Tuấn Dũng
Tại phiên thảo luận về công tác
phòng, chống tham nhũng chiều 1/11, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương
(TP.HCM) đã có một đề xuất khiến nhiều người chú ý: trong năm 2013 và
các năm tiếp theo, nên mở cuộc vận động cao điểm về tuyên truyền, giáo
dục cho cán bộ, công chức tiết chế lòng tham: “Hãy dùng con mắt lương
tâm của mình xem mình làm giàu bất hợp pháp đến mức nào, gây thiệt hại
gì cho dân cho nước”.
Đại biểu Đương cũng đề xuất mở cuộc vận động từ chức, trước hết là với các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh
trong các lĩnh vực để xảy ra bê bối, thất thoát, lãng phí nghiêm trọng.
Theo ông Đương, nếu phấn đấu chức quyền là một việc khó, giữ được chức
quyền còn khó hơn, thì “dám từ bỏ chức vụ thực sự là anh hùng, vì có lợi
cho dân cho nước”.
Không hiểu đề xuất của vị đại biểu Quốc hội nguyên là Phó
viện trưởng Viện khoa học kiểm sát, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao có ẩn
ý gì không, nhưng ý tưởng của ông không khác là bao so với “ý tưởng” mà
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng từng kêu gọi dạo nào: nộp phí phương tiện
cá nhân là thể hiện lòng yêu nước! Ở góc độ nào đó, còn có thể thấy đề
xuất của ông Đương chẳng khác nào một sự năn nỉ, van nài. Mà sự năn nỉ,
van nài nào đó thường chỉ diễn ra khi người ta đã cảm thấy bất lực. Người ta có thể năn nỉ, van nài ai đó, chứ đối với những kẻ tham nhũng thì chỉ có trẻ con mới tin rằng chúng có “con mắt lương tâm”. Bởi nếu những kẻ tham nhũng có “con mắt lương tâm”, có lẽ Hội nghị Trung ương 4 đã chẳng phải ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó nhấn mạnh vấn đề kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Nếu có “con mắt lương tâm”, có lẽ “một bộ phận không nhỏ” kia cũng đã chẳng chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, cơ hội, thực dụng, sống xa hoa, phè phỡn trên nỗi thống khổ của người dân. Nếu những kẻ tham nhũng có “con mắt lương tâm”, thì Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã chẳng phải thốt lên rằng, trước đây chỉ có một con sâu, nay thì nhiều sâu lắm!
Bởi thế mà kêu gọi những kẻ tham nhũng dùng “con mắt lương tâm” để xem mình “làm giàu bất hợp pháp đến mức nào, gây thiệt hại gì cho dân cho nước” là một sự hão huyền đến mức khôi hài. Việc cần làm, phải làm và làm quyết liệt thật sự bây giờ là phải tìm cho ra “bầy sâu” để mà diệt, thay vì kêu gọi, vận động chúng thôi đục khoét, gặm nhấm tiền bạc, mồ hôi công sức của nhân dân, đất nước.
Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Trần Đình Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh cũng đã phải thốt lên: “Nghị quyết của Đảng nói rằng tham nhũng đang thách thức sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước. Tôi muốn nói thêm là tham nhũng cũng đang thách thức Quốc hội, nguy hiểm hơn là thách thức sự kiên nhẫn, sự chịu đựng của nhân dân”.
Theo ông Nhã, muốn chống tham nhũng phải thay đổi cách đánh và người đánh. Về cách đánh, phải xem tham nhũng như tội xâm phạm an ninh quốc gia. Điều tra một kẻ nội gián, một kẻ khủng bố như thế nào thì cũng phải được phép áp dụng như vậy để điều tra chống tham nhũng. Cùng với việc lập Ban chỉ đạo TƯ do Tổng bí thư đứng đầu, đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội lập cơ quan độc lập chuyên trách điều tra tội phạm tham nhũng.
Đề xuất rõ ràng, cụ thể như trên nếu được thực thi may ra mới ngăn chặn được nạn tham nhũng đang hoành hành, gây nhức nhối tâm can của nhân dân, cản trở sự phát triển của đất nước. Chứ cứ vận động và kêu gọi suông thì phỏng có ích gì.
Con người ai cũng có lòng tham, nhưng không phải ai, lúc nào và ở đâu cũng thể hiện lòng tham ấy. Bởi những người có liêm sỉ, có đạo đức, hiểu được lẽ phải, đạo lý, hay như cách nói của đại biểu Đỗ Văn Đương là có “con mắt lương tâm”, sẽ luôn chiến thắng được bản thân.
Còn ngược lại, những hạng tiểu nhân, vô đạo đức, thiếu giáo dục ắt sẽ thể hiện lòng tham vô đáy bất cứ khi nào có thể. Bởi vậy mà không thể kêu gọi, vận động ai đó “tiết chế lòng tham” được. Điều cần hơn hết, quan trọng hơn hết là phải tạo ra những “vòng kim cô” để không một ai có thể tham, không một ai dám tham, dù có điều kiện, cơ hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét