Bài đăng phổ biến

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2019

KHÔNG CÓ GÌ CHO TƯƠNG LAI CỦA ĐCS

Trung Nguyễn
25-5-2019
Tại Hội nghị Trung ương 10 của đảng cộng sản ngày 16/5 vừa qua, ông Tổng bí thư cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã nêu một loạt câu hỏi để 175 ủy viên trung ương cùng nhau bàn thảo và trả lời. Các câu hỏi của ông Trọng đã khiến giới trí thức bàn tán nhiều qua các bài viết trên mạng, riêng tôi chỉ xin góp ý về khả năng tiếp tục cầm quyền của đảng cộng sản trong thời gian tới.

Cộng sản hoang mang, sợ hãi và bế tắc
Tôi xin liệt kê ra một số câu hỏi đáng chú ý của ông Trọng:
  • Đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế là thế nào?
  • Có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước không?
  • Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không?
  • Thời kỳ quá độ là thế nào?
  • Chiến lược là thế nào?
  • Đến năm 2030, 2045 nước ta sẽ như thế nào?
  • Nước công nghiệp phát triển hay là một nước phát triển, hay là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nội hàm của nó là gì?
Đầu tiên và quan trọng nhất, người dân có thể nhận thấy ngay sự bế tắc đến cùng cực của giới lãnh đạo cộng sản cả về kinh tế lẫn chính trị. Bây giờ người lãnh đạo cộng sản cao nhất, từng là Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, từng là Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, lại đi hỏi những câu rất cơ bản về những vấn đề kinh tế và chính trị của đất nước, để đám cai trị cùng nhau bàn thảo thì thấy rõ trong bao năm qua họ đã thất bại hoàn toàn với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đủ thứ lý thuyết, đạo đức hổ lốn của họ.
Điều đáng căm giận là bao năm qua, những người hiến kế, góp ý để giới cai trị cộng sản cải cách thì bị trù dập, bị chụp mũ là “phản động”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí có những người bị bắt giam.
Giới cai trị bị rối loạn tâm thần?
Còn nhớ, trong đợt góp ý dự thảo Hiến pháp 2013, các nhân sĩ trí thức đã yêu cầu thay đổi điều 51 Hiến pháp, vốn được viết như sau:
1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
Ở đây chúng ta thấy rõ khoản 1 và khoản 2 của điều 51 Hiến pháp mâu thuẫn nhau, làm sao có chuyện “các thành phần kinh tế bình đẳng” nhưng “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo“? Hiến pháp là điều khoản luật cao nhất nhưng đã phi lý như vậy thì chắc chắn “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” sẽ chỉ có thất bại.
Người cộng sản được “bình đẳng” hơn công dân khác
Tương tự như kinh tế, chính trị quốc gia cũng lâm vào hoàn cảnh trái khoáy với các điều luật Hiến pháp mâu thuẫn nhau. Điều 4 Hiến pháp khẳng định “đảng cộng sản Việt Nam … là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội“, trong khi đó điều 16 Hiến pháp lại “an ủi” dân “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật“.
Nói theo kiểu George Orwell là mọi con vật đều bình đẳng, nhưng có những con vật bình đẳng hơn những con vật khác. Nói theo kiểu cộng sản là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, nhưng công dân đảng viên cộng sản có quyền lãnh đạo công dân không cộng sản.
Từ chỗ sai lầm trong chủ thuyết Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, dẫn đến mâu thuẫn trong Hiến pháp, và cuối cùng đưa đến việc kinh tế, xã hội Việt Nam lụn bại, để rồi giờ đây đám cai trị lại ngồi bàn với nhau những chuyện cả thế giới đã giải quyết xong.
Không cần phải xuống tàu viễn dương để “ra đi tìm đường cứu nước” nữa
Bí quyết để một quốc gia phát triển không có gì phải bàn cãi nữa: về chính trị thì nhà nước phải là nhà nước dân chủ, pháp quyền, về kinh tế, phải là một nền kinh tế mang tính dung hợp (inclusive economy) bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể trong nền kinh tế.
Ông Trọng ngày nay không phải như ông Hồ ngày xưa mất công lên tàu xuất ngoại để “tìm đường cứu nước”. Công thức cứu nước đầy rẫy trên báo chí, trên sách báo xuất bản ngay trong nước chứ không phải đâu xa, thậm chí ngay trong đầu những tù nhân lương tâm. Vậy nhưng ông vẫn không biết, hay không dám biết, không dám nhìn nhận thẳng thắn chân lý.
Trung Cộng chết thì Việt Cộng cũng tiêu vong
Những câu hỏi mà ông Trọng nêu ra cho thấy giới lãnh đạo cộng sản đang rất hoang mang, mất tự tin. Điều đó cũng dễ hiểu trong hoàn cảnh hiện nay, khi ông thầy của Việt Cộng là Trung Cộng đang bị vùi dập bởi cuộc chiến thương mại – công nghệ với Hoa Kỳ.
Việc Hoa Kỳ đánh thuế hàng loạt sản phẩm của Trung Quốc sẽ khiến xuất khẩu của Trung Quốc vào Hoa Kỳ khó khăn. Các công ty, hãng xưởng Trung Quốc phải thu hẹp hoạt động, thậm chí phá sản. Hàng trăm triệu người, thậm chí hàng tỷ dân Trung Quốc thất nghiệp sẽ là quả bom nguyên tử đối với chế độ Cộng sản Trung Quốc.
Ông thầy Trung Cộng sụp đổ thì Việt Cộng sẽ như thế nào? Có lẽ giới cai trị cộng sản Việt Nam đang tự hỏi về tương lai của chính họ sẽ như thế nào? Câu hỏi của ông Trọng băn khoăn về tương lai Việt Nam thật ra là sự nghi hoặc của chính ông ấy về sự tồn tại của đảng Cộng sản Việt Nam vào thời điểm đó. Có lẽ còn rất ít đảng viên cộng sản cao cấp tự tin vào sự tồn tại của đảng mình tới năm 2030, chưa nói tới 2045.
112 sứ quân
Ngoài chuyện đảng cộng sản Việt Nam đang bế tắc về lý luận và đường lối phát triển đất nước, ông Trọng còn cho chúng ta thấy sự chia rẽ trầm trọng ngay trong Trung ương đảng. Với 175 ủy viên Trung ương, 25 ủy viên dự khuyết mà có tới 112 ý kiến khác nhau về tên gọi của văn kiện cho hội nghị 10. Mới chỉ cái tên mà đã chia rẽ như vậy, thì còn nói gì tới nội dung của văn kiện.
Người bên ngoài dễ nghĩ sau chiến dịch “đốt lò” của ông Trọng thì ông ta sẽ là một nhân vật có quyền lực “nghiêng trời lệch đất”, với đám tùy tùng khúm núm nghe lệnh, nhưng thực tế không phải vậy. Ông Trọng có tới ít nhất 111 ý kiến khác với mình và sẵn sàng cãi lại mình ngay trong Trung ương đảng Cộng sản.
Chưa hết, ông Nguyễn Phú Trọng còn tỏ lộ cho dân thấy là đảng Cộng sản khó lòng tiếp tục cai trị đất nước được nữa qua lời chúc cho Hội nghị “thành công… không được 10 phần mà được 5 phần cũng là tốt“. Như vậy là Hội nghị Trung ương của đảng Cộng sản không còn “thành công rực rỡ” như báo chí quốc doanh hay tô vẽ. Đây là Hội nghị đặc biệt vì nó chính thức đánh dấu sự lao dốc không phanh của đảng Cộng sản.
Dân chủ, pháp quyền tất thắng
Những câu hỏi đầy hoang mang, bế tắc, những tiết lộ về sự chia rẽ trầm trọng trong nội bộ đảng Cộng sản của ông Nguyễn Phú Trọng cho thấy, từ thực tế đến lý luận, từ lời nói đến tinh thần của giới cai trị cộng sản đã hoàn toàn rệu rã. Người dân nói chung, giới đấu tranh dân chủ nói riêng cần rất tự tin để chuẩn bị cho bước chuyển mình vĩ đại sắp tới của đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét