“PETRUS KÝ – NỖI OAN THẾ KỶ”, MỘT QUYỂN SÁCH NÊN ĐỌC, NHƯNG VẪN CÒN XA SO VỚI KỲ VỌNG CỦA ĐỘC GIẢ
Posted by adminbasam on 07/01/2017
7-1-2017
Quyển sách “Petrus Ký – nỗi oan thế kỷ” của GS Nguyễn Đình Đầu là quyển sách được nói đến đã lâu, đến nay mới ra mắt. Petrus Ký là nhân vật gây tranh cãi – tranh cãi từ khi ông còn sống đến nay, cứ có một người khen lại có một người chê, thậm chí có người đã từng chê rồi, tự mình lại khen; hay có người từng khen rồi, tự mình lại chê… Người Pháp khen ông đến mây xanh, nhưng cũng có người Pháp chê ông thậm tệ; ở miền Bắc giới sử học từng chê ông thậm tệ, bây giờ nhiều người lại khen; trong Nam trước 1975 bên cạnh rất nhiều người khen, lại có không ít nhà nghiên cứu đứng đắn, nghiêm cẩn chê như: GS Nguyễn Văn Trung, Phạm Long Điền, Nguyễn Sinh Duy… Bây giờ ở hải ngoại nhiều người khen, nhưng cũng không ít nhà nghiên cứu nghiêm túc lại chê. Nói chung khen chê họ Trương không là độc quyền của ai.
Vậy vấn đề đặt ra đối với một công trình nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký là gì? Đó là phải trình bày tư liệu một cách đấy đủ và khách quan để cho độc giả tự mình suy nghĩ.
1) Độc giả cần một tập sách Trương Vĩnh Ký dày dặn in tất cả các tác phẩm, công trình, bài viết, thư tín của ông có dịch chú cẩn thận. Việc này không đơn giản, vì cho đến nay chưa ai cho biết đích xác Trương Vĩnh Ký đã xuất bản bao nhiêu quyển sách: 108 hay 120 hay 130? Và thế nào là sách? Vì gọi là sách nhưng đến khi cầm lấy trên tay chỉ có 4 trang lại là phiên âm một tác phẩm nổi tiếng của quá khứ. Ví dụ như quyển “Học trò khó phú’ của ông thực ra chỉ là bài “Hàn Nho phong vị phú” của Nguyễn Công Trứ mà gần như ai cũng biết. Đọc Trương Vĩnh Ký không dễ. Tôi đã từng đọc 1 luận án TS về Trương Vĩnh mà người viết dù ngợi ca họ Trương đến mây xanh mà cũng không rõ ông viết gì, và có phải tác phẩm của ông không?
2) Độc giả cần một quyển sưu tầm các bài nghiên cứu nghiêm túc về Trương Vĩnh Ký, đủ mọi quan điểm, từ trước đến nay
3) Độc giả cần một sự giới thiệu đánh giá một cách khách quan về tài năng, học vấn, thái độ chính trị, sự tự phán của Trương Vĩnh Ký, trên cơ sở một thái độ làm việc nghiêm cẩn, dựa trên tư liệu thực chứng, với một tinh thần khoa học, khách quan.
Nếu vậy quyển sách của GS Nguyễn Đình Đầu rất đáng đọc, nhưng vẫn còn xa với kỳ vọng của độc giả.
1) Công trình này sưu tập rất ít công trình và tác phẩm của Trương Vĩnh Ký, các công trình được sưu tập phần nhiều là công trình quen thuộc đã được xuất bản (Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ, Chuyến đi BK năm Ất hợi, Chuyện đời xưa, Chuyện khôi hài, Một số bài viết cho tạp chí, thư từ…). Nói chung còn thiếu rất nhiều công trình, tác phẩm quan trọng, thiếu nhiều bức thư thân Pháp, yêu cầu quân Pháp đến để cứu giáo dân…Nói chung là thiếu rất nhiều tư liệu bất lợi cho việc đánh giá TVK. Nhiều tên tác phẩm bị viết sai, không biết do soạn giả hay nhà xuất bản, ví dụ: “Thạnh suy bỉ thời phú” (tr.33), là sai, đúng ra là “Thạnh suy bĩ thới phú” (Bài phú về sự thịnh, suy, bĩ, thái); “Hàn Nho phong vị phú” (tr.33), thực ra không có tác phẩm quốc ngữ nào của TVK tên vậy, mà chỉ có “Học trò khó phú”. “Mắc cúm từ” (tr.33) cũng không đúng, mà là “Mắc bệnh cúm từ”… Nói chung công trình cỡ này mà không cẩn trọng thì di hại rất lớn, vì nhiều người tin, cứ nhắm mắt chép theo.
2) Công trình còn dùng những nhận định bốc đồng thiếu kiểm chứng. Ví dụ trong Lời giới thiệu của GS.PHL, có viết: TVK “thông thạo nhiều ngôn ngữ từ Hán, Nôm đến tiếng Latin, Pháp, Anh, Hy Lạp, Ấn, Nhật, Khmer, Thái, Lào”. Tôi biết chắc là TVK biết Hán Nôm khá vừa phải, bằng chứng là bản “Kim Vân Kiều truyện” (1875) của ông tôi không dám đưa cho ai coi để bảo vệ uy tín của ông, vì ông phiên âm, chú thích sai nhiều quá! Ông cũng không biết tiếng Nhật, còn các thứ tiếng Lào, Thái, Ấn kia chỉ ở mức nhập môn, vì ở trường truyền giáo hải ngoại Penang người ta dạy nhiều ngôn ngữ phương Đông nhưng với 3 năm học ở đó, họ Trương chỉ đủ thời gian học vỡ lòng vài thứ tiếng (chào hỏi, hỏi đường…), và các sách dạy tiếng của ông chỉ là kết quả từ nhũng bài học ngôn ngữ ở trường đó. Theo Nguyễn Văn Trung và Vũ Ngự Chiêu, thì TVK biết chừng 7-8 ngoại ngữ, trong đó 3-4 ngôn ngữ thành thục chứ không phải 14-15 ngôn ngữ, thậm chí 26 ngôn ngữ như những huyền thoại về ông. Vũ Ngự Chiêu viết: “Petrus Key có thể biết được năm, sáu thứ tiếng. Sau này, Petrus Key nghiên cứu thêm chữ Hán và chữ Nôm, và có thể biết (đọc, viết hoặc nói) được 7, 8 thứ tiếng là cùng. (Nguyễn Văn Trung, 1993, tr. 138) Nhưng nếu nói thông thạo, thì chỉ khoảng 3, 4 thứ tiếng (Pháp, Việt, Việt Hán và chữ Nôm). Chỉ ngần ấy đã đủ là một học giả trong thế kỷ XIX và XX” (Góp phần nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký).
3) Công trình này phần sưu tập các nhận định khác nhau về Trương Vĩnh Ký, chiếm quá nửa, đến hơn 300 trang. Bên cạnh các tư liệu quen thuộc có thể thấy dễ dàng trên mạng hay trong các khóa luận, luận văn đại học cao học, công trình có đưa vào nhiều tư liệu mới, nhất là tư liệu tiếng Pháp. Tuy nhiên những tư liệu bất lợi cho sự đánh giá TVK chưa phong phú, đầy đủ.
Nói tóm lại công trình này nghiêm túc và có nhiều tư liệu mới, đáng đọc, nhưng vẫn còn quá xa so với mong đợi của người đọc. Thực ra với một nhà nghiên cứu ở tuổi cửu thập rồi thì không thể đòi hỏi nhiều. Việc nghiên cứu nghiêm túc, đầy đủ về TVK vẫn là một đòi hỏi phía trước.
Tên quyển sách là “Petrus Ký nỗi oan thế kỷ”, có vẻ tiểu thuyết quá, nó đánh vào tình cảm nhiều hơn là thuyết phục về lý trí và bằng tư liệu.
Trương Vĩnh Ký là một người đáng quý, một học giả đáng tự hào về học vấn của nước ta, nhất là trong buổi đầu tiếp xúc với phương Tây. TVK từng bị hiểu lầm, từng bị huyền thoại hóa theo âm mưu của thực dân, từng bị khen chê theo yêu ghét cá nhân, theo xu hướng chính trị và thời cuộc. Đã đến lúc chấm dứt tình trạng ấy. Chúng ta ủng hộ tự do học thuật, nên rất cần những công trình nghiêm cẩn, chứ không muốn thêm những công trình thiên lệch hay những huyền thoại mới về ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét