Bài đăng phổ biến

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

TỪ CHỐI

  Lớn | Vừa | Nhỏ  
Từ chối bạn, chào đón kẻ thù
  
Gs Nguyễn Văn Tuấn/ FB Nguyên Tuân
Có lẽ các bạn đã biết kí giả Bill Hayton vừa mới xuất bản một cuốn  sách có tựa đề là "The South China Sea: The Struggle for Power in Asia"  (Biển Đông: Cuộc Đấu Tranh Quyền Lực ở Á Châu). Tôi chưa đọc cuốn sách  (và chắc cũng không có thì giờ đọc trong tương lai gần) nhưng có nhận  bài điểm sách của David Brown đăng trên Asia Sentinel (1). Đọc bài điểm  sách này, tôi thấy sách có lẽ là nguồn thông tin tốt cho những ai còn  quan tâm đến chủ quyền biển đảo và sự đe doạ của Tàu cộng đối với Việt  Nam. Nhưng câu chuyện về mối liên hệ giữa cá nhân của tác giả với Chính  phủ VN cũng thú vị.

Trong sách, Bill Hayton chứng minh rằng  những yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông của Tàu cộng dựa trên chứng cứ  lịch sử là rác rưởi. Ông chỉ ra rằng những chứng cứ đó không thể nào  đứng vững khi xem xét đến các văn chứng của triều Nguyễn của Việt Nam.  Từ 1750, triều Nguyễn đã điều các đội hải quân ra trấn giữ hai quần đảo  Hoàng Sa và Trường Sa. Đội quân triều Nguyễn còn có chức năng cứu vớt  thuyền bị nạn, và mỗi chuyến hải hành, họ ghi lại trong sử sách rất cẩn  thận. 

Thật ra, những cái gọi là chứng cứ lịch sử của Tàu cộng về  chủ quyền Biển Đông thì những học giả nghiêm chỉnh đều bác bỏ và chẳng  xem ra gì. Nhưng bác bỏ những chứng cứ đó một cách có hệ thống, có khoa  học, và ghi thành một cuốn sách như Bill Hayton đã làm là một công lớn.  Một số học giả VN ở trong nước suốt ngày này sang tháng nọ nói về chủ  quyền, về văn bản triều Nguyễn, về "chứng cứ không thể chối cãi", nhưng  chưa có ai hệ thống hoá chứng cứ thành một cuốn sách viết bằng tiếng  Anh. Nói như thế để thấy cái công của Hayton là đáng kể. 

Ấy thế  mà Việt Nam ngày nay ngưng "lải nhải" (chữ của bài điểm sách) về chủ  quyền mang tính lịch sử của mình!  Thay vào đó, Việt Nam cầu khẩn thế  giới tuân thủ theo luật biển UNCLOS (1994). Thái độ đó gián tiếp nói  rằng Việt Nam công nhận chủ quyền của Tàu cộng trên những quần đảo họ đã  đánh chiếm bằng vũ lực từ VN. Còn Tàu cộng thì họ biết các yêu sách và  chứng cứ của họ yếu, nên họ dùng vũ lực và tẩy não. Họ tẩy não người Tàu rằng chủ quyền của Tàu cộng ở Biển Đông là không thể chối cãi, rằng các nước nhỏ như Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai đang chiếm biển đảo của  Tàu! 

Nhưng đoạn tái bút của bài điểm sách mới là thú vị vì liên  quan đến cá nhân tác giả. Bill Hayton là phóng viên của đài BBC và từng  công tác ở Việt Nam trong thời gian 2007-2008. Dù Bill Hayton có quan  điểm và phát biểu có lợi cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh duy trì chủ  quyền biển đảo, nhưng ông không được Việt Nam chào đón. Thật ra, Chính  phủ Việt Nam cấm không cho ông vào Việt Nam! Năm 2012, Hayton xin visa  để vào VN dự hội nghị về biển đảo do Bộ Ngoại giao VN tổ chức, nhưng đơn của ông bị bác. Vài tháng sau, ông lại đệ đơn xin visa vào VN để phỏng  vấn các quan chức cho cuốn sách này, và một lần nữa, Chính phủ VN không  cho ông vào.  Hệ quả là ông không có nhiều chất liệu để viết về VN trong cuộc đấu tranh chủ quyền về biển đảo. Do đó, phần liên quan đến Việt  Nam trong cuốn sách này tương đối "mỏng" so với các phần khác.

Phải nói thái độ của Chính phủ VN thật khó hiểu. Theo suy nghĩ bình  thường, trong khi các học giả VN chưa viết được hay chưa đủ khả năng  viết được một cuốn sách như Bill Hayton, thì đáng lẽ phải chào đón một  người có quan điểm "gần" VN như Bill Hayton đến VN, hay ít ra là cung  cấp dữ liệu cho ông ấy. Nhưng suy nghĩ bình thường đó có lẽ không ăn  khớp với suy nghĩ của Nhà nước. Nghe nói trong thời gian làm kí giả ở  VN, Hayton đã có những bài làm cho Chính phủ VN không hài lòng. Nhưng  tôi nghĩ việc nào ra việc đó, có thể những bài đó không hợp gu với Chính phủ, nhưng về Biển Đông thì nên sử dụng mọi quan điểm và dữ liệu từ mọi nguồn để đem lại lợi ích cho chủ quyền quốc gia. 

Nếu Chính phủ  VN chào đón các học giả Tàu vào VN tham dự hội nghị (và đó là quyết định hoàn toàn đúng) thì VN chẳng có lí do gì để từ chối không cho người bạn như như Bill Hayton vào VN. 

===
Sách "The South China Sea: The Struggle for Power in Asia", xuất bản bởi Yale University Press, dày 320 trang, giá bán 28 USD.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét