Bài đăng phổ biến

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

CHUYỆN XƯA NAY MỚI NÓI

CHUYỆN XƯA - NAY MỚI NÓI - KỲ 65 - ĐẤU TỐ TRỞ LẠI - KỲ 9





                                khủng bố trong văn học

        Cuối cùng thì khủng bố đã vào Việt Nam, may thay chỉ mới trong văn học và may hơn nữa chỉ mới trên báo Văn Nghệ và Văn Nghệ Trẻ, hai cơ quan trung ương của Hội Nhà Văn Việt Nam.
Tạp chí Ngày Nay , cơ quan ngôn luận của Hiệp hội UNESCO Việt Nam số ra tháng 10-2003, đăng ý kiến của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp về xã hội Việt Nam ngày nay làm không ít người ngỡ ngàng:

” Tôi cứ nghĩ rằng thời của tiểu thuyết sẽ là thời của dân chủ, thời của những tư tưởng tự do, thời của sự ổn định chính trị và kinh tế: đấy cũng là thời mà chúng ta đang sống bây giờ. “

Có đúng thế không ? Có đúng “thời mà chúng ta đang sống” là “thời của những tư tưởng tự do “ không ? Chỉ không đầy 5 tháng sau, ý kiến của ông NHT đã được kiểm chứng tức thời  như một cái tát vả vào miệng. 
Quan điểm “ thời của những tư tưởng tự do” của ông Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu được “chạy thử” khi ông đăng bài “ Trò chuyện với hoa thuỷ tiên và những nhầm lẫn của nhà văn “lại cũng trên Tạp chí Ngày Nay số ra ngày 12-2, 1-3 và 15-3-2004. Quả thực bài viết của ông là một nhát búa tạ giáng vào bộ phận nhạy cảm nhất của xã hội, vào uy tín “khả kính” của Hội nhà văn Việt Nam :
“  Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều… “vô học”, tự phát mà thành danh…”
Ông NHT đã cẩn thận nhấn mạnh “ đa số đều chỉ là…”, tức không phải “tất cả”  và những nhà thơ trong  đám “đa số” đó thì   :
“Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào “cảm hứng” để tuỳ tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa, nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả”
tức không phải toàn bộ nhà văn, nhà thơ VN, còn một “thiểu số “ khác  không nằm trong diện ông chửi . Và suy cho cùng ý kiến ông NHT cũng chẳng lấy gì làm oan uổng đối với cái đám “đa số kia”.
Ấy vậy mà ngay lập tức báo Văn Nghệ số ra ngày 27-3 và và báo Văn Nghệ Trẻ số ra ngày 28-3  đăng một loạt bài đánh hội đồng tới tấp.
Trên báo Văn Nghệ, trong bài “ Có thật đa số các nhà văn Việt Nam đều vô học, các nhà thơ đều lưu manh – hay là “Hội chứng chửi có thưởng” thời nay” phê bình gia kiêm nhà thơ Trần Mạnh Hảo mang cả Đại tự điển Tiếng Việt của Bộ Giáo dục & Đào tạo ra tra nghĩa chữ “ vô học” để cấp tập ra đòn :
” Anh Thiệp nỡ lòng nào mắng cả Hội Nhà văn Việt Nam là đồ vô giáo dục, mắng các nhà thơ là phù phiếm, vô nghĩa, lăng nhăng, lưu manh, vứt đi cả? Cả làng văn vốn lành tính không ai chòng ghẹo gì anh, không ai bắt trộm gà qué của anh, sao anh lại giãy lên đành đạch như đỉa phải vôi mà đứng chống nạnh xỉa xói làng nước thế? “.
Ô hay, ông NHT có chửi “cả làng nước“ đâu, chỉ chửi những thằng vô học, lăng nhăng, lưu manh…thôi chứ, sao ông TMH chụp cho ông NHT cái nón cối quá cỡ thợ mộc vậy ?
Trên báo Văn Nghệ Trẻ, ông Nguyễn Điệp Hoa và ông Đặng Huy Giang cũng phóng ngay một quả B40 bằng một bài có cái tít to tổ mẹ nghe mà kinh hãi :” Cảnh báo về một thái độ khủng bố trong văn chương” . Hai ông này viết :
 “ Cú choảng này ( chỉ bài viết của NHT)  khiến chúng tôi liên tưởng tới cú đấm bừa, thậm chí phạm luật cũng chơi , của một kẻ sắp thua, biết mình sắp mất tất cả, nhưng không quan trọng , miễn là ra được đòn, dù có phải dùng răng để cắn vào tai…Hãy phê bình cụ thể vào tác phẩm, không thoá mạ cả một nền thơ nói riêng và văn học nói chung một cách mơ hồ và võ đoán theo kiểu lấy được” .
Đao to búa lớn ghê gớm chưa ? Ngày nay khi cái mũ “phản động” xem ra không còn hợp thời, người ta tuỳ tiện gắn ngay nhãn “khủng bố” thì đến ông Mẽo  cũng phải khiếp. Vả lại, dù có thế nào, sự nghiệp văn chương của nhà văn NHT vẫn còn đó chứ có “sắp mất tất cả” như hai ông NĐH và ĐHG nói bừa đâu ? 
Cũng trên số báo này, trong bài viết có tựa đề “…Lấy số đo của mình mà đặt tiêu chí cho thiên hạ…”, ông Nguyễn Hoà viết :

”…đó là những cố gắng để đánh bóng tên tuổi mình…miệt thị không tiếc lời những người đang là đồng nghiệp, đang cùng đứng trong một hội nghề nghiệp với anh…Anh có thể không thích thơ của một nhà thơ, thơ của nhiều  nhà thơ, thậm chí thơ của tất cả các nhà thơ Việt Nam đương đại, nhưng không thể vì sự “không thích “ đó mà anh lại dành cho mình cái quyền miệt thị học vấn và nhân cách của họ..”

Để diễn tả thực trạng thơ hôm nay, Nguyễn Huy Thiệp viết :

Giai thoại có một nhà thơ nói về tình cảnh thơ ở trong bài thơ sau đây (tôi đã đưa chuyện này vào trong tiểu thuyết của tôi vì nó quá hay) khá tiêu biểu cho thực tế đó: “Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ/ Hôm qua nó bảo: Dí thơ vào l…/ Vợ tôi nửa dại nửa khôn/ Hôm nay lại bảo: Dí l… vào thơ!”, tôi cũng không phủ nhận cảm tình của nhân dân đối với thơ nhưng quả thực trên thực tế cái danh nhà thơ là một thứ nhìn chung chỉ là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào nó: nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa.”

Tất nhiên, nói “dí l…vào thơ”  kể cũng khó lọt tai các cụ “bô lão”, nhưng NHT chỉ nhằm vào thứ thơ tào lao, xuất hiện nhan nhản trên các báo Văn Nghệ trung ương và địa phương thôi. Vậy mà TMH đã la làng, vu ngay cho NHT chửi bới  tuốt luốt cả tổ tiên :

“ Những lời thoá mạ nguyền rủa THƠ CA một cách vô tiền khoáng hậu trên của Nguyễn Huy Thiệp dành cho không chỉ các nhà thơ thời nay, mà còn cả các nhà thơ trong quá khứ. Nên nhớ rằng chúng ta mới có Văn xuôi từ thuở chữ Quốc ngữ thông dụng vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở Nam Kỳ; còn hơn 9 thế kỷ, cả nền văn học dân tộc đều đồng nghĩa với THI CA. Hồn Thơ của ca dao, của thơ Lý Trần, của Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, Nguyễn Bính... kia có thể ví như BÀ MẸ TINH THẦN của dân tộc. Việc làm trên của một người tự nhận là nhà văn, là một nhà văn hoá, một nhà nghiên cứu như Nguyễn Huy Thiệp, có thể ví như hành vi của đứa con dám hắt nước vào chính mặt mẹ mình(!).”.

Rõ đúng là cái trò “lén bỏ thuốc phiện vào ruộng người ta” rồi rạch mặt la làng. Cứ cái đà viết này , không khéo ông NHT đáng tội khởi tố hình sự. Phụ hoạ theo TMH, hai ông NĐH và ĐHG kéo còi báo động :
” Chúng tôi nghĩ rằng có một thái độ khủng bố trong phê bình văn học bắt đầu manh nha từ Nguyễn Huy Thiệp…”.
làm người đọc phải buồn cười :” chẳng biết ai khủng bố ai “ nữa đây ?
Với “thái độ khủng bố” (?) , ông Nguyễn Huy Thiệp viết :

“…con trẻ ta ngốn những truyện tranh manga còn nhiều hơn sách văn học tỉ tỉ lần. Chúng không đọc “Những cánh buồm đỏ thắm” của Grimm, “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài nữa mà dành thời gian đó cho “Đôrêmon” hoặc các siêu nhân.Trong Hội nghị Lý luận văn học ở Tam Đảo năm 2003, chẳng thấy có một tham luận nào dành cho văn học thực sự. Không còn ai cứu trẻ con nữa. Tất cả những người “hành nghề văn học” ở ta đều muốn “dĩ hoà vi quý”, đều muốn có những cuộc chơi đèm đẹp, chơi có thưởng, không ai muốn “hy sinh” nữa…”.

Những lời lẽ này, với những người còn đôi chút tâm huyết ắt phải giật mình hoặc chí ít cũng buông một tiếng thở dài chứ đâu phải “ chửi có thưởng” như  la lối của ông TMH ? Hay chính ông bị NHT “chọc” đúng tim đen ?
“Trò chuyện với hoa thuỷ tiên” , ông Nguyễn Huy Thiệp viết  :

“Ngày Tết, đi mua giò hoa thuỷ tiên tôi mới ngã ngửa ra rằng tất cả giống hoa thuỷ tiên ở ta đều được nhập từ Trung Quốc. Không phải thuỷ tiên mà rất nhiều loài hoa khác nữa, thậm chí cả đào! Đi vào các hiệu sách, vẫn thấy văn học hiện đại Trung Quốc chiếm thượng phong ở trên giá sách. Về nhà mở ti-vi, phim truyền hình Trung Quốc vẫn thu hút người xem đông nhất….Này hoa thuỷ tiên, tôi ước chi đây là giống hoa của người Việt Nam trồng ra trên đất Việt Nam. Vệ Tuệ, Miên Miên, Cửu Đan… ước gì đấy sẽ là những tên tuổi của các nhà văn Việt Nam? “

Những ưu tư đó là của “thất phu hữu trách” hay là lời lẽ của bọn khủng bố hả ông Trần Mạnh Hảo, ông Nguyễn Điệp Hoa , ông Đặng Huy Giang…và tất cả những ông đang xúm vào chia  cái bánh bổng lộc của Hội Nhà văn mà thực chất móc từ túi của dân ? Chỉ buồn cho ông nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, vừa mới đăng đàn tuyên bố :

“…thời của dân chủ, thời của những tư tưởng tự do, thời của sự ổn định chính trị và kinh tế: đấy cũng là thời mà chúng ta đang sống bây giờ. “
đã nhận ngay một quả linh nghiệm trời giáng, chẳng hiểu có làm ông trắng mắt mà uốn lưỡi cho đủ 7 lần trước khi  nói hay không ?

NT


    NT







YÊU THỜI ĐỒ ĐỂU - KỲ 146


                                 (tiếp theo)



Ong Sáu Thượng giật mình ngước nhìn. Mặc dầu gã thư ký đã kể về  vợ ông Bí thư xấu nhất tỉnh, “xấu hơn cả Thị Nở”, nhưng vẫn không ngờ trên đời lại có người đàn bà dị tướng đến thế. Dường như bà mụ đã say xỉn trong lúc “nặn” nên hình thù mới méo mó như vậy. Sự cân đối, tỷ lệ của các kích thước trên người bà hoàn toàn khác với người bình thường. Một cái mũi quá ngắn và quá nhỏ trên một khuôn mặt dài ngoẵng , đôi mắt nhỏ gần sát nhau trên một vầng trán to bè.
Ong Bí thư huyện nghe vợ hét vội vàng rụt tay lại, vứt bút lên mặt bàn, ngơ ngác như đứa bé bị mẹ bắt gặp ăn vụng kẹo. Gã thư ký sợ hỏng việc, vội vàng lên tiếng :
“ Đồng chí ký đi chứ…ta đã thống nhất rồi mà…”.
Bà vợ ông Bí thư huyện sấn tới làm ông Sáu Thượng hoảng sợ, lùi ngay lại. Bà giằng lấy tờ biên bản trên tay ông Bí thư huyện xé soàn soạt :
“ Ký sao được mà ký ? Mạng đổi mạng, thằng đó giết con tôi nó cũng phải ra Toà lĩnh án tử hình…”
Ong Bí thư huyện không kịp ngăn lại đành xin lỗi ông Sáu Thượng và xin lui lại ít ngày để ông thuyết phục vợ. Gã thư ký lấm lét nhìn bà vợ Bí thư huyện dữ dằn như con cọp cái mất con . Gã biết không sao lay chuyển được   nên lôi tay ông Bí thư huyện ra góc nhà thì thào gì đó. Ong Sáu Thượng tranh thủ đấu dịu :
“ Thưa bà….tôi biết việc này rất nhạy cảm … con bà cũng như con tôi…cháu nó mất đi ai không đau lòng…nhưng … một đứa đã nằm xuống rồi…không lẽ lại thêm …lại thêm đứa nữa…”
Bà vợ ông Bí thư huyện trừng mắt :
“ Giết người phải đền mạng…có gì nhạy cảm với không nhạy cảm ?”
“ Thưa bà đúng lý  ra thì vậy ? Nhưng xin bà hãy rủ lòng thương cháu nó….trót dại…”
“Tôi thương con ông thì ai thương con tôi ? Nó gây tội ác nó phải đền tội…”
”Thưa bà …chẳng qua là súng bị cướp cò… chứ cháu nó cũng không cố ý ..”
Bà vợ ông Bí thư huyện như lửa đổ thêm dầu :
“ Ai bảo ông là súng cướp cò. Hôm làm biên bản rõ ràng thằng con trai ông cầm súng bắn thẳng vào ngực con trai tôi. Sao bây giờ ông lại bảo cướp cò ? Có phải ông cậy thế cậy thần sửa lại biên bản rồi không ?”
Ong Sáu Thượng sợ hãi :
“ Ay chết ….sao bà nói vậy ? Biên bản vẫn lưu ở trực ban hình sự Quận công an ai mà dám sửa ?”
Bà vợ ông huyện uỷ chỉ mặt ông Sáu Thượng :
“ Tôi báo trước ông biết. Ong mà giở trò chạy án gỡ tội con trai ông, tôi sẽ kiện lên trung ương. Tôi còn lạ gì mấy ông. Như cái vụ thằng con cán bộ công an phóng xe đè chết hai con nữ sinh trên đường  Láng- Hoà Lạc đó. Các ông giở đủ trò ma mãnh, đểu giả xoá tội cho nó . Nào làm hiện trường giả, nào viết lại biên bản, nào mua chuộc, đe doạ nhân chứng…Không thủ đoạn nào là không giở ra làm gia đình người ta kiện lên kiện xuống mấy năm nay. “
Ong Sáu Thượng kinh ngạc nhìn người đàn bà. Bà không còn cái vẻ dở tỉnh dở điên nữa. Bà nói năng dứt khoát, mạch lạc như công tố viên tại Toà làm ông Sáu Thượng ngồi ngây đơ . Ong kiên nhẫn nghe, chờ người  đàn bà  xả hết giận , ông mới nhẹ nhàng :
“ Thưa bà…tôi chắc  Toà án họ xử nghiêm lắm…cái vụ Láng – Hoà Lạc này xử đi xử lại mấy lần suốt từ Quận lên thành phố Hà Nội, hết xử sơ thẩm lại phúc thẩm…cuối cùng cũng có xử tăng nặng tội cho bị cáo được đâu…”
Ong Sáu Thượng tưởng nói vậy sẽ làm nhụt chí người đàn bà không ngờ ngược lại, bà ta càng nổi giận :
“ Vụ đó do thằng Phạm Chuyên Giám đốc công an Hà Nội bao che cho đàn em chứ vụ con tôi bị sát hại rành rành ra đấy, đứa nào dám bóp méo sự thực tôi sẽ kiện lên Ban Bí thư…”
Ong Sáu Thượng càng  ngạc nhiên. Ông nhớ bà vợ ông ở nhà. Hoá ra thời nay vợ các đồng chí cán bộ lãnh đạo dù ở cấp huyện hay cấp trung ương cũng đều không chịu nép mình trong phòng the, lo chuyện nội trợ, săn sóc chồng con mà đều nhảy xổ ra cơ quan bao hết công việc chồng , nắm vững chính trường không thua gì đấng mày râu . Như bà Bí thư huyện này cũng đáo để chẳng kém gì vợ ông, bao nhiêu việc Đảng, việc Nhà nước bà nói vanh vách, tường tận còn hơn cả mấy ông trong thường vụ huyện uỷ.
Gã thư ký đã thì thào xong với ông Bí huyện uỷ, quay sang ông Sáu Thượng :
“ Ta về thôi chú…”
Ong Sáu Thượng ngạc nhiên :
“ Đã lấy được  giấy bãi nại đâu mà về…”
Bà vợ ông Bí thư huyện chen ngang :
“ Về là đúng rồi. Ong có nói đến gãy lưỡi cũng chẳng ăn thua gì đâu. Ong về bảo mẹ nó chuẩn bị tinh thần mà đi thăm nuôi con…”
Ong Bí thư huyện uỷ líu ríu xin lỗi ông Sáu Thượng rồi tiễn chân ông ra cổng. Xe rồ máy chạy khỏi nhà ông Bí thư huyện, ông Sáu Thượng mới quay sang nạt gã thư ký :
“ Mày đi tiền trạm điều đình thế nào để đến nỗi con vợ thằng  Bí thư huyện nó mắng tao như mắng chó vậy ?”
Gã thư ký lè lưỡi :
“ Oi trời ôi…con mẹ này dữ quá. Thật không thể ngờ được miếng ăn đến mồm rồi còn văng ra. Lão Bí thư chỉ ký sớm một phút là mình xong việc rồi.”
“ Tao tưởng là giấy má sẵn sàng rồi mình chỉ ghé lấy thôi ?”
Gã thư ký thở dài sườn sượt :
“ Thì con cũng tưởng vậy. Ngờ đâu lão Bí thư huyện sợ vợ đến thế ? Nó mới quát cho một câu  đã sợ vãi cả linh hồn…”
Ong Sáu Thượng trách :
“ Lẽ ra việc tày đình thế này mày phải gặp thương lượng với cả hai vợ chồng mới chắc ăn…”
“ Thì ai có ngờ “lệnh ông không bằng cồng bà”. Nhưng mà con đoán chắc lão Bí thư huyện không dám nói hết với vợ về cái án đang treo trên đầu lão. Nếu nói ra  chắc chắn bà vợ sẽ tra hỏi hết các khoản chia chác được do bảo kê cho lâm tặc . Mà con dám cá với chú Sáu một ăn mười là lão ếm đi nhiều khoản, ít ra cũng một nửa  làm quỹ riêng không nộp hết cho vợ. Bởi vậy bà vợ cứ tưởng hồ sơ chồng mình sạch sẽ lắm…”
Ong Sáu Thượng bực bội :
“ Vậy sao mày không gặp riêng mụ ta nói toẹt hết ra cho mụ ớn xương sống giục chồng ký vội…”
Gã thư ký mỉm cười :
“ Con chẳng cần gặp. Cứ để cho ông Bí thư huyện đóng cửa thú tội với vợ. Lão này nghe con nói toạc ra hết hồ sơ của lão nên sợ đái cả ra quần. Bởi vậy mình vẫn không phải về tay không đâu ?”
Ong Sáu Thượng  ngạc nhiên :
“ Mày nói vậy là sao ? Mụ vợ nó quyết liệt thế sao lấy được giấy bãi nại ?”
Gã thư ký cười rất tươi :
“ Chú Sáu yên trí đi. Con giải quyết xong xuôi hết rồi. Giờ mình ghé văn phòng huyện uỷ chờ ông Bí thư trốn được vợ sẽ phóng ngay ra đó ký giấy cho mình cầm về…”
Ong Sáu Thượng lắc đầu :
“ Vậy mới có chữ ký của chồng thôi, còn phải  của vợ nữa thì giấy bãi nại mới có giá trị…”
Gã thư ký cười toét miệng :
“ Thì ông chồng sẽ thay vợ ký chứ sao ? Vợ chồng gần gũi bắt chước chữ ký của nhau dễ ợt…”
Ong Sáu Thượng gật đầu :
“ Cũng phải giải quyết  thế mới xong việc…”
 Xe chạy qua dẫy phố buôn bán khá sầm uất rồi ghé vào một khu dinh thự. Thật không ngờ trụ sở đảng cấp huyện ở cái nơi chó ăn đá gà ăn sỏi này mà cũng  xây to như cái nhà hát. Oi mẹ ôi, cũng một cái cổng lớn có lính gác, cũng qua một khu vườn chẳng khác gì công viên , hai bên đường treo la liệt tranh khổ lớn vẽ Mác, Lênin với Hồ Chí Minh cùng với các khẩu hiệu ca ngợi  cộng sản , ca ngợi chủ nghĩa xã hội đỏ rực cả một vùng che khuất hết cây xanh khiến ông Sáu Thươnựg vừa chui ra khỏi xe đã loá cả mắt. Ong nhẩm trong bụng ở cả cái nước này không biết có tới mấy chục ngàn cái dinh “đảng uỷ huyện” tốn kém và đồ sộ đến thế này. Đó là chưa kể trường đảng, nhà bảo tàng cách mạng, trụ sở đoàn thanh niên, công đoàn, phụ nữ…Oi thôi thôi, riêng dinh thự của khối chính trị đã ngốn hết của dân không biết bao nhiêu tỉ rồi, nếu tính cả trụ sở của các cơ quan chính quyền như trụ sở Uỷ ban nhân dân các cấp, các Sở, Ban, Ngành thì còn lớn đến đâu ?
Nội “cái ở” của đảng và Nhà nước đã tốn kém vậy còn “cái ăn”, “cái chơi”, “cái đi lại”, “cái họp hành””cái phong bì”….đcm nó, cái cơ cấu quyền lực theo kiểu “song trùng “  đảng và Nhà nước, vua Lê và chúa Trịnh này không hiểu dân đen bao giờ mới ngóc  đầu lên.
Ong Sáu Thượng vừa trèo hết bậc tam cấp, từ trong phòng khách đã có một bà to béo bước ra đon đả:
“ Mời anh Sáu vào uống nước đã ạ…đồng chí Bí thư cũng vừa điện sẽ xuống liền ạ…”
Hoá ra mụ béo này chính là Chánh văn phòng huyện uỷ. Mụ quát hai cô tiếp tân áo dài mỏng dính tha thướt pha nước rồi ngồi chật một ghế sa lông. Con mẹ này chắc phải tạ hai – ông Sáu Thượng nghĩ thầm. Nom cái bản mặt của mụ như cái xỏ lợn, hai cánh tay như hai cái ống máng thế kia thích hợp nhất với mụ là làm ở lò mổ hoặc cùng lắm  ngồi bán thịt ngoài chợ. Không hiểu bằng cách nào lại nhảy được lên đây ngồi cái ghế chánh văn phòng huyện uỷ thế kia ? Chắc lại vợ con ông lớn nào trên tỉnh hoặc trên trung ương hẳn thôi.
Bà Chánh văn phòng huyện uỷ chịu đựng cái nhìn xoi mói của ông Sáu Thượng hết sức nhẫn nại. Bà như đọc được ý nghĩ trong đầu ông Sáu nên phân bua :
“ Báo cáo anh Sáu, cái tính em sôi nổi, hoạt bát lắm nên thích hợp với hoạt động phong trào hơn là ngồi tĩnh tại trong văn phòng. Năm ngoái em đang công tác ở Ban công tác phụ vận thuộc tỉnh uỷ nhưng sau huyện này được xếp vào huyện điểm nên em được phân công về đây làm Chánh văn phòng huyện uỷ. Đang chân chạy nên ngồi một chỗ trong văn phòng cũng thấy cuồng cẳng lắm ạ !”
Ong Sáu Thượng trố mắt nhìn cái cẳng chân của mụ như cái cột nhà ghếch lên xa lông ra vẻ ngạc nhiên :
“ Tôi tưởng Chánh văn phòng cũng phải xuống các đảng uỷ xã kiểm tra chứ ? Huyện này tôi nghe nói có tới hơn hai chục xã, chị cứ đi vòng hết một lượt nắm tình hình cũng phải mất cả tháng rồi…”
Bà Chánh văn phòng biết mình nói hớ , vội vàng chữa lại :
“ Có chớ…có xuống cơ sở chứ ạ…Huyện em năm rồi có cái nạn lũ quét thiệt hại lớn lắm ạ. Có khi nguyên một xóm đang ngủ ngon trong thung lũng, nửa đêm lũ tràn về bất ngờ , ngay cả người cũng không kịp chạy , trâu bò, của cải mất hết…”
Ong Sáu Thượng thở dài :
“ Tôi nhớ ngày xưa tại miền núi có nghe nói lũ lụt bao giờ đâu ? Nhất cái thứ lũ quét này mới phát sinh vài năm nay trước đâu có ?”
Bà Chánh văn phòng rối rít :
“ Dạ đúng…dạ rất đúng ạ…Ngày xưa huyện này làm gì có lũ quét…cùng lắm vài ba năm mới có trận bão thì cũng chỉ làm tốc mái tranh thôi tuyệt đối không có lũ lụt…”
Ong Sáu Thượng cau mày :
“ Vậy lũ lụt ở đâu ra ?”
Bà Chánh văn phòng như được gãi đúng chỗ ngứa xổ ra hàng tràng :
“ Báo cáo anh thủ phạm của vụ này chính là do phá rừng mà ra cả. Ngày trước làm gì có diện tích đồi trọc lớn như bây giờ. Bao nhiêu rừng đầu nguồn chặt phá hết rồi bây giờ lại tiếp đến rừng phòng hộ cũng đốn luôn. Đất đai trọc lốc như vậy hỏi sao giữ được nước cho khỏi lũ lụt ?”
Bà Chánh văn phòng càng nói càng gay gắt . Ong Sáu Thượng đoán thầm chắc con mẹ này không nằm trong đường dây của ông Bí thư huyện , không được  chia chác nên mới bất mãn dữ vậy. Rất có thể mụ đã biết ông Bí thư huyện đang có nguy cơ bị thanh tra chuyện bảo kê kiểm lâm, sắp mất chức đến nơi nên mụ phải tố chuyện đó để chứng tỏ mình vô can . Hiện nay ở đâu chẳng thế, một ê kíp bị đổ thế nào cũng khối con chuột chạy khỏi tàu. Ong càng tin mình đoán đúng khi mặt bà mỗi lúc một đỏ lự, vừa nói bà vừa chém tay vào không khí như đang xỉa xói vào những đứa chặt gỗ lậu mà….không chia cho bà :
“ Ai đời lâm tặc tổ chức khai thác gỗ lậu mãi trên đỉnh núi rồi kéo xuống gửi lại ở ngay …  trạm kiểm lâm mới chết chứ ? Hoá ra kiểm lâm với lâm tặc cũng đã thành một giuộc. Mấy lần công an xã bắt quả tang lập biên bản rồi vẫn cứ thấy im re, đâu lại vào đấy, chẳng nhúc nhích gì ? Thậm chí lâm tặc còn vào cả trạm kiểm lâm đánh tháo số gỗ đã bị niêm phong mà cứ như vào chỗ không người ?”
Ong Sáu Thượng ngạc nhiên :
“ Vậy còn lâm trường đâu ? Đảng và Nhà nước giao đất giao rừng cho lâm trường quản lý sao để lâm tặc vào chặt phá ?”
Bà Chánh văn phòng cười lớn :
“ Lâm trường ? Oi giời ôi lâm trường ? Mấy năm trước lẽ ra thực hiện chính sách giao đất giao rừng cho dân canh tác , lâm trường lại chia chác hết cho mấy ông tỉnh uỷ, Uỷ ban…Ong vài chục héc ta, ông cả trăm…Ong nào cũng ‘ăn” cả rồi nên há miệng mắc quai có dám hó hé gì đâu ? Bởi vậy lâm trường bây giờ lại chính là ổ lâm tặc phá rừng mạnh nhất…”
Ong Sáu Thượng vẫn chưa hết thắc mắc :
“Vậy còn hệ thống chính trị mà Đảng ta đã dầy công vun đắp đâu ? Tê liệt hết cả rồi hay sao để lâm tặc hoành hành dữ vậy ?”
Bà Chánh văn phòng huyện uỷ bật cười :
“ Vậy ra anh Sáu ở gần mặt trời anh Sáu không thấy  . Hệ thống chính trị của Đảng ta là những ai ? Là Hội đồng nhân dân, Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Mặt trận Tổ Quốc…Là  Đoàn thanh niên, công đoàn, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh… phải không ạ ? Toàn là những nơi để mà kiếm chác, chia phần thôi anh Sáu ơi.  Có cái sức mạnh con mẹ gì ? Huyện này tê liệt hết rồi…”
Bất chợt xe hơi ông Bí thư huyện uỷ xuất hiện ngoài sân làm bà Chánh văn phòng im thít và đổi hẳn thái độ. Bà chạy vội xuống tận cửa xe giả lả :
“ Báo cáo đồng chí Bí thư …anh Sáu vẫn chờ đồng chí trong văn phòng ạ…”
Ong  Bí thư huyện uỷ lo lắng :
“ Ong ấy tới lâu chưa ?”
“ Báo cáo anh đồng chí ấy cũng tới được cả tiếng đồng hồ rồi ạ. Em sợ đồng chí ấy sốt ruột nên phải ngồi tiếp  chuyện suốt từ lúc đồng chí ấy mới đến đấy ạ ..”
Ong Bí thư huyện kêu lên :
“ Đến cả tiếng đồng hồ rồi kia à ? Chết cha, cô nói những chuyện gì ?”
Bà Chánh văn phòng huyện uỷ toét miệng cười :
“ Dạ…em nói về phong trào toàn Đảng toàn dân trong huyện học tập noi gương cần kiệm liêm chính chí công vô tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh ạ…”
Ong Bí thư huyện gật gật :
“ Nói vậy tốt tốt…cô còn nói gì nữa không ?”
Bà Chánh văn phòng nhanh nhẩu :
“ Dạ báo cáo anh… đồng chí ấy có hỏi về tiềm năng và thế mạnh của huyện ta  là gì  ạ ?”
Ong Bí thư huyện giật mình :
“ Tiềm năng và thế mạnh ? Vậy cô nói sao ?”
Bà chánh văn phòng huyện cười  bí mật :
“ Báo cáo anh em trả lời là thế mạnh của huyện ta là tinh thần cách mạng của nhân dân trong huyện rất cao. Còn thế mạnh của ta nằm ở khối chính trị ạ . Cụ thể là tỷ lệ đảng viên, đoàn viên trong các cơ sở kinh tế là cao nhất tỉnh ạ…”
                                                                                
                                                                        (còn tiếp)


Thứ Bảy, ngày 23 tháng 8 năm 2014

CHUYỆN XƯA - NAY MỚI NÓI - KỲ 64 - HỘI NHÀ VĂN CỦA NƯỚC TA - KỲ 18



   Thơ đáng tôn vinh hay cần phản tỉnh ?
          
  Đã thành lệ, hàng năm cứ  rằm tháng giêng, Tết nguyên tiêu, Nhà nước lại mở hầu bao chi tiền cho các quan văn và nhà thơ tổ chức “ngày thơ” trên khắp cả nước. Từ cả tháng trước đó, trên các diễn đàn văn thơ đã thấy rậm rịch bàn về “thơ” và “ngày thơ” .
Năm 2008, có thể do dư âm của hai cuộc biểu tình chống Tàu hồi tháng 12-2007 nên “ngày thơ” nói tới lòng yêu nước nhiều hơn là tình yêu trai gái như mọi năm. Nhà thơ Thanh Thảo viết trong bài “ Thơ và Tổ Quốc” đề cao thơ :
” Không phải chờ tới ngày Rằm Nguyên Tiêu-Ngày Thơ Việt nam hàng năm-ta mới cảm nhận sâu sắc điều này, là Thơ Việt gắn bó máu thịt với Tổ quốc Việt Nam đến thế nào”
Thơ đồng hành cùng dân tộc Việt một cách tự nhiên, cùng đi mở đất, cùng chống các loại kẻ thù, cùng cực nhọc vươn lên để thành người nhân ái, thành một dân tộc nhân ái, biết “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” như người yêu nước và nhà thơ vĩ đại Nguyễn Trãi đã viết trong tác phẩm vĩ  đại “ Bình Ngô đại cáo””
Thơ mà biến dân tộc Việt Nam thành “nhân ái” sao ? Theo yêu cầu của Đảng “ nay ở trong thơ nên có thép”, ngay  trong quốc ca cũng”cờ in máu”,  “đường xây xác”, “thề phanh thây, uốngmáu” huống hồ trong những bài thơ chống Mỹ “rực lửa căm hờn” lấy đâu ra lòng nhân ái ?
Nhà thơ Thanh Thảo còn trích dẫn Du Tử Lê :
“Tôi chợt nhớ câu thơ của nhà thơ Việt ở hải ngoại Du Tử Lê: “ Không người mẹ nào muốn chết ngoài Tổ quốc”, một câu thơ quá xót xa nhưng rất hiện thực…”
Câu thơ quá xót xa nhưng rất hiện thực thì đúng rồi, nhưng nó còn hiện thực ở chỗ “chết ở Mỹ” đắt hơn ở VN nhiều và có những bà mẹ muốn về nước chết không phải vì yêu tổ quốc mà chính vì tránh chuyện ma chay tốn kém cho con cái.
Ngày hội thơ lớn nhất vẫn là ở Quốc Tử Giám Hà Nội. Sáng ngày 21 tháng Hai  , tức rằm tháng Giêng, cờ phướn tưng bừng tung bay bên cạnh những quả bóng bơm khí, rực rỡ trong sân Văn Miếu. Bên giếng Thiên Quang, phấp phới một lá cờ phướn to bằng cái chiếu, có hình con chim hạc đạp chữ “Thơ “viết bằng nét bút sổ dọc, đơn giản và cứng cỏi theo chữ quốc ngữ  chứ không rườm rà thư pháp đánh đố người xem. Một hàng cờ đuôi nheo đề những câu thơ bất hủ của các thi nhân tự cổ chí kim dán chữ vàng trên nền vải đỏ.
Gọi là ngày hội thơ mà không khí trên sân lại chẳng “thơ” chút nào. Nhà báo  Di Linh “tường thuật” trên VieTimes :
“Sân khấu được dựng ngoài trời, trong sân gạch rộng của khu điện thờ, trước nhà thờ Đức Thánh Khổng. Dãy ghế ngồi mang ra không đủ, các cụ vẫn phải đứng nhấp nhổm bốn xung quanh. Mấy cụ cao tuổi, cơ chừng biết đứng lâu không đặng, đành tự đi tìm ghế, kê ghế ngồi, rồi chép miệng than: “Phải tự phục vụ thôi bác ạ!”. Các hàng bán sách, bán thơ, các băng rôn của nhà tài trợ… cũng chen chân tìm vị trí “lộ thiên”. Sách… giảm giá 30% cũng len chân tìm được “chỗ ngồi”. Chỗ khác, một cô bé thẽ thọt hỏi một bác già có chòm râu lún phún: “Bác ơi, ngày thơ là làm những gì hả bác? Họ chỉ đọc thơ hay có được bình thơ nữa không hả bác…???”. Trên sân khấu, khách thơ chen chân chụp hình lưu niệm, cố đưa dòng chữ chạy thẳng hàng “Ngày thơ Việt Namlần thứ VI” vào bức hình kỷ niệm một lần đến Văn Miếu đúng ngày Nguyên Tiêu. Trong khu nhà thờ, khói nhang nghi ngút. Các cô, các chị “tranh thủ” khấn vái cầu xin tài lộc. Kế bên, chiếc dây thép buộc ngang khu biệt một góc nhà thờ, có tấm ri-đô bằng vải thô, làm chỗ để đạo cụ và… thay trang phục cho các diễn viên sẽ tham gia tiết mục văn nghệ của buổi khai mạc. Bản nhạc không lời Kachiusa của Nga vẫn miệt mài cất lên từ dàn loa thùng vĩ đại… để lấp chỗ trống. Có tiếng thắc mắc: giá như BTC cho chạy một bản nhạc dân tộc, chắc hợp hơn.
9h kém 15 phút, ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam lên đánh một hồi trống khai mạc Ngày thơ. Đám rước Kiệu thơ rẽ đám đông đi vào. Kiệu đi đến đâu, người dạt ra đến đấy. Bài thơ “Cảm hoài” của Thượng tướng Trần Quang Khải thêu chỉ vàng trên vải nhiễu, được một nghệ sĩ đọc to bằng hai văn bản (nguyên bản và thơ dịch). Tiếp theo là tiết mục múa cờ. Kiệu thơ được rước trở ra, nhường sân khấu cho các diễn viên xinh đẹp, thực hiện màn trình diễn trống…Có tiếng la ó của cánh phóng viên nhà báo, vì mấy khách thơ từ đâu chạy thẳng lên trước sân khấu, dí điện thoại di động… quay camera tiết mục văn nghệ khai mạc có kèm theo lời bình của mình, làm mất góc chụp của họ. Nhưng hình như, mấy khách thơ này bị cuốn hút quá, hay không nghe thấy tiếng phàn nàn. Chán, đám báo chí nhất loạt đứng lên chiếm hết vị trí gần sân khấu, săn ảnh. Rừng người, rừng ống kính, máy móc… che hết sân khấu. Khách thơ ngồi ghế, chỉ nhìn thấy… lưng của mấy ông thợ ảnh, và nghe tiếng trống hội, xem các ca sĩnghệ sĩ biểu diễn qua… loa. Đến lượt BTC phải chạy lên can thiệp đám phóng viên báo chí. Nhưng, trời không chịu đất! Ai biểu diễn cứ biểu diễn. Ai chụp ảnh, quay phim cứ chụp hình quay phim. Khách thơ ngồi, nghe và… xem lưng mấy ông thợ ảnh!”
Chập cheng, í ới nhất phải kể đến “sân khấu Thơ Trẻ”. Gọi là trơ  Trẻ nhưng lại thấy hai bác già là Hoàng Hưng và Dương Tường nhảy lên chiếm lĩnh sân khấu. Bác Hoàng Hưng đọc bài thơ in cả hai chục năm nay “ Người đi tìm mặt”, bác Dương Tường cầm cuộn giấy y chang giấy đi cầu cuốn lên người cho một em gái đọc “ thả đỉa ba ba…” chẳng hiểu thông báo cái message gì. Nhà thơ Phan Huyền Thư  năm ngoái đã rùm beng, năm nay  vẫn nhảy lên sân khấu nói thơ. Nhìn bác Dương Tường trình diễn thơ, người ta phải nghĩ ngay tới một câu nói của cổ nhân :” người già sợ nhất sự…lố bịch…”
 Từ Sàigòn, Hoài Hương cho biết khai mạc Ngày thơ có ông Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Tài tới gõ  trống thùng thùng. Một cây thơ có 100 lá thơ- 100 câu thơ của 40 nhà thơ trẻ trên cây và được coi như lộc thơ đầu xuân,  trong đó có 50 phần quà tặng cho những ai may mắn “hái” thơ, đọc thơ, đoán tên tác giả. Đây cũng là màn “chơi” thơ được hưởng ứng khá hào hứng, khởi đầu cho không gian thơ trẻ,  với các tiết mục hấp dẫn như trưng bày thơ, trình diễn thơ, bán thơ bằng rất nhiều hình thức kết hợp, tạo không khí sôi nổi, náo nhiệt. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn trong vai trò “người dẫn chuyện” bàn tròn ngoài sân vườn dưới tán bách tùng, giao lưu 5 nhà thơ trẻ có tác phẩm thơ được in ấn ,xuất bản, phát hành trong năm 2007.
Độc đáo nhất nước phải kể đến ngày thơ Quảng Ngãi. Ong Chủ tịch Hội địa phương này, nhà thơ Thanh Thảo cho biết :
” Năm nay chúng tôi tổ chức “Ngày Thơ” không giống như mọi năm là bởi, tôi muốn tất cả mọi người đến dự không chỉ để thưởng lãm thơ mà qua thơ, chúng ta yêu hơn và có trách nhiệm hơn với Tổ quốc của mình. Vì vậy, mọi sự thờ ơ, dửng dưng trước sự tồn vong của Tổ quốc và dân tộc hiện nay đều có tội với cha ông. Thơ ca không thể đứng ngoài cuộc trước những biến động của đất nước”.
Chưa ở đâu như ở đây, thơ chống ngoại xâm Trung Quốc được cất  lên nhiều như thế. Từ “ Nam quốc sơn hà Nam đế cư” của Lý Thường Kiệt đến  “Thị xã Lạng Sơn” của Thanh Thảo , “Việt Nam yêu thương” của Hoàng Nhuận Cầm, viết năm 1979 trong cuộc chiến chống Trung Quốc ngoại xâm :
“Sẽ còn in như dao khắc lòng tôi
 Dáng đồng đội ngã trong giờ chiến đấu
 Mặt áp sát cột biên cương rỏ máu
 Mà môi còn tha thiết Việt Nam ơi!”. 
Thơ được tôn vinh tới mức, nhà thơ Thanh Thảo thốt lên những lời cháy bỏng :
“Suốt một hành trình dằng dặc dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam một tay cầm vũ khí, một tay cầm câu thơ, cầm câu hát. …”
Tuy vậy điều này thật khó tin. Bởi lẽ có những thời kỳ nước ta chìm đắm trong đau đớn có thấy bóng dáng câu thơ nào xoa dịu nỗi đau cho nhân dân đâu ? Chẳng hạn thời kỳ cải cách ruộng đất hàng ngàn người chết oan, chiến dịch Mậu Thân năm 1968, cả vạn thường dân vô tội gục ngã dưới làn đạn , rồi thời kỳ sau 75  cải tạo tư doanh biết bao gia đình tan nát… Thử hỏi liền trong mấy thập kỷ chiến tranh liệu có mấy thi sĩ dám công khai buông một tiếng thở dài hoặc nhỏ một giọt nước mắt vào thơ ? Có nhiều dân tộc chẳng cần “một tay cầm vũ khí, một tay cầm thơ” mà vẫn dân giàu nước mạnh, tự hào góp mặt với năm châu . Có phải vì ta cứ “cầm vũ khí với cầm thơ” mà không chuyên tâm “cầm búa với cầm cày “ nên đất nước mới bị gặm dần như thế, nhân dân mới cách biệt giàu nghèo như nay ? Vậy thơ bây giờ đáng tôn vinh hay cần phản tỉnh ?
NT


Nhà văn ĐỖ QUYÊN : Thơ Tân hình thức : Kể sao hết được _ KỲ 3

                                 (tiếp theo)

III.3. Cứu cánh biện minh cho phương tiện

Về mục đích, Tân hình thức Việt là để đưa thơ Việt tới các nền văn hóa khác. Khế Iêm đã hơn một lần đóng đinh khẩu hiệu trên các bài vở, diễn đàn…[i] Khi các nhà tiên phong phất cờ Tân hình thức Việt, đấy là mệnh đề hớp hồn nhất (kế tiếp là motto trang nhà Câu lạc bộ Tân hình thức thotanhinhthuc.org: “Vận động sáng tác và thảo luận”.) Một thiện ý chính đáng và hấp dẫn. Nó kích thích tinh thần truyền bá văn hóa, văn nghệ Việt ra trường quốc tế khi mà toàn cầu hóa đang là mục đích sát sườn của nhiều quốc gia, cộng đồng “tụt hậu”, “thiểu số”, “ngoài lề”… Và cũng là nguyện vọng ở rất nhiều tác giả thuộc về quốc gia, cộng đồng đó, ngay cả khi họ là thành phần, là công dân của các cường quốc, như trường hợp Tạp chí Thơ và nhóm Tân hình thức Việt tại Mỹ.
Dẫu vậy, theo chúng tôi, có sự bất cập trong “mục đích” như thế! Dễ thấy, ở từng thành phần thi pháp, dù có một số bản tính của thơ Việt nhưng Tân hình thức Việt chưa thể và sẽ là không thể tiêu biểu cho thơ Việt đương đại để “mang chuông (Tân hình thức) đi đấm xứ người”. Đó chỉ là - ngay cả khi thành tựu - một lối thơ đặc biệt như một hiện tượng, trong đó đặc biệt nhất là dễ chuyển dịch sang các ngôn ngữ khác. (Xem tiếp phần V.)

Chỉ cần nhìn trên bình diện lao động nhà văn sẽ thấy như có sự nhầm lẫn khi đã coi hệ quả làmmục đích/ cứu cánh ở đường lối Thơ Tân hình thức Việt. Không khó nhận chân rằng, xét cho cùng mọi hành vi sáng tạo nghệ thuật không có cứu cánh nào khác ngoài đáp ứng nhu cầu nội trạng của chủ thể sáng tạo. Chủ thể: đó là cá nhân tác giả; và trong không ít trường hợp, đó là cộng đồng, dân tộc có chung ngôn ngữ, văn hóa với tác giả. Các yếu tố khách thể và ngoại cảnh chỉ là hệ quả, là thứ sinh; nói nôm là “ăn theo”. Đặc biệt với việc chuyển dịch sáng tác văn học từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích, nơi hưởng lợi - về tác động nghệ thuật – chính là quốc gia, văn hóa, ngôn ngữ đích. Tác giả cùng ngôn ngữ, văn hóa gốc hưởng các lợi ích thường là ngoàivăn bản (tác phẩm) mà truyền bá, ảnh hưởng chỉ là một trong các thu hoạch trên “cánh đồng năm tấn” đó.
Nhưng, ngay cả khi bị quan niệm không chuẩn trong quan hệ nhân quả, thực chất của kết quả sáng tạo không thay đổi nhiều, miễn sao phương tiện phù hợp. Khác trong nhiều lãnh vực như chính trị, quân sự, kinh tế (mục đích của một cuộc cách mạng, một trận chiến, một quá trình sản xuất là bắt buộc phải thay thế chính quyền nọ, chiếm đoạt lô cốt kia, sở hữu phần trăm lời lãi này), trong văn nghệ “cách mạng” chân chính luôn chỉ là cải tổ phương pháp luận, chuyển hóa mỹ quan, đổi mới hệ hình... Nó phủ định, và có thể hà khắc tới mức đòi “chôn sống”, các thứ thi pháp cũ. Nhưng không! Hoàn toàn không, nó không hoàn toàn triệt tiêu thể loại, trừ hy hữu các loại hình cổ hủ cản phá tiến trình chung. Nó biến hoán các thể loại “truyền thống” sang những hình thái hợp thời. Đó chính là “hiện đại”. Dường như chỉ trong cách mạng văn học nghệ thuật, cứu cánh làm phương tiện - phương tiện là cứu cánh. Chính thi ca đã làm cho cái câu nghịch nhĩ mà người Pháp ưa nói, “Cứu cánh biện minh cho phương tiện”[ii] trở nên thuận tai và còn có thể lái theo chiều ngược: Phương tiện minh họa cho cứu cánh. Vì cả hai đều thuộc về thi pháp. Trong nghệ thuật lẫn lộn, rối mù về định nghĩa, khái niệm, thậm chí quan niệm, luôn là “chuyện nhỏ” mà hầu hết các trường phái, xu hướng của lịch sử thế giới đều không sao tránh khỏi. Trường phái, trào lưu để làm gì? Kỳ cùng và trên hết: tác phẩm cho đương thời! Sau, ảnh hưởng tới các trường phái, trào lưu hậu sinh. Sau nữa, là vân vân và vân vân…

Khế Iêm cũng hiểu “giữa Tân hình thức Mỹ và Việt không hề giống nhau vì có hai mục đích khác nhau, chúng ta chỉ mượn thuật ngữ ‘Tân hình thức’ để giới thiệu vào thơ Việt một thể thơ mới. Thơ Tân hình thức Mỹ, sử dụng ngôn ngữ nói thông thường, để chuyển đời sống thực tại, xảy ra trong sinh hoạt thường ngày vào thơ.” (Chú thích 4). Inrasara và một số người, vì thế, gần thực chất khi nói thể văn học này là “cách để làm mới lại tính cổ điển trong thơ, nhằm kéo thơ đương đại lại gần với độc giả hiện thời hơn”[iii].
Thật ra, giống ở nhiều hoạt động văn nghệ khác, không mấy thi sĩ Tân hình thức Việt quá coi trọng “tôn chỉ” của cái nhóm làm thơ tự giác, phi tổ chức, nghiêm túc mà rất vui vẻ ấy. Họ “chơi” Tân hình thức, vì thấy mới lạ và thu về được kết quả của riêng mình. Tất nhiên, ít nhiều họ hiểu tài-tâm-tầm của Khế Iêm cùng các tác giả mở đường, cũng như về phong trào Tân hình thức Mỹ. Đúng như tiêu đề Thư mời của Ban tổ chức, họ “tiếp nhận” rồi “sáng tạo”. Như mọi trường phái văn học trước và sau Tân hình thức… Ôi, kể sao hết được…

III.4. Quá khứ gần, tương lai gần và tương lai xa

Về tình hình sáng tác và quá khứ gần của Tân hình thức Việt, có nhiều điểm dễ thống nhất, như Inrasara - cô đọng mà đầy đủ - vừa trả lời phỏng vấn báo Văn Nghệ Trẻ[iv]. Còn về tương lai của nó, rất có thể không ít các Tham luận sẽ bất đồng[v]?

Một loạt biểu hiện cụ thể và quyết định trong vài năm qua ở Việt Nam cho thấy phong trào đang được thừa nhận dần dần không chỉ trong dư luận mà cả ở một số diễn đàn, báo chí, xuất bản chính thống và uy tín.
Tuyển tập Thơ kể - Poetry narrates, Nxb Lao Động 2010, Lời giới thiệu của Angela Saunders, là tập thơ song ngữ Việt-Anh thứ hai của Tân hình thức Việt và là tuyển tập đầu tiên xuất bản tại Việt Nam, không kể vài tập thơ cá nhân như Đoàn Minh Hải (2002, 2013), Inrasara (2006), Biển Bắc (2012)... Tuy không lớn bằng tập đầu tiên Thơ không vần, nhưng qua 21 tác giả từ trong nước tới hải ngoại với nhiều tác giả mới nó đã được đón nhận hữu hiệu từ báo giới và độc giả[vi]. Liệu có thể xem đấy như cú nhảy vọt thứ hai góp sức mạnh dẫn đến Hội thảo?
Lần đầu tiên ở trong nước, chuyên đề Thơ Tân hình thức do Tạp chí Sông Hương số 280 - tháng 6/2012 đã thực hiện chu đáo và ngoạn mục trên nhiều mặt, và trang nhà tapchisonghuong.com.vn có chuyên mục Thơ Tân hình thức. Đến tháng 9 báo Nghệ Thuật Mới của Hà Nội cũng dành chuyên trang do Văn Giá cùng Khế Iêm tuyển thơ của 8 tác giả Tân hình thức Việt, như là lần đầu tiên trên báo chí chính thống ở các tỉnh phía Bắc.
Là một tạp chí địa phương mang tầm quốc gia, Sông Hương kể từ khi ra đời, nhất là thời Đổi mới và hậu Đổi mới đã đặc sắc ở chỗ tạo ra, tìm thấy các vấn đề và trong nhiều sự kiện đã giải quyết vấn đề với không ít gian nan. Tới các năm gần đây, lý luận và phê bình ở các đề tài vượt tầm quốc gia vẫn là thế mạnh mà Tạp chí luôn chiếm hàng đầu trên mặt bằng báo chí văn học Việt Nam. Mới nhất, hồi tháng 6, điều đó được thấy qua chính nhan đề diễn văn của Tổng Biên tập Hồ Đăng Thanh Ngọc (và cũng là một tác giả Tân hình thức có tiềm năng) - “Từ dấu mốc 30 năm thành lập, tiếp tục giữ gìn bản sắc Huế, tôn vinh các giá trị đích thực, cổ súy những trào lưu sáng tác mới” - và qua cả nội dung của bài[vii].

Bất ngờ trước tin vui ở Thư mời tham luận, tôi cứ cả nghĩ: không phải là Tạp chí này, diễn đàn nào ở Việt Nam sẽ làm một hội thảo tương tự? Nói tới đây, nhớ ngay lời tổ tiên nằm lòng con dân Việt mà sự chép lại âu cũng không dư: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Tạp chí Sông Hương chỉ là “một cây” - cây trụ  trì! Và bởi thế cũng xin phép Ban tổ chức dẫn lại điều rằng, “Chủ trì hội thảo (dự kiến) gồm: Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (Viện Văn học Việt Nam - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội), nhà thơ Inrasara (Phó Chủ tịch Hội đồng thơ - Hội Nhà văn Việt Nam)”[viii]. Hỏi có một bàn chủ tọa nào đẹp và chuẩn hơn thế khi đưa Thơ Tân hình thức Việt ra để thẩm định, phê bình, đánh giá thành tựu, hạn chế một cách khoa học và chính thức?

Nêu trên trang mạng của mình khẩu hiệu Vận động sáng tác và thảo luận, nhóm Tân hình thức Việt đã thu hút số lượng tác giả và dịch giả đáng quý trọng ở cả 4 thế hệ Việt làm thơ. Số tác giả trong nước gần một phần ba (1/3). Số tác giả nữ khoảng một phần bảy (1/7). Có khá nhiều nhà thơ, dịch giả, nhà phê bình thành danh của thế hệ U40: Đặng Tiến, Đinh Cường, Nguyễn Tiến Văn, Vũ Huy Quang, Nguyễn Đạt, Nguyễn Đăng Thường, Hoàng Xuân Sơn, Khế Iêm, Nguyễn Lương Ba, Nguyễn Đình Chính… Có không ít tác giả dường như nổi lên sau cao trào Tân hình thức: Biển Bắc, Gỷang Anh Iên, Nguyễn Tất Độ, Huy Hùng, Trần Vũ Liên Tâm…

Thư mời của Ban tổ chức đánh giá đến nay đã có hàng trăm nhà thơ theo đuổi Tân hình thức Việt, với khoảng 15 tập thơ Việt-Anh và sách lý thuyết được xuất bản trên khắp thế giới. Tạm tham khảo 3 danh sách trong 2 tập song ngữ đã nêu và danh mục trang thotanhinhthuc.org, chúng tôi có được con số khoảng 122 tác giả Thơ Tân hình thức Việt. Nếu bổ sung những vị chưa được danh mục cập nhật và từ các trang mạng, báo chí khác, sẽ khoảng 150 tác giả. (Chú thích 30).
Chỉ tính về số lượng, với một trào lưu mới, một thể mới của thơ Việt, được vậy là… ôkê salemrồi! Thử nhìn lên số lượng nhà thơ Việt nói chung và nhìn sang 2 phân loại khác. Với thể loại trường ca[ix], từ Thơ Mới tới nay (cập nhật 28/4/2014) dòng trường ca Việt có khoảng 427 tác giả (305 tác giả trường ca và 121 tác giả thơ dài có chất trường ca) của khoảng 1096 tác phẩm thuộc về trường ca. Với danh sách các nhà thơ cần giải thích giá trị, hiện là 38 tác giả thì 5 người có sáng tác Tân hình thức. (Xem Chú thích 38, 40, 85, và tiếp mục V.3.). Qua vài thống kê, chúng tôi ước tính có khoảng 2000 nhà thơ Việt Nam hiện đại. Tất nhiên tiêu chí của các danh sách nhà thơ Việt Nam hiện đại phải chặt chẽ và chính tắc hơn nhiều so với ở các danh sách phong trào, thể loại.

Trước thềm Hội thảo, ngày 28/9/2013, tại Salon Văn hóa Cà phê Thứ bảy TP HCM, một mini-forum mới và có nhiều phát hiện, Inrasara đưa ra cái nhìn sơ lược của một người trong cuộc xông xáo và thành đạt cả về sáng tác, phê bình lẫn trong truyền bá, xuất bản Tân hình thức ở trong nước. Tin vui giờ chót từ thông báo của Ban tổ chức: đến ngày 2/10/2013, có chừng 50 bài đăng ký từ các tham luận viên Việt, Mỹ; đã nhận được 15 tham luận (7 bài viết bằng tiếng Anh của các nhà nghiên cứu, nhà thơ nước ngoài; 8 bài viết bằng tiếng Việt từ các tác giả trong, ngoài nước.) Còn nữa: đầu năm 2014, Tạp chí Sông Hương sẽ tổ chức Cuộc thi Thơ Tân hình thức Việt ở phạm vi toàn thế giới. (Chú thích 25).

Thế là vượt thắng các đợt sóng phản biện, phản bác, chê bai từ ngay nội bộ Tạp chí Thơ cho tới nhiều báo chí, diễn đàn hải ngoại; bỏ qua những nhược điểm đương nhiên thuộc về ý đồ phủ nhận thể loại[x] trong mọi lý thuyết mới, những hồn nhiên với thói quen cực đoan, đại ngôn cho một trào lưu; nhất là nhờ kiên trì theo đến cùng con đường mới với sự vận động sáng tác, nghiên cứu trong thi giới Việt và cả Mỹ; các thi sĩ Tân hình thức Việt, đi đầu là thi sĩ - lý thuyết gia Khế Iêm đang trao tặng thi ca Việt hiện đại một thể thơ mới và ổn định về thi pháp trên phạm vi chấp nhận được của cộng đồng văn chương Việt Nam và quốc tế. 

Như nói trên, cá nhân người viết khó chia sẻ hoàn toàn ý tưởng dù đẹp mà Khế Iêm đoan quyết: “Chúng tôi tin rằng, chừng nào còn những nhà thơ có nhu cầu thay đổi và giao tiếp với thế giới bên ngoài, tìm kiếm người đọc từ các nền văn hóa và ngôn ngữ khác, thì thể thơ-không-vần sẽ còn là phương tiện hiệu quả và cần thiết.”[xi] Tới thời điểm này, xin mạnh dạn nhìn về tương lai gần và xa của Tân hình thức Việt…
Ở hải ngoại, vài năm nay Tân hình thức hầu như đã “hoàn thành sứ mệnh lịch sử”. Cao trào, qua đỉnh cao đang thoái trào. Gần 15 năm thai nghén, tạo dựng và bảo vệ lý luận, hơn 10 năm phát triển phương pháp, hình thành sáng tác và in ấn quảng bá. Kể cũng là “chuẩn” cho một phong cách nghệ thuật ở chuẩn quốc tế! Lối thơ đều chữ và tự sự đã được mặc định là thơ-thứ-thiệt: không kể “lò” thotanhinhthuc.org, trên các trang mạng văn học quen thuộc như damau.org, tienve.org chừng dăm tuần lại xuất hiện một đôi bài, và nếu có in trên báo chí chắc sẽ không còn phải trương dòng chữ phi lộ “Thơ Tân hình thức” ở trên bài thơ nữa. Với một số tay bút coi đây như sân chơi thì thấy “game over”. Với những tác giả thấy đó như một phong cách thì hẳn nó đã ngấm vào họ, để thỉnh thoảng trở lại như mọi thể thơ khác hoặc mang tinh thần Tân hình thức trong việc thơ về sau. Dường như chỉ còn “đạo trưởng” Khế Iêm cùng trợ giúp từ một số dịch giả vẫn chuyên tâm với và chỉ với Tân hình thức, từ sáng tác, dịch thuật đến lý luận, thảo luận, và 7 năm qua chăm sóc trang nhà thotanhinhthuc.org, quảng bá, giao thiệp, xuất bản, in ấn với kết quả mĩ mãn đến không ngờ mà biểu hiện chót là cuộc hội tụ hôm nay.
Lúc này câu hỏi đầu môi là: Tương lai gần của Tân hình thức trong nước ra sao? Nói chung, khó có thể với sáng tác thơ nhưng “thầy bói xem voi” vẫn là điều có thể với việc sinh hoạt thơ. Chắc chắn Ban tổ chức cùng tất cả chúng ta đều tin Hội thảo sẽ làm cú hích mạnh mẽ và đúng lúc cho xu hướng này, khi mà nó đã tương đối quen thuộc với không ít tác giả ở khu vực văn học ngoại biên (nhất là ở các tỉnh thành phía Nam) và một số đáng kể trong vùng văn học trung tâm trên cả nước. Riêng tôi mường tượng trong vòng 6-7 năm tới, nói tròn đến năm 2020, riêng về “quân số” nếu tác giả Tân hình thức Việt toàn cầu (mà người mới xuất hiện chắc sẽ từ ở trong nước) lên tới mức 250 vị: kể như “phe ta thắng đậm”! Hình dung đúng ngày Hội thảo ở Huế, các tờ báo đại chúng như Tuổi Trẻ trong Sài Gòn, Tiền Phong ngoài Hà Nội với góc báo khiêm tốn nhưng bắt mắt dành hẳn một khuôn viên Thơ Tân hình thức khiến bên các sạp báo vỉa hè, trong hẻm nổi lên những câu hỏi “Thơ gì vậy cà?”, “Thơ thế lày là thế lào?”: coi như khởi đầu “phe ta thắng đậm”. Bởi đó là biểu hiện đầu tiên trong quan hệ độc giả - tác giả cho loại thi ca “ngồi bệt xuống cỏ (hướng lên bầu trời)” mà Tân hình thức là một đại biểu trong thời hậu hiện đại Việt.
Tương lai xa của Tân hình thức Việt, dù chỉ “xem voi” cũng cần thiết.
Văn học kim cổ nghệ thuật đông tây, khi đã mệnh danh trào lưu, trường phái tất phải nghĩ về “ngày chết”, và nếu may mắn sẽ sống mãi như một tinh thần, một bút pháp phụ cho đời sau. Phong trào Siêu thực Pháp là ví dụ rực rỡ và thuyết phục nhất về tính sinh tử của trường phái trong sáng tác, sinh hoạt văn nghệ thế giới hiện đại.
Ưu tư của Ban tuyển chọn giải Thơ Tân hình thức Việt 2007 nói lên khó khăn thường thấy ở các thi phái:
“Thực ra, những nhà thơ Tân hình thức Việt trước đó đều là những nhà thơ tự do hoặc vần điệu, nên họ vẫn làm Thơ Tân hình thức bằng ngôn ngữ và nhịp điệu của thơ tự do hay vần điệu. Ngay cả người đọc cũng đọc theo cách đọc cũ vì Thơ Tân hình thức chưa làm nổi bật lên được đặc tính của nó. Có lẽ vì thế mà đa số chỉ làm một thời gian ngắn rồi ngưng, không đi tiếp được. Họ ghé qua chơi cho vui một lát rồi thôi, không có ý ở mãi với dòng thơ này.”[xii]

Tôi đồng ý với Ban tuyển chọn, chưa nói hay-dở, về “dáng dấp của loại ngôn ngữ Tân hình thức” chỉ có ở rất ít tác giả như Lưu Hy Lạc/ Vương Ngọc Minh, Nguyễn Hoài PhươngGỷang Anh Iên,Nguyễn Thị Khánh Minh.

Như đã thấy qua các nhận xét chung, hình thức của Tân hình thức Việt, trừ thao tác ngắt dòng, thực ra rất phiếm chỉ, bất định. Cái bẫy cho các tay mơ sa vào “đếm chữ ăn”… thơ! Thà cứ khó kiểu Đường luật, tỉ như “hai câu thơ niêm với nhau khi nào chữ thứ nhì của hai câu cùng theo một luật, hoặc cùng là bằng, hoặc cùng là trắc”, lại đi một nhẽ! Cao tay ấn là kỹ thuật lặp lại. Nhưng nó chỉ tạo hình thức bên ngoài. Nhà thơ Tân hình thức phải tự tìm “hình thức bên trong” của riêng bài thơ sau khi đã nhắm nội dung nào đó. Nói gọn, tạo tứ Tân hình thức cực khó, khi mà không một hình tượng ẩn dụ nào có thể phủ lên toàn bài thơ luôn phải cuộn chảy. Đâu phải cứ dí vô một câu chuyện đầu cua tai nheo là ăn được tình của thiên hạ Tân hình thức! Thật khó lòng tin một người chưa “sạch nước cản” với các loại hình căn bản của thơ vần điệu, nhất là lục bát, và thơ tự do lại có thể làm một bài Tân hình thức “sạch nước cản”, trừ phi có “máu Tân hình thức” trong mình! Một oái oăm nữa, cũng như thơ văn xuôi, thể thơ này quá khó định chuẩn: Bạn đã thấy bài thơ văn xuôi nào lọt vào danh sách thơ hay nào đó chưa?  (Xem tiếp mục V.)
Sẽ bàn thêm với từng thành phần thi pháp trong các mục kế tiếp. Cần nói ngay, thành thực, tôi cho rằng Tân hình thức không thể là “chính thi” trên nền thi ca Việt đương đại. Nó khó đọc và cũng hơi hơi khó hiểu trong những lần đọc đầu. Tân hình thức không thể phổ cập được; như một loại “đặc sản" chỉ hợp số ít trạng thái thi cảm của người viết và người đọc. Âu cũng chuyện thường trong sáng tạo, thượng thặng như Haiku Nhật còn phải vậy. Thơ-kể sẽ chỉ là một trong các dòng-thơ-phụ. Độc đáo với một số đề tài và đối tượng; lại có tác dụng khôn lường trong dịch thuật. Và nó không thể và cũng không muốn tham dự vào vùng trung tâm văn học. Chưa hẳn vì nội dung tư tưởng và cảm xúc nghệ thuật không bao trùm mọi tiêu chí văn chương và xã hội, nó xởi lởi và cuồn cuộn tự định vị ngoại biên qua phương thức lê thê và thủ thuật lập dị của mình. Với niềm hãnh diện quên dị nghị.
Ở các năm của thập niên thứ hai trong thiên niên kỷ thứ ba, riêng tôi hay nghĩ, đến nay giữa hàng chục thể, loại, hình thi ca Việt, chắc chỉ có 2 tiểu thể loại là thơ lục bát và thơ tự do đủ khả năng tiêu biểu cho thơ Việt trên trường quốc tế; vì chúng hài hòa một cách dung dị 2 tính chất riêng chung: bản sắc Việt và nhân loại hiện đại.

Phóng cái nhìn ra 20 năm nữa: trong số 100 nhà thơ Việt cầu mong có được 10 người biết ít nhiều về Tân hình thức, 5 người coi nó cũng-là-thơ, và một đôi người (đều đặn hay thỉnh thoảng) là tác giả Tân hình thức[xiii].  



[i] Xem thêm: “Mục đích của thơ Tân hình thức là muốn đưa thơ Việt ra ngoài thế giới (…). Nếu quá đậm đặc trong phạm trù văn hóa hay ngôn ngữ, người đọc ngoại quốc sẽ không hiểu, ngay cả với thế hệ người Việt trẻ bây giờ ở trong nước. (…) Để đáp ứng điều kiện dịch thuật, thơ Tân hình thức phải thay đổi cách sáng tác.” (Lời Nhà xuất bản,Thơ kể - Poetry Narrates; và Khế Iêm, Tân hình thức, nhắc lại - 10 năm, Tạp chí Sông Hương số 262 tháng 12/2010, tapchisonghuong.com.vn 20/12/2010); và, “Thơ Tân hình thức Việt không phải là một phong trào, hay nói khác, chỉ mượn cách xuất hiện như một phong trào để tiếp nhận một thể thơ mới cho thơ Việt, phù hợp với sự thay đổi đời sống xã hội, và đưa thơ Việt giao lưu với những nền thơ khác, qua dịch thuật. Vì cách làm thơ này, với kỹ thuật lặp lại, khi dịch ra ngôn ngữ khác vẫn giữ được nhịp điệu của thơ, thành thơ, và người đọc khác ngôn ngữ và văn hóa sẽ đọc như một bài thơ sáng tác chứ không phải như một bài thơ dịch.” (Khế Iêm, Chú thích 4). 
[ii] “La fin justifie les moyens” – một lối ngụy biện thường không được chấp nhận về mặt đạo đức.
[iv] “Dẫu sao, Tân hình thức qua 4 năm (2000-2004) hình thành và phát triển, đã tạo nên một phong trào, lôi kéo hàng trăm người làm thơ (chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Nam, nhất là TP HCM) nhập cuộc, viết và đọc. Đó là điểm đáng ghi nhận. Sau kỳ gian trầm lắng ngắn, đến năm 2008, Tân hình thức lại gượng dậy, nhưng chưa có chuyển biến mới đáng kể.” (Inrasara/ Thu Huyền, Phong trào văn học nào bất kỳ cũng cần đến sự tổng kết, đánh giáVăn Nghệ Trẻ 29/9/2013, và inrasara.com 2/10/2013.)
[v] “Triển vọng của thơ Tân hình thức Việt sẽ như thế nào? Riêng điểm này, tôi không dám đoan quyết điều gì cả. Mà ngay cả bản thân Khế Iêm, theo tôi cảm nhận, dường như cũng không hẳn đã sắt đá trong niềm tin chắc thắng. (…) Điều quan trọng là tạo ra được một lối đi, một triển vọng trong những lối đi và triển vọng khác. Điều này phù hợp với tinh thần hậu hiện đại.” (Văn Giá, Chú thích 14).
[vi] Riêng người viết thích nhan đề Thơ kể, nó khu biệt về thi pháp hơn nhan đề Thơ không vần.
[vii] “Cùng với thời kỳ bùng nổ kỹ thuật số đang là xu thế tất yếu của đời sống nhân loại, Tạp chí Sông Hương đang chú ý một xu thế viết toàn cầu hóa và đang góp sức kiến tạo điều đó. Đó là lý do mà gần đây, Tạp chí Sông Hương đã chủ động tổ chức các chuyên đề về văn học Hiện đại, Hậu hiện đại, Tân hình thức... Trên con đường mà sớm muộn gì văn chương Việt Nam cũng sẽ phải điviệc chủ động những bước chân càng sớm, sẽ tỏ rõ tinh thần trách nhiệm cao trước công chúng bạn đọc trên hành trình phụng sự cái đẹp.”; “Trong thời gian qua, Sông Hương đã không ngừng tìm lại những giá trị còn khuất lấp trong văn chương Việt, cố gắng đánh giá một cách công bằng, khách quan các giá trị của văn học miền Nam trước 1975, tiên phong trong việc giới thiệu những trào lưu nghệ thuật mới như hiện đại, hậu hiện đại, Tân hình thức…” (Hồ Đăng Thanh Ngọc, Tạp chí Sông Hương số 293 tháng 7/2013, vàtapchisonghuong.com.vn 25/7/2013).
[viii] Ban tổ chức Hội thảo, Thư mời tham luận 25/7 & 2/10/2013; Văn Bảy, Hội thảo thơ tân hình thức Việt lần đầu tiên trên thế giới, thethaovanhoa.vn 22/9/2013; và xem thêm ghi nhận về hai vị đồng chủ trì Phạm Xuân Nguyên và Inrasara. (Chú thích 38).
[ix] Đỗ Quyên, Trường ca Việt Nam: Tác giả và tác phẩm, vanhocviet.org 25/7/2013, vanvn.net 27/9/2012, và bản thảo cập nhật 28/4/2014.
[x] Như cách nhìn do khắt khe nên có phần sai lạc của Khế Iêm cùng một vài thi sĩ mở đường Tân hình thức về thơ tự do Việt (vai trò trên nền thi ca Việt, các điểm về thi pháp như nhạc tính, vần) mà nhiều tác giả cũng từng phê phán. (Ví dụ: Phụ lục 9-).
[xi] Như Chú thích 14.
[xii] Như Chú thích 21.
[xiii] Tân giai thoại Tân hình thức: Có 1000 thi sĩ Việt làm thơ cho cả nước. Cả ngàn chỉ nhăm nhăm làm thơ lục bát: không sao, thơ Việt chỉ véo von đu đưa so với thi ca thiên địa. Cả ngàn chỉ hăm hở làm thơ tự do: cũng chẳng sao, thơ Việt chỉ khúc mắc bước thấp bước cao cùng thi ca thiên địa. Cả ngàn chỉ rào rào làm thơ Tân hình thức, thơ Việt bị trở thành hiện tượng lạ giữa thi ca thiên địa. Lập tức, thân nhân các thi sĩ cùng đông đảo độc giả ba miền phải thường trực dọc ngang phố Nguyễn Du nhằm thúc giục nhà văn Trung Trung Đỉnh nghỉ “job” Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn mà đi mở “job” khác bận rộn hơn: Giám đốc chuyên môn kiêm Chủ tịch Hội đồng quản giáo Trại cai Thơ Tân hình thức. (Nguồn: Lưu truyền giai thoại làng văn Hà Thành rằng, để tiêu giảm cơn sốt nhà nhà in thơ người người làm thơ thơ nhất định thắng ta nhất định không thua, nhà văn Trung Trung Đỉnh ở giữa công đường cũng như trên bàn nhậu dù trong hay ngoài nước, thường xuyên quảng bá ý tưởng về một trại cai nghiện thơ trên phạm vi toàn quốc.)


                                                           (còn tiếp)




Thứ Sáu, ngày 22 tháng 8 năm 2014

CHUYỆN XƯA - NAY MỚI NÓI - KỲ 63 - “ bùn nhơ đến tận cửu trùng…”





       “ Cửa mở” và vụ án văn học 45 năm trước

Hồi đó, năm 1970, tập thơ “ Cửa mở” do NXB Văn Học vừa ấn hành đã gây xôn xao dư luận với những câu thơ “chọc giận” các nhà lãnh đạo. Thiên hạ lưu truyền những câu thơ “bóng gió , xỏ xiên “ chế giễu cái thói huênh hoang “ cộng sản là nhất”, nhắm mắt nhắm mũi ca ngợi “ xã hội chủ nghĩa ưu  việt hơn tư bản . “



“ Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ...!

Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ.

Sự thơ ngây đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao”,



Hoặc mượn lời lãnh tụ oán thán cái thói coi rẻ mạng người trong chiến dịch Mật Thân 1968 :



“Bác không bằng lòng gọi trận đánh chết nhiều người là đánh đẹp”.



Hoặc chửi xéo lãnh đạo cấp cao :



“ mặt trời cũng có vết đen…”



Hoặc :



“ bùn nhơ đến tận cửu  trùng…”



Vào thời bao cấp, thời toàn trị , những câu thơ như vậy bị coi là “ phản động”. Lập tức các “văn thi sĩ” bẩm báo lên trên và ông trùm văn hoá văn nghệ , quyền nghiêng thiên hạ Trường Chinh nổi giận đập bàn :



“ Thật lạ một điều một tập thơ như vậy mà lại do một thằng đi ra từ…Phủ Thủ tướng”.



Quả thực đó là một lời phán quyết đối với nhà thơ Việt Phương, nguyên thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Không đầy vài tháng sau, nhà thơ mất chức trong sự im lặng của cái ông đứng đầu Nhà nước Việt Nam lâu nhất trong lịch sử này. Ngay sau đó, một cuộc “đấu tố” được tổ chức gồm toàn những “cây đa cây đề” của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa : Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu….

Tuy nhiên “đánh chó ngó chủ nhà”, lúc đó Việt Phương đang là thư ký Thủ tướng nên dù có “ nịnh” đồng chí Trường Chinh đến mấy chăng nữa, các đồng chí nhà văn nhà thơ của Đảng cũng vẫn phải dè chừng Ngài Thủ tướng đương chức .

Mở đầu cuộc “đấu tố” – Giám đốc NXB Văn Học Như Phong ( còn gọi là anh Năm bé để phân biệt với anh Năm lớn tức “đồng chí” Trường Chinh” ) nhấn mạnh theo kiểu “quen cái thói lãnh đạo” :



“Sau khi tác giả trình bày ý định sáng tác của mình, chúng ta sẽ hỏi thêm và sẽ góp ý kiến. Về tập Cửa mở mới ra cũng có nhiều dư luận. Vì phạm vi thì giờ, nên hôm nay, chúng ta chỉ giới hạn trong sự tìm hiểu và đánh giá nội dung tác phẩm, giúp tác giả khẳng định chỗ được, chỗ chưa được. Những điểm thuộc về phong cách, nghệ thuật sẽ bàn thêm về sau. Bây giờ mời đồng chí Việt Phương nói trước. ..”



Tội nghiệp nhà thơ, phải làm cái việc chẳng khác gì kiểm điểm tội…hủ hoá. Và người ta cóc cần biết thơ anh hay hoặc dở mà chỉ cần có đúng “lập trường của Đảng”  hay không mà thôi. Tất nhiên, trước một cuộc “đấu tố” toàn những “ông lớn” trong làng văn, nhà thơ Việt Phương phải khẳng định ngay : 



“Ý định người viết là viết về cuộc chống Mỹ cứu nước, cuộc chiến đấu cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, những ý nghĩ và tâm tình của người chiến đấu viên, người đảng viên cộng sản trong cuộc chiến đấu ấy.”

Và hô to khẩu hiệu kẻo bị úp nón cối  “thằng phản động” thì nguy to :



“Đó là tình yêu và lòng gắn bó với Đảng, với Bác, với dân tộc, với đồng chí và đồng bào, với nhân dân lao động, mà tập thơ gọi là: những con người, những con người chân chính. Khi nói con người, là nói nhân dân lao động chúng ta. ..Đó là lòng căm thù đối với đế quốc Mỹ, đối với bọn xâm lược, áp bức, bóc lột, đối với chủ nghĩa tư bản, mà tập thơ gọi là bày quỷ hay bầy thú dữ…”



Vậy nhưng dù có hô khẩu hiệu lớn đến đâu chẳng nữa, nạn nhân cũng không thoát bị”làm thịt”. Đồng chí nhà thơ kiêm cán bộ cấp cao Huy Cận xắn tay áo :



“ Có một số câu ở đôi bài có thể làm cho người đọc này, nọ hiểu khác đi (tôi không nói hiểu sai) hiểu khác là có thể hiểu đúng hay hiểu sai, nhưng khác với ý tác giả. Mà việc này, riêng tôi đã hai lần giải thích cho một vài bạn đọc. Ví như: chúng ta đây ai cũng hiểu câu Đảng là những mối lo đời thường trực là ý nói Đảng rất quan tâm đến cuộc sống hàng ngày, nhưng đồng chí X là cán bộ tốt, bảo tôi cũng có cách hiểu thứ hai. ( Tức Đảng là nỗi lo thường trực của người dân – NT) .Tôi bảo bất cứ câu thơ nào cũng có thể hiểu như vậy. Anh ta bảo: những câu thơ ấy có thể biểu tượng hai mặt. Tôi trả lời: “Thế thì biểu tượng hai mặt trong đầu anh, chứ tác giả khi viết nó có thế đâu”. Đó là sự hiểu khác, tôi có thể giải thích được. Còn trường hợp ở câu Mở đài địch… mà vẫn tin ở tương lai thì dù tôi hiểu đúng ý tác giả muốn nói: không sợ địch khi mình đã mạnh - nhưng giải thích sao cho anh ta thông, đúng với quy định đọc “bản tin mật” và khẩu hiệu “không nghe đài địch”, thì anh ta chưa chịu. Điều này, mà cũng chỉ một vài điều này, để đồng chí Việt Phương xem đã cân nhắc kỹ chưa? Câu Đảng lịm đi… tôi hiểu xuất xứ từ ý Mác, mà cũng có người vặn vẹo. Nhưng thôi, phải đọc cả văn mạch người viết, không nên hiểu cắt khúc đơn giản. Tôi nghĩ nếu anh Việt Phương chú thích thêm thì tốt hơn. Trong thơ cũng cần chú thích. Ngay thơ đồng chí Sóng Hồng cũng có câu đồng chí ấy chú thích. Duy chỉ có câu nói ý về “đồng hồ Liên Xô, trăng Trung Quốc”, thì chúng tôi có nghĩ gây cho người đọc ngờ mình dè bỉu, dù tôi hiểu ý tác giả muốn nói lúc đầu đi vào cách mạng còn ngây thơ…”



Tội nghiệp cho các nhà thơ cách mạng khi làm thơ phải “chú thích” cho bọn phản động khỏi bóp méo thì còn gì là…thơ. Quy định này nếu có từ thời cụ Nguyễn Du thì chắc chắn “ Truyện Kiều” đã không ra đời.

Giáo sư Hoàng Xuân Nhị, chuyên viên “cóp” sách Liên xô, được dịp đánh hôi :



“Nhưng câu viết Đảng lịm đi thì thực ra đồng chí cũng chưa hiểu hết chữ Déperir. Nhưng câu này sai ở chữ không còn sống nữa, chủ quan tôi hiểu như vậy, còn bài này thì nhiều chỗ tốt, nhiệt tình. Đấy, một số bài có lỗi nghĩ trừu tượng. Đoạn nói về đồng hồ Liên Xô, Trăng Trung Quốc nhiều người không quen đồng chí thì không hiểu. Như tôi buổi đầu còn du học thì tôi chưa tin Liên Xô. Về sau Đảng dạy mới tin. Hình tượng hoá sự ngây thơ, dễ cho bọn xấu moi móc. Cơ bản đoạn đó, tôi không đồng ý, dù có sửa chữ thì hình tượng đó cũng không nên dùng. Ngoài ra cũng có chỗ cần xét về mặt sách lược; Đả De Gaulle, đả sinh tồn chủ nghĩa của J.P. Sartre là không đúng. Câu viết: Ta đánh Mỹ, vậy thì ta tồn tại đã đúng chưa? Lẽ nào chỉ có đánh Mỹ ta mới tồn tại? Cần gì phải chọi lại Descartes…”



Ong Giáo sư Hoàng Trinh, tác giả cuốn “ Phương tây văn học và con người” , người  đã gây cho bao thế hệ các nhà văn VIỆT NAM ngộ nhận đã nắm hết được đủ thứ trào hưu hiện đại qua cuốn sách “ trói voi bỏ rọ” và sai be bét của ông, cũng nhảy ra răn dậy nhà thơ :



“ Có một số đoạn gây hiểu lầm là vì quan niệm đơn giản về tình hình văn nghệ, do tác giả chủ quan. Chưa biết bạn đọc thường hay liên hệ với toàn bộ bối cảnh, dù người ta có tin cậy anh Việt Phương thì vẫn cứ liên hệ. Tôi chỉ xin cung cấp một kinh nghiệm. Hiện nay châu Âu đang thịnh hành quan điểm “con người tự lừa dối” (Autohypocrisie và nó kích sáng tác phải tìm tòi, “nói thật”). Tôi nghĩ bây giờ ta nên chống những quan điểm xét lại là chính, đồng thời cũng chống sơ lược, giáo điều. Tôi hiểu anh Việt Phương không muốn bình thường, muốn sáng tạo và về cơ bản tập thơ thì ai cũng hiểu động cơ tốt. Nhưng động cơ sáng tác tốt mà thể hiện chưa được hoan nghênh lắm thì cũng nên suy nghĩ , nhất là chú ý đừng “tiền phong chủ nghĩa”.



Nhà thơ Chế Lan Viên, vốn coi “thơ triết lý” là món độc quyền của mình nên răn đe Việt Phương chớ có xớ rớ vào đó :



Nói tình yêu cũng có suy nghĩ chứ không riêng trai gái. Có sự dũng cảm. Nhưng vì thiếu vốn sống cụ thể nên có bài rơi vào duy lý, không khéo sa vào duy tâm. Ví như: bây giờ thì đã cần đặt vấn đề “ nỗi đau trái đất” làm gì ?”

Ong nhà thơ “con nai vàng ngơ ngác” tức Lưu Trọng Lư, vốn là Vụ trưởng Vụ văn nghệ nhắc nhở “quan điểm quần chúng” cho nhà thơ :



“Trước hết, Đảng gọi chúng ta vào thực tế là đúng. Sau đó phải nhớ câu hỏi: ai đọc chúng ta? Tôi không dám nói là “siêu hình” như anh Nhị, nhưng cũng nên rỉ tai nhau chú ý.”



Ong nhà thơ Xuân Diệu nổi tiếng vì xuống cơ sở hay…”vòi ăn”, thì chơi bài nước đôi :



Hôm nay tôi cũng khẳng định chính trị tư tưởng của nó là tốt (tuy trong sách lược địch, ta, còn có chỗ hở như mắng De Gaulle, đả tháp Eiffel… Đứng về tư tưởng thì không nên hợm mình mà đả tháp Eiffel). Về chính trị tư tưởng tốt, vậy thì do đâu mà có phản ứng ở vài bài? Một phần có va chạm người đọc, người đọc cho là tác giả kiêu. Tôi đồng ý cảnh giác cái kiêu cá nhân, nhưng đã là cái “kiêu” tự hào của anh thi sĩ, coi mình như long như  hổ thì đúng và không sợ…”



Ong Vũ Đức Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, nhà phê bình mác xít hơn cả cộng sản nhân dịp này bầy tỏ lập trường :



“Đọc cả tập thì được, nhưng tách ra còn có vấn đề. Câu Trận đánh tuyệt đẹpkhông nên hiểu Bác là một anh tiểu tư sản. Tôi đồng ý có người suy luận, bẻ queo. Không cứ gì với thơ Việt Phương mà tôi viết lý luận cũng có người bẻ queo. Đến Mác-Ăng-ghen cũng còn có người giải thích sai! Cho nên nói về Bác, về Đảng là phải thận trọng. Không tán thành ý nói có hai sự thật và muốn giấu đi. Ý thơ Bác là phải vút lên: Bỗng nghe vần thắng vút lên cao. Ta phải hiểu từ đó mà tìm cái tiến lên, phấn khởi. Cái đau khổ không phải là cách mạng chân chính…”



Vậy phàm là người cách mạng chân chính thì bố chết mẹ chết, con cái chết cũng không được đau khổ ? Đây là cốt lõi của lý thuyết “cách mạng không có bi kịch” một thời đã hành hạ biết bao văn nghệ sĩ khiến họ không dám nhỏ mọt giọt nước mắt khi không biết bao nhiêu dân vô tội đã chết thảm trong dịp Tết Mậu Thân.

Sau cuộc họp kiểm điểm tất nhiên ông Việt Phương phải rời khỏi Phủ Thủ tướng để đi làm…cán bộ nghiên cứu cho tới ngày nay.

Thời gian như vó câu qua cửa, mới đó mà đã qua 45 năm rồi. Thời nay tuy có cởi  mở hơn thời tập thơ “Cửa mở” ăn đòn nhưng về căn bản, các rường mối, phép tắc thì vẫn y chang vậy. Những người có mặt trong buổi họp đấu tố Việt Phương phần lớn đã đi theo bác Hồ nhưng nối tiếp họ vẫn là cả một hàng ngũ hùng hậu hơn, sắt máu hơn..những nhà văn , nhà nghiên cứu  Vũ Hạnh, Trần Trọng Đăng Đàn, Trần Thanh Đạm, Mai Quốc Liên….vẫn còn nhan nhản ra đó.



NT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét