VỀ VIỆC TÔN VINH ÔNG MINH PHƯƠNG
Posted by adminbasam on 02/01/2017
2-1-2016
Bữa trước anh Quý Doãn lên Facebook nói cụ Minh Phương có nhiều đóng góp cho văn hoá nước nhà, cần phải tôn vinh cụ. Tưởng Anh Quý Doãn chợt nhớ ông Minh Phương rồi tiện mồm nói vậy, ai dè vài hôm sau thấy thiên hạ ầm ầm hết trao giải Đào Tấn tới hội thảo hội théo. Tui định gọi điện cho anh Quý Doãn, nói ông Minh Phương xứng đáng được tôn vinh thôi, nhưng thà anh em mình kéo nhau về quê tôn vinh ổng chứ để ông Hoàng Chương làm là bỏ mẹ đấy. Tui muốn nói cho anh Quý Doãn cái ông Gs Hoàng Chương là ai để tránh ra nhưng nghĩ bụng không phải việc của mình nên tắc lưỡi cho qua. Y như rằng hôm sau fb nổi sóng, thiên hạ réo ầm ầm, cho việc tôn vinh ông Minh Phương là việc con báo hiếu cha của ông bộ trưởng Trương Mnh Tuấn.
Gs Hoàng Chương là ai tui đã nói nhiều trên blog Quê choa năm 2013 rồi, giờ chán không buồn nhắc lại. Ai muốn biết xin đọc bài này là biết ngay: Sự trắng trợn của chương trình “Tôn vinh Nghệ nhân văn hoá dân gian”
Tui lúc đầu cũng nghĩ vụ này do ông Trương Minh Tuấn giật dây. Sau biết ông Gs Hoàng Chương chủ trùm vụ này thì tui cũng nghĩ sang hướng khác. Dò la một chút thì biết ông Gs Hoàng Chương tự ý làm vụ này, không bàn bạc gì với ông Trương Minh Tuấn và người nhà ông Minh Phương. Nếu ông Chương không gạ gẫm ông Tuấn tôn vinh cha đặng kiếm tiền và ăn lộc dài dài sau đó thì ông Chương làm vụ này để làm gì? Cũng hơi lạ. Nói ông Chương làm vụ này là hoàn toàn vô tư thì trời sập cái đoàng, éo ai tin. Vậy thì chỉ có hai cách: Một là ông Chương cứ làm trước rồi moi tiền sau, ra vẻ mình rất vô tư, không cần tóng tiền. Làm thế này ông Tuấn dễ cảm động hơn, do đó chi cũng lớn hơn. Hai là ông Chương nghe ai đó mưu phải cho ông Tuấn một chưởng theo cách của văn hoá Bắc Hà: “Muốn khen thì khen cho nó chết.” Cái này dễ lắm à nha.
Nhưng thôi, dù sao cũng chỉ là chuyện đoán mò. Thiên hạ nghi ông Tuấn muốn báo hiếu cha là chuyện đoán mò, tôi nghi ông Hoàng Chương hoặc moi tiền hoặc báo hại ông Tuấn cũng là chuyện đoán mò. Cho qua ba chuyện hồ đồ đó đi. Riêng việc này tui phải nói. Tui thấy tất cả những người khen nức nở ông Minh Phương và những người chửi bới cha con ông đều không hề biết ông Minh Phương, thậm chí không một mảy may biết gì về ông ấy. Tui và ông Minh Phương thân quen nhau khi cùng làm việc Sở văn hoá Thông tin Bình Trị Thiên (cũ). Vậy tui phải xin thưa đôi lời.
Nói cho nhanh, việc ông Minh Phương được trao giải Đào Tấn là đúng. Ở Bình Trị Thiên có ba nhạc sĩ xứng đáng trao giải Đào Tấn, đó là Trần Hữu Pháp, Quách Mộng Lân và Minh Phương. Ông Minh Phương được xếp đầu bảng cũng đúng nốt, vì cả 3 người tài cán như nhau nhưng khối lượng tác phẩm của ông Minh Phương gấp mười lần ông Quách Mộng Lân, gấp ba mươi lần ông Trần Hữu Pháp.
Ông Minh Phương cũng như…, cũng như…, cũng như…, cũng như,… Phạm Tuyên và hầu hết nhạc sĩ miền Bắc XHCN là các nhạc sĩ làm văn nghệ quần chúng một cách rất chuyên nghiệp (chứ không phải làm văn nghệ chuyên nghiệp). Đừng nghĩ văn nghệ quần chúng là văn nghệ của đám nghiệp dư (tự biên tự diễn), nó chủ yếu do các văn nghệ sĩ chuyên nghiệp làm ra để phục vụ quần chúng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn bộ văn nghệ nước ta được làm ra để phục vụ công nông binh. Sự thực thì văn nghệ nước nhà từ nửa sau thế kỉ 20 đến nay là văn nghệ công nông binh, tức văn nghệ quần chúng, tức văn nghệ cách mạng. Chỉ khoảng 10% là văn nghệ chuyên nghiệp, gọi là văn nghệ tự phát (không có định hướng hoặc không chịu định hướng được gọi là tự phát). Vì thế cách mạng tôn vinh những những người có đóng góp văn nghệ quần chúng là hoàn toàn chính xác. Viết như Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Phạm Thị Hoài, như tui… còn đòi cách mạng tôn vinh sao? Có mà điên! Vừa rồi Hội nhà văn Hà Nội trao giải tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương bị đồng chí Lưu đá bóng bằng tay (chữ của Ngô Thảo) cho ngay một chưởng. Nghĩ cũng phải, đồng chí Lưu đá bóng bằng tay không tung chưởng mới lạ.
Văn nghệ cách mạng, tức văn nghệ quần chúng, chỉ là một bộ phận của văn nghệ nhân loại, có khu biệt riêng của nó. Bảo nó là quái thai hay vàng mười đều là quan niệm tư tưởng và gu thẩm mĩ. Những ai hay thắc mắc chỉ vì nhập nhằng coi văn nghệ cách mạng và văn nghệ nhân loại là một, lấy tiêu chí văn nghệ nhân loại đi soi văn nghệ cách mạng, đòi hỏi tác giả phải thế này thế kia, tác phẩm phải thế này thế kia mới xứng đáng trao giải là sai. Văn hoá vô sản có tiêu chí riêng của họ, không cãi nhau với họ được đâu. Chúng ta rất khó chịu về trang trí đường phố của văn hoá vô sản nhưng người ta thấy đẹp thì sao nào, thì làm gì nhau nào? Chỉ mắc cười ở chỗ, nhiều kẻ chẳng có công lao mẹ gì với cách mạng, cũng được Cách mạng tôn vinh.
Theo đó thì việc tôn vinh ông Minh Phương chẳng có gì là sai cả, nếu coi văn nghệ cách mạng mới là văn nghệ đích thực. Nếu ai còn thắc mắc tại sao lại vô cớ tôn vinh ông Minh Phương thì hãy đọc ông Võ Quê đây thì biết: NHẠC SĨ MINH PHƯƠNG
Ông Võ Quê vốn là chủ tịch Hội văn nghệ Thừa Thiên Huế, hoạt động văn nghệ cùng thời với ông Minh Phương. Ông Võ Quê hồi đó hay cãi nhau với ông Minh Phương lắm nhưng ông đã viết về ông đầy những lời lẽ tôn quí. Võ Quê viết trên blog của ông ấy, chứ không phải viết trên báo của ông Trương Minh Tuấn đâu nha.
Tui tiếc các nhà thơ Thanh Hải, nhà văn Mai Văn Tấn đã chết hết rồi, nếu không họ sẽ kể về công lao của ông Minh Phương trong việc phục hồi âm nhạc nhân gian ở Bình Trị Thiên như thế nào. Tui cũng tiếc anh Trịnh Công Sơn đã chết, nếu còn sống nhất định anh Trịnh Công Sơn sẽ nói về Minh Phương với lời lẽ tôn quí như ông Võ Quê. Hồi mới giải phóng, Trịnh Công Sơn coi đám nhạc sĩ Quảng Bình như cỏ rác, trong đó có ông Minh Phương. Ông Minh Phương biết nhưng ông lại bênh ông Trịnh Công Sơn khi thấy ông Trần Hoàn cố tình đì anh Sơn quá đáng, vì vậy anh Sơn sau này rất trọng anh Minh Phương. (Tui sẽ viết chuyện này).
Nói vậy để nhắn với các bác thắc mắc tại sao tôn vinh một người mà các bác không hay biết gì cả? Hay chửa. Không biết ông Minh Phương là ai là lỗi các bác đâu phải lỗi của ông Minh Phương. Trước 1975 dân bọ chẳng ai biết Trịnh Công Sơn là ai, nhưng Minh Phương thì ai cũng biết đấy.
P/S: Bác Quy Do nên về quê bọ tổ chức một cuộc hội thảo về ông Minh Phương cho ra môn ra khoai đi. Còn nhiều người sống và làm việc với ông Minh Phương, như Văn Lợi, Tô Nhuận Vĩ, Nguyễn Khắc Phê, Võ Quê, Nguyễn Quang Lập, Xuân Đàm, Xuân Đức.v.v.. Làm sớm không mấy ông đó chết hết thì trời cứu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét