Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

THỜI SẢO NGÔN

THỜI SẢO NGÔN


Phạm Quang Long


Xin nói ngay cái stt này của Hóng chả liên quan gì đến chuyện lùm xùm ở cái Viện nghiên cứu nọ mà chỉ bàn đôi chút về sự kỳ diệu của ngôn ngữ đã giúp cho việc giải quyết các gay cấn xã hội bằng một cách "uốn lưỡi" như thế nào và mong muốn được ăn theo điều ấy.

Cách đây chưa lâu có một nghị sĩ hùng hồn: tăng phí ở các trạm BOT không ảnh hưởng gì đến người nghèo. Đừng nói những người phản đối là nhân dân. Chỉ có mấy doanh nghiệp với lái xe qua trạm thôi. Thì ra theo cách nói này chả biết ai là người nghèo, chả biết ai là nhân dân.


Đường Trường Chinh khi mở rộng không thẳng mà cong veo. Nhưng nhà chức trách bảo " đó là đường cong mềm mại". Vậy phải hiểu theo nghĩa ngầm: làm đường thẳng dễ, ai cũng làm được. Làm đường cong nhưng mềm mại mới khó. Vậy sửa làm gì?

Cô Trần Thị Quỳnh Anh được ông Giám đốc sở tuyển tắt, đề bạt gấp quá mức bình thường. Ông bị cách chức nhưng tội của ông là " nâng đỡ cán bộ không trong sáng". Đến đây thì Hóng chịu, chả biết đường nào mà lần. Giật mình không biết hồi còn làm mõ mình có nâng đỡ người nào không trong sáng không nhỉ? Nếu có, bị phát hiện thì cái " nguyên mõ" cũng chẳng còn.

BOT thu phí cao, dân phản đối. Thanh tra vào cuộc mới phát hiện ra nhiều cái sai. Nhà nước quyết định điều chỉnh nhiều. Nhưng Bộ cho rằng họ không sai. Để sửa sai, họ thay chữ thu phí bằng thu giá. Tưởng đùa, đi ra đường thấy biển treo thu giá thật. Ông Bộ trưởng giải thích: BOT là sản phảm của doanh nghiệp. Trước đây để là thu phí mỗi khi cần điều chỉnh phải xin ý kiến HĐND, nhiều cơ quan khác nữa sợ cồng kềnh, không sát thực tế. Giờ đổi là thu giá là để doanh nghiệp tự do điều chỉnh xuống cho sát thực tế còn Nhà nước giám sát. Lại một trò xiếc chữ nữa rồi. BOT làm trên đường quốc gia cũ thì không chỉ là sản phẩm của doanh nghiệp. Ông BT khẳng định thế là sai cả về luật pháp lẫn thực tiễn. Để doanh nghiệp tự điều chỉnh giá có khác nào mặc cho họ muốn tăng hay giảm theo lợi ích của họ. Có đủ thứ giám sát mà còn sai nhiều thế, giờ trao quyền cho họ liệu có tránh được những sai phạm lớn hơn? Thứ nữa, ngôn ngữ không phải muốn dùng thế nào cũng được, các khái niệm có nội hàm của nó, dùng sai không thể được, nhất là các cơ quan công quyền.

Nghĩ đi nghĩ lại, chợt hoảng. Mình chậm hiểu, không phải họ sai đâu mà mình sai đấy. Bằng chứng là các vị nói thế nhưng có ai bảo họ sai đâu, sự việc đã diễn ra và theo đà này còn diễn ra như thế nhiều nữa. Tiếc quá, già mất rồi chứ nếu còn trẻ sẽ thi vào khoa Ngôn ngữ chỗ GS Nguyễn Văn Chính, học xong kiếm một chân tư vấn về cách dùng ngôn ngữ trong các văn bản, các diễn từ, quyết định có khi lại giàu to đây. Vì chưa có ai nghĩ ra cách đó mà. Khởi nghiệp từ lưỡi, biết đâu lại là một phát kiến mới, và quan trọng nhất là lợi nhuận cao.

Nguồn FB Phạm Quang Long
Tít bài TNC đặt lại


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét