Tranh cãi về di sản của Đại tướng Lê Đức Anh
Đã có những ý kiến bất đồng, thậm chí trái chiều khi nhìn lại thân thế, sự nghiệp và di sản của cố Chủ tịch Việt Nam, Đại tướng Lê Đức Anh.
Hôm 02/5/2019, tại Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt từ London, một khách mời từ Viện Nghiên cứu Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tá Phạm Hữu Thắng phát biểu mở đầu Tọa đàm nói:
"Về sự nghiệp của tướng Lê Đức Anh thì ông sinh ra tại Huế. Ông là người vào Đảng rất sớm. Ông đã tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và bảo vệ biên giới phía Bắc Việt Nam. Có thể nói cuộc đời của ông là cuộc đời binh nghiệp là chủ yếu. Sau đó ông giữ cương vị Chủ tịch nước.
"Những năm sau này, có thể nói trong cuộc đời của ông thì ông luôn ở chiến trường gian khó, những nơi chiến sự ác liệt. Ông là người hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà Đảng và nhà nước giao cho. Có thể nói ông là người có công lao rất lớn với quân đợi cũng như nhà nước Việt Nam."
Khi được hỏi có điều gì gây tranh cãi trong thân thế, sự nghiệp của ông Lê Đức Anh hay không, Đại tá Phạm Hữu Thắng nói:
"Gây tranh cãi thì từ xưa đến nay thì cũng có nhiều ý kiến đồn đoán và nhiều sự việc lâu rồi. Nhưng cái đó cũng chưa có phát ngôn chính thức của Đảng cho nên tôi cũng không nắm rõ."
Nhà văn Nguyễn Nguyên Bình, con gái của cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, từ Hà Nội nói:
"Khi nói về ông Lê Đức Anh thì rất nhiều ý kiến mâu thuẫn với nhau. Gần đây nhất thì có cái việc ra đời cuốn sách "Gạc Ma, vòng tròn bất tử". Trong đó có ông Thiếu tướng anh hùng Lê Mã Lương, Chủ nhiệm Bảo tàng Quân đội cùng biên soạn xuất bản cuốn đó. Hiện tượng này gây ra tranh luận rất là nhiều. Mà thậm chí có người đòi cấm quyển sách đấy.
"Nhưng trong đấy nội dung là việc Trung Quốc đánh đảo Gạc Ma của Việt Nam thì do một nguyên nhân là ông Lê Đức Anh không cho nổ súng để đánh lại Trung Quốc. Đúng như ông Thắng vừa nói, không có một xác minh nào chính thống trên văn bản hay báo chí của nhà cai trị. Thành ra nó vẫn là tin đồn. Trên mạng có những ghi âm hoặc thư tố cáo; những gì nói về ông Lê Đức Anh là người rất ham quyền lực, sẵn sàng triệt bỏ những người chia quyền lực với mình."
"Có một điều tôi nghe chính thức từ bố tôi. Cụ đã từng nói trên các kênh ở trên mạng, một là lý do ông Lê Đức Anh không cho nổ súng ở Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa. Thứ hai là ông cụ tôi với một số ông lão thành cách mạng ký vào bảng kiến nghị nói là ông Đức Anh có một lịch sử không minh bạch. Ví dụ là ngày trước chưa bao giờ ông được kết nạp vào Đảng nhưng sau đó thừa nhận ông là Đảng viên. Đề nghị Ban tổ chức trung ương xem xét vấn đề đấy. Nhưng chỉ đưa lên các thông tin của người dân thôi. Không có thông tin ai trả lời chính thống hay cái gì cả. Những việc đấy cứ tồn tại mãi trên mạng. Cái đấy đúng là gây tranh cãi rất nhiều mà không có câu trả lời chính thức."
'Để lại nhiều nghi ngờ'
Cũng từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, người gần đây có nhiều bài viết phản biện về Đảng Cộng sản Việt Nam và sự lãnh đạo, cầm quyền của đảng này, nói:
"Tôi tán thành ý kiến của chị Nguyên Bình là cuộc đời của ông Lê Đức Anh để lại nhiều nghi vấn, nhiều thắc mắc ở trong nhân dân. Ông ấy xuất thân từ anh cai đồn điền cao su. Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, thì ông vận động công nhân, rồi ông đi theo kháng chiến. Sau này thì từ việc tham gia kháng chiến, tham gia quân sự như thế, ông ấy cứ lên dần dần. Rồi đến lúc ông được phong chỉ huy quân sự của Tỉnh. Lúc ấy tự nhiên là người ta cứ tưởng rằng ông phải là một Đảng viên và người ta mời ông sinh hoạt. Tự nhiên ông sinh hoạt Đảng. Và sau này trong cái lý lịch thì bảo rằng ông ấy được kết nạp vào Đảng năm 1938. Nhưng nói rằng hồ sơ không có."
Khi được hỏi về bằng chứng, hay cơ sở cho các nhận định trên, Giáo sư Nguyễn Đình Cống nói:
"Không, tôi không có. Thật tình phải nói như thế. Nếu có tôi đã tung ra rồi. Tôi cũng chỉ nói theo dư luận thôi. Đặc biệt có một con người cũng tương đối rõ là ông Nguyễn Khắc Mai, ít hơn ông Lê Đức Anh vài ba tuổi, cũng là người Thừa Thiên Huế. Vừa rồi ông Nguyễn Khắc Mai có viết một bài là "Kỳ quặc, người đồng hương của tôi", ông ấy thắc mắc.
"Thế thì chuyện mà ông Lê Đức Anh không phải là Đảng viên, không được kết nạp vào Đảng lúc nào cả thì người ta nói nhiều lắm rồi. Nhưng cái này tôi cũng chỉ nghe thôi rằng sau đó thì ông Đỗ Mười, lúc ông làm Tổng bí thư ông ấy gạt đi. Ông bảo người hoạt động xứng đáng là Đảng viên quá còn gì, cứ coi như là ông ấy vào Đảng, và rồi ông ấy thành Ủy viên Bộ chính trị, rồi làm Chủ tịch nước. Đấy là một chuyện.
"Nhưng qua việc ông Lê Đức Anh, người ta thấy đấy là sự trưởng thành của một Đảng viên điển hình. Nghĩa là từ một anh công nhân, hăng hái, từ một anh học hành chẳng có bao nhiêu, trưởng thành trong công tác, chiến tranh, trong thực tế, rồi giai cấp, người của giai cấp, lập trường giai cấp, hăng hái chiến đấu thì được đề bạt lên."
Phản biện lại các ý kiến ở trên, Đại tá Phạm Hữu Thắng nói:
"Thứ nhất về ý kiến ông Lê Đức Anh không cho nổ súng ở Gạc Ma thì tôi phản bác ý kiến này. Bởi vì tôi đã được đọc các tổng kết của Quân chủng hải quân về sự kiện 1988. Sự kiện ấy là lúc mà chúng ta đưa bộ đội ra xây dựng căn cứ hậu cần ở các đảo ngầm. Lúc đó Trung Quốc cũng đổ quân và thực hiện các hành động chiếm các đảo ngầm. Và hai bên tranh chấp nhau ở Gạc Ma. Và thực tế trong các tổng kết, lúc đó trong nhiệm vụ của Hải quân và đưa các tàu hậu cần, lực lượng công binh và hải quân đến xây dựng các nơi trú quân để mà chiếm giữ cắm cờ.
"Chúng ta [Việt Nam] có mang theo súng bộ binh, mang theo của các tàu vận tải, chứ không có tàu chiến v chúng ta tránh những xung đột lớn. Nếu xung đột lớn thì thực ra với tiềm lực hải quân của chúng ta mà xung đột lớn, chúng ta sẽ mất hết đảo. Chúng ta kiềm chế trong phạm vi xây dựng những đồn trú.
"Chứ còn có một lệnh như thế thì tôi đã xem hết những lịch sử hải quân, cũng như các tổng kết của các đơn vị hải quân tham gia sự kiện 1988, thì Bộ tư lệnh hải quân trong sự kiện ấy đã thành lập một Bộ tư lệnh Tiền phương ở trong Cam Ranh, Nha Trang, chỉ đạo việc xây dựng đảo ngầm và chiến đấu với Trung Quốc. Tôi đọc tài liệu như thế tôi không thấy có một quyết nghị nào, cũng như mệnh lệnh nào là cấm nổ súng.
'Không có lý do gì?'
Khi được hỏi vì sao "không nổ súng" và trước câu hỏi của khán giả gửi Bàn tròn BBC hỏi "liệu như thế thì phải chăng Tướng Lê Mã Lương đã nói sai", Đại tá Phạm Hữu Thắng đáp:
"Chúng ta cũng có nổ súng bộ binh chứ không phải là không nổ súng. Nhưng bởi lực lượng của Trung Quốc áp đảo và chúng ta chỉ có tàu vận tải nên không thể chống đỡ nổi hoạt động quân sự của Trung Quốc ở thời điểm đó."
Về thân nhân và lý lịch Đảng của ông Lê Đức Anh, nhà nghiên cứu từ Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam nói:
"Thực ra tin này cũng đồn thổi trong nhân dân rất nhiều. Với quan điểm của tôi, khi Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp, thì thu phục rất nhiều lực lượng từ người nông dân, trí thức, cả những người theo lính cho Pháp của chính quyền bên kia để tham gia một cuộc kháng chiến. Sau này, họ có những người trở thành tướng lĩnh, và trong quá trình phấn đấu vì sự sống còn của dân tộc, họ đã trưởng thành.
"Còn có hay không việc ông Lê Đức Anh không vào Đảng thì nó chỉ là đồn thổi thôi, tôi không dám khẳng định là có hay không. Nhưng với công lao của ông như thế, và được trưởng thành trong lò lửa của cuộc kháng chiến như thế, ông trưởng thành từng bước như thế; và sau này khi ở cương vị cao, ông vẫn là người có trách nhiệm với quốc gia. Và ông có những công lao rất to lớn trong việc xây dựng đất nước. Nếu chúng ta đặt lại vấn đề đó, thì mục đích cũng không được trong sáng."
Khi được hỏi liệu lý lịch Đảng của ông Lê Đức Anh là rõ ràng, không có vấn đề hay là không, Đại tá Phạm Hữu Thắng nói tiếp:
"Bởi vì tôi không nắm được, và cái đấy là tin đồn. Cái đấy là cơ quan tổ chức Đảng thì người ta sẽ phải nắm. Và rõ ràng với một người được tôi luyện như thế và được trưởng thành trong tổ chức như thế, thì không có lý do gì họ lại làm gián điệp, phản động Tổ quốc được."
Từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long nêu quan điểm:
"Nước ta có câu "Sông có lúc, người có khúc". Khi ta đánh giá cống hiến của người nào thì chúng ta phải nói các giai đoạn khác nhau. Có giai đoạn tích cực và có giai đoạn không có những cống hiến tốt. Giai đoạn tích cực của ông Lê Đức Anh là khi ông ấy làm tham mưu trưởng ở Quân đội giải phóng miền Nam từ năm 1964 đến năm 1974. Lúc đó ông cũng là Phó tư lệnh Quân đội giải phóng miền Nam.
"Trong giai đoạn này, ông có nhiều cống hiến tốt. Và đặc biệt là sau Hiệp định Paris, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh Quân đội Sài Gòn đi đánh các vùng của Mặt trận giải phóng. Họ gọi là Hành quân tràn ngập lãnh thổ và Mỹ không biết cho bao nhiêu súng ống, đạn dược. Và chính các tư liệu của Mỹ nói là phần lớn những cuộc tấn công này là do ông Thiệu gây nên. Và bên Việt Nam thiệt hại rất nhiều. Ngoài Bắc thì bảo là không được tấn công lại, không được đánh lại, không được đánh các đồn của Sài Gòn.
"Nhưng cuối cùng, với sự đồng ý của ông Võ Văn Kiệt và một số người khác, thì cuối năm 1973, ông Lê Đức Anh chỉ huy đánh lại. Và khi chỉ huy đánh lại thì quân đội của Sài Gòn nhiều nơi tan rã. Cái này dẫn đến cuối cùng là chiến tranh đã được kết thúc. Nếu không có sự đánh lại dưới sự chỉ huy của ông Lê Đức Anh, chưa chắc gì bộ đội của Mặt trận giải phóng miền Nam có thể sống còn trong giai đoạn rất là khó khăn này. Cái đó là giai đoạn tích cực.
"Còn giai đoạn tôi nghĩ là ông Đức Anh làm nhiều sai lầm là khi ông có trách nhiệm ở Campuchia. Từ cuối năm 1979, thì ông đã đề ra chủ tương khóa chặt biên giới, xây dựng phòng thủ biên giới với mật danh là K5, bằng cách bắt nhiều người dân địa phương chặt cây, chặt từ rừng núi, chặt xuống đến đồng bằng. Nhiều tài liệu nước ngoài nói cái bề dài của tuyến phòng thủ là 1.200km, nhưng mà đặc biệt là từ tháng 7/1984, 700km được xây dựng bằng cách chặt rừng và từ đó là 700km, và bề rộng là 500 thước.
"Trong cái bề rộng này, mỗi một cây số phía Việt Nam chôn 3.000 mìn. Vì chôn mìn như thế, sau này gây ra rất nhiều thương vong cho người Campuchia. Có một số tài liệu cho rằng năm 1990, có 6000 người Campuchia bị thương vong, nhiều người phải cắt bỏ chân. Đây là vấn đề gây nhiều căng thẳng giữa Việt Nam với Campuchia, cũng như là Việt Nam mất sự ủng hộ trên thế giới."
'Không có lửa, sao có khói?'
Về bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ của Việt Nam và vài trò của ông Lê Đức Anh, Đại tá Phạm Hữu Thắng nói:
"Có thể nói nhiệm kỳ mà ông Lê Đức Anh làm chủ tịch nước thì Việt Nam đã bình thường hóa được quan hệ với hai nước lớn là Trung Quốc và Mỹ. Và ông Lê Đức Anh cũng là người đầu tiên đến trụ sở Liên Hiệp Quốc sau khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Và ông Lê Đức Anh là một trong những người đầu tiên có những đóng góp trong việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Thế còn tranh luận về việc quan hệ với Trung Quốc thì lại coi ông ấy là "Việt gian" thì tôi cho rằng cái đấy cũng không thật đúng đắn."
Khi được mời trao đổi lại, Giáo sư Nguyễn Đình Cống nói:
"Trong nhân dân thì có những chuyện nói như thế nhưng mà không thể kết luận như thế được. Nhưng mà rõ ràng người mà "móc ngoặc" để làm nối với Trung Quốc, việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc là việc tốt, nhưng để cho Việt Nam lệ thuộc nhiều quá vào Trung Quốc thì đấy là chuyện dở. Nếu như việc bình thường ấy mà mang lại một sự bình đẳng hợp tác tương trợ lẫn nhau thì rất đẹp, ví dụ như là bình thường hóa quan hệ với Mỹ chẳng hạn.
"Nhưng mà bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc đưa cho Việt Nam ở cái thế là bị lệ thuộc nhiều hơn và hiện nay nói dẫn tới rất nhiều lĩnh vực của Việt Nam bị lệ thuộc vào Trung Quốc, thì cái ấy nó không tốt."
Nhà văn Nguyễn Nguyên Bình bình luận thêm:
"Tôi nghĩ là những chuyện người ta đồn đoán trong dân gian thì trong tục ngữ Việt Nam có câu "không có lửa làm sao có khói", nó phải có vấn đề gì chứ. Thế tại sao người ta không đồn người khác?
"Nhưng mà tại vì thế này, đã bảo từ trước đến nay chưa bao giờ có một cái sự minh bạch, chưa có sự công nhận một cách chính thống nào cả cho nên là chỉ có thể nói đến thế thôi."
Về di sản và bài học rút ra từ cuộc đời, sự nghiệp của ông Lê Đức Anh, Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Mỹ nói:
"Tôi nghĩ rằng vấn đề đối đãi với các nước láng giềng thì nên học một bài học về sự đối đãi của ông Lê Đức Anh ở bên Campuchia và tại sao nó gây khó khăn cho Việt Nam sau này. Thành ra tôi nghĩ là phải nghiên cứu kỹ về vai trò của ông Lê Đức Anh ở Campuchia, đặc biệt là từ năm 1981 cho đến năm 1986 lúc ấy ông là tư lệnh quân đội Việt Nam ở bên đó. Và những gì ông đã làm ở bên đó như là bắt bớ một số lãnh đạo ở bên Campuchia… thì tôi nghĩ Việt Nam nên học bài học này và không nên đối đãi với các nước anh em của mình theo kiểu như vậy.
"Liên quan Hội nghị Thành Đô (1990), ông Lê Đức Anh được cử sang để liên lạc với bên Trung Quốc, bên Trung Quốc phải có tin tưởng gì ông thì Việt Nam mới cử sang. Còn như mà Trung Quốc không tin tưởng như là trong vấn đề với bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch thì sau hội nghị đó bên Trung Quốc bắt Việt Nam phải đuổi ông Nguyễn Cơ Thạch ra khỏi bộ chính trị. Nếu chúng ta so sánh vấn đó ta hiểu rằng là vai trò của ông Lê Đức Anh là như thế nào. Nhưng tôi muốn nói thêm một vấn đề nữa là vấn đề bình thường hóa với Trung Quốc và Mỹ sẽ không có được nếu không có vấn đề Việt Nam đã vận động tốt các nước trong ASEAN. Các nước trong ASEAN đã ủng hộ Việt Nam, tất cả các nước đó đã bỏ vấn đề cấm vận với Việt Nam, tất nhiên là Mỹ và Trung Quốc không thể tiếp tục được nữa. Lúc đó Mỹ và Trung Quốc thấy là phải làm sao bỏ chính sách chống Việt Nam. Nhưng mà lý do Trung Quốc làm được như vậy là bởi vì bên Việt Nam chịu nhượng bộ rất nhiều ở bên Campuchia và các nơi khác."
Giáo sư Nguyễn Đình Cống nêu quan điểm:
"Tôi đang suy nghĩ xem thử ông Lê Đức Anh có để lại một cái gì cho dân tộc Việt Nam hay không thì tôi thấy chung chung qua những ý người ta đánh giá ông Lê Đức Anh không cao lắm. Có thể đối với đảng Cộng sản, đặc biệt là đối với lãnh đạo đảng Cộng sản hiện nay người ta đề cao quan hệ với Trung Quốc, vì thế mà người ta đánh giá cao ông Lê Đức Anh. Còn những người đảng viên hoặc quần chúng hoặc nhân dân mà người ta không thích thú lắm cái chuyện quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay thì người ta lại xem ông Lê Đức Anh là người mà có nhược điểm."
'Đặt vào bối cảnh và viễn thị'
Đại tá Phạm Hữu Thắng nói:
"Thời điểm chúng ta bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1991 cũng là thời điểm sau đó chúng ta bình thường hóa quan hệ với Mỹ là thời điểm kinh tế đất nước đang ở thời điểm hết sức khó khăn, bị hai nước cấm vận. Có lẽ là không ai thấu hiểu bằng những người lính chúng tôi trong cái điều kiện của những năm tháng đó. Những năm tháng mà miền Bắc thiếu từ các kim, hộp thuốc đánh răng, nhân dân trước năm 1986 thì đói kém, và một đất nước sau chiến tranh mà bị cấm vận của các nước lớn như thế rồi bị chiến tranh ở hai đầu như thế nó đang cực kỳ khó khăn.
"Việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc cũng như với Mỹ là yêu cầu cấp thiết. Và thực ra thì sau này bản thân chúng tôi thấm trải cái xung đột của ta [Việt Nam] với Trung Quốc, quan hệ Việt Nam với Trung Quốc nó trục trặc thì nền kinh tế của chúng ta nó ọp ẹp. Do đó, điều kiện như thế mà bây giờ chúng ta lại đổ lỗi cho đồng chí Lê Đức Anh trong việc thân Trung Quốc thì tôi cho rằng cái đấy là không đúng. Và cũng cái thời điểm như thế, ông cũng là Chủ tịch nước và cũng là thời điểm bình thường hóa quan hệ và tạo ra quan hệ tốt đẹp với Mỹ thì chúng ta lại chỉ lấy cái gán cho "thân Trung Quốc" rồi "lệ thuộc Trung Quốc" mà chúng ta đã đổ lỗi cho ông Lê Đức Anh thì tôi cho rằng cái đấy không phù hợp."
Nhà văn Nguyễn Nguyên Bình phát biểu:
"Từ lâu lắm tôi đã đọc ở đâu đấy một câu nói người ta nói là lịch sử là một "sinh vật viễn thị". Cho nên người ta muốn đánh giá lịch sử cho đúng thì người ta phải lùi ra rất xa. Bây giờ tôi nghĩ trong thời đại này, thời đại Internet, rồi được cởi mở hơn trước thì người ta nhìn nhận lịch sử phải khác. Mà thời gian đã lùi xa rồi thì có rất nhiều cái ngày xưa người ta là tốt thì bây giờ nó thành là bị hỏng, cả những con người cũng thế.
"Công tội thì tôi nghĩ là theo cái cách để mà đánh giá chung, đúng đắn, thì phải rõ ràng. Ngay phía bên Trung Quốc, ông Mao là một ông to lớn được gọi là nổi bật nhất của Trung Quốc thì người ta còn dám viết ra quyển sách là "Công bảy, tội ba". Thế thì bây giờ những nhân vật như từ ông Lê Đức Anh trở lên thì đáng lẽ phải công khai, phải có đánh giá công tội, nhất là bây giờ ông ấy mất rồi thì "Cái quan định luận", tức là đóng nắp quan tài rồi sẽ đánh giá.
"Chứ bây giờ cứ nói một người này tài giỏi quá, lộng lẫy quá, rất là nhiều công lao nhưng mà khuyết điểm của người ta ở đâu cũng không được công khai hóa những chuyện đấy. Thì cái đó tôi thấy là lịch sử cũng chưa đúng đắn mà phải đến một lúc nào đó vấn đề gì cũng phải được công khai hóa và vấn đề lịch sử phải đánh giá cho khách quan hơn bây giờ, chứ bây giờ là chưa khách quan."
Đưa ra nhận xét cuối cùng tại cuộc Tọa đàm, Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Mỹ nói:
"Tôi đồng ý với ý kiến vừa mới đưa ra, chỉ xin nói thêm như thế này. Nếu mà những tài liệu ở trong nước chưa đưa ra được thì những người nghiên cứu cũng nên dùng tài liệu của nước ngoài; là bởi vì những tài liệu về những cống hiến của ông Lê Đức Anh ở nước ngoài cũng có rất là lạ."
Mời quý vị theo dõi toàn văn cuộc Tọa đàm Bàn tròn về Di sản Đại tướng Lê Đức Anh tại đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét