Bài đăng phổ biến

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

BAN LOAN CUNG LEO

Bàn Loạn Cùng Leo: Tham những & hệ quả của tham nhũng

Posted by adminbasam on 10/01/2017
Trần Phong Vũ
9-1-2017
Tham nhũng là chuyện muôn đời, muôn nơi. Chẳng thế mà cụ Nguyễn Khuyến, nhà thơ làng Yên Đổ khi đọc Đoạn Trường Tân Thanh của thi hào Nguyễn Du đến đoạn Vương Ông bị thằng bán tơ lừa đảo, nhờ đút lót cho bọn tham quan 300 lạng vàng mới thoát nạn, đã cảm hứng làm bài thơ “Vương Ông mắc oan” với hai câu kết sau đây.
Có tiền việc ấy mà xong nhỉ?/ Đời trước làm quan cũng thế a?
Lời thơ hàm ngụ câu hỏi của tác giả cho ta hiểu: tưởng rằng đời nay (cuối thế kỷ 19, thời của cụ Tam Nguyên Nguyễn Khuyến) quan lại tham nhũng, ai ngờ những bậc ‘dân chi phụ mẫu’ thời trước (thời nhà Minh tận bên Tàu) cũng như thế sao?
Có điều tệ trạng, cách thức, mức độ tham nhũng theo thời gian đã biến tướng một cách khủng khiếp đến chóng mặt. Nhưng có lẽ phải chờ tới cái thời “Xã Nghĩa” ở Việt Nam ta tệ trạng này mới thực sự vượt ngưỡng.
Sau đây, mời độc giả theo dõi clip video bàn về chuyện tham nhũng của diễn viên hài độc thoại Dưa Leo:
Với nét cười và dáng bộ hài hước, anh mở đầu

“Đọc báo, coi ti-vi các bạn thường thấy những tin như vầy: Chống tham nhũng quyết liệt! Chống tham nhũng biến tướng tinh vi!… Tham nhũng không đẹp trai bằng anh Leo thanh lịch, đi du lịch khắp vũ trụ!… mà nhiều khi mình không hiểu tham những là con mẹ gì mà không đẹp trai bằng anh Leo???”
Sau lời dạo đầu dí dỏm trên đây, anh nói tiếp.
“Hôm nay tôi sẽ giải thích cho các bạn nghe… a há!”
Leo nêu câu hỏi: Tham nhũng là gì?
Trên màn hình hiện ra hai định nghĩa.
1.- Tham những là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi (theo luật phòng chống tham nhũng Việt Nam)
2.- Tham những là hành vi của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn hoặc có ý làm trái luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân (theo tổ chức minh bạch quốc tế).
Với định nghĩa một, Leo phát biểu: “Đọc đến trẹo quai hàm mà chưa hiểu gì hết! A! để coi xem có định nghĩa nào khác không?…”
Ngưng lại một giây, anh cười nói tiếp: “Đúng là quốc tế, nó rõ ràng như vậy đó. Tệ trạng tham những là lợi dụng quyền lực để mà kiếm lợi cá nhân không cần biết lợi đó là lợi lộc về tiền bạc hay lợi đất đai, nhà cửa hay sex, tình dục… tình yêu… tình báo gì đủ thứ. Có lợi dụng quyền lực để thủ lợi là tham nhũng! OK?
Tham nhũng nó xuất hiện ở mọi nơi trong xã hội Việt Nam này. Các bạn thấy ai mà lợi dụng quyền lực thì hấu hết đều là tham nhũng.”
Anh nêu lên những trường hợp như: CA chặn xe của người dân không phải để điều tiết lưu thông cho tốt mà để người dân xì tiền ra – Chủ tịch xã cấp đất cho người thân của mình – Vụ chiếm đất công thành đất tư ở Đông Anh. Rồi bác sĩ, hộ lý làm việc không ra gì, đút phong bì xong bỗng nhiên thay đổi thành ‘lương y như từ mẫu’. Trong mỗi trường hợp nêu trên, diễn viên hài Dưa Leo đều kết thúc bằng hai chữ: THAM NHŨNG.
Anh nói: “Một xã hội tham nhũng thì đ. phát triển được! Nó bế tắc lắm các bạn ạ! Bởi vì người giầu, người có quyền, có tiền người ta giữ chặt cái vị trí ấy gọi là giữ ghế và cái đó đem lại cho người ta nhiều lợi ích không muốn chia cái quyền lợi ấy cho ai ngoài những người thân hoặc những ai chi ra đủ tiền cho người đó bán một phần quyền lực đó… Còn người nghèo, người khổ cực thì đành chịu áp bức bất công không biết phản kháng làm sao, chỉ biết cúi đầu về nhà khuyên con lo học hành để sau này thành quan, thành chức… Cuối cùng những đứa con đó cũng thành những kẻ tham nhũng thôi!
Một xã hội như thế đ. phát triển được! Và chúng ta đang ở trong một xã hội như vậy đây nè! Tham nhũng đủ chỗ. Tham nhũng đủ nơi. Tham nhũng có mức độ lớn, có mức độ nhỏ. Lớn đến cả ngàn tỷ!…”
Không cần phải tìm kiếm bằng chứng đâu xa, Leo cho mọi người hay là chỉ cần đến một cơ quan nhà nước là sẽ biết ngay. Nạp một tờ đơn, nếu không biết cách lo lót có thể sẽ bị bắt lỗi vài ba chục lần, mỗi lần một lỗi khác nhau. Với giới trẻ, anh mách cho họ đến ngay một trường đại học nào đó, tiếp xúc với phòng có tên là phòng đào tạo… hay là phòng “hành” học sinh, sinh viên. Theo Dưa Leo chỉ cần vào trong đó mọi người sẽ thấy, sẽ hiểu, sẽ cảm được cái tâm trạng đang đối diện với tham nhũng như thế nào.
Trong phần kế tiếp, anh trình bày cho khán thính giả của anh về những hậu quả tai hại của tệ trạng tham nhũng ứng vào hoàn cảnh đất nước Việt Nam của chúng ta.
Mở đầu phần này, Leo nhắc các bạn trẻ hãy nhớ lại những lời của ông Lý Quang Diệu đã có lần nói về Việt Nam. Theo nhận định của ông Lý thì với vị trí đặc thù trong khu vực, thêm vào những tài nguyên phong phú do thiên nhiên ban tặng, lẽ ra Việt Nam phải nắm giữ vị trí số một trong vùng Đông Nam Á. Nhìn về đất nước Tân Gia Ba, ông Lý Quang Diệu thú nhận: về diện địa, nước ông chỉ xấp xỉ vùng thủ đô Sàigòn của miền Nam Việt Nam. Vì thiếu tài nguyên thiên nhiên Tân Gia Ba đã phải nhập cảng từ Mã Lai. Nhưng theo anh, ít ai ngờ rằng chỉ mấy thập niên sau lợi tức tính theo đầu người của người dân xứ sở này đã tiến lên vị trí thứ hai Á châu, chỉ sau Nhật Bản.
Với nét mặt trang nghiêm, Dưa Leo nói: “Các bạn có biết ngày trước dân Mã, dân Phi, dân Hàn nó qua Việt Nam để làm thuê cho người mình không?Còn bây giờ dân mình tìm mọi cách, kể cả bán gia sản để qua được bên nước nó chỉ để làm mọi cho nó thôi. Sau thời hạn hợp đồng, nhiều người còn trốn tránh tìm cách ở lại… vẫn chỉ để làm tôi mọi!”
Cùng lúc trên màn hình hiện ra những hàng tít trên báo.
* Cuộc sống của lao động bất hợp pháp ở Hàn quốc
* Nỗi khổ của dân lao động Việt Nam ở Nhật Bản
* Người Việt trồng rau ở Nga: tận cùng sự gian khổ!
Theo diễn viên hài độc thoại Dưa Leo, sở dĩ dân mình khổ, đất nước mình nghèo chỉ tại vì tệ nạn tham nhũng. Anh tự hỏi vì sao Việt Nam là một quốc gia giầu tài nguyên thiên nhiên, với một vị trí địa lý tuyệt vời mà vẫn lẹt đẹt đi đàng sau thiện hạ, kể cả những quốc gia trước đây thua kém mình? Rồi anh tự trả lời: chỉ vì tất cả những tài nguyên ấy sau khi được khai thác, thay vì trở về phục vụ nhân dân, xây dựng đất nước lại đổ vào túi bọn tham nhũng lớn bé và những người thân của họ.
Biết trước sẽ có kẻ xuyên tạc những lời nói thẳng trên đây của anh, Leo lớn tiếng.
“Đất nước mình bị kiệt quệ, bị hút máu! Chuyện này là chuyện hàng ngày trên báo chí lề phải nói nha! Ai cũng biết nha! Đừng có kêu tôi là phản động, kỳ lắm nha!”
Anh ngậm ngùi nói tiếp.
“Mà đã như vậy, đất nước đã nghèo mạt lại còn phung phí tiền bạc vào những chuyện xàm xí nữa!”
Màn hình hiện ra những hàng tít trên báo.
* Tượng đài Mẹ Việt Nam 411 tỷ ở Quảng Nam!
* Cổng chào 200 tỷ ở Quảng Ninh!
* Sơn La chi 1400 tỷ xây quảng trường và tượng Hồ Chí Minh!
* Đầu tư 271 tỷ xây Văn miếu thờ Khổng Tử!
Anh nói tiếp.
“Đã nghèo còn nghèo thêm! Cực nghèo!”
Màn hình đổi hàng tít mới.
* Cậu bé 11 tuổi tự tử vì không có quần áo, sống trong cảnh bần hàn cơ cực!
* Một bà mẹ tự vẫn để lấy tiền phúng điếu cho ba con ăn học!
* Hai anh em chết đuối chôn chung hòm chỉ vì nghèo!
Điều diễn viên hài Dưa Leo nói tới hành vi phung phí bạc tỷ tiền thuế của dân vào  những chuyện xàm xí như cao trào thi đua dựng tượng họ Hồ, lập Văn miếu thờ Khổng tử… đã đành là một điều đáng trách, nhưng dù sao nó vẫn chưa xót xa, đau đớn bằng sự kiện người dân vì quá nghèo khổ đến nỗi đứa con nít 11 tuổi và bà mẹ phải tìm tới cái chết trong khi hai anh em chết đuối phải nằm chung một quan tài!
Nhắc lại câu nói khơi khơi của một vài người trẻ: “Tham nhũng sao mà ghê gớm vậy? Trời đất ơi! Tôi vẫn thấy tôi sống khỏe đàng hoàng, bình yên ăn uống. Đâu? Có nơi nào được như ở đây không?” Leo tự trả lời.
“Nếu các bạn sống ờ Sàigòn, Hànội, Cần thơ Đà Nẵng, Hải Phòng các bạn cảm thấy cuộc sống thoải mái. Nhưng Việt Nam có 63 tỉnh thành. Ngoài mấy đô thị kển trên, 58 tỉnh thành còn lại, các bạn chỉ cần về đó thôi, các bạn sẽ thấy rõ tham nhũng nó làm cho dân ở đấy họ khổ như thế nào? Ở đó, những Chủ tịch xa, Chủ tịch huyện, bạn bè, thân nhân của họ nắm giữ tất cả những vị trí quan trọng… Ở đấy cha mẹ bạn có thể bị bức hiếp mà không thể mở miệng, bởi vì tất cả những người có trách nhiệm giải quyết đều là người thân của kẻ bức hiếp cha mẹ bạn! Như thế các bạn có thích điều đó xảy ra không hay các bạn muốn điều đó biến mất?
Các bạn cũng đừng có nói trên thế giới này có nước nào mà không có tham nhũng? Kệ mẹ nó! Chuyện của mình mình lo. Người ta ăn c. không có nghĩa là mình cũng phải ăn c.!”
Nêu câu hỏi là bằng cách nào để chống tham nhũng ở Việt Nam? Diễn viên hài Dưa Leo tỏ ý tán đồng lời tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng, TBT đảng CSVN khi ông cho rằng: việc chống tham nhũng rất khó vì ta tự đánh ta!
Trước đó một phút, trên màn hình hiện ra bảng lương của Phó Chủ tịch nước là 13 triệu 431 ngàn đồng, Phó Chủ tịch QH là 12 triệu 584 ngàn đồng, Phó Thủ tướng đồng hạng là 12 triệu 584 ngàn đồng.
Tuy không nói ra nhưng hẳn rằng Leo muốn đặt ra cho mọi người câu hỏi: với số lương tính ra khoảng hơn 500 MK, tương đương mức lương của một công nhân hạng trung bình chỉ tạm đủ sống cho một gia đình bốn, năm miệng ăn. Vậy mà tại sao hầu hết các quan chức trong đảng và nhà nước lại có thể làm chủ những căn biệt thự nguy nga, vợ con ăn xài rả rích và di chuyển trên những siêu xe đắt tiền như thế? Tiền ở đâu ra để những viên chức này có cuộc sống vương giả nếu không là tham nhũng, là hối mại quyền thế, mua quan bán chức để thủ lợi?
Ông Trọng thú nhận chống tham nhũng rất khó vì “ta tự đánh ta!!!”. Như thế phải chăng đảng cộng sản đã liệu trước tình trạng này, nên để tránh chuyện tréo cẳng ngỗng là “tự đánh mình” nên mới có chỉ thị 15 ngăn cấm Công An không được tự ý xăm xoi vào việc điều tra những viên chức có thẻ đảng! Trong một đoạn trước, Dưa Leo cho hay ở Việt Nam ngày nay, hầu hết những người nắm giữ những địa vị quan trọng, không phải vì có tài, có đức. Để có thể được phân bổ vào những chúc vụ này, điều kiện bắt buộc phải là đảng viên, mà đã là đảng viên lại được miễn trừ cơ quan an ninh nhà nước sờ gáy nếu không may bị vướng vào bất cứ hành vi phạm pháp nào, nhất là chuyện tham ô lãng phí! Anh ví chỉ thị 15 có sức mạnh như “Thượng Phương Bảo Kiếm của Bao Công!”
Dưa Leo kết luận.
“Các bạn thấy đó. Vậy thì làm sao chống tham nhũng ở đất nước mình?
Và như thế hẳn các bạn đã có câu trả lời.”
Những ngày đầu năm 2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét