Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

BÁM THEO LỀ LÀ VIỆC CỦA CON CỪU

“BÁM THEO LỀ LÀ VIỆC CỦA CON CỪU…

…không phải việc của con người tư do!”
Sự kiện GS Ngô Bảo Châu, được Đại hội Liên đoàn Toán học thế giới (ICM 2010) vinh danh giải thưởng Fields, đây được xem như là giải “Nô ben toán học” của thế giới, đã đưa GS Ngô Bảo Châu, một người con của dân tộc VN lên đỉnh cao của thời đại. Kể từ sau giờ phút GS Ngô Bảo Châu được vinh danh, cả dân tộc ta gồm người VN đang sống ở trong nước hay đang sống và làm việc ở nước ngoài đều cảm nhận được hạnh phúc tột độ!
Ngày 21/8/2010, báo vnexpress.net đăng bài “Giáo sư Ngô Bảo Châu từ chối nhận biệt thự ở Tuần Châu”, trong đó, trước việc một số người không quen biết thắc mắc chuyện Ngô Bảo Châu là “lề trái hay lề phải”, GS Ngô Bảo Châu khôi hài: “Xin thưa, bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”.

Theo tôi, đây là một câu nói thật sâu sắc, đáng để mọi người VN hôm nay suy ngẫm. Không phải GS Ngô Bảo Châu bây giờ đã là người nổi tiếng mà ta cho rằng lời nói của GS là “vàng ngọc”; bởi GS Ngô Bảo Châu vốn là con người rất gần gũi, thân thiện, nhìn vào khuôn mặt của ông và một ít thông tin về những điều ông làm, những lời ông nói, ta cảm thấy như vậy.
Trở lại với câu nói: “Xin thưa, bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”. Thiết nghĩ những người được gọi là “có học” trong nước, nếu chỉ vì muốn được yên thân mà không lên tiếng với thực trạng còn rất nhiều bất cập, bất công… đang hàng ngày xảy ra trên đất nước hôm nay, thì ắt thấy xấu hổ với chính bản thân mình, bởi vì họ đã tự mình đánh mất đi cái điều thiêng liêng nhất mà tạo hóa đã ban tặng cho mỗi cá nhân, đó là TỰ DO; tự biến mình thành con cừu để người khác dẫn dắt, trong khi mình là những kẻ “có học” thực thụ (ở đây người viết không muốn nói đến hạng người vì đam mê quyền chức do những lợi lộc có được từ nó, và  những kẻ háo danh đã thực hiện các hành vi gian dối, mua bằng cấp, từ cấp trung học cơ sở đến học vị Tiến sỹ… mà báo chí đã nói rất nhiều, và hiện rất phổ biến, đang là một đại nạn ở nước ta hiện nay).
Có thể nói, cái mất mát lớn nhất của dân tộc VN ta sau ngày giải phóng, mà tính đến nay đã là 35 năm (tính ra đã là hơn một thế hệ, thời gian đủ để đưa một nước từ lạc hậu để đạt đến tầm cao của thời đại, trong điều kiện phát triển chung của thế giới trong quãng thời gian ấy), đó là: xã hội VN đã biến hầu hết lực lượng khoa học thành những kẻ… nói theo!
Theo mức độ nguy hại đối với quá trình phát triển của đất nước, ta có thể phân ra các loại “cừu” sau đây:
1. “Cừu” nhắm mắt buông xuôi (đây là số đông):
Loại “cừu” này là nhóm người làm công tác nghiên cứu lý luận, hiện làm việc trong các viện nghiên cứu, ở trường Đảng các cấp, và ở ngay trong một số Ủy ban của QH; có lẽ, trong suy nghĩ của những người này, trước khi làm một việc gì, thì việc đầu tiên của họ là “xin ý kiến chỉ đạo”!?
Cũng có thể nói, bên cạnh sự mất mát cho đất nước, thì cũng rất tiếc cho những con người này, vì  họ là những người không phải không có học, họ phải biết được đâu là lẽ phải, đâu là sự trái ngang…, nhưng những người này, họ lại không đủ dũng khí của kẻ sỹ để bảo vệ lẽ phải nhằm mang lại lợi ích cho đất nước, cho tập thể, cho cộng đồng… kết quả công việc của họ là:đáp ứng yêu cầu mà người đưa ra ý kiến chỉ đạo đang cần.
Điển hình cho những người này là các vị đã đưa ra chủ trương tổ chức hội thảo “Xây dựng tiêu chí, phương pháp tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992” [1].
2. “Cừu” phản khoa học, nói hoặc viết những điều trái với quy luật (đây là số ít):
Loại “cừu” này thường là nhóm người làm công tác thực thi pháp luật; nhận thức của họ đôi khi đến mức “mù quáng”. Đại diện cho những người này đó là: Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, với bài “Hãy hiểu đúng về Nhân quyền ở Việt nam”, bị rất nhiều người phê phán [2].
Mặc dù, sự kiện GS Ngô Bảo Châu mới chỉ chính thức được vinh danh cách đây có hai ngày (19/8/2010), nhưng trước và sau sự kiện này hầu hết báo chí trong nước và báo của người VN ở nước ngoài, bên cạnh những lời góp vui vào niềm vui chung của toàn dân tộc, cũng đã có những trăn trở về cách sử dụng nhân tài của nước ta; vậy thì, bao giờ nước ta mới thoát khỏi được cái mà ta hay gọi là CƠ CHẾ!? Nó đang là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” đưa nước nhà tụt hậu.
Rõ ràng là, chỉ khi nào nước ta không còn và không cần đến các loại “cừu” như đã nói trên đây trong bộ máy Nhà nước thì mới có hy vọng có cơ phát triển. Bởi vì hơn lúc nào hết, Tổ Quốc và nhân dân rất cần những con người “có học” dám nói lên ý kiến trung trực, thẳng thắn của mình, mà GS Ngô Bảo Châu là một ví dụ!
Ghi chú:
[1] xin đọc bài: “Chúng ta hôm nay đang lẩn trốn lịch sử!” trên Bauxite Việt Nam, ngày 10/8/2010.
[2] Loạt bài đã được đăng trên Bauxite Việt Nam.
21/8/2010
Nguyên Hữu Quý
Theo boxitvn.net

Cảm ơn Pháp về Ngô Bảo Châu

Ngô Bảo Châu được tặng giải Fields, một thứ giải Nobel trong toán học khiến cả xã hội hào hứng ca ngợi trí tuệ Việt nam, thiên tài Việt Nam.
Nhưng tôi tưởng lúc này chúng ta nên có lời cảm ơn nước Pháp, nền văn hóa Pháp, nền khoa học Pháp.
Những bước đi ban đầu là cực kỳ quan trọng và việc Ngô Bảo Châu lớn lên ở Hà Nội cũng nói lên một cái gì đó trong tiềm năng toán học của người Việt.
Nhưng nếu không có việc sang Pháp làm việc và học hỏi thêm thì mọi chuyện với Ngô Bảo Châu sẽ ra sao?
Tạm ví thô thiển như sau:
Đến được trình độ khoa học như Ngô Bảo Châu cần qua mười bậc và ở quê hương, nhà tóan học đã bước được đến bước thứ bẩy thứ tám gì đó(?). Nhưng theo tôi hiểu, hai bước sau cùng mới là quan trọng, vì không có nó thì tám bước đầu tiên cũng là vô nghĩa.
Tôi biết rằng ở thế hệ tôi cũng như các thế hệ trước, cũng đã có những người có được tám bước đầu tiên, nhưng vì không có điều kiện học hỏi và làm việc trong những nền khoa học hàng đầu – tức là sống trong môi trường văn hóa hoàn chỉnh hơn, có một trình độ phát triển cao hơn– nên không có được hai bước tiếp.
Viết về một cuộc đấu tranh, Chế Lan Viên từng có hai câu thơ nói tới cái tình trạng nghịch lý :
Vinh quanh nhất là những người chiến thắng
Vinh quang hơn là những kẻ đi đầu
Tôi có cảm tưởng ở đây, trong việc xác lập những nhân tố có ảnh hưởng quyết định tới một sự việc như thành tựu của Ngô Bảo Châu, cũng có tình trạng tương tự.
Vinh quang trước tiên đất nước đã đẻ ra Ngô Bảo Châu. Nhưng cũng phải giành phần vinh quang cho đất nước đã đóng vai trò bệ phóng, giúp ông hoàn thiện, giúp ông trở thành Ngô Bảo Châu hôm nay.
Chính Bấm Ngô Bảo Châu trong blog của mình cũng đã nhắc qua tới cái ý này.
Nhìn lại lịch sử thì thấy các nền văn hóa lớn như văn hóa Trung Hoa lẫn văn hóa Pháp tác động tới ta không chỉ trên bình diện tổng quát – là thúc đẩy sự hình thành và làm thay đổi diện mạo của văn hóa Việt Nam – mà trong nhiều trường hợp còn trực tiếp góp phần làm nên nhân cách những con người cụ thể là các nhà văn hóa gốc Việt.
Phạm Xuân Ẩn mấy năm trước đã nói trong ông không chỉ có văn hóa Việt Nam mà còn có văn hóa Mỹ.
Trong Đặng Thái Sơn có sự đóng góp của văn hóa Nga.
Một trong những nhà nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu khoa học xã hội thứ thiệt ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế là Nguyễn Văn Huyên – không chỉ là hiện tượng văn hóa Việt Nam mà còn là hiện tượng văn hóa Pháp.
Bao nhiêu nhà nho trí thức ở ta thành đạt, có thể phò vua giúp nước, kể cả giúp kế sách cho công cuộc chống ngoại xâm, một phần là nhờ thấm nhuần văn hóa Trung Hoa.
Sau khi tự hào về chính mình, nếu muốn công bằng, phải ghi nhận ngay những tác động thêm vào từ bên ngoài. Môi trường giúp cho sự hoàn thiện là cái thường thiếu ở VN. Ta không thể hoàn chỉnh nếu không có người.
Một cách nghĩ như thế nếu với cả cộng đồng là khôn ngoan và hiểu biết thì với mỗi người tôi tin nó cũng giúp ta tìm ra cảm giác thanh thản và bền bỉ hơn để tiếp tục những nỗ lực nho nhỏ trong cuộc sống.
Mà đây cũng là một nội dung cần nói với lớp trẻ, chuẩn bị cho lớp trẻ biết hướng ra thế giới học hỏi thế giới. Tức là ngay từ bây giờ phải nghĩ lúc nào đó dân tộc này sẽ có thêm những Ngô Bảo Châu mới.
Không chỉ dừng lại ở cảm giác tự hào về những thành tựu của dân tộc mình mà còn biết rõ các cộng đồng khác các dân tộc khác đã giúp đỡ đã cộng tác với mình thế nào …đó là biết sống, mà đó cũng là yêu nước.
Nguyên văn bài mang tự đề ‘Nhân hiện tượng Ngô Bảo Châu: cần thiết phải nói lời cảm ơn nước Pháp, nền văn hóa Pháp!’ thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà nghiên cứu văn học ở Hà Nội. Quý vị cũng có thể đọc thêm bài về việc hình thành Bấm tiếng Việt cho toán, hay Bấm ‘Nỗi buồn từ sự kiện Ngô Bảo Châu’ cùng các Bấm bài về Ngô Bảo Châu và giáo dục Việt Nam đã đăng trên các trang mạng khác.
Theo BBCVietnamese

Thiên tài không đi chung với bầy cừu

Có thể GS Ngô Bảo Châu vẫn cần đến giải thưởng và sự vinh danh, nhưng “hoà thượng” Thích Học Toán thì chắc chắn luôn là một chiếc thuyền rỗng đáy, đừng chở cái gì theo mình cả, dù là cái huy chương “Fields” lấp lánh ánh vàng. Chỉ có như vậy, một ngày kia thiên tài mới không đi lẫn với bầy cừu.
LTSSau những ngày cả xã hội vui mừng đón nhận thông tin GS Ngô Bảo Châu được vinh danh với giải thưởng Fields danh giá, mới đây Tuần Việt Nam nhận được bài viết của tác giả Thái Nam Thắng, đặt ra những vấn đề đáng suy ngẫm. Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin đăng bài viết dưới đây.
Không có sự sáng tạo đích thực nào không đi liền hai chữ “tự do”
Mỗi người cần có khát vọng, cả dân tộc dám ước mơ? Liệu đó có thể là những tia lạc quan cho người Việt sau sự kiện Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận Giải thưởng Fields? Chắc chắn sẽ còn nhiều câu hỏi và dự cảm hơn thế, nhưng câu trả lời hình như đang bị che khuất đâu đó chung quanh những thông tin quá nhiều về lòng tự hào Việt Nam trong những ngày vừa qua.
Ai cũng hiểu, lòng tự hào như vậy cũng sẽ nhanh chóng đi qua. Nếu nói cho đúng, hiện tượng Ngô Bảo Châu đã đi vào lịch sử toán học thế giới. Ngô Bảo Châu sẽ chẳng còn là niềm tự hào riêng của người Việt, của “nền toán học Việt Nam”, “trí tuệ Việt Nam”.
Nhưng rồi đây có bao nhiêu “trí tuệ Việt Nam”, “trí tuệ của nền toán học Việt Nam” có thể hiểu đầy đủ về “Bổ đề cơ bản” để diễn giải và ứng dụng nó trong tư duy toán học của người Việt hay ở các lĩnh vực khác liên quan đến toán học, đến đời sống thực tiễn?
Sự bí hiểm của một nghi vấn suốt 30 năm, làm đau đầu thế giới toán học, chả lẽ cuối cùng cũng chỉ đọng lại một mớ những mơ mơ hồ hồ trong cái “niềm tự hào” kiểu phong trào kia hay sao? “Của báu” mà không đủ khả năng để dùng, hay thuộc sở hữu của đỉnh cao trí tuệ Việt Nam, nhưng thế giới lại “mượn” để dùng, và dùng rất đúng chỗ, rất hiệu quả?
Sự vượt trội của một cá nhân xuất sắc cuối cùng đã làm lộ ra một sự thật trần trụi, nói như Lão Tử đó là “thiểu thắng đa” của đạo giảm trừ (đạo Trời). Tinh tuý chẳng bao giờ thuộc về số đông. Nếu tinh tuý mà thuộc về số đông thì nó chẳng còn gì là tinh tuý nữa. Đó là con đường độc thiện kỳ thân và cả sự khổ công “tu luyện” của “hoà thượng” Thích Học Toán (blog của GS Ngô Bảo Châu) trong nhiều ngày nghiền ngẫm, suy nghiệm về “công án” Langlands.
Có lẽ lời phát biểu liên quan đến quyền tự do đã gây ấn tượng đến nhiều người của GS Ngô Bảo Châu những ngày qua . GS Ngô Bảo Châu đã nhận thức về hai chữ “tự do” ở đỉnh cao của vinh quang cá nhân. Thiết nghĩ, đó mới là niềm tự hào của người Việt Nam về Ngô Bảo Châu, và với câu nói này “hoà thượng” Thích Học Toán mới là người ngộ đạo (đạo toán học). Vậy giải thưởng kia còn danh nghĩa gì nữa trước hai chữ “tự do”?
Tinh tuý chẳng bao giờ thuộc về số đông
Không có sự sáng tạo đích thực nào mà không đi liền với hai chữ “tự do”. Tại sao mỗi người phải biến mình thành một cá nhân “ăn khớp” với xã hội, ăn khớp với những lề thói mà đôi khi chúng chỉ là một mớ bảo thủ hỗn độn được một ít trí khôn ranh mãnh và một vài dữ liệu không đầy đủ của tri thức nhào nặn ra?
Mỗi người không chỉ có một cơ chế tránh bụi bẩn khi gió cát nổi lên mà chính khi nhìn thấy bụi bẩn họ mới hiểu hết được tính chất ô nhiễm của thế giới và sự cùng tồn tại bất phân ly với thanh tĩnh. Điều khác biệt lớn nhất là làm thế nào để cộng tồn, để sống với bụi bẩn khi sự che lấp, gian dối biến ảo chung quanh đời người luôn làm sai lệch nhận thức thực tế, làm giới hạn sự tự do, để người ta không dám nghĩ, không dám nói, không dám hành động và không dám tự chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm?
Câu trả lời chỉ có thể đến từ một con người dám mãnh liệt bảo vệ sự tự do, sống với tự do.
Sự “tự sướng” khôi hài
Thật lạ lùng, có không ít người trong chúng ta hoan hô giải thưởng, hoan hô câu nói đĩnh đạc ấy, trong khi ý chí thì cùn nhụt, nhận thức thì đóng khuôn bởi bao nhiêu những lề luật. Con người nô lệ cho hoàn cảnh trong những điều kiện họ hoàn toàn có quyền chọn lựa sự tự do. Vậy phải chăng có quá nhiều người không muốn tự do, nhưng thích hoà mình vào tập thể để tung hô tự do?
Nếu đúng là như vậy thì đó chính là quy luật gia tăng của “đạo tiểu nhân” mà Lão Tử nói. Khi đạo tiểu nhân gia tăng thì chữ tự do làm gì còn môi trường trong lành đích thực để hít thở. Bởi sự xâm chiếm của cái số lượng, cái mạnh, cái cứng rắn, bạo lực từ bên ngoài sẽ bành trướng và chiến thắng.
Chỉ khi đạo của tự do (tự nhiên nhi nhiên) xuất hiện thì mới có thể “lấy yếu đánh mạnh”, “lấy ít địch nhiều”. Chỉ có như thế mới có thể phát hiện ra hiền tài, đề cao hiền tài, mới có thể hiểu được sức mạnh và công dụng lớn có khi nằm ở những sự giản đơn (đến bất ngờ). Những phức tạp rườm rà, luân hồi lên xuống trong đời sống sở dĩ diễn ra bất tận vì con người có đặc tính “tham sinh uý tử”, không biết đặt mình vào cái chỗ nguy hiểm, cái chỗ mất tự do để khao khát tự do.
Đỉnh cao trí tuệ của dân tộc làm sao có thể đến từ thói quen “khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai”. Cá nhân một khi đã đánh mất tự do của chính mình thì chỉ có thể vỗ ngực tự hào với những thứ tự do vô thưởng vô phạt, mà biểu hiện thường thấy là sự tự mãn hô to lên “tôi tự hào quá, tôi sẽ đặt ngay tên con tôi là Bảo Châu để lớn lên trí tuệ của nó cũng sẽ được ‘nhập dữ liệu’ như thế”.
Đó là sự “tự sướng” khôi hài. Vì sự mất tự do lớn nhất chính ở lúc chúng ta tranh nhau vỗ tay và tung hô sự hùng vĩ của một cá nhân về cho một tập thể, bất chấp diễn trình nhân quả, sự nỗ lực sinh tử và cô đơn tận cùng của cá nhân. “Hoà thượng” Thích Học Toán sẽ mất đi danh hiệu ngộ đạo nếu ông khuyên mọi người hãy ước mơ đến cái tự hào của giải thưởng.
Tự do sẽ sinh ra tất cả những giải thưởng cao quý nhất của loài người. Giải thưởng ấy tự động để tự do rơi trở về với khái niệm “toàn mỹ” của chính nó, có nghĩa rằng “giải thưởng” ấy phải phục vụ con người, chứ nó không phải là cái tủ trang sức chứa đựng vô số những vàng, bạc, đá quý, kim cương, đô-la, biệt thự, hay phải phục vụ cho một cá nhân, tư tưởng tự xưng là ưu tú nào…
Không có sự sáng tạo đích thực nào mà không đi liền với hai chữ “tự do”
Sự tự do lớn nhất của một dân tộc không phải chỉ biết chấp nhận vinh quang là của chung, còn nhục nhã thì thuộc về chúng nó. Trí tuệ, nhục nhã, sai lầm, khuyết điểm đều phải là của chung, không nhìn vào sự thực ấy, cá nhân không thể khai phóng, không thể tự cởi trói để hướng đến tự do.
Thử hình dung, nếu GS Ngô Bảo Châu không thể chứng minh được “Langlands”? Chuyện gì sẽ diễn ra cho “nền toán học Việt Nam”? Lấy giáo lý nhân quả của Đạo Phật mà soi thì sẽ thấy, một hạt giống (của gien Việt) dù có tốt đến cỡ nào, nhưng nếu gieo vào một mảnh đất cằn cỗi thì nó có muốn trổ cành xanh lá, ra hoa kết quả cũng không bao giờ được.
Ngược lại một hạt giống bình bình dù năng suất không cao nhưng gieo vào một mảnh đất màu mỡ thì nó vẫn sẽ cho ra những kết quả mong muốn. Nói gần, nói xa để những người Việt tự trọng, mến yêu, thần tượng Ngô Bảo Châu nên dành một phút để cảm ơn nước Pháp.
Có thể GS Ngô Bảo Châu vẫn cần đến giải thưởng và sự vinh danh, nhưng “hoà thượng” Thích Học Toán thì chắc chắn luôn là một chiếc thuyền rỗng đáy, đừng chở cái gì theo mình cả, dù là cái huy chương “Fields” lấp lánh ánh vàng. Chỉ có như vậy, một ngày kia thiên tài mới không đi lẫn với bầy cừu.
Thái Nam Thắng
Theo Tuần Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét