Bài đăng phổ biến

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Thư của Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà gửi Giám đốc điều hành Trung tâm Luật Bảo vệ Môi trường

Kính gửi Ngài Lewis Gordon
Giám đốc điều hành Trung tâm Luật Bảo vệ Môi trường (EDLC)
Về việc: Quyết định của Ủy Ban Giám sát việc bắt giữ vô căn cứ của Liên Hợp Quốc (United Nations Working Group on Arbitrary Detention)
Tôi là Nguyễn Thị Dương Hà, luật sư, vợ của Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đang chịu án tù giam 7 năm, xin trân trọng báo tin với Ngài là tôi đã nhận được thông tin rằng Trung tâm Luật Bảo vệ Môi trường của Ngài đã họp báo để thông tin về quyết định của của LHQ theo dõi những vụ bắt bớ vô lý (United Nations Working Group on Arbitrary Detention) đã phát hiện việc bắt giam nhà hoạt động xã hội, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, là “vô căn cứ” và “vi phạm điều 9 và điều 19 của Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một thành viên”. Trong thông cáo báo chí của Trung tâm Luật Bảo vệ Môi trường của Ngài đã nhắc lại cơ sở pháp lý của quyết định trên, đồng thời cũng để đông đảo mọi người được biết rằng, Điều 9 của Công ước khẳng định rằng không ai có thể bị bắt hoặc bị giam một cách vô cớ, và Điều 19 xác định rằng “mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp”. Theo đó, Ủy Ban trực thuộc Liên Hợp Quốc này đã yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ và “cho ông quyền được hưởng bồi thường”.
Thưa Ngài,
Trước sau như một, chồng tôi, Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đều khẳng định ông vô tội. Không những ông vô tội, ông còn tự nhận thấy mình có công góp phần dân chủ hóa đất nước. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, với tấm lòng trân trọng sự nghiệp cách mạng của cha ông; với tư cách con trai nhà thơ Cù Huy Cận, bạn chiến đấu của Hồ Chí Minh, bộ trưởng trong nội các đầu tiên do Hồ Chí Minh thành lập; với tư cách con nuôi nhà thơ Xuân Diệu, danh nhân văn hóa của Việt Nam; Cù Huy Hà Vũ luôn luôn khẳng định mọi việc làm của ông khi góp ý chân tình với Đảng Cộng Sản Việt Nam và Nhà Nước Việt Nam – kể cả việc kiện ông thủ tướng đương nhiệm về một vài quyết định của vị thủ tướng này – thì cũng chỉ nhằm xây dựng một dân tộc hoàn toàn hòa hợp nắm tay nhau củng cố một nhà nước pháp quyền Việt Nam, một yếu tố hoàn toàn cần thiết để Việt Nam thành quốc gia hiện đại hóa, dân chủ hóa, dân chủ, tự do, công bằng và văn minh.
Thưa Ngài,
Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng những hoạt động cập nhật của United Nations Working Group on Arbitrary Detention chắc chắn sẽ gây suy nghĩ cho những nhà lãnh đạo Việt Nam thực sự vì dân vì nước. Những nhà lãnh đạo này trước sau rồi sẽ nhận ra tấm lòng Cù Huy Hà Vũ là trong sáng, mọi việc ông làm không nhằm lật đổ ai, mà chỉ do động cơ vì nước vì dân. Suy cho cùng, nước Việt Nam vẫn là quốc gia đang sống trong một cuộc đấu tranh chấn hưng văn hóa sao cho những thế lực thiếu văn hóa sẽ thay đổi, sao cho tổ quốc bốn nghìn năm văn hiến không bị lũng đoạn bởi những con sâu tham nhũng, bè phái.
Xin gửi Ngài lời cám ơn vô cùng trân trọng về việc giúp cho công chúng Việt Nam và những ai quan tâm thấy rõ quyết định của United Nations Working Group on Arbitrary Detention. Xin thay mặt Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ người đang chịu án tù vô căn cứ, gửi tới Ngài lời chào kính trọng.
Nguyễn Thị Dương Hà
Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà gửi trực tiếp cho BVN.
Phụ lục:
clip_image001
TRUNG TÂM PHÁP LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (ENVIRONMENTAL DEFENDER LAW CENTER)
ngày 1-11-2011
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
LIÊN HIỆP QUỐC NHẬN THẤY VIỆC BỎ TÙ ÔNG CÙ HUY HÀ VŨ LÀ ĐỘC ĐOÁN; THÚC GIỤC TRẢ TỰ DO VÀ BỒI HOÀN THỎA ĐÁNG CHO NHÀ HOẠT ĐỘNG PHÁP LÝ VIỆT NAM
Trong một bản quan điểm mới công bố được chấp nhận trong phiên họp tháng 8, Nhóm Công Tác Liên Hiệp Quốc về Các Vụ Bắt Giữ Độc Đoán (the United Nations Working Group on Arbitrary Detention) đã nhận thấy việc tước đoạt quyền tự do của Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ, một luật gia và nhà hoạt động xã hội hàng đầu, là “độc đoán” và “trái với Điều 9 và 19 của Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Việt Nam là thành viên.” Điều 9 của Công Ước đó khẳng định rằng không ai có thể bị bắt hay cầm giữ (arrested or detained) một cách độc đoán, trong khi Điều 19 khẳng định “mọi người đều có quyền có ý kiến mà không bị cản trở.” Kết quả là, Nhóm Công Tác Liên Hiệp Quốc này đã thúc dục chính phủ Việt Nam trả tự do cho Tiến Sĩ Vũ và bồi thường thỏa đáng cho ông theo pháp lý (“accord him an enforceable right to compensation.”)
Bản quan điểm của Nhóm Công Tác LHQ xác nhận giá trị của những yêu cầu do Trung Tâm Luật Bảo Vệ Môi Trường (EDLC) đệ nạp trước đây. Trong những bức thư gửi cho nhà chức trách Việt Nam, và trong bản ý kiến pháp lý gửi tòa án Việt Nam vào tháng Hai và tháng Bẩy năm nay, Trung Tâm Luật EDLC đã nêu rõ rằng việc bắt giữ Tiến Sĩ Vũ là độc đoán và vi phạm nghiêm trọng nhân quyền của ông ấy. Trung Tâm Luật EDLC lập lại những yêu cầu đã nêu trước kia và thúc giục chính phủ Việt Nam tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế bằng cách chấp nhận tất cả mọi luận điểm trong bản “Quan Điểm của Nhóm Công Tác Liên Hiệp Quốc về Việc Bắt Giữ Độc Đoán.” Trung Tâm Luật EDLC hy vọng rằng từ nay cho tới ngày mùng 5/11/2011, ngày tròn một năm việc bị bắt giam, Tiến Sĩ Vũ sẽ được trả tự do thoát khỏi sự hành hạ và tù đầy bất hợp pháp.
Lewis Gordon
Giám đốc Điều hành (Executive Director)

1 nhận xét:

  1. Cần có những hành động rõ ràng hơn. Chứ khi mọi việc sáng tỏ có xin lỗi thì cũng đã muộn rồi

    Trả lờiXóa