Bài đăng phổ biến

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2018

BÀ TỔ NGHỀ GỐM SỨ CHU ĐẬU LÀ MỘT NHÂN VẬT NGỤY TẠO (kỳ 3)





Từ "Bùi Thị hý bút" đến "Kỳ nữ xứ Đông", một sản phẩm hư cấu vụng về, thô thiển

Đặng Văn Sinh
 
Cái gọi là "Châm bàn chu hải khứ Bùi Thị Hý" do ông Tăng Bá Hoành ngụy tạo
Như hai bài trước chúng tôi đã chỉ ra, Bùi Thị Hý chỉ là nhân vật lịch sử tưởng tượng của ông Tăng Bá Hoành hoàn toàn với mục đích trục lợi.
Từ khi con tàu đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm được khai quật đến nay, cũng đã có một số bài viết đăng tải trên một vài tờ báo chính thống cũng như báo mạng "lề trái" lật tẩy trò ngụy tạo này, nhưng chẳng hiểu vì sao Viện Hàn lâm khoa học xã hội, trong đó có nhiều chuyên gia gốm sứ, cũng như các nhà quản lý chuyên ngành vẫn không có biện pháp xử lý dứt khoát.

Chính vì thái độ lừng chừng của giới chuyên môn nên vụ việc gian lận ngày càng được đẩy đi xa hơn, khi mà nhân vật Bùi Thị Hý được xã hội đương đại tôn vinh như bà tổ của nghề gốm sứ Việt Nam thông qua các loại hình nghệ thuật như thơ, văn và đặc biệt là kịch. Chẳng phải là vô tình mà mới đây, trên sân khấu ngoài trời thành phố Hải Dương, người ta cho công diến vở chèo "Kỳ nữ xứ Đông". Sau đó VTV1 cũng nhanh tay  đưa lên màn ảnh nhỏ nhằm cố xúy cho hình ảnh một  kiều nữ đẹp như tiên, tên tuổi nổi như sóng cồn bởi nghề đi biển từ thế kỷ XV. Cứ với đà này, tôi dám chắc, chẳng bao lâu nữa nhà nước Việt Nam sẽ làm hồ sơ đề nghị tổ chức UNESCO công nhận Bùi Thị Hý là danh nhân ...hàng hải có tài chinh phục Thái Bình Dương(!?).
Từ việc khai quật trầm tích gốm nơi con tàu cổ dưới lòng biển Cù Lao Chàm thu được 240.000 hiện vật (theo thông báo chủ yếu là gốm Chu Đậu), ông Tăng Bá Hoành đã vội kết luận, thế kỷ XV, ở vùng Hải Dương đã có những làng nghề chuyên sản xuất gốm cao cấp xuất khẩu. Sự kiện trọng đại quá. Vinh quang này hẳn là thuộc về người xứ Đông. Vậy là, Chu Đậu nghiễm nhiên trở thành ĐIỂM NÓNG. Từ điểm nóng này, những kẻ cơ hội, háo danh và sẵn có cánh mũi thính hơi đồng, bắt đầu bài binh bố trận, thiết lập các mối quan hệ, xâu chuối các sự kiện để biến Chu Đậu thành thủ phủ gốm sứ Việt Nam, thậm chí Đông Nam Á để thỏa mãn thói quen cái gì cũng phải nhất thiên hạ mới chịu.
Tấm da dê được cho là gia phả dòng họ Bùi (Phí) có từ thời Lê đang được lưu giữ tại gia đình ông Phí Văn Chiến ở Mỹ Đình, Hà Nội

Có được Bùi Thị Hý rồi, việc tiếp theo là phải nhờ đồng chí "Thạch Hầu" dùng 72 phép thần thông biến người đàn bà hư cấu thành hậu duệ của danh tướng Bùi Quốc Hưng qua công nghệ lắp ghép hai địa danh Quang Ánh và Chu Nhẫm (Chu Đậu) cách xa nhau mấy chục cây số với đầy đủ các chứng cứ bịa tạc như thật. Nào là, Bùi Thị Hý văn võ song toàn, từng giả trai (giống như Nguyễn Thị Duệ) đi thi Hội đỗ tam trường (chúng tôi phỏng đoán, vì đã chót tự phong cho một bà phi thời nhà Mạc lên hàng tiến sĩ bất chấp tên tuổi các ông nghè đã được ghi trong "Đăng khoa lục", bị thiên hạ đàm tiếu, lần này "học giả" họ Tăng chỉ dám để Bùi Thị Hý ở cấp độ "tam trường". "Tam trường" thì chẳng sợ bố con thằng nào lục vấn). Nào là Bùi Thị Hý học được nghề gốm do ông nội đem về, bèn mở xưởng, sản xuất, sau đó đóng thuyền vượt đại dương, mang gốm Xứ Đông bán khắp thế giới. Thần kỳ hơn nữa, Bùi Thị Hý còn là nhà hàng hải dạn dày kinh nghiệm đi biển, tự tay lái tàu, vật chứng là chiếc la bàn bằng đá mà nhà phù thủy Tăng Bá Hoành, chẳng biết moi ở đâu ra, nhưng nói chắc như đinh đóng cột rằng đích thực của "kỳ nữ xứ Đông" họ Bùi.
Chưa hết. theo ông Tăng Bá Hoành, người từng có tham vọng  "làm tiến sĩ" về gốm Chu Đậu như một động thái ăn theo nhân vật hư cấu Bùi Thị Hý, thì cách chứng minh tốt nhất về nhân thân "cụ tổ nghề gốm" là khảo cổ. Thế là "Vừng ơi! Mở cửa". Cần thứ gì, lập tức như có phép mầu, thứ ấy "hiện ra" trong các hố khai quật. Tuy nhiên với cách khai quật hầu như bí mật, chỉ một số người được biết, hơn nữa, dấu tích hiện trường đã bị xóa, liệu có thuyết phục được các nhà chuyên môn?
Câu chuyện ông Bùi Văn Lợi từ thôn Quang Tiền, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc mang gia phả đến nhờ ông Hoành thẩm định liệu có phải là tình cờ? Phiến gạch nung khắc chìm chân dung Bùi Thị Hý với những dòng chữ Hán sai be bét liệu có niên đại mấy năm? Chiếc "châm bàn chu hải khứ Bùi Thị Hý" dùng để đi biển với cấu trúc ngữ pháp lộn tùng phèo được chế tác từ xưởng đá Kinh Môn hay Đông Triều? Hơn nữa, nhà nghiên cứu Đặng Văn Lộc còn phát hiện một chi tiết đáng ngờ trên chiếc la bàn là, thời trung đại không có chữ (đông). Chữ chỉ xuất hiện vào thời điểm sau năm 1956 khi mà Mao Trạch Đông ký sắc lệnh cho toàn dân Trung Quốc phải dùng hơn một nghìn chữ giản thể thay cho chữ phồn thể khó viết và khó nhớ. Đúng là giấu đầu hở đuôi. Ông Hoành hãy lục tìm trong tất cả các bộ từ điển chữ Hán trước năm 1956 xem có không?
   Một người sống cách đây 5 thế kỷ mà sao còn lại lắm thông tin như vậy, trong khi trên thực tế, các bi ký, gia phả các dòng họ ghi chép nhiều lắm là đến cuối Lê đầu Nguyễn. Gia phả chi tiết đến mức khó tin. Ấy là bà Hý có đến hai đời chồng kèm theo danh tính hẳn hoi. Tuy nhiên, cuốn gia phả ấy, theo Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, chuyên gia hàng đầu về gia phả, nhận xét "thể thức của gia phả khá lạ, không như thường thấy ở những nơi khác. Cách viết và dùng từ trên các văn bản không như các văn bản thường thấy cùng thời, một số chữ trong đó ghi theo lối của thời nay" ("Tuổi Trẻ", Giải mã gốm Chu Đậu, kỳ 4: "Bùi Thị Hý bút", Thái Lộc - Trần Mai)
Cái gọi là phế phẩm gốm hoa lam ở xã Đồng Quang liệu có phải được lấy lên từ các hố khai quật hay mang từ nơi khác về nên khi phóng viên hỏi thì dân làng trả lời lạnh lùng "Đến nhà ông Lợi mà hỏi".
Chuyên đề "Bùi Thị Hý" còn được mở rộng biên độ đến dòng họ Phí ở Mỹ Đình, Hà Nội với tấm bản đồ da dê được cho là từ thời Lê do ông Phía Văn Chiến đang bảo quản, bởi theo ông Tăng Bá Hoành thì, họ Bùi làng Quang Tiền chính là họ Phí được đổi sang dưới triều nhà Trần. Tuy nhiên các phóng viên bảo Tuổi Trẻ không được phép tiếp cận vì nó "là tối mật liên quan đến nhiều chuyện!".
Cùng với cuốn gia phả, dòng họ Bùi, thôn Quang Tiền còn lưu giữ những hiện vật "vô giá" liên quan đến "cụ tổ nghề gốm" mà ông Tăng Bá Hoành cũng chính là người giám định. Đó là chiếc "mâm đồng cháy sém một phần, là văn bia mộ chí của bà Bùi Thị Hý, được sao chép từ bia đá vào năm 1932". Khoan hãy nói đến chiếc mâm đồng mà tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến cho rằng "có niên đại rất muộn", vậy tấm mộ chí đâu? Thông thường bia đá dễ bảo quản hơn gia phả, chỉ cần trưng tấm bia cổ ấy ra là mọi sự hoài nghi đền tan biến. Lại còn chuyện thanh "Vọng Nguyệt bảo kiếm" tìm được từ trong mộ Bùi Thị Hý từng gây tranh cãi cho các nhà khảo cổ nữa.
Nhà gia phả học Trần Đại Vinh nhận xét: "Tuy thế cứ cho rằng đúng đi nữa thì vẫn có hàng chữ… "đáng ngờ" là "Vọng Nguyệt Bảo kiếm"… Quả tình tôi chưa hiểu đây nghĩa là bà Hý có thanh "Bảo kiếm" hay chỉ là để "yểm"? Nếu bà có cả "Bảo kiếm" thì lại quả thật là lạ thưòng! Đúc kiếm vốn chẳng phải là mặt mạnh của truyền thống trọng văn khinh võ Việt Nam. Có đào được mộ của các quan võ cũng chẳng thấy "bảo kiếm" nào chôn kèm. Còn nếu ta ra phố đồ cổ nghe tán là thanh kiếm này nọ là của ông cha là quan võ để lại từ mấy trăm năm thì nên cầm chắc là ta sẽ mua phải đồ giả mới làm… năm ngoái! Tóm lại , tôi thấy trong việc này , có quá nhiều bằng chứng, quá nhiều chi tiết hơn "bình thường" để có thể yên tâm mà tin được.
Và tôi cũng xin đề nghị viện Bảo tàng trước khi mang những di vật này vào nên giám định kỹ về niên đại".
Hai "di vật" quan trọng nữa cũng cần được nhắc đến là tượng con rồng và cột trúc đài ở chùa Viên Quang đều được ghi tên bằng chữ Hán như một minh chứng khẳng định có một Bùi Thị Hý nổi tiếng ở thế kỷ XV về nghề làm gốm và đi biển. Thế nhưng, trên mình con rồng (hoặc con nghê) đã để lại dòng chữ khiến người đọc đặt dấu hỏi nghi ngờ "Quang Thuận NHẤT NIÊN, Quang Ánh Trang, Bùi Thị Hý tạo".
Về dòng chữ này, vẫn nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh nhận xét: "Quang Thuận là niên hiệu đầu tiên thời vua Lê Thánh Tông, Quang Thuận nhất niên là năm 1460. Năm bà Hý 40 tuổi. Khổ nỗi! Vấn đề là người xưa không dùng "nhất niên" cho năm đầu tiên của niên hiệu! Chỉ từ năm thứ hai trở đi mới đếm là nhị niên, tam niên v.v. Năm đầu người ta dùng chữ "nguyên niên" hay "sơ".
Thí dụ "Chính Hoà Nguyên niên": năm Chính Hòa thứ nhất. "Quang Trung sơ": Quang Trung năm thứ nhất. Trên các đồ gốm hoặc người ta chỉ viết niên hiệu để chỉ cả thời gian đó như "Vĩnh Thịnh niên" hay "Vĩnh Thịnh niên chế". Hoặc để viết năm rõ hơn thì như khá nhiều gốm thời nhà Lê/Mạc, người ta viết chẳng hạn như: "Hưng Trị nhị niên": Hưng Trị năm thứ hai, "Vĩnh Tộ vạn vạn niên chi tứ": Vĩnh Tộ năm thứ tư. Riêng năm đầu niên hiệu như ở một chân đèn thời nhà Mạc thì ghi:
"Diên Thành vạn vạn niên chi SƠ tam nguyệt tam thập nhật" (tức 30/3 năm Diên Thành năm thứ nhất (1578))". Cách viết "Quang Thuận nhất niên" ĐỂ LỘ KHẢ NĂNG LÀ NGƯỜI ĐỜI NAY VIẾT DO KHÔNG NẮM PHONG CÁCH CỔ" (Nguồn: https://dzjao.wordpress.com/2010/03/03/co-dung-la-mo-ba-bui-thi-hy-to-nghe-gom-chu-dau-hay-mot-vu-dan-dung-5/).
Từ những ý kiến phản biện và luận chứng dựa trên sự phân tích khoa học của tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến và nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh mà chúng tôi trích dẫn ở trên, ta có thể kết luận, Bùi Thị Hý là một nhân vật hư cấu trăm phần trăm của "học giả" Tăng Bá Hoành. Bà không phải là "Kỳ nữ xứ Đông" như tác giả vở chèo mang phong cách "sến" ngộ nhân. Đó chỉ là sản phẩm tưởng tượng của một đầu óc hoang tưởng...
Chí Linh, ngày lập Hạ năm Mậu Tuất
Đ.V.S.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét