BÀ TỔ NGHỀ GỐM SỨ CHU ĐẬU LÀ MỘT NHÂN VẬT NGỤY TẠO (Kỳ 1)
BÀ TỔ NGHỀ GỐM SỨ CHU ĐẬU
Gần đây Đoàn Chèo tỉnh Hải Dương công diễn diễn vở chèo "Bùi Thị Hý" trên sân khấu ngoài trời mà kịch bản lấy cảm hứng từ nhân vật phụ nữ "nổi tiếng" Bùi Thị Hý, được suy tôn là bà tổ của nghề gốm Chu Trang đã thất truyền từ hơn bốn trăm năm. Chu Trang ngày nay chính là làng Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách , tỉnh Hải Dương, từ lâu vốn chỉ được biết đến với nghề trồng cói dệt chiếu.
Nghề gốm Chu Đậu giờ có vẻ như đang dần phục hồi và, tất cả câu chuyện ly kỳ xung quanh "nhân vật huyền thoại" Bùi Thị Hý được thiên hạ vinh danh như một tài nữ thế kỷ XV lại bắt đầu bằng chiếc bình gốm hoa lam trưng bày ở bảo tàng Topkapi Saray, thành phố Istanbul nước Thổ Nhĩ Kỳ mãi vùng Trung Á. Chiếc bình tỳ bà (dân gian gọi là bình củ hành hay củ tỏi) này do một viên chức sứ quán Nhật tên là Makoto Anabuki phát hiện ra trong chuyến công du Tây Nam Á. Ông ta đọc được những dòng chữ Hán trên lạc khoản, đã có nhã ý gửi thư cho người đứng đầu tỉnh Hải Hưng lúc bấy giờ là ông Ngô Duy Đông. Và, câu chuyện ly kỳ đã xẩy ra...
1 - Bắt đầu từ những dòng chữ Hán trên chiếc bình tỳ bà
Trên chiếc bình gốm hoa lam (tức bình tỳ bà hay bình củ hành, củ tỏi) hiện đang được lưu giữ trong bảo tàng Topkapi Saray mà nhà ngoại giao Nhật Bản phát hiện ra từ những năm tám mươi của thế kỷ XX có ghi dòng chữ Hán:
大和八年南策州匠人裴氏戲筆
Phiên âm Hán Việt: "Thái Hòa bát niên Nam Sách châu tượng nhân Bùi thị, hý bút". Chữ 大 (đại) trong dòng chữ Hán ở trên là chữ thông giả (通假字) của chữ 太 (thái) nên đọc là "thái", không phải là "đại" (chữ thông giả 漢字的通用和假借 nghĩa là các ký tự Trung Quốc phổ biến và giả mạo).
Dịch nghĩa: Năm Thái Hòa thứ tám (1450 dương lịch), người thợ họ Bùi ở châu Nam Sách viết chơi.
[Tễu Blog: Xin xem thông tin trong bài viết của học giả An Chi:
http://petrotimes.vn/bui-thi-hy-but-nghia-la-gi-385581.html]
Một trích đoạn trong bài viết của học giả An Chi.
Chữ Hán cổ trong các thư tịch bao gồm cả văn bia, minh văn, gia phả, chúc văn... không có dấu ngắt câu và không thể viết hoa các danh từ riêng và có cấu trúc ngữ pháp khá rắc rối. Người ít học hoặc học theo lối "cưỡi ngựa xem hoa" không nắm vững quy tắc diễn đạt câu văn, không am hiểu điển cố, rất dễ rơi vào tình trạng đọc không vỡ chữ, dịch sai văn bản dẫn đến hậu quả khôn lường.
Một vấn đề tưởng cũng cần phải nhắc lại nữa là, xã hội phong kiến Việt Nam từ cả ngàn năm qua, luôn lấy mô hình Trung Quốc làm khuôn mẫu; mà học thuyết Khổng Tử thì trọng nam khinh nữ. Thân phận người phụ nữ ngay cả nhũ danh thời con gái cũng ít khi được cộng đồng biết, nói gì đến chuyện học chữ "thánh hiền" rồi tự tay cầm bút ghi cả họ tên vào bình gốm "xuất khẩu".
Trường hợp câu văn ở dòng lạc khoản trên chiếc bình cổ gốm hoa lam chỉ có một cách dịch duy nhất và chính xác nhất là Năm Thái Hòa thứ tám (1450 dương lịch), người thợ họ Bùi ở châu Nam Sách viết chơi. Còn giả thuyết về cách đọc thứ hai do ông Tăng Bá Hoành "sáng tạo": "Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, TƯỢNG NHÂN BÙI THỊ HÝ, BÚT" (Năm Thái Hòa thứ tám người thợ BÙI THỊ HÝ ở châu Nam Sách viết", thì có hai khả năng xảy ra, hoặc là vì dốt nát không đọc nổi văn bản cổ, hoặc đây là một ý đồ có tính toán trong kế hoạch ngụy tạo bằng chứng giả để trục lợi sau này. Bởi lẽ, phải cho ra đời nhân vật huyền thoại Bùi Thị Hý thì mới có bằng chứng để gắn với những sản phẩm gốm vớt được từ con tàu đắm ngoài khơi vùng biển Cù Lao Chàm. Đồng thời đây cũng là điều kiện cần thiết cho cuộc hội thảo khoa học hoành tráng về tượng nhân BÙI THỊ HÝ tại xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc năm 2009 nhằm quảng bá cho vùng gốm Chu Đậu, Hải Dương.
Tuy vậy, sau hội thảo, không phải nhà khoa học nào cũng bị lừa một cách ngọt ngào bằng văn hóa phong bì và nghệ thuật tiếp đãi cực kỳ nồng hậu của chủ nhà hiếu khách. Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến, cựu Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nhận xét "Những tư liệu mang tính hư cấu chúng tôi không tin. Tự dạng đầy đủ được tra trong từ điển là 'họ Bùi vẽ chơi'. Không thể ép lấy cái tượng trong tàu Cù Lao Chàm gán cho bà Bùi Thị Hý được".
Từ "hý bút" (戲筆) nghĩa đen là "viết chơi", "viết đùa", nghĩa bóng là "viết một cách ngẫu hứng". Đây cũng là phong cách phổ biến của những nghệ nhân dân gian mà ta thường bắt gặp trên sản phẩm gốm sứ ở mọi thời đại. Tại cuộc triển lãm nghệ thuật gốm sứ Trung Quốc (Trung Hoa dân quốc) năm 1936 ở London Anh Quốc, cũng có một chiếc bình gốm được làm ở châu Nam Sách với dòng lạc khoản chữ Hán, trong đó cũng có hai chữ "hý bút". Nguyên văn như sau:
大和八年匠人南策州裝氏戲筆
Phiên âm Hán Việt: "Thái Hòa bát niên tượng nhân Nam Sách châu Trang thị hý bút"
Dịch nghĩa: Năm Thái Hòa thứ tám, người thợ họ Trang ở châu Nam Sách viết chơi.
Như vậy là đã rõ. Không hề có một nữ tượng nhân Bùi Thị Hý nào đó như ông Tăng Bá Hoành đã cố tình gán ghép mà đó chỉ là những người thợ (nam nhân) thỉnh thoảng viết họ của mình vào bình gốm nhân lúc ngẫu hứng mà thôi. Về sự kiện này, trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia nhận xét như một kết luận có tính khoa học "Bùi Thị Hý là một người phụ nữ được ông Tăng Bá Hoành, nguyên trưởng ban Thông sử Tỉnh ủy Hải Hưng, nguyên giám đốc Bảo tàng Hải Dương, cho là cụ tổ của nghề gốm Chu Đậu. Đây là một nhân vật không có thật, bắt nguồn từ việc hiểu sai ý nghĩa của một dòng chữ Hán trên một chiếc bình gốm Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Hoành đã chứng minh cho sự tồn tại của bà Bùi Thị Hý bằng các tư liệu ngụy tạo.
Đ.V.S.
Xem tiếp kỳ sau: "Đến phiến gạch nung bôi bác chân dung Bùi Thị Hý và những dòng chữ Hán lởm khởm":
https://xuandienhannom.blogspot.com/2018/05/ba-to-nghe-gom-su-chu-au-la-mot-nhan_2.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét