Một giàn khoan của PVN đang hoạt động ở Biển Đông
Tổng Công ty Trung Quốc CNOOC tìm thấy mỏ khí lớn ở Biển Đông
Reuters dẫn tuyên bố của
Chủ tịch Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) cho biết công ty này
đã phát hiện một mỏ khí đốt lớn ở lưu vực Yinggehai (bể trầm tích sông Hồng),
thuộc phía Tây Biển Đông.
“Những gì tôi có thể báo
cáo ngày hôm nay rằng đó là một mỏ khí đốt lớn”, Chủ tịch CNOOC Wang Yilin cho
biết hôm qua (9/11) tại Đại hội Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh.
Wang cho biết kích thước
của khu mỏ đang được đánh giá bởi các cơ quan nhà nước Trung Quốc. Một mỏ dự
trữ khí đốt có ít nhất 50 tỷ m3, được coi là một phát hiện lớn.
Hai quan chức trong
ngành cho biết có thể ông Wang đề cập đến mỏ Dongfang 13-2, nơi CNOOC đã khoan
thử nghiệm vào tháng 8 với hơn 1 triệu m3 sản lượng khí đốt hàng ngày tại một
giếng duy nhất, là một trong những mỏ khí lớn nhất được phát hiện ngoài khơi
Trung Quốc.
Theo đánh giá của chuyên
gia, bể Sông Hồng, phía Tây bắc của Biển Đông (thuộc vùng biển Vịnh Bắc Bộ và
biển miền Trung của Việt Nam), là nơi giàu khí đốt nhưng không có dầu mỏ.
Trung Quốc tuyên bố chủ
quyền phi pháp gần như hầu hết Biển Đông, vùng biển mà người ta tin rằng chứa
một lượng dầu khí khổng lồ trải dài từ Trung Quốc sang Indonesia và từ Việt Nam
sang Philippines.
Cuối tháng 6/2012, CNOOC
đã mời các công ty nước ngoài đấu thầu trái phép các lô dầu khí tại vùng biển
thuộc chủ quyền của Việt Nam.
9 lô dầu khí kể trên nằm
sâu trong thềm lục địa của Việt Nam, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145
đến 156 mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã và đang tiến hành các
hoạt động dầu khí lâu nay. Đây là khu vực hoàn toàn không có tranh chấp.
Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn
Hậu ngày 27/6 đã ra tuyên bố nêu rõ: “Đây là việc làm sai trái, không có giá
trị, trái với Công ước Liên Hợp Quốc 1982 về Luật Biển và không phù hợp với thông
lệ dầu khí quốc tế. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền,
quyền tài phán và lợi ích quốc gia của Việt Nam, làm phức tạp thêm tình hình và
gây căng thẳng ở Biển Đông. PVN cực lực phản đối và yêu cầu CNOOC huỷ bỏ ngay
hoạt động mời thầu sai trái trên, nghiêm túc tuân thủ Thoả thuận về những
nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam- Trung Quốc,
tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982
(UNCLOS 1982) và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.
Về sự việc này, hôm
26/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị cũng ra tuyên bố nêu rõ:
“Việc phía Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế
và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị, xâm
phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia chính
đáng của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà
chính Trung Quốc là quốc gia thành viên, làm phức tạp tình hình và gây căng
thẳng ở Biển Đông”.
Bên cạnh việc cực lực
phản đối, Người phát ngôn Lương Thanh Nghị cũng đã yêu cầu phía “Trung Quốc hủy
bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên, không có hành động làm phức tạp tình hình
ở Biển Đông và mở rộng tranh chấp, nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận về những
nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc,
tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm
1982 và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.
Theo petrotimes
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét