quốc xã cho được? Vậy thì nếu cả tập thể cùng nghe đài phát thanh, sẽ không có ai bị bỏ sót. Nói một cách phũ phàng, thì chính là đến cái tai của người dân trong nước cũng không còn được tự do nữa.
Chính sách của Bộ Tuyên truyền không bỏ sót một ai. Những người lớn tuổi phải đi làm để nuôi gia đình, chính quyền đặc biệt sắp xếp rất nhiều tiết mục tuyên truyền trong thời gian làm việc. Trong lúc phát sóng radio tuyên truyền này, tất cả mọi người đều phải tạm ngừng công việc để lắng nghe. Điều này khiến cho toàn bộ người dân Đức khi đi làm không thể không nghe phát thanh tuyên truyền.
Ngay cả khi đến quán cà phê hay nhà hàng, thì cũng không thể nào không “lọt lưới”, bởi vì những nơi như quán cà phê, quán ăn nhà hàng hay nhiều địa điểm công cộng khác đều được trang bị radio. Ngay cả với người đi bộ trên đường mà nói, cũng có hệ thống loa phát thanh trên các đường phố, và những âm thanh tuyên truyền của đảng quốc xã sẽ vẫn lọt vào tai.
Chính quyền quốc xã đã đẩy mạnh như vậy, bất chấp thực tế là sẽ mất nhiều thời gian làm việc. Loại tuyên truyền này sẽ không nhanh chóng kết thúc trong vòng 2-3 phút, bởi vì các bài phát biểu của Hitler thường phải kéo dài đến 2-3 giờ đồng hồ. Nếu như đem toàn bộ khoảng thời gian dành cho việc nghe tuyên truyền của mỗi người trên toàn quốc cộng lại, thì thời gian lãng phí không làm việc không tính đếm được là bao nhiêu!
Nhưng Goebbels (Bộ trưởng Bộ Giác ngộ quần chúng và Tuyên truyền, một trong số những trợ lý gần gũi và thuộc hạ tận tâm nhất của Adolf Hitler) không vì vậy mà thay đổi quan điểm của mình, rõ ràng là “thấm nhuần học thuyết của Đảng quốc xã còn quan trọng hơn cả công tác sản xuất”.
Để kiểm soát đài phát thanh và báo chí cũng cần có những chính sách khác nhau. Chẳng hạn như có một tạp chí hay tờ báo nước ngoài bị cấm phát hành tại Đức, thì không một người dân nào có thể xem được, nhưng đài phát thanh radio thì không như vậy. Nếu như không bị can thiệp về mặt kỹ thuật, thì người dân Berlin thậm chí còn thể bắt được sóng của đài phát thanh Anh quốc. Nếu không giải quyết triệt để vấn đề này thì những nỗ lực của Goebbels và Ban Tuyên truyền sẽ kém phần hiệu quả. Do đó, những ai nghe thông tin từ Đài phát thanh nước ngoài bị coi là một loại phạm tội hình sự nghiêm trọng.
Một phóng viên nổi tiếng của Mỹ là Shayle trong nhật ký tháng 2/1940 đã đề cập đến sự kiện này: Một ngày nọ, bà mẹ của một phi công người Đức nhận được thông báo rằng con trai bà đã mất tích và sau đó họ phát hiện anh này đã tử vong. Thế nhưng vài ngày sau, hãng thông tấn BBC của Anh khi công bố danh sách các tù nhân chiến tranh người Đức đã có tên con trai của bà xuất hiện trong đó. Ngày hôm sau, có 8 người thân và bạn bè đến nói với bà tin tức này. Thế nhưng đúng là lòng tốt đặt nhầm chỗ, bà mẹ đã đến đồn cảnh sát tố cáo những người này đã nghe đài phát thanh của kẻ địch. Kết quả là toàn bộ họ đều bị bắt.
Trong hoàn cảnh chính trị như vậy, liệu có ai dám tiếp nhận và truyền đạt lại những thông tin mà Goebbels không thích? Lo lắng bản thân sẽ bị bắt dường như đã trở thành một điều tự nhiên trong cuộc sống thường nhật. Bằng cách này, Goebbels đã có thể chuyên quyền khống chế dư luận.
Hitler gọi Thủ tướng Anh Chamberlain một cách khinh miệt là “đồ sâu bọ”. Ngày 10/5/1940, ông Churchill đã nhậm chức Thủ tướng Anh. Khi đó Goebbels nói với cấp dưới: “Cho dù trên lời nói hay hình ảnh, Churchill là điển hình cho người dân thành thị nước Anh: một gã phẩm hạnh không đoan chính, luôn nhăn nhó, trán dài như vượn, luôn nói những lời dối trá, tựu chung lại là một kẻ lắm tiền, Do Thái, Bolshevik (Bôn-sê-vích), sẵn sàng chà đạp lên những người công nhân… ” Những lời nói kích động đầy chủ ý có thể gây ra sự thù hằn của người dân đối với “kẻ thù” chưa từng gặp mặt lần nào.
Còn nước ngoài thực tế như thế nào, chẳng hạn bên ngoài nghĩ gì về nước Đức và Hitler, những loại tin tức này có thể đưa tin thế nào, đưa dưới hình thức nào, đều là do chính quyền phát xít quyết định. Ngày 11/11/1940, bài diễn thuyết của Roosevelt trong ngày đình chiến đã không được phát sóng tại Đức. Shayle đã ghi chép lại trong nhật ký ngày hôm đó như sau: “Mỗi lời nói của Hitler chúng tôi tại Mỹ đều có thể nghe thấy được, nhưng những lời Roosevelt nói thì người Đức một từ cũng không nghe thấy.”
Đại sứ Anh ở Berlin, ông Sir Richard Neville Anderson đã nhận xét về Goebbels như sau: “Với ông ta, không có loại mật nào quá đắng, cũng không có lời dối trá nào là quá trắng trợn.” Những lời này không hề sai. Khoảng thời giang tháng 11/1938 là một cơn ác mộng với người Do Thái, thế nhưng sau này, Goebbels lại thề thốt tuyên bố: “Tất cả những gì là giết chóc và hủy hoại người Do Thái mà nói, đều là những lời dối trá ghê tởm, chúng tôi thậm chí còn không động đến một ngón tay của người Do Thái.” Nếu như ở Anh hay Mỹ, một bài phát biểu của ông Roosevelt có thể bị hàng ngàn người phản đối một khi họ không đồng tình, nhưng đối với Goebbels và đảng quốc xã mà nói, thì không một tờ báo hay đài phát thanh nào có thể “xướng lên một giai điệu lạc nhịp”.
Ngay cả khi biết rằng đế quốc Đức sắp đi đến hồi kết, Goebbels vẫn không hề nới lỏng khống chế người dân. Trong cuốn nhật ký ngày 27/3/1945, Goebbels đã viết: “Tin tức hàng tuần buổi tối. Tình hình biến chuyển ở phương Tây thật đáng kinh ngạc. Chúng tôi căn bản là không cho công chúng được biết.” Vài ngày sau, khi biết rằng nhiều người đã chuẩn bị thay thế cờ phát xít bằng cờ trắng, Goebbels vẫn viết trong nhật ký ngày 1/4/1945 rằng ông ta “sẽ tăng cường hơn nữa chính sách thông tấn tuyên truyền”.
Có lẽ Goebbels cũng hiểu rõ rằng, lời nói dối cho dù lặp đi lặp lại hàng ngàn lần, thì nó cũng không thể trở thành sự thật, nhưng nếu cứ lặp lại hàng ngàn lần mà không cho phép người khác nói lời phản biện thì nhiều người có thể tin nó là thật. Những lời dối trá đầy rẫy khắp mọi nơi, cho nên người dân, dù không rơi vào cái bẫy này, thì cũng khó thoát khỏi cái bẫy khác.
Có điều, Bộ Tuyên truyền của Đức bịa đặt ra biết bao nhiêu lời dối trá, nhưng rốt cuộc thì có bao nhiêu người dân Đức thật sự tin theo, điều này chỉ có Chúa mới biết được. Bởi vì chính phủ lừa dối người dân, người dân cũng quay trở lại lừa dối chính phủ để tự bảo vệ bản thân. Ngày 8/2/1943, Goebbels trong một bài phát biểu tại Sân vận động Berlin đã nhận được một tràng vỗ tay như sấm. Khi Goebbels nói với khán giả: “Các vị có sẵn sàng ra chiến trường đánh một trận cuối cùng hay không?” đông đảo người nghe đã hưởng ứng “Sẵn sàng!” Trong trường hợp này, Goebbels tất nhiên là muốn nghe một câu trả lời “tiêu chuẩn”. Cho dù không muốn tiến quân ra chiến trường cũng không thể trả lời là “không đồng ý”. Sau đó khi rời khỏi bục diễn thuyết, Goebbels còn đắc ý nói với tâm phúc dưới trường rằng những người này thật sự ngu ngốc, “Nếu tôi nói với họ có sẵn lòng nhảy từ nóc tòa nhà Columbus xuống hay không, chắc chắn họ cũng sẽ hô lớn lên hai chữ ‘sẵn sàng’.”
Đây quả thực là một trong những bí mật của Đức quốc xã lúc bấy giờ.
Cho dù là Goebbels nói những điều gì, có phải là sự thật hay không, thì cũng không quan trọng. Những người vỗ tay, họ có cảm thấy thỏa đáng hay không, điều này cũng không quan trọng. Quan trọng là ở chỗ tất cả mọi người phải vỗ tay hoan hô. Goebbels đối xử với họ như những kẻ ngốc, kỳ thực, đối với bài phát biểu của Goebbels, có không ít người bề ngoài thì vỗ tay nhiệt huyết nhưng trong tâm lại cười nhạo ông ta là thật quá ngốc, cứ tưởng họ vỗ tay thì đã là ủng hộ nghe theo ông ta hay sao.
Để có thể lừa người hiệu quả hơn, phát xít Đức còn tạo ra một bộ xảo biện có vẻ rất hợp lý, chẳng hạn họ muốn che giấu một bí mật nào đó, sẽ nói rằng nếu công khai chuyện này, tiết lộ trung thực thì sẽ hủy hoại uy tín quốc gia, tạo ra một cái cớ cho các nước phương Tây như Anh hay Pháp công kích nước Đức. Những tờ báo nào công khai mặt tối của Đức quốc xã, sẽ bị quy kết là cung cấp tài liệu tuyên truyền cho kẻ địch của Đức.Rõ ràng, trong thế giới chính trị độc tài, đôi khi thật khó để phân biệt được là ai đang lừa ai.
Tương tự như vậy, khi đối mặt với những lời chỉ trích bên ngoài, thuật ngữ được Đức quốc xã thường xuyên sử dụng chính là những “tuyên truyền độc hại”. Do đó, ở Đức khi đó xuất hiện một hiện tượng này: Có một nhóm người không nhân danh phát xít, nhưng trong lời nói và hành động thì hết sức bảo vệ những phát ngôn và hành động của Đức quốc xã, phản đối những lời phê bình của người khác. Họ tin rằng, công kích phát xít cũng chính là công kích nước Đức. Là một người dân Đức, họ cảm thấy không thể tiếp thụ được điều đó, vach trần hay phê phán nước Đức chính là làm tổn hại đến “cảm tình” của họ.
Người dân Đức khi đó đều suy nghĩ như vậy. Năm 1935, Craig, một sinh viên đại học người Mỹ khi đến đường phố Munich đã thấy một băng-rôn treo trước một cửa hàng viết rằng “Ai mà vào mua đồ ở cửa hàng của người Do Thái, ắt hẳn là kẻ phản bội nhân dân”. Trong quán rượu hay quán ăn, đôi khi Craig trò chuyện với mọi người và ra hiệu rằng mình không đồng tính với chính sách chống người Do Thái, thì những người này quay lại biện bạch rằng Hitler có thể giải quyết vấn đề thất nghiệp, hay chính sách đối ngoại của Hitler có thể khôi phục tự tôn cho nước Đức, thậm chí nếu như có chính sách nào đó không đúng đắn, thì cũng là do cấp dưới của Hitler đưa ra và ông ta không hề biết chuyện này… Nếu như một người Đức mới tới nước Mỹ mà có ai đó phản bác lại những lập luận này, thì câu chuyện sẽ chuyển sang hướng khác, chẳng hạn như tại Mỹ cũng có vấn nạn hành hình của những người phân biệt chủng tộc, hay là ở bờ bên kia Đại Tây Dương không hề có văn minh thực sự…
Hồng Ngọc
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét