[Bài
viết nhắm nhắc nhở một vài người Hoa, hãy đọc kỹ sử chí nước họ; để khỏi nói
càn rằng đảo Bạch Long Long Vĩ không thuộc chủ quyền Việt Nam.]
Hai bộ sách trong Tứ Khố Toàn Thư có tên Lãnh Ngoại Ðại Ðáp (嶺 外 代 答) và Ðông Tây Dương Khảo (東 西 洋考 )đề cập nhiều lần đến Giao Chỉ dương
tức biển Giao Chỉ
Lãnh
Ngoại Ðại Ðáp do Chu Khứ Phi soạn. Khứ Phi người
đất Vĩnh Gia, đậu Tiến sĩ năm Long Hưng
thứ 1 [1193]; từng giữ chức Thông phán tại Quế Lâm, Quảng Tây. Vì làm quan lâu
năm tại đây, nên có nhiều bạn hữu hỏi thăm về lịch sử địa lý phong tục vùng
này; số người muốn biết rất đông, phải trả lời phát mệt, nên ông viết bộ sách
thay thế, sách nhan đề Lãnh
Ngoại Ðại đáp có nghĩa là “ thay lời giải đáp về vùng đất Lãnh Ngoại ”,
sách gồm 10 quyển.
Qua nhan đề sách, cần phân biệt các
từ ngữ “lãnh” và “sơn”. Sơn là núi thuần túy, lãnh là núi có đường đi qua; ví
như tại nước ta thì các núi tại đèo Cả, đèo Ngang đều có thể gọi là lãnh. Tuy
nhiên Chu Khứ Phi xét trên thực tế cho rằng Ngũ Lãnh là 5 con đường chính vào
đất Lãnh Ngoại, có thể qua núi, có thể không:
- Từ đất Ðinh thuộc Phúc Kiến vào
Tuần Mai, Quảng Ðông; là đường thứ nhất.
- Từ Nam An, Giang Tây vượt qua Ðại
Dữu vào Nam Hùng, Quảng Ðông; đường thứ hai.
- Từ đất Lâm thuộc Hồ Nam vào đất
Liên; đường thứ ba.
- Từ đất Ðạo vào đất Hạ, Quảng Tây,
là đường thứ tư.
- Từ đất Toàn vào Tĩnh Giang, là
đường thứ năm.
Còn Lãnh Ngoại tại đâu? Tức lãnh thổ
nước Nam Việt thời nhà Triệu; bằng cớ được thấy qua thư của Hán Văn đế gửi cho
Nam Việt vương Triệu Ðà vào năm Hán Văn đế thứ nhất [ _179 ], do Sứ thần Lục
Giả trao tay cho Triệu Ðà, có đoạn như sau:
“…..Nay
lấy đất của Vương không đủ lớn thêm được, lấy của cải của Vương cũng không đủ
giàu thêm được, thôi thì từ Ngũ Lãnh trở về nam do Vương tự trị. Tuy nhiên với
danh hiệu Ðế mà Vương tự xưng; như vậy có hai Ðế cùng tồn tại, lại không còn sứ
giả đi lại, tức là tranh chấp. Nếu tranh dành mà không biết nhường nhịn, bậc
quân tử không ai làm như vậy. Mong rằng sẽ cùng Vương bỏ sai lầm cũ , để hai nước
thông sứ như cũ. Bởi vậy Trẫm sai Lục Giả mang dụ cáo Vương, Vương hãy nhận lấy,
đừng đánh phá thêm nữa ….”(1)
Xét về lai lịch vùng đất này, Chu
Khứ Phi xác nhận trước đó đã bị bị Tần Thủy Hoàng thôn tính [_214 ]:
“
Từ khi Hoàng đế nhà Tần thôn tính thiên hạ, xẻ núi làm đường, lược định Dương
Việt, đặt ra Nam Hải, Quế Lâm, Tượng Quận.”
(2)
Ðến đời Hán Vũ đế [_111] xâm lăng
nước Nam Việt của nhà Triệu, tiện thể chiếm đảo Hải Nam; chia tất cả thành 9
quận:
“Hán
Vũ đế bình Nam Việt chia đất Quế Lâm của nhà Tần thành 2 quận: Uất Lâm và
Thượng Ngô;chia Tượng quận thành 3 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam;[Nam
Hải được giữ tên cũ]cắt phần đất thừa của
Nam Hải và Tượng quận lập quận Hợp Phố;từ đất Từ Văn vượt biển chiếm đảo Hải
Nam chia thành 2 quận: Chu Nhai và Ðam Nhĩ. (3)”
Như chúng ta đã biết 3 quận Giao
Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam thuộc đất Ðại Việt cũ, Cửu Chân là Thanh Hóa, Giao Chỉ
tại phía bắc Cửu Chân tương đương với Bắc Việt ngày nay, tức từ tỉnh Ninh Bình
lên phía bắc cho đến biên giới Trung Quốc; vậy biển Giao Chỉ, hay Giao Chỉ
dương còn có thể gọi là biển Bắc Việt.
Chu Khứ Phi xác nhận Giao Chỉ dương,
tại phía tây đảo Hải Nam, ông mô tả như sau:
Ba
dòng nước xoáy
Bốn
quận phía tây nam đảo Hải Nam có biển lớn gọi là Giao Chỉ dương. Tại biển có 3 dòng
nước xoáy, nước phun lên chía thành 3 dòng; dòng thứ nhất chảy về phía nam dẫn
đến biển thuộc các nước Phiên (4); dòng thứ 2 chảy lên phía bắc qua vùng biển
Quảng Ðông, Phúc Kiến, Chiết Giang; dòng thứ 3 chảy vào nơi mù mịt không bờ gọi
là Ðông Ðại Dương. Tàu thuyền đi về hướng nam phải qua ba dòng nước xoáy, nếu
gặp một chút xíu gió thì vượt được,nếu vào chổ hiểm đó mà không có gió thuyền
không ra được, ắt phải vỡ chìm trong ba dòng nước xoáy. Nghe truyền rằng biển
lớn phía đông có Trường Sa Thạch Ðường (5) rộng vạn dặm, nước thủy triều (6) thi triển đẩy vào chốn
cửu u (7). Trước kia đã có thuyền bị bão phía tây thổi, trôi dạt đến biển lớn phía đông này , nghe tiếng ba đào chấn nộ hung
hãn, trong khoảng khắc gặp gió lớn thuận chiều nên may thoát được .
Bản
đồ Google chỉ vùng biển Giao Chỉ
Phiên âm và chú thích bản đồ Google:
Beihai: Bắc Hải thị, thuộc phủ Liêm
Châu đời Thanh.
Changgiang lizu: Xương Giang Lê tộc,
thuộc phủ Quỳnh Châu thời Thanh
Dongxing: Ðông Hưng, thuộc phủ Liêm
Châu thời Thanh.
Fangchenggang: Phòng Thành thị,
thuộc phủ Liêm Châu thời Thanh.
Hepo: huyện Hợp Phố, thuộc phủ Liêm
Châu thời Thanh.
Lezhou: phủ Lôi Châu thời Thanh.
Lingao: huyện Lâm Cao thuộc phủ
Quỳnh Châu [Hải Nam]
Xuwen: huyện Từ Văn, thuộc phủ Lôi
Châu
Nhìn lên bản đồ Google, vị trí biển Giao Chỉ hoặc Giao Chỉ dương, về phía
Việt Nam gồm duyên hải các tỉnh Ninh Bình, Nam Ðịnh, Thái Bình, Hải Phòng,
Quảng Ninh. Về phía Trung Quốc, Giao Chỉ dương nằm ngoài vùng biển thuộc 3 phủ
của Trung Quốc, đó là: Liêm Châu, Lôi Châu, và Quỳnh Châu. Căn cứ bản đồ và
những điều mô tả trong Trù Hải Ðồ Biên (籌 海
圖 編 )của Hồ Tôn Hiến thời Gia Tĩnh triều Minh, và Khâm Ðịnh Ðại Thanh Nhất Thống Chí (欽定大清一統志 )thời Càn Long nhà Thanh, thấy được
vùng duyên hải 3 phủ như sau:
- Vùng biển phủ Liêm Châu, từ tây
sang đông bắt đầu từ biên giới Việt nam cho đến giáp giới phủ Lôi Châu, có các
đơn vị hành chánh hiện nay như Ðông Hưng thị [Dongxing], Phòng Thành cảng thị
[Fangchenggang] , Khâm châu thị [Quinzhou], huyện Hợp Phố [Hepu], Bắc Hải thị
[Beihai] . Bờ biển dài khoảng 150 km,
đảo ngoài xa như Ô Lôi cách bờ biển khoảng 90 km.
- Vùng biển phủ Lôi Châu,phía tây
giáp với biển Giao Chỉ. Bờ biển dài khoảng 150 km, hiện nay có các đơn vị hành
chánh như Lôi Châu thị [Leizhou], huyện Từ Văn [Xuwen]; đảo xa phải kể đến Khốn Châu, cách bờ khoảng
60 km.
- Vùng biển phía tây phủ Quỳnh Châu
[Hải Nam] giáp với biển Giao Chỉ. Bờ biển dài khoảng 300 Km, hiện nay có các
đơn vị hành chánh như: huyện Lâm Cao [Lingao], Ðam Châu thị [Danzhou], cảng
Xương Hóa [Changjang Lizu],Tam Á thị [Sanya].
Có thể nói rằng ngoại trừ phần lãnh
hải 3 phủ nêu trên, phần còn lại là biển Giao Chỉ, bề ngang từ tây sang đông
trên 200 km. Nay xét đến đảo Bạch Long Vĩ tại tọa độ địa dư 20.08 bắc 107.44
đông, chỉ cách bờ biển Hải Phòng chưa đến 100 km, ắt phải nằm trong biển Giao
Chỉ, tức thuộc lãnh hải Việt Nam.
Hãy nhìn lại bản đồ Trung Quốc và
vùng Ðông Nam Á; từ các tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến, và phía bắc Quảng Ðông,
thủy trình ngắn nhất đến các nước Ðông Nam Á như Chiêm Thành, Chân Lạp, Trảo Oa
(8) vv… phải theo hướng nam, tức phía đông đảo Hải Nam. Nhưng trên thực tế
họ tránh quần đảo Hoàng Sa, với sự hãi
hùng như tác gỉả Lãnh Ngoại Ðại Ðáp
đã mô tả “Nghe truyền rằng biển lớn phía
đông có
Trường Sa Thạch Ðường rộng
vạn dặm, nước thủy triều thi triển đẩy vào chốn cửu u . Trước kia đã
có thuyền bị bão phía tây thổi, trôi
dạt đến biển lớn phía đông này , nghe
tiếng ba đào chấn nộ hung hãn, trong khoảng khắc gặp gió lớn thuận chiều, nên may thoát được ”; nên đã chọn một hải
trình xa hơn, hải trình này men theo hướng đông tây, luồn qua eo biển giửa phủ
Lôi Châu và Hải Nam, đến biển Giao Chỉ, rồi tiếp tục theo hướng nam đến các
nước Ðông Nam Á.
Cũng qua đoạn văn trích dẫn, thấy
được sự thiếu đứng đắn của các nhà nghiên cứu Trung Quốc khi đề cập đến yếu tố
lịch sử của quần đảo Hoàng Sa. Họ thường nêu tên tác phẩm Lãnh Ngoại Ðại Ðáp của Chu Khứ Phi, với Trường Sa Thạch Ðường, như
là một bằng cớ về đời Tống đã làm chủ đảo này! Nhưng họ không dám nêu trọn văn
bản, để biết rằng tác giả Chu Khứ Phi tự nhận rằng chỉ “truyền văn” [ nghe nói,
rumor] chứ không có bằng chứng ; và kẻ thực sự đến được chỗ đó chỉ là người
trên chiếc thuyền bị trôi dạt, may mà thoát được thân! Nói một cách khác, từ
đời Thanh trở về trước chỉ có một vài thuyền Trung Quốc bị gió trôi dạt, và một
ít dân nghèo làm nghề đánh cá mạo hiểm đến quần đảo Hoàng Sa mà thôi.
Như đã đề cập tại phần mở đầu, Ðông Tây Dương Khảo của Trưởng Biến
thời nhà Minh, cũng đề cập nhiều lần đến biển Giao Chỉ. Phần lớn tư liệu trong
bộ sách này thiên về thực dụng, cung cấp các tài liệu hàng hành [navigation]
cho các thuyền Trung Quốc dưới thời nhà Minh hàng hải đến các nước vùng đông
nam Á. Trương Biến cho biết trên mỗi thuyền phải có một châu sư [navigator] căn
cứ vào tài liệu nêu trên, để hướng dẫn thuyền đi đúng hải trình. Tài liệu cung
cấp 3 yếu tố căn bản, buộc các châu sư phải lưu ý:
- Phương hướng: trên thuyền có chỉ
nam châm [指南針, compass], lẽ dĩ nhiên không dùng độ như ngày nay, nhưng nếu
chịu khó tìm hiểu cũng có thể đổi [decode] ra được; ví như hướng đơn Hợi=330
độ; hướng Nhâm Tý=352.5 độ.
- Khoảng cách: không tính bằng dặm,
mà tính bằng canh; một ngày một đêm có 10 canh.
- Ðộ sâu: không tính bằng thước mà
tính bằng sải tay. Ðây cũng thiên về thực dụng, lúc thủy thủ dòng dây từ thuyền
xuống đáy biển, khi kéo dây lên dùng sải tay đo đếm dễ dàng, mỗi sải tay khoảng
1.6 m.
Nhờ tài liệu nêu trên, nên chúng ta
biết rằng thương thuyền Trung Quốc, cùng các thuyền chở sứ giả thời nhà Minh,
đến vùng đông nam Á, đều chuẩn bị khởi hành tại biển Giao Chỉ, rồi men theo bờ
biển An Nam, Chiêm Thành; có thể ghé qua một vài địa điểm thuận tiện như Thanh
Hóa, Hội An, Qui Nhơn để buôn bán, tìm nguồn cung cấp về thực phẩm và nước
ngọt. Hầu như họ chưa bao giờ ra đến cái gọi là vùng biển lưỡi bò chữ u, mà
Trung Quốc hiện nay lớn tiếng rêu rao để đòi chủ quyền! Ðặc biệt các tàu thuyền
đi xuống vùng Mã Lai, Singapore, Nam Dương hiện nay, đều ghé đất Linh Sơn thuộc
nước Chiêm Thành cũ, một địa điểm tại tỉnh Phú Yên hiện nay, để từ đó ra khỏi
mũi Ðại Lãnh gần vũng Rô. Nơi này không còn bị núi che khuất; có thể hướng chỉ nam châm thẳng đến đảo Côn Lôn, đảo
có núi cao dễ nhận biết; để từ đó lại dùng chỉ nam châm dẫn đến nước muốn đến. Mọi
chi tiết về hàng hành từ Trung Quốc đến các nước Ðông Nam Á xin hẹn trình bày
chi tiết qua bài viết khác./.
HỒ BẠCH THẢO
_______________________
Chú thích
1.Xem Triệu Ðà và nước Nam Việt, Hồ Bạch Thảo, Diễn Ðàn Forum, ngày
29/5/2009
2.Lãnh Ngoại Ðại Ðáp, quyển 1, trang 12.
3.Lãnh Ngoại Ðại Ðạp, quyển 1, trang 12-13.
4.Nước Phiên: Trung Quốc xưa chỉ các
nước thuộc vùng đông nam Á, như An Nam, Chiêm Thành, Tiêm La, Tam Phật Tề vv…
5. Người Trung Quốc xưa gọi quần đảo
Hoàng Sa của Việt Nam là Vạn Lý Trường Sa Thạch Ðường; vì tại đó có bãi cát
rộng, đảo vây biển thành ao nước có đá san hô bao quanh như thạch đường [thạch
đường có nghĩa là ao xung quanh bằng đá].
6. Nguyên văn “vĩ Lư” chỉ thủy
triều; điển lấy từ bài Thu Thủy của
Trang Tử như sau: “Thiên hạ chi thủy,mạc bất ư hải, vạn xuyên qui chi, bất tri
hà thời chỉ nhi bất doanh; vĩ lư tiết chi, bất tri hà thời dĩ nhi bất hư” ; ý
nói trong thiên hạ không đâu nhiều nước bằng biển; vạn sông chảy vào không biết
đến bao giờ thì dừng, thủy triều thi triển không biết lúc nào dứt.
7.Cửu u: nơi tối tăm mờ mịt, như đi
vào âm phủ.
8. Trảo Oa:Java.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét