Mấy lời phi lộ “Chấn hưng dân trí”
Vũ Cao Đàm
Các anh Nguyễn Trung và Nguyễn Huệ Chi khởi xướng lập chuyên mục “Chấn hưng dân trí” trên trang Bauxite Việt Namvà giao tôi góp mấy lời phi lộ.
Tôi vui vẻ nhận lời, vì thấy việc Bauxite Việt Nam cho ra chuyên mục này thực sự thêm một lần khẳng định ý thức xây dựng của trang báo đại diện tiếng nói của cộng đồng trí thức Việt Nam, quốc nội và hải ngoại, đang ngày ngày nóng lòng vì sự phục hưng Tổ quốc.
Tôi nói phục hưng Tổ quốc của chúng ta với tất cả sự đắn đo, thận trọng và mang đầy tinh thần trách nhiệm. Chúng ta có thể vào mạng bất cứ lúc nào, gõ những từ “nhạy cảm”, như lưu manh, trộm cắp, cướp của, con giết cha, ông hiếp cháu, trò chém thầy, công chức thuê côn đồ đâm chém đồng liêu, ... Trời ơi, những sự kiện đau lòng ấy hiện ra nhan nhản, khiến tim ta đau nhói.
Chúng ta chưa nói đến, những sự kiện bận lòng khác, đáng ra Chính quyền là nơi dân chúng nương tựa, thì nay bị dân chúng quay lưng lại, vì dân chúng không coi họ là của Dân và vì Dân nữa, mà vì quyền lực những “nhóm lợi ích” nào đấy, một cách gọi tế nhị thay cho những thứ đáng ra phải được gọi bằng những tên gọi đúng của nó, là “băng đảng”, là “ma-phia” đang bán rẻ đất, rừng, biển, tài nguyên... và những tài sản tinh thần vô giá của dân tộc, đang phá nát mọi gia phong của các dòng họ, và tệ hơn, là đang lát những con đường vàng rước quân xâm lăng giày xéo mồ mả cha ông.
Nói ra những sự thật ấy mà lòng ta vô hạn xót xa.
Không, dân tộc này không thể chết. Dân tộc này chắc chắn phải trường tồn.
Dân tộc này không thể chết, phải trường tồn, vì nó đã từng bị bức tử suốt mấy ngàn năm bởi một kẻ thù truyền kiếp. Nó đã quật cường, và đang trỗi dậy và đang chứng minh sức sống bất diệt của mình.
Viết đến đây, tôi sực nhớ đến người chí sỹ Phan Châu Trinh, một nhà cách mạng thời Việt Nam cận đại. Mang nặng trong lòng tinh thần "Tự lực khai hóa" và tư tưởng dân quyền, Phan Châu Trinh cùng với các nhà cách mạng khác, như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đi khắp Quảng Nam và các vùng lân cận để vận động công cuộc duy tân đất nước. Khẩu hiệu của phong trào lúc bấy giờ là “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” với tinh thần đấu tranh bất bạo động trước mọi thế lực cường quyền.
Hơn lúc nào hết, giờ đây chúng ta ôn lại và cổ xúy tư tưởng bất hủ này của Phan Châu Trinh là một việc làm vô cùng có ý nghĩa trước một nền văn hóa đang tụt dốc, nếu không muốn nói quá một chút, là nó đang tiến dần tới bờ vực của sự suy tàn.
Nói về “Chấn hưng dân trí”, chúng ta đang sưởi lại hơi ấm những tư tưởng sáng ngời của người chí sỹ Phan Châu Trinh.
Chấn hưng dân trí, trước hết để dân trí mở mang, để Trí của Dân ý thức được Dân là Ai, và Dân được quyền Trí cái gì.
Đơn giản chỉ có Trí của Dân, nhưng là một sự nghiệp đầy gian nan. Nhà Chí sỹ Phan Châu Trinh đã dành cả cuộc đời, nhưng đã không thành tựu, và ông đã gửi gắm lại nơi chúng ta, lớp con cháu hậu duệ của ông.
Tôi viết những dòng này, như để nhắn nhủ mình, hãy tiếp nối con đường mà Phan Châu Trinh đã bắt đầu phát quang, để hé lộ một tia le lói, như một đốm lửa đang làm bừng lên những ánh đuốc soi tỏ con đường chúng ta di.
Và xin mở đầu mục “Chấn hưng dân trí” trên BVN bằng bài viết tâm huyết của GS Nguyễn Ngọc Lanh đi vào vấn đề có thể nói là nòng cốt của chuyên mục: lý giải cách hiểu thước đo dân trí, và từ đó gợi ý những biện pháp nâng cao dân trí thế nào cho thực chất.
Hà Nội, Tháng Mười 2014.
|