Bài đăng phổ biến

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

GÁNH NẶNG

2166. Gánh nặng đè lên vai Đại biểu Quốc hội

Posted by adminbasam on December 21st, 2013
TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức
(Tiếp theo phần 1)
Phần II: Trách nhiệm trước tiền đồ số phận người dân đất nước
Quốc hội mọi quốc gia ngày nay dù theo thể chế gì, thành phần ra sao, trừ ngoại lệ đều được mặc định hoặc hiến định ít nhất trên văn bản, có chức năng lập pháp chịu trách nhiệm trước cử tri về tiền đồ số phận người dân, đất nước họ. Đó là một sứ mạng cao cả đè lên vai từng nghị sỹ. Bởi một mặt với tư cách do cử tri bầu, nghị sỹ hoàn toàn độc lập, tự quyết, nghĩa là không phải một cấp bậc hành chính, lãnh đạo và bị lãnh đạo, tự cá nhân mình phải gánh vác trách nhiệm đại biểu không thể chuyển giao đó. Ở Đức, được hiến định tại Điều 38: Nghị sỹ đại diện cho toàn dân, làm việc theo nhận thức của mình, không bị ràng buộc bởi ủy quyền hay chỉ thị nào. Ở ta, về tính đại diện được hiến định tại Điều 79, Điểm1.

Mặt khác, trong khi phải độc lập tự quyết, tập hợp các nghị sỹ đó (tức quốc hội) lại phải thống nhất được với nhau những chính sách mà mình đã hứa khi tranh cử. Trách nhiệm giữ lời hứa ở các nước đa đảng như Đức là cả một gánh nặng to lớn đè lên mỗi nghị sỹ đảng phái trúng cử, quyết định tương lai số phận đảng đó. Bởi nói quốc hội của dân, do dân, vì dân thì phải đáp ứng những gì đã hứa với dân không thể phụ niềm tin của họ đã gửi gắm nơi lá phiếu, nếu không sẽ mất uy tín như đảng FDP Đức của cựu Chủ tịch Đảng Röster gốc Việt là một điển hình; sau 64 năm tham chính liên tục từ ngày lập quốc, nay tới lượt Rösler sau nhiệm kỳ chấp chính trong liên minh cầm quyền, thì bị thất cử đớn đau, mất tới 2/3 cửa tri đã tín nhiệm kỳ bầu cử trước đó. Bởi chính sách thực ra chỉ là những phương án chọn lựa, chứ không phải chân lý, hoàn toàn tùy thuộc nhận thức chủ quan của từng nghị sỹ đảng phái, có chính sách thoả mãn được tầng lớp cử tri này chưa hẳn đã thoả mãn hết tầng lớp cử tri khác, buộc không chỉ các đảng phái tham chính mà từng nghị sỹ phải ra sức đấu tranh, thương lượng, thoả hiệp nhau, tốn phí nhiều công sức thời gian. Chính trị học gọi đó là “cái giá của dân chủ“ hiểu theo nghĩa phải trải qua những gian nan vất vả tốn kém mới có được dân chủ, đáp ứng được những đòi hỏi khả dĩ của bất kỳ người dân nào, dù họ ủng hộ hay không ủng hộ nghị sỹ, đảng phái đó (khái niệm đại diện cho toàn dân trong Hiến pháp Đức được hiểu theo nghĩa này) – khác với các chế độ độc tài toàn trị, điển hình như Hitler chẳng cần tốn phí thương lượng thoả hiệp cùng ai phe nhóm nào cả; chỉ cần ra sắc lệnh khẩn cấp “bảo vệ nhà nước và nhân dân“, ban hành mấy tháng sau khi cầm quyền ngày 28.2.1933, lập tức tất cả các đảng đối lập bị đuổi ra khỏi quốc hội, tiếp đến bị cấm hoạt động, đặc biệt Đảng Cộng sản Đức bị truy nã thủ tiêu.
Ở Đức, tham gia tranh cử kỳ bầu cử Quốc hội vừa qua có tổng cộng 4.451 ứng viên của 34 đảng phái, cùng 81 ứng viên tự do, được 71,5% cử tri bỏ phiếu, do tổ chức quốc tế Bảo đảm Hoà bình và Tái thiết sau Chiến tranh OSZE giám sát. Kết quả, không ứng viên tự do nào trúng cử, Liên đảng  CDU/CSU chiếm 311 ghế, đảng SPD 193, Liên minh Bündnis/die Grünen 63, die Linke 64, tổng cộng 631 nghị sỹ. Cũng như Hiến pháp Việt Nam, theo Điều 63 Hiến pháp Đức, Thủ tướng do Quốc hội bầu; còn các bộ trưởng theo Điều 64 do Thủ tướng đề nghị và Tổng thống công nhận. Nghĩa là Chính phủ rốt cuộc do Quốc hội bầu như ở ta. Kỳ bầu cử vừa qua, Liên đảng CDU/CSU của chính phủ tiền nhiệm thắng cử cao phiếu nhất cũng không quá bán, vì vậy để cầm quyền, chấp chính, buộc phải liên minh, và đã chọn đảng đối lập SPD vốn thắng cử số 2, được gọi là Liên minh lớn. Hai đảng đã đàm phán thương lượng chính sách cam go kéo dài hàng tháng trời, tới đầu tháng này mới hoàn tất được những chính sách cơ bản mà cả 2 bên khả dĩ có thể chấp nhận được để cả hai cùng bảo đảm được uy tín mình với những gì đã hứa trước cử tri:
*Về lương tối thiểu. Thống nhất áp dụng lương tối thiểu luật định 8,50 Euro/giờ cho mọi ngành nghề. Trước đó, SPD đòi hỏi bằng được do đã hứa với cử tri, còn CDU/CSU thì nhất quyết không, do cho rằng chính sách đó sẽ tăng nạn thất nghiệp, những doanh nghiệp không có khả năng trả lương sẽ phải sa thải nhân công. Sau khi mặc cả, 2 bên đồng ý mức 8,50 Euro/giờ, nhưng lùi thời gian áp dụng tới tận đầu năm 2015; và đến cuối 2016, với các hợp đồng lao động ký tập thể, giới chủ và công đoàn có thể thoả thuận hạ mức đó, thông qua thành lập một hội đồng thường xuyên kiểm tra khả năng áp dụng. Kết qủa, 2 bên cùng giữ được thể diện với tuyên bố hùng hồn của mình trước bầu cử, mỗi bên đều giành được thắng lợi một phần và chịu thất bại một phần.
*Chính sách gia đình. Liên minh 2 đảng vẫn tiếp tục chính sách của chính phủ tiền nhiệm và hoàn thiện thêm: tăng thời gian người lao động (ở Đức không phân biệt làm cho nhà nước hay tư nhân) dành chăm sóc gia đình mà vẫn được hưởng lương. Những người lao động chăm sóc người thân tại nhà được giảm thời gian lao động xuống 15 tiếng/tuần cho khoảng thời gian tối đa 2 năm. Áp dụng chính sách được gọi là „tiền cha mẹ ưu đãi“, bằng cách tăng thời gian nhà nước trợ cấp tiền cho mọi bậc cha mẹ nghỉ sinh con từ 14 tháng hiện nay lên 28 tháng. Nếu cha mẹ chia nhau chăm sóc con cái, tiền cha mẹ ưu đãi được cộng thêm 10%. Tiền trợ cấp hiện nay dành cho gia đình chăm sóc con nhỏ mà đảng SPD khi tranh cử hứa xóa bỏ, đã không được chấp thuận. Kết qủa SPD chịu bị thất hứa, còn Liên đảng  CDU/CSU vẫn giữ được chính sách của mình từ chính phủ tiền nhiệm.
*Phí cầu đường đối với xe con. Đảng CSU khi tranh cử đưa ra chính sách thu phí những xe tải không đăng kí tại Đức để bảo trì xây dựng hệ thống đường cao tốc. Kết quả thương lượng, Liên minh đồng ý áp dụng vào năm 2014, với điều kiện tùy thuộc quy phạm luật EU có cho phép hay không. Hứa hẹn khi tranh cử của đảng CSU đã được thoả mãn, nhưng chưa có bằng chứng sẽ được thực thi.
*Tiền hưu trí. Liên minh thống nhất, từ tháng 7.2014, những lao động từ ngưỡng 63 tuổi tới tuổi về hưu theo luật định 67, có thể nghỉ hưu non mà không bị khấu trừ lương hưu nếu có ít nhất 45 năm làm việc đóng bảo hiểm (tính cả thời gian thất nghiệp tối đa 5 năm), như SPD đã hứa hẹn khi tranh cử. Trong những năm tiếp theo, ngưỡng đó sẽ tăng dần lên 65 tuổi. Hưá hẹn khi tranh cử của CDU/ CSU ưu đãi tiền hưu trí cho các bà mẹ cũng được liên minh chấp thuận. Theo đó, từ tháng 7.2014, những bà mẹ có con sinh trước 1992 được bổ sung hưu trí hàng tháng 28 Euro/một con. Khoảng 9 triệu người mẹ hưởng lợi từ chính sách này. Từ chính sách tranh cử của SPD về „hưu trí đoàn kết“ và chính sách „hưu trí nhân thọ“ của CDU/CSU hưá hẹn, hai bên nhất trí gộp lại gọi là „hưu trí nhân thọ đoàn kết“, nghĩa là làm một phép cộng để lời hứa trước cử tri của 2 bên đều được bảo đảm. Theo đó, những lao động thu nhập thấp từ 2017 sau 35 năm đóng bảo hiểm được cam kết hưởng mức lương hưu tối thiểu 850 Euro/tháng. Tuy nhiên tiền thu thuế phải bảo đảm cho cam kết đó, tức nếu  thiếu hụt qũy hưu trí, nhà nước sẽ tăng thuế bù đắp. Lương hưu Đông Đức chỉ được cân bằng hoàn toàn với Tây Đức không trước năm 2019, nghĩa là khi đã hết nhiệm kỳ chính phủ Liên minh, cả hai bên đều đẩy vấn đề nhạy cảm này cho nhiệm kỳ tiếp theo phải gánh trách nhiệm thực hiện.
*Tiền thuê nhà. Thống nhất luật hoá hạn chế tăng giá thuê nhà. Theo đó, các tiểu bang có thể tự đưa ra mức giới hạn pháp lý bắt buộc dựa trên khung chung của Liên bang, theo quy phạm: Khi thay đổi người thuê nhà, chỉ được tăng giá thuê tối đa 10 % trên mức giá sàn điạ phương đó cho khoảng thời gian tối thiểu 5 năm.
*Quốc tịch kép. Nhất trí chính sách quốc tịch kép nhưng không áp dụng cho mọi trường hợp. Trẻ em có bố mẹ nước ngoài, sinh ra và lớn lên tại Đức sẽ được giữ quốc tịch Đức đã cấp khi sinh. Tức xóa bỏ quy định của chính phủ tiền nhiệm, yêu cầu người con có bố mẹ nước ngoài đến năm 23 tuổi phải chọn một trong hai quốc tịch, Đức hoặc nước ngoài. Cải cách này đặc biệt liên quan đến sắc dân Thổ đứng đầu số lượng người nước ngoài ở Đức cỡ tới 2 triệu.
*Chính sách tài chính. Các khoản chi: Thống nhất giảm gánh nặng tài chính cho các cấp thành phố và tiểu bang, đầu tư nhiều tiền hơn cho giao thông, giáo dục, nghiên cứu và quỹ hưu trí. Theo đó, bổ sung chi chừng 23 tỷ Euro cho khoảng thời gian từ nay đến mùa thu năm 2017.
*Chính sách y tế.  Nhất trí đến cuối 2014, Liên bang và Tiểu bang phải thống nhất một chương trình cải cách tài chính cơ bản cho bệnh viện công. Lập một quỹ đầu tư khoảng 500 triệu Euro/năm, để xây dựng các trung tâm chăm sóc y tế. Dữ liệu về chất lượng điều trị của bệnh viện sẽ được tổng hợp và đánh giá bởi một cơ quan độc lập. Những bệnh viện chất lượng kém hơn sẽ được cấp kinh phí ít hơn. Đối với các phòng khám bác sỹ chuyên khoa, bệnh nhân không phải đợi lịch hẹn của bác sĩ lâu hơn 4 tuần. Nếu quá thời hạn này, bệnh viện có thể can thiệp và bác sĩ chuyên khoa phải trả tiền. Về phòng bệnh, từ năm 2015 Quỹ y tế sẽ tăng kinh phí lên ít nhất ở mức chi 7 Euro/người bảo hiểm. Về đóng phí bảo hiểm chăm sóc y tế, muộn nhất đến 1.1.2015, sẽ tăng thêm 0,3% lên 2,35 % tiền lương, riêng đối với người không có con 2,6 %. Ước tính, sẽ thu thêm khoảng 3 tỷ Euro/năm, 2/3 trong đó sẽ được sử dụng để cải thiện các dịch vụ chăm sóc. Đảng SPD muốn dùng hàng tỷ Euro thu thêm đó để tăng lương cho các nhân viên điều dưỡng. Trong khi đó, CDU/ CSU muốn dùng một phần tiền làm vốn dự trữ nhưng bị SPD phản đối. Phí bảo hiểm sức khỏe bắt buộc, được ấn định ở mức 14,6% tiền lương, trong đó chủ lao động đóng 7,3%.
*Nhìn vào các chính sách liệt kê trên cho thấy:
Nó chỉ rõ người dân sẽ được thụ hưởng những giá trị cụ thể gì mà nhà nước trong nhiệm kỳ tới phải mang lại, ai cũng có thể giám sát kiểm tra, chứ không phải buộc người dân phải làm những gì để đạt được những mục đích nào nhà nước muốn, như từng xảy ra dưới chế độ Hitler buộc người dân phải hy sinh tất cả để theo đuổi lý tưởng  tạo dựng một nước Đức “thượng đẳng“ cho tương lai.
Từ những chỉ số cụ thể trên, để ban hành được những văn bản luật khả thi buộc cơ quan công quyền phải thực hiện là cả một quá trình hoạt động cật lực của Quốc hội suốt cả nhiệm kỳ. Như trong nhiệm kỳ 4 năm qua, Quốc hội Đức phải họp xem xét tổng cộng 844 dự luật, tính ra chừng 1 ngày rưỡi 1 dự luật. Trong đó có hơn quá nửa 484 dự luật do Chính phủ đệ trình, phản ảnh chức năng hành pháp cực kỳ vất vả của Chính phủ, không phải là nơi “thân vinh, phì gia“ như trong chế độ độc tài toàn trị. Trong số 844 dự luật đó, sau khi qua mọi công đoạn trong quy trình làm luật, cũng chỉ có thể thông qua được 543 dự luật, chưa đầy 2/3, cho thấy để một chính sách đi vào thực tế cuộc sống đòi hỏi nghị sỹ phải nỗ lực tới mức nào, với năng suất lao động bình quân cứ 6 nghị sỹ phải xử lý hơn 8 dự luật và kết quả hoàn thành được hơn 5 văn bản trong nhiệm kỳ của mình.
Các văn bản lập pháp trên đều có hiệu lực trực tiếp, nghĩa là các cơ quan công quyền và người dân thực tiếp thực thi không qua bất kỳ văn bản dưới luật nào ngoại trừ những điều khoản trong văn bản đó ủy quyền cho văn bản dưới luật đưa ra quy phạm; bất kỳ cơ quan công quyền nào cũng không thể hành xử theo chủ quan của mình, nếu không muốn bị người dân kiện ra toà.
So sánh với nước ta, cả  năm 2012 Quốc hội chỉ thông qua được 17 Luật. Tại kỳ họp thứ 6 vừa qua (mỗi năm 2 lần) cũng chỉ được 8 dự luật, và 1 pháp lệnh. Nếu hiểu khái niệm nhà nước pháp quyền là “vận hành, hoạt động“ trên nền tảng pháp luật hay nói cách khác lấy nó làm hệ quy chiếu, và giả sử 2  nhà nước Đức, Việt “vận hành“ và “hoạt động“ phạm vi tương đương nhau, thì rõ ràng nền tảng đó ở ta cách xa họ rất lớn, hoặc luật thiếu vắng, hoặc bị lạc hậu, không theo kịp đòi hỏi của cuộc sống vốn thay đổi từng ngày, tất yếu không tránh khỏi vấn nạn cơ quan quyền lực bằng mệnh lệnh hành chính hoặc văn bản dưới luật hành xử tùy thuộc động cơ, nhận thức của họ, không dễ gì giám sát. Khi đó, hoặc họ bị động lúng túng hoặc cát cứ vụ lợi, hoặc lãng phí tham nhũng, không thể chế tài xuể; “trăm dâu đổ đầu tằm“, nạn nhân trực tiếp không ai khác chính là người dân và cộng lại là cả đất nước; đặt ra đòi hỏi bức bách hơn bao giờ hết: Các đại biểu Quốc hội phải chịu trách nhiệm chính trị, và phải được đảm bảo đủ khả năng lập pháp – điều kiện tiên quyết của mọi nhà nước pháp quyền. Nếu không, xã hội càng phát triển bao nhiêu, thì bức xúc, bất ổn dồn nén càng lớn bấy nhiêu, tới một “độ nào đó“ (Lê Nin) có thể bùng nổ bất khả kháng, như lịch sử thế giới đương đại đã xảy ra bất ngờ tới mức trước đó được cho là không tưởng.
(Còn tiếp)
Nguồn: Tia Sáng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét