Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017

NHUNG NHAN VAT

Những nhân vật diều hâu trong
nội các và những điện đàm quan
trọng của Donald Trump
Nguyễn Cao Quyền (Danlambao) - Những lời lẽ tranh cử của Donald Trump lộ ý muốn thu hẹp mặt trận toàn cầu của Hoa Kỳ để tập trung vào việc tái xây dựng kinh tế và xã hội Mỹ, đã làm cho nhiều người lo ngại. 

Ở đây cần lưu ý một điều là từ lâu nước Mỹ đã triệt để toàn cầu hóa rồi. Donald Trump không thể thay đổi cơ cấu, lợi ích của Mỹ được nữa. Nói như thế, nghĩa là nước Mỹ không thể đi theo chủ nghĩa “biệt lập”. Trước mắt, nếu nước Mỹ dự kiến từ bỏ vai trò lãnh đạo thế giới thì nước Mỹ sẽ không còn là nước Mỹ nữa.

Và nếu Mỹ làm như vậy thì Trung Cộng sẽ giành được một không gian mới để phát huy sức mạnh và phát huy lãnh đạo, mặc dầu Trung Cộng chưa có năng lực toàn diện để dẫn dắt thế giới.

Dẫn dắt thế giới là một quá trình lâu dài không thể nhắm mắt vội vã làm liều. Trung cộng còn quá “trẻ”, vì thế Tập Cận Bình phải biết kiên nhẫn hợp tác với Hoa Kỳ. Thời gian qua, Hoa Kỳ đã quá nhân nhượng nhưng Trung cộng đã không biết điều cho nên vào lúc này, nếu không sớm thức tỉnh thì họ Tập sẽ đánh mất cơ hội thực hiện khẩu hiệu “giấc mơ Trung Hoa”.

Bắc Kinh phải hiểu rằng, sở dĩ Donald Trump đắc cử kỳ này là do dân Mỹ và thế giới đã hết chịu nổi sự lộng hành của Trung cộng. Nói trắng ra là Hoa Kỳ và thế giới đang chuẩn bị đối đầu với Bắc Kinh. Số phận của họ Tập bây giờ chẳng khác gì số phận của Hitler hồi Thế Chiến II. Nếu không tự chế đúng lúc thì có thể nói là tương lai Trung cộng sẽ đi vào chỗ hư vô.

Bài viết này mô tả sự chuẩn bị của Hoa Kỳ. Xin mời quý độc giả đọc thêm những đoạn viết tiếp theo.

Quan hệ Mỹ-Nga-Trung vào lúc này ra sao?

Trở lại thời gian tranh cử ta thấy nhiều lần Trump đã khẳng định Trung cộng là kẻ thù của Hoa Kỳ. Trong khi đó, ông lại nghĩ rằng nếu Mỹ thừa nhận những lợi ích sống còn của Nga thì họ có thể trở thành đối tác tốt của Mỹ chứ không phải là một kẻ thù. 

Như vậy là hiện tại đầu óc của Donald Trump đang có chiều hướng ngả về phía Nga, hợp tác với Nga để đấu tranh chống Trung cộng. Nếu sự hợp tác này xảy ra trên thực tế thì đây không phải là lần đầu tiên Mỹ làm cho thế giới ngạc nhiên. Nhất là đối với những người Việt Nam tị nạn cộng sản thì chúng ta không bao giờ được quên rằng, với đầu óc thực dụng người Mỹ luôn luôn chỉ làm những gì có lợi cho tổ quốc của họ.

Trong lúc Trung cộng đang găng với Mỹ thì tức khắc Nga đã biết nắm thời cơ để xây dựng một quan hệ nồng ấm với Washington. Nhận xét về Trump, Putin nói “Ông ấy muốn tiến tới một quan hệ mới đối với Nga. Làm sao tôi có thể không hoan nghênh điều đó”.

Đến lượt Trump ca ngợi Putin “Tôi sẽ hợp tác với ông ấy. Tôi sẽ hợp tác với các lãnh đạo khác trên thế giới để cùng nhau xây dưng một thế giới ổn định hơn. Ông Putin là nhà lãnh đạo tốt… Tôi nghĩ rằng mình sẽ đồng hành với ông ta”

Ngoại trưởng Mỹ mà ông Trump vừa bổ nhiệm là Rex Tillerson. Ông này quen với ông Putin từ năm 1999, rất thân với Putin và có rất nhiều hợp đồng làm ăn khổng lồ với nước Nga. Chắc chắn Tillerson sẽ là viên gạch nối giữa Trump và Putin để xây dựng một quan hệ nồng ấm giữa hai bên. Bổ nhiệm Tillerson làm ngoại trưởng, Trump muốn tỏ rõ cho thế giới biết ông muốn gì, và Putin cũng biết ngay ước vọng của Trump.

Những nhân vật diều hâu trong nội các và trong ban cố vấn của Trump

Donald Trump vừa bổ nhiệm vào nội các và cố vấn của ông một nhóm diều hâu khét tiếng ở Hoa Kỳ để chuẩn bị đối đầu với Trung cộng.

Nhân vật diều hâu đầu tiên là Peter Navarro. Việc thành lập Hội Đồng Thương Mại Quốc Gia (National Trade Council - NTC) với Peter Navarro đứng đầu cho thấy đích ngắm của Trump là Trung cộng. Tiến sĩ Peter Navarro là một nhà nghiên cứu, chỉ trích Trung cộng mạnh mẽ nhất trong những năm gần đây. Ông viết rất nhiêu sách nổi tiếng như: The Coming China Wars, Death by China và nhiều cuốn khác, nhưng cuốn được nhiều người đọc nhất là Death by China. Việc chọn lựa Peter Navarro làm người đứng đầu NTC cho thấy thái độ cứng rắn của Donald Trump đối với Trung cộng. 

Nhân vật diều hâu thứ hai là tướng “Chó Điên” James “Mad Dog” Mattis. Ông này tuy đã về hưu nhưng chưa bao giờ lấy vợ. Gia đình của ông là quân đội. Ông được chỉ định làm Bộ trưởng quốc phòng. James Mattis là một viên tướng thủy quân lục chiến dày dạn trận mạc nhất từ sau Thế Chiến II. Ông chủ trương Mỹ phải dồn quân lực vào khu vực Á Châu - Thái Bình Dương. Đặt Mattis vào địa vị đứng đầu quân đội, Trump muốn tỏ cho dân Mỹ và thế giới biết mức độ quyết tâm của ông trong việc đối đầu với Bắc Kinh. 

Nhân vật diều hâu thứ ba là Wilblur Ross, người vừa được đề cử làm Bộ trưởng thương mại. Ông này cho biết rằng các mô hình như NAFTA hoặc WTO đều không mang lợi ích gì cho nước Mỹ. Ông nói rằng để đối phó với Trung cộng và điều chỉnh lại chính sách thương mại của Hoa Kỳ thì cần phải có một tay đàm phán chuyên nghiệp và thiện nghệ như Donald Trump. Hình như thâm tâm ông muốn nói: “cần phải có một tay đàm phán chuyên nghiệp và thiện nghệ như W. Ross”.

Nhân vật diều hâu thứ tư là Michael Pillsbury, một nhà ngoại giao kỳ cựu bậc thầy về Trung Quốc học. Pillsbury thuộc làu lịch sử Trung cộng như một người sinh đẻ tại đất nước này. Tác phẩm của ông The hundred year marathon cũng lôi cuốn được một số độc giả đông không kém gì sách của Peter Navarro. Bổ nhiệm ông này vào ngoại giao là để củng cố thêm cho uy danh và làm cho công chúng tin tưởng nhiều hơn vào khả năng của lãnh vực này. 

Nhân vật diều hâu thứ năm là tướng hưu trí Michael Flynn, được bổ nhiệm vào ghế Cố Vấn An Ninh Quốc Gia. Flynn là nguyên giám đốc cơ quan tình báo Hoa Kỳ. Tác phẩm của ông The Field of Fight đã xếp Trung cộng vào danh sách những kẻ thù nguy hiểm của nước Mỹ.

Nhóm diều hâu nói trên không chỉ thuần túy chống Trung cộng mà họ còn là những người hiểu biết rất rõ về Trung cộng, cũng như hiểu biết rất rõ về tâm lý của những người lãnh đạo Trung cộng. 

Những điện đàm quan trọng của Trump trước lễ nhậm chức

Ông Trump đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng qua điện thoại từ sau tin trúng cử tổng thống Hoa Kỳ. Nếu phải kể hết ra đây những lời chúc mừng ấy thì khuôn khổ một bài báo chật hẹp không thể nào thỏa mãn. Vậy chỉ xin đan cử ba trường hợp đặc biệt của tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, của tổng thống Nga Vladimir Putin và của thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc.

Điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Ngày 2/12/2016 Donald Trump đã có một cuộc điện đàm ngắn ngủi với tổng thống Đài Loan khoảng hơn mười phút. Người ta không biết họ đã trao đổi với nhau những gì ngoài một số thủ tục ngoại giao về chúc tụng.

Chỉ có hơn mười phút thôi nhưng cũng làm cho Bắc Kinh sôi máu giận. Bắc Kinh cho biết hành động đó là vi phạm thỏa thuận “Một nước Trung Hoa” mà cả Hoa Kỳ lẫn thế giới đều đã nhìn nhận từ hơn 40 năm qua. 

“Một nước Trung Hoa” hay “Một quốc gia hai chế độ” là nguyên tắc và chiến lược mà Đặng Tiểu Bình đã đề ra để giúp Trung cộng khỏi bị sụp đổ giống Liên Sô. Đặng Tiểu Bình đã chọn thống nhất đất nước bằng một cái đầu nguội, nhẫn nại và thông minh. Ông ta đã dùng thời gian để chuyển hóa chế độ, để lấy lại sự tín nhiệm của thế giới khi thấy sự tín nhiệm đó là cần thiết. 

Kết quả là Trung cộng đã tiến nhanh trong ổn định như tốc độ của ánh sáng. Tập Cận Bình muốn bắt chước Đặng Tiểu Bình để trở thành vĩ nhân của thời đại thì không nên đi lệch con đường. Lộ trình còn lại hãy còn xa và đầy nguy hiểm trước khi đến đích. Nên nhớ Donald Trump là một doanh nhân. Ông ta bao giờ cũng cần có một cái gì để trao đổi trong thương lượng và ông đang sử dụng nguyên tắc “Một Nước Trung Hoa” làm công cụ.

Điện đàm với Vladimir Putin của nước Nga. Ngày 30/12/2016 tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm một việc bất ngờ khi quyết định “không trục xuất một ai”để đáp lại việc Hoa Kỳ trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga bị tố cáo là đã can thiệp vào cuộc bầu cử của tổng thống Mỹ. Lệnh trục xuất này do tổng thống sắp mãn nhiệm Obama ký phạt. 

Sau khi biết được tin này ông Trump khen ngợi sự thông minh của tổng thống Nga qua quyết định không trả đũa. Qua cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Điện Kremlin tiết lộ cho biết là: “Tổng thống Nga Putin sẽ cố gắng bình thường hóa quan hệ Mỹ-Nga”.

Quan hệ giữa hai nước gần đây đã có triệu chứng hợp tác về các vấn đề quốc tế như Bắc Hàn và Iran. Kremlin không nói rõ ai là người gọi điện nhưng văn phòng của ông Trump cho biết là Kremlin. Tổng thống Donald Trump mong có một mối quan hệ mạnh mẽ và bền vững với nước Nga và dân Nga.

Tổng thống Donald Trump thắng cử đã khiến Nga đổi giọng điệu về Mỹ. Từ các cáo buộc gian lận họ đã nhanh chóng chuyển sang các lời khen ngợi cao chót vót đến tận mây xanh về con người và sự nghiệp của Donald Trump. 

Câu chuyện về Donald Trump và V. Putin làm chúng ta nhớ lại trường hợp của Kissinger-Nixon và Mao Trạch Đông-Chu ân Lai, năm 1972. Hồi đó thế giới cũng bị phân chia làm ba phần cách biệt. Theo lời xúi dục của Kissinger, Nixon nhanh chân bay sang Bắc Kinh xuống giọng với Mao-Chu, đề nghị hợp tác và cô lập Liên Sô. Kết quả là ít lâu sau Liên Sô đã bị tiêu vong. 

Putin hẳn chưa quên giai đoạn cận sử đó, nên ngày nay có lẽ ông quyết chí báo thù. Theo kinh nghiệm của các cụ ta ngày trước thì trong bất cứ một cuộc đối đầu bằng võ lực nào hễ cứ hai mà chọi một thì chẳng chột cũng què. Bên đơn phương nhất định sẽ phải chịu số phận từ chết đến bị thương. 

Chịu xuống nước và hợp tác với kẻ mạnh để lọai trừ kể yếu, Putin đã theo đúng sách vở. Còn liên kết với kẻ yếu để loại trừ một kẻ thù thâm độc thì Donald Trump đã đi theo kinh nghiệm của cổ nhân truyền lại. Kết quả sẽ ra sao, chúng ta hãy nán chờ.

Điện đàm với Nguyễn Xuân Phúc. Nguyễn Xuân Phúc thủ tướng CHXHCNVN đã gọi điện thoại chúc mừng Donald Trump vào trung tuần tháng 12/2016. Do dự mãi Phúc mới dám làm việc này vì sợ phản ứng của Trung cộng. Dù sao thì đây cũng là một hành động khôn khéo vì nếu không gọi thì sẽ gây ra cảm tưởng là Việt Nam không cần đến chính phủ sắp tới của nước Mỹ.

Nội dung cuộc điện đàm chỉ mang tính chất ngoại giao thông thường còn thực chất vấn đề có lẽ phải chờ đến sau khi ông Trump dự lễ chính thức nhậm chức vào ngày 20/1/ 2017 mới biết được. Hai bên không đả động gì đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP.

Đối với vị tổng thống tân cử của Mỹ thì người ta được biết là ông này chỉ cứng rắn với Trung cộng trên những vấn đề kinh tế thương mại mà thôi, còn vấn đề an ninh Biển Đông chỉ là phụ. Khó có thể nghĩ rằng một cuộc chiến tranh Trung-Mỹ có thể xảy ra vì những hòn đảo nhỏ tại vùng biển Đông Nam Á. 

Nói khác, vào lúc này trên biển Đông, Trump chỉ chú trọng đến một vấn đề là tự do lưu thông hàng hải. Ở đây cần lưu ý rằng Trump là người rất thích những lời khen ngợi và rất kỵ những lời chê bai đả kích. Chê bai sẽ làm ông thù hận rất lâu còn khen ngợi sẽ làm ông sung sướng ra mặt ngay tức khắc. Sự lưu ý này chỉ dành cho những người trong giới làm chính trị. 

Trong lúc này, quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ sẽ không giảm nhưng không hứa hẹn phát triển vì theo nhận định của Donald Trump thì Việt Nam không mang lại lợi ích gì đáng kể cho nước Mỹ. Cùng với việc rút bỏ TPP, luồng vốn chuẩn bị chảy vào Việt Nam sẽ bị khựng lại. 

Các nguồn vốn đầu tư khác, từ Mỹ vào Việt Nam, đang chuẩn bị rút về. Nguồn ngoại tệ đến từ đầu tư trực tiếp (FDI) cũng sẽ suy giảm trầm trọng và sẽ kéo theo sự sụt giảm về tăng trưởng không thể nào tránh khỏi.

Tại Việt Nam hiện nay số nợ công đã lên tới 65% GDP. Ngân sách đã thâm hụt 3 tỷ đô la nên kế hoạch tài chánh năm 2016 đã đổ vỡ hoàn toàn. Các hội và hiệp hội quốc doanh buộc phải tự túc 90% kinh phí. Họ có nguy cơ tan rã để nhường chỗ cho các xã hội dân sự. Nền kinh tế nửa nạc nửa mỡ của Việt Nam không thể được công nhận là kinh tế thị trường để có thể luồn lách mà hưởng các ưu đãi của tín dụng quốc tế.

Đảng CSVN đang đứng trước một sư lựa chọn: hoặc cải tổ hoàn toàn cơ cấu, hoặc chấp nhận chấm dứt tăng trưởng và đối phó với khủng hoảng xã hội. Năm 2017 là một năm bắt đầu đen tối nhưng cũng là thời gian cần thiết để quyết định một sự thay đổi về thể chế. Một lần nữa cơ hội liên minh sâu đậm hơn với Mỹ lại hiện ra trước mắt. 

06.01.2106

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét