Bài đăng phổ biến

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

NHẬT BẢN HÙNG CƯỜNG

Thủ tướng Abe và giấc mộng Nhật Bản hùng cường

Theo nhiều chuyên gia, chuyến thăm đền Yasukuni gây tranh cãi của Thủ tướng Shinzo Abe cho thấy, quyết tâm của ông trong việc kiến thiết Nhật Bản trở nên hùng mạnh hơn, tự tin hơn và sở hữu quân đội hoàn thiện.

000-Hkg9309768-3430-1388225048.gif
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến thăm đền Yasukuni hôm 26/12. Ảnh: AFP.
Tháng 9/2012, ông Shinzo Abe một lần nữa trở thành Thủ tướng Nhật Bản, sau nhiệm kỳ ngắn ngủi 2006-2007. Dấu ấn mà ông để lại trong những ngày đầu tái cầm quyền là các chính sách kích thích kinh tế hiệu quả, được giới kinh tế học mệnh danh là Abenomics.

"Nhưng trong mắt ông Abe, việc khôi phục thực lực nền kinh tế chỉ là công cụ để thực hiện một mục tiêu khác. Đó là kiến thiết một nước Nhật Bản hùng mạnh hơn, tự tin hơn, sở hữu quân đội hoàn thiện và niềm tự hào quốc gia như thời kỳ Thế chiến thứ hai", bình luận viên quốc tế Hiroko Tabuchi thuộc tờ New York Timesnhận định. 
Trong những tuần qua, một loạt động thái của chính phủ Nhật cho thấy mục tiêu này đang được đặt lên nghị trình. Điển hình nhất là việc Thủ tướng Abe hôm 26/12 thăm đền Yasukuni, nơi thờ 2,5 triệu người Nhật thiệt mạng trong Thế chiến thứ hai, trong đó có hàng chục tội phạm chiến tranh.
Chuyến thăm lần này của ông Abe vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Trung Quốc và Hàn Quốc. Quan chức hai nước chỉ trích thủ Tướng Nhật Bản có ý đồ che giấu tội ác của Tokyo trong Thế chiến thứ hai. Bà Caroline Kennedy, tân đại sứ Mỹ tại Nhật, cũng lên tiếng bày tỏ thái độ thất vọng trước hành động của nước đồng minh thân cận.
Nhiều nhà phân tích nhận định, Thủ tướng Abe sẵn sàng chấp nhận rủi ro chính trị, để Nhật Bản có thể thoát ra khỏi con đường chủ nghĩa hòa bình sau Thế chiến thứ hai. Tháng 11, ông cho thông qua tại Hạ viện Luật bảo mật thông tin gây tranh cãi, bất chấp sự phản đối của đảng đối lập và giới truyền thông. Theo đó, chính phủ có nhiều quyền hạn hơn trong việc khống chế các thông tin cơ mật, xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin tình báo với đồng minh và thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia kiểu Mỹ.
Lần đầu tiên sau 10 năm, Thủ tướng Abe tăng mức dự toán ngân sách quốc phòng, đồng thời mở rộng hạn chế với việc xuất khẩu vũ khí. Một bản kế hoạch phòng vệ mới được thông qua, cho phép quân đội được trang bị máy bay không người lái và tàu khu trục, phòng khi mâu thuẫn Nhật - Trung bùng phát, kéo dài.
Không ít chuyên gia cho rằng, ông Abe sẽ thúc đẩy tiến trình giải thích lại Hiến pháp hòa bình năm 1947, từ đó tạo đà cho việc sửa đổi hiến pháp. Ông từng công khai tuyên bố, đây là mục tiêu cả đời của mình. Nếu như Hiến pháp hòa bình được sửa đổi, Tokyo sẽ có quyền sở hữu quân đội thường trực và phát huy hơn nữa vai trò trên các vấn đề toàn cầu.
"Một năm qua khiến Shinzo Abe có thêm tự tin để hành động nhiều hơn. Ông ấy đang gửi đến những người ủng hộ tín hiệu rằng, mình là một chính trị gia sẵn sàng đấu tranh vì niềm tin", Giáo sư Koji Murata, hiệu trưởng đại học Doshisha (Nhật), bình luận.
Chiến lược được tính toán kỹ
000-Hkg9228196-5401-1385545184-4644-1388
Thủ tướng Shinzo Abe có nhiều quyền lực hơn sau khi Hạ viện Nhật thông qua Luật bảo mật thông tin và thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia. Ảnh: AFP.
Các động thái của Thủ tướng Abe được cho là có tính toán kỹ lưỡng, khi Trung Quốc đang gấp rút tăng cường sức mạnh quân sự và sức ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm dần. Mối quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh và Seoul khiến người dân Nhật Bản dễ chấp nhận hơn đường lối chính sách cánh hữu của Abe, bao gồm việc xây dựng quân đội hùng mạnh hơn.
Tuy nhiên, tranh chấp Nhật - Trung xoay quanh chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nhân tố ảnh hưởng quan trọng đến lộ trình chính sách của Tokyo. Sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp, tàu chiến và phi cơ của hai nước xuất hiện trong vùng lãnh hải, lãnh không liên quan với mật độ dày, kết hợp với việc Bắc Kinh đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không trên biển Hoa Đông, càng dấy nên mối quan ngại về nguy cơ xung đột vũ trang do sự cố bất thường hay phán đoán sai lầm.
Tranh chấp chủ quyền và mâu thuẫn lịch sử với Seoul, khiến quan hệ Nhật - Hàn rơi xuống đáy. Nhưng với nỗ lực hòa giải của Mỹ, hai nước có những động thái đáng kỳ vọng, như việc hai bên gần đây tổ chức hội đàm cấp thứ trưởng. Nhưng chuyến thăm Yasukuni của Thủ tướng Abe có thể dập tắt hy vọng này.
"Shinzo Abe đang đổ dầu vào lửa. Đây chắc chắn không phải là một dấu hiệu tốt với quan hệ của Nhật với các nước trong khu vực châu Á", Giáo sư Takahashi Tetsuya thuộc đại học Tokyo cho biết. 
Theo các chuyên gia, chủ trương ngoại giao của ông Abe dường như mâu thuẫn với chính sách phục hồi kinh tế. Bởi, Trung Quốc hiện là bạn hàng thương mại lớn nhất của Nhật Bản và các động thái gần đây của Tokyo có thể khiến Bắc Kinh có các hành động đáp trả làm ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của Nhật.
Mỹ hy vọng nước đồng minh Nhật Bản có thể phát huy tích cực hơn nữa tác dụng quân sự trong khu vực, nhằm cân bằng với một cường quốc Trung Quốc đang lên. Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel trong chuyến thăm Nhật hồi tháng 10, từng đến thăm một khu mộ tập thể, nơi lưu giữ hài cốt của các binh sĩ vô danh trong Thế chiến thứ hai. Hành động này được cho là tín hiệu cảnh báo Thủ tướng Abe không nên đi thăm đền Yasukuni.
"Nhưng cuối cùng, quan điểm lịch sử của Shinzo Abe và Mỹ mâu thuẫn với nhau. Nói cho cùng, ông ấy không tin vào trật tự mà Mỹ xây dựng sau chiến tranh", Giáo sư Takahashi bình luận. Ông ngoại của Thủ tướng Abe là cố thủ tướng Nobusuke Kishi, người từng là tội phạm chiến tranh.
Do hiệu quả của kế hoạch phục hồi kinh tế, ông Abe giành được tỷ lệ ủng hộ lên đến hơn 50%, mức cao so với tiêu chuẩn trung bình tại Nhật. Tháng 7 vừa qua, đảng Tự do Dân chủ (LDP) do ông làm chủ tịch giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội, khiến đảng này có quyền kiểm soát tuyệt đối với lưỡng viện. Trước năm 2016, Thủ tướng Abe không phải đối mặt với thách thức bầu cử trên phạm vi cả nước.
"Ông ấy rất thông minh khi trước hết tập trung vào việc khôi phục nền kinh tế và củng cố sự ủng hộ. Nhưng ông ấy luôn chờ đợi thời cơ để thực hiện nghị trình thực tế của bản thân. Thời cơ ấy chính là bây giờ", Giáo sư Eiji Yoshida thuộc đại học Kansai nhận định.
Một số chuyên gia cho rằng, Thủ tướng Abe đã hạ thấp hết mức có thể ảnh hưởng tiêu cực của quyết định thăm đền Yasakuni. Thời điểm viếng thăm không vào các ngày lễ thường niên và cũng trùng với các dịp lễ kỷ niệm. Bản thân Abe cũng thừa nhận, ông suy ngẫm về "sự đáng quý của hòa bình" trong khi viếng thăm. Nhưng một điều gần như chắc chắn là nghị trình chính của ông Abe trong năm 2014 không phải là kinh tế.
"Thông điệp mà chuyến thăm Yasukuni của Shinzo Abe gửi đi là, ông ấy không hạn định sứ mệnh chính trị của mình trong việc khôi phục kinh tế", ông Tobias Harris, chuyên gia chính trị Nhật Bản thuộc Công ty tư vấn tình báo Teneo, kết luận.
Đức Dương (theo New York Times)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét