Bài đăng phổ biến

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

MY RUT KHOI TPP

 Mỹ rút khỏi TPP và nhân quyền ở VN

Posted by adminbasam on 23/01/2017
BBC
23-1-2017
Tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tỏ ra có những chính sách trái ngược với người tiền nhiệm, ông Barack Obama, đặc biệt trong Hiệp định TPP. Ảnh: Joe Raedle/Getty
Tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tỏ ra có những chính sách trái ngược với người tiền nhiệm, ông Barack Obama, đặc biệt trong Hiệp định TPP. Ảnh: Joe Raedle/Getty
Việc Hoa Kỳ rút ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có những hệ quả trực tiếp tới tình hình dân chủ, nhân quyền và cải cách thể chế hiện nay và trong tương lai của Việt Nam, các ý kiến quan sát, bình luận từ Việt Nam và Bắc Mỹ nói với BBC hôm 22/01.
Trao đổi với BBC Việt ngữ từ Sài Gòn hôm Chủ nhật, chỉ hai ngày sau khi chính quyền của tân Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ ra khỏi Hiệp định, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam nói:
“Không có TPP, thứ nhất là công đoàn độc lập sẽ không được thành lập, không được thí điểm thành lập, thứ hai không chấp nhận, không thừa nhận xã hội dân sự, thứ ba là sẽ không có thả tù nhân lương tâm, nếu không vì một yêu cầu đặc biệt, chẳng hạn như yêu cầu can thiệp của Tổng thống Francois Holland của Pháp trong chuyến đi (Việt Nam) năm 2016.

“Và thứ tư là sẽ ‘đàn áp’ nhiều hơn. Chúng ta biết là mới chỉ có ngày hôm qua, (công an) bắt chị Trần Thị Nga, là một dân oan, một người đấu tranh nổi tiếng cho dân oan Hà Nam, rồi bắt một người thuộc nhóm thanh niên Công giáo là Nguyễn Văn Oai và… nói chung là trong vài ngày qua công an bắt tới 4 người và đó đều là những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền.
“Thế thì sắp tới, cái gì còn lại để đỡ cho, hỗ trợ cho dân chủ nhân quyền?”, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nói với chuyên mục tọa đàm thời sự cuối tuần của BBC Tiếng Việt.
Từ Ottawa, Luật sư Vũ Đức Khanh, Phó Tổng thư ký Đảng dân chủ Việt Nam tại Canada, đưa ra quan sát:
“Việt Nam luôn luôn nằm trong bàn cờ chính trị của thế giới và đặc biệt đối với Hoa Kỳ, người Mỹ có mặt ở khu vực châu Á, Thái Bình Dương trên 150 năm qua, không có lý do gì mà ông Donald Trump sẽ phải rút vai trò của Hoa Kỳ ra khỏi khu vực. Cho nên Việt Nam vẫn nằm trên bàn cờ đó.
“Tôi nghĩ rằng đi theo TPP, thì sẽ đi theo một lịch trình khác, không có TPP, thì… ông Donald Trump dùng các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hoa Kỳ và vấn đề đó ảnh hưởng trực tiếp đến vận mạng chính trị của Việt Nam.”

Nếu Hoa Kỳ bận?

h1Việc ‘đàn áp’ hay ‘nặng tay’ với giới hoạt động dân chủ, nhân quyền, như trường hợp với bà Trần Thị Nga ở Hà Nam mới đây, có thể gia tăng ở VN, sau khi Mỹ rút khỏi TPP, theo ý kiến nhà quan sát.  Ảnh: Nguyễn Lân Thắng
Và Luật sư Vũ Đức Khanh nói tiếp:
“Vì vấn đề đó, mà chính phủ Việt Nam có những hành động mà chúng ta thấy là đã ‘đàn áp’ trong những ngày qua, tức là phía Việt Nam đang làm để ‘có những lá bài’ mà chuẩn bị đàm phán với Hoa Kỳ trong tương lai và vấn đề nhân quyền và tự do, dân chủ hóa Việt Nam vẫn là những vấn đề nằm trong nghị trình của bất cứ chính phủ nào và đặc biệt đối với chính phủ của Donald Trump.
“Tôi nghĩ rằng những người trong đảng Cộng hòa, họ muốn có một sự thay đổi trong chính sách đối với Việt Nam, họ muốn rằng Việt Nam phải tỏ rõ thái độ nhiều hơn nữa và nếu Việt Nam chấp nhận một lộ trình nào đó, thì Việt Nam sẽ hưởng không những một số ưu đãi trong quan hệ kinh tế song phương, mà còn có những vấn đề quan hệ về chính trị, ngoại giao, cũng như chủ yếu về vấn đề quân sự.
“Việt Nam đang chờ có một số thay đổi rất lớn về quan hệ quân sự giữa Washington và Hà Nội,” Luật sư nói với BBC từ Canada.
Trước câu hỏi của BBC rằng trong trường hợp nước Mỹ, được coi là ‘ngọn cờ đầu’ cổ vũ dân chủ, tự do và nhân quyền trên Thế giới, nay có thể đang thay đổi chính sách, hoặc ‘bận rộn’ với quá trình chuyển giao, đặc biệt là với ưu tiên ‘nước Mỹ ‘là trước hết’, giới vận động, cổ súy cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam có thể có những động thái, phản ứng như thế nào, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng đáp:
“Cho dù Hoa Kỳ bận rồi, thì người Việt Nam vẫn xác định trách nhiệm chính trong công cuộc đấu tranh dân chủ, nhân quyền – đó là do người Việt Nam. Thành thử là vẫn tiếp tục và nếu Hoa Kỳ bận, thì vẫn còn có Liên minh châu Âu.
“Có lẽ theo tôi, từ giữa năm 2016, là đã bắt đầu diễn ra một cuộc chuyển giao tế nhị giữa Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, người Mỹ sẽ không còn quá hỗ trợ vấn đề dân chủ nhân quyền của Việt Nam như trước đây, và thay vào đó có lẽ sẽ là Liên minh châu Âu. Và dường như là phía Việt Nam, tâm lý muốn ‘chơi’ với châu Âu dễ dàng hơn là với Mỹ.
“Do đó, tôi nghĩ là năm 2017 sẽ có một số động thái của người Tây Âu đối với Hà Nội về vấn đề dân chủ, nhân quyền và mở đầu năm cũng đã thấy có vụ thả ông Đặng Xuân Diệu rồi, tôi cho đó cũng là le lói một chút nào đó hy vọng cho việc thả (tù nhân), riêng khía cạnh thả tù nhân chính trị của Việt Nam trong năm 2017.
“Nhưng chỉ có điều… là thả nhiều hơn, hay là bắt nhiều hơn, thì cái đó tôi không biết, cho nên là luôn luôn vẫn phải xác định là vẫn có thể ‘đàn áp’, thậm chí đàn áp mạnh… Và ngay cả tôi, cũng có thể một lúc nào đó mọi người sẽ không còn gặp nữa, mà có thể tôi sẽ nằm ở trong xà-lim.
“Ví dụ như vậy, thì chúng tôi luôn luôn phải xác định chuyện đó, nhưng mà phản biện vẫn phải phản biệt, đấu tranh vẫn phải đấu tranh, nhân quyền thì vẫn phải là nhân quyền,” Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nói với chuyên mục tọa đàm thời sự cuối tuần này của BBC Việt ngữ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét