Bài đăng phổ biến

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Nhà thơ Trần Đăng Khoa gặp lại mình hồi 9 tuổi

"Ngày ấy, tôi mới 9 tuổi, chiếc áo trắng này cả nhà dành dụm mãi, chỉ để mặc cho một lần lên hình trên báo Thiếu niên Tiền Phong" - nhà thơ kể lại.

Triển làm ảnh "Trẻ em thời chiến" được mở cửa vào đúng dịp khai trường (từ 7/9 đến hết ngày 14/9/2012, tại 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội), đã cho thấy tinh thần học tập, lao động hăng say của trẻ em Việt Nam trong điều kiện chiến tranh vô cùng khốc liệt.
Ngoài những bức ảnh của TTXVN, của nhiếp ảnh gia Vũ Quang Huy (bản quyền báo Thiếu niên Tiền phong), triển lãm còn trưng bày hơn 70 bức ảnh nằm trong bộ 2.000 bức được NXB Kim Đồng mua bản quyền từ truyền hình NDN (Nihon Denpa News, Nhật Bản). Các bức ảnh màu là ảnh do phóng viên truyền hình Nhật chụp, từ năm 1964 đến 1972, được giữ nguyên phần chú thích.
Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn và nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác đã từng học đàn trong hoàn cảnh thiếu thốn ở nơi sơ tán như thế này - (Ảnh: NDN, Nhật Bản)

Dù trong bom đạn, những tiếng đàn vẫn cất lên ở nơi sơ tán (Ảnh: NDN, Nhật Bản)
Qua những bức ảnh sống động và chân thực, người lớn thấy các em đã tham gia đào hào giao thông, đào hầm trú ẩn cho những lớp học của mình. Các lớp học được tổ chức dưới những căn hầm đắp đất. Ngoài việc học chính khóa, các em còn học cách tự băng bó và tổ chức cứu thương, học đan mũ rơm đội đầu, học nấu ăn, học cách tự làm bánh mì....
Hành trang đến trường của tất cả các em, ngoài sách vở còn có túi cứu thương cá nhân và mũ rơm đội đầu. Có nhóm còn mang theo cáng cứu thương. Một tiết học nhiều lần bị "băm nát" bởi tiếng còi báo động máy bay. Tại Quảng Bình, Vĩnh Linh, các em phải sống và học tập dưới địa đạo sâu hơn 10m.
"Hành trang của trẻ em thời chiến đến trường, ngoài sách vở, còn có túi cứu thương và cả những chiếc cáng bằng tre như thế này" - (Ảnh: NDN, Nhật Bản)
"Học làm bánh mì để tự lo cho cuộc sống hàng ngày" - (Ảnh: NDN, Nhật Bản)
Vào những năm khói lửa chiến tranh ấy, có một cậu bé vẫn làm thơ: "Ao trường vẫn nở hoa sen/ Bờ tre vẫn chú dế mèn vuốt dâu" - bài thơ "Gửi bạn Chi  Lê" do cậu bé Trần Đăng Khoa 10 tuổi viết. Đó là tinh thần của trẻ em Việt Nam khi đất nước bước vào năm thứ 4 của cuộc chiến tranh chống Mỹ. 
Có mặt tại triển lãm "Trẻ em thời chiến", chứng kiến những bức ảnh của mình được nghệ sĩ Vũ Quang Huy chụp cách đây hơn 40 năm, nhà thơ bùi ngùi nhớ lại những tháng ngày mùa đông rét mướt, khi đó chỉ mặc một ít áo mỏng, đi chân trần. Mẹ của ông năm đó hơn 50 tuổi, nhưng rất khắc khổ, bên cạnh là em gái nhà thơ - cô  Trần Thị Thuý Giang.
Bộ ảnh nhiếp ảnh gia Vũ Quang Huy chụp nhà thơ Trần Đăng Khoa
Bức ảnh phía tay phải, góc trên cùng, được chụp năm nhà thơ khoảng 9 tuổi, mặc chiếc áo trắng tinh khôi bên cạnh bạn bè. Chiếc áo trắng cực kì hiếm hoi và duy nhất, do cả nhà dành dụm mãi để cậu bé Trần Đăng Khoa có một hình ảnh đẹp trên báo Thiếu niên Tiền phong.
Bức ảnh phía góc trái chụp nhà thơ bên cạnh tủ sách đã mọt được "kế thừa" từ anh trai - nhà thơ Trần Nhuận Minh, khi đó đang làm giáo viên. Trần Đăng Khoa kể, anh trai của ông còn có một tủ sách lớn hơn, rất nhiều sách hay, đó mới là nơi ông thường xuyên kiếm tìm sách đọc.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể lại câu chuyện thời niên thiếu, bên cạnh những bức ảnh lịch sử
Ngắm nhìn những bức ảnh của mình và bè bạn năm nào, Trần Đăng Khoa xúc động: "Nhiếp ảnh là nghệ thuật của khoảnh khắc. Và với nghệ sĩ có tài, khoảnh khắc ấy sẽ thành vĩnh cửu. Cùng với sự bất tử của nó là một thời đại rất đẹp. Xin cảm ơn các nghệ sĩ đã kịp lưu giữ lại những vẻ đẹp không bao giờ phai nhòa. Tôi được trở lại được sống lại một thời đẹp nhất của cuộc đời mình" 
Trả lời phỏng vấn của phóng viên VietNamNet, ông Misao Ishigaki, chủ tịch hiện tại của hãng truyền hình NDN (Nihon Denpa News, Nhật Bản) - nơi nắm giữ bản quyền gốc của hơn 70 bức ảnh trong triển lãm - cho biết: "Trẻ em luôn phải chịu đựng nhiều thiệt thòi khi đất nước có chiến tranh. Thời kì chiến tranh tại Nhật Bản, trẻ em Nhật còn được đi theo cha mẹ, nhưng trẻ em Việt Nam thì phải xa cha mẹ đi sơ tán. Như vậy, trẻ em Việt Nam ít được bảo vệ hơn. Các em đã rất dũng cảm."
"Các lớp năng khiếu hội họa vẫn được mở dưới tiếng bom rền" - (Ảnh: NDN, Nhật Bản)


"Nữ sinh trường múa với bữa cơm đạm bạc" - (Ảnh: NDN, Nhật Bản)
"Những hầm cá nhân được đào khắp nơi để có thể trú ẩn bất cứ lúc nào có báo động" - (Ảnh: NDN, Nhật Bản)
Hoa Xuân Tứ (Nghệ An) mất đôi tay từ nhỏ sau một tai nạn. Không đầu hàng số phận, cậu lao vào tập viết bằng chân và trở thành học sinh giỏi. Cậu làm được mọi việc, từ bắt cá đến bơi lội. Hoa Xuân Tứ đặc biệt ham mê thể thao, là một rong sáu thiếu nhi được đi dự Đại hội Anh hùng năm 1966 và đã được Bác Hồ tặng thưởng huy hiệu - Ảnh: Vũ Quang Huy
Tại thôn Nguyên My, xã Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định cũng có một cậu bé bị liệt hai tay từ nhỏ tên là Nguyễn Ngọc Ký. Đôi chân đã trở thành "đôi tay" thần kỳ của cậu. Học giỏi, làm thơ hay, sau ngày Nguyễn Ngọc Ký đã tốt nghiệp khoa Văn trường ĐH Tổng hợp, trở thành giáo viên văn dạy cho hàng ngàn học trò ở quê nhà - Ảnh: Vũ Quang Huy
"Giúp gia đình tăng gia sản xuất sau giờ học" - (Ảnh: NDN, Nhật Bản)
Giáo viên và học sinh trường Cấp II Hoa Lộc, Thanh Hóa, đào giao thông hào và đắt lũy đất xung quanh lớp học - Ảnh: Trần Sơn - TTXVN
"Chăm chỉ học hành dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu, là phẩm chất đáng quý của các em học sinh thời chiến" - (Ảnh: NDN, Nhật Bản)
Các hội viên Chữ thập đỏ thực tập cấp cứu phòng không - Ảnh: Hồng Lựu - TTXVN
"Tự đan mũ rơm sau giờ học"
Học sinh trường cấp I Minh Phương (Việt Trì) hướng dẫn nhau đội mũ rơm đúng cách - Ảnh: Minh Đạo - TTXVN
Hồ Hương Giang
Ảnh: Angellittlefire

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét