NGHỊCH LÝ NHÂN SỰ
* NGUYỄN THỊ TỪ HUY
Đánh giá về năng lực của đảng viên, đặc biệt là của các đảng viên đứng ở cương vị quản lý các cấp, hiện nay có hai luồng ý kiến khác nhau, khác đến mức đối lập nhau. Không cần phải so sánh các tin tức trên hai luồng báo chí đối lập (lề phải/lề trái) để có nhận xét này. Chỉ cần đọc báo chính thống cũng thấy được sự mâu thuẫn trong đánh giá về năng lực lãnh đạo và quản lý của hệ thống cán bộ.
Mặt khác, không ít người nhìn các đảng viên như là các tội phạm lịch sử đã đẩy dân tộc vào những thảm cảnh : nghèo đói, lạc hậu, giáo dục băng hoại, văn hóa suy đồi, tài nguyên kiệt quệ, đất nước lệ thuộc vào Trung Quốc. Nghĩa là xét về năng lực lãnh đạo và quản lý họ là những người rất kém cỏi. Kém cỏi thì mới để xảy ra tình trạng như vậy.
Tại sao cùng một đối tượng mà lại nhận được những đánh giá trái ngược đến như vậy ?
Ai trả lời được câu hỏi này ?
Khi bắt đầu viết blog này tôi đã tự nhủ mình rằng đây sẽ là không gian của các câu hỏi, rằng tôi sẽ đảm nhận cái vai trò của người đặt câu hỏi. Và hy vọng sẽ nhận được câu trả lời từ trí tuệ của mọi người, trong đó hy vọng lớn nhất đặt vào các bạn sinh viên, những người mà trong bối cảnh của nền giáo dục hiện nay chỉ được dạy cho cách học thuộc lòng, bị bắt phải học thuộc lòng, chứ không được dạy cho cách đặt câu hỏi, và cách tự tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi, tức là tự tìm kiếm cách giải quyết các vấn đề của cuộc sống thực tế.
Trở lại với câu hỏi trên đây và hai luồng ý kiến đối nghịch trên đây, bản thân tôi dĩ nhiên chẳng thể nào có được câu trả lời đầy đủ.
Ở đây, xin nhắc lại, tôi chỉ tập trung vào một điểm : ý kiến đánh giá về năng lực quản lý và lãnh đạo của đảng, mà đảng thì không trừu tượng, trái lại đảng hiện thân trong các thành viên của đảng, nghĩa là nói đến đảng là nói đến các đảng viên.
Và tôi giới hạn vấn đề vào một điểm nhỏ hơn nữa : LỰA CHỌN người để kết nạp đảng viên và để đặt vào vị trí quản lý. Về thời gian, chỉ xét từ thời điểm Việt Nam bắt đầu xây dựng và phát triển đất nước một cách độc lập, tức là từ sau 1975 ; bởi vì chính từ thời kỳ này mới có thể đánh giá năng lực quản lý và lãnh đạo công cuộc tái thiết và phát triển quốc gia trong hòa bình, về mọi mặt : kinh tế, giáo dục, văn hóa, khoa học…, nghĩa là bài này không đề cập đến thời kỳ chiến tranh.
Đảng viên cho rằng những người được lựa chọn là những người xuất sắc, có nghĩa là bản thân họ là những người xuất sắc. Trái lại, nhận định của một bộ phận xã hội cho rằng những người được đảng lựa chọn là kém năng lực. Nhận định này dựa trên tình trạng bê bối và băng hoại toàn diện của xã hội Việt Nam hiện nay.
Ta thử xét từ góc độ nhìn nhận của những người đảng viên.
Để công bằng thì phải nói rằng, trước khi việc bổ nhiệm nhân sự được tiến hành theo cách thức mua bán như hiện nay, tiêu chí lựa chọn của đảng quả là từng dựa trên năng lực, đảng đã muốn chọn những người xuất sắc, dĩ nhiên là xuất sắc theo thang đánh giá của đảng, trong đó có điều kiện về lý lịch và nhân thân. Lấy ví dụ về trường hợp kết nạp sinh viên vào đảng : người ta không chọn sinh viên kém để cho vào đảng. Để được vào đảng sinh viên phải thuộc diện xuất sắc, và theo tiêu chí hiện hành thì đó là những sinh viên được điểm cao, có hạnh kiểm tốt. Tuy nhiên điểm của sinh viên lại tùy thuộc vào cách dạy, cách ra đề và cách đánh giá bài thi của giáo viên. Do vậy, trên thực tế, giữa một sinh viên đạt điểm cao và một sinh viên đạt điểm trung bình, khó biết được trên thực tế ai giỏi hơn ai. Với cách đánh giá kiểu bộ đề, bài văn mẫu, hiện nay, thì phẩm chất được đánh giá cao là trí nhớ tốt, khả năng học thuộc lòng, chứ không phải sự thông minh, sáng tạo và năng lực tư duy độc lập. Tuy vậy, không loại trừ việc những sinh viên đạt điểm cao là những sinh viên giỏi thực sự.
Và tiêu chí hạnh kiểm tốt ở trường học chúng ta đồng nghĩa với khả năng vâng lời, ở trình độ sinh viên thì đó là khả năng trung thành với lý tưởng của đảng. Các phẩm chất được dạy ở trường: yêu tổ quốc, yêu đồng bào, khiêm tốn, thật thà, dũng cảm (tất cả mọi học sinh đều phải học thuộc lòng, vì năm điều này được dán trong mọi trường học), trên thực tế bị xếp ở dưới cái yêu cầu phải trung thành với đường lối và nghị quyết của đảng. Càng về sau, yêu cầu trung thành với đảng càng trở thành tiêu chí thiết yếu trong việc lựa chọn cán bộ cho bộ máy nhà nước.
Trên thực tế, đảng cũng đã chọn được những người có năng lực, và có đạo đức. Bởi như đã nói, đảng không phải là cái gì trừu tượng, mà là từng đảng viên cụ thể, ở những vị trí cụ thể, và ở những địa phương cụ thể. Những con người cụ thể đó vẫn có thể có những cách làm việc, ứng xử riêng của mình, cho dù hiện nay bộ máy gần như muốn đồng hóa tất cả.
Hãy nhìn trường hợp Bí thư Hội An, ông Nguyễn Sự. Người đàn ông gầy gò đi một chiếc xe máy cũ tàng. Ông là người đã giữ linh hồn cho Hội An. Theo một cách khác, cũng có thể nói ông là người mang lại linh hồn cho Hội An, đã biến Hội An thành một thành phố được du khách yêu thích bậc nhất ở Việt Nam, vì đến Hội An họ nhìn thấy lịch sử, quá khứ, nhìn thấy các giá trị tinh thần. Lịch sử, quá khứ, bản sắc, các giá trị tinh thần là những thứ mà các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn đang mất dần. Sự biến dạng của chùa Trăm Gian là nỗi đau của người Hà Nội. Và Thương xá Tax đang là nỗi đau của người Sài Gòn. Phá hết, hủy hoại hết như vậy thì làm gì còn lịch sử !!! Một dân tộc sẽ như thế nào nếu không có ký ức lịch sử ? Ông Nguyễn Sự không chỉ làm cho Hội An trở thành điểm du lịch yêu thích, ông đã giữ lại ký ức lịch sử cho không chỉ người Việt Nam . Du khách Nhật, du khách Trung Quốc, du khách Pháp đến Hội An đều có thể tìm lại hình ảnh tiền nhân của mình qua các dấu tích để lại ở thành phố nhỏ bé này, nó nhỏ đến mức gây cảm giác luyến tiếc cho những người dạo phố. Đó là cảm giác mà tôi đã có khi đến Hội An. Tôi đã ước gì Hội An rộng hơn, lớn hơn, có nhiều phố xá hơn, để có thể bù đắp thêm phần nào cho sự xuống cấp về tinh thần và văn hóa của đa số các thành phố khác trên đất nước này.
Tuy nhiên, chính ở điểm này mà ta có thể đặt vấn đề ngược lại. Có thể vì Hội An nhỏ như thế nên ông Nguyễn Sự mới giữ được nó như thế. Ở một thành phố lớn, nơi có nhiều quyền lực kinh tế xâu xé lẫn nhau, ông Nguyễn Sự có làm được điều mà ông đã và đang làm cho Hội An ?
Trường hợp Bí thư Hội An cho thấy rằng không phải toàn bộ đảng viên hay toàn bộ những người đang làm việc cho bộ máy đảng đều là những người thiếu năng lực quản lý hay thiếu đạo đức. Trong bộ máy vẫn còn có những người làm việc cho các giá trị chung của cộng đồng, và có đủ khả năng để làm việc đó. Nhưng những người như thế rất hiếm hoi. [Mở ngoặc để nêu một câu hỏi : tại sao, điều gì trong thể chế này không tạo điều kiện để có nhiều người như thế, trái lại khiến cho họ rơi vào tình trạng hiếm hoi, đơn độc, và ngày càng hiếm hoi hơn ? Câu hỏi này sẽ dẫn tới câu hỏi khác (mà câu trả lời không phải là mục đích của bài này) : một thể chế chính trị như thế nào thì khuyến khích được những người như ông Sự phát triển và tạo điều kiện cho họ xuất hiện phổ biến trong xã hội ?]
Nói về trường hợp ông Nguyễn Sự để tự nhắc nhở rằng : cần phải chống lại cỗ máy phi nhân của cơ chế độc đảng hiện hành, nhưng sẽ sai lầm nếu chống lại con người. Nếu một số lãnh đạo trong các cơ chế độc tài có thể từ bỏ lợi ích của mình (trường hợp gần đây nhất là Then Sen, hiện là đương kim tổng thống Miến Điện) là bởi họ có khả năng nhận ra tính phi nhân của bộ máy đang mang lại lợi ích cho riêng cá nhân họ nhưng lại làm hại cho cộng đồng của họ. Và họ nhận ra được điều đó nhờ phần nhân tính ở trong họ, vì họ là con người, và cái phần con người đó khiến họ có đủ lý trí và sức mạnh để tách ra khỏi bộ máy.
Câu hỏi là : trường hợp ông Nguyễn Sự rất hiếm hoi, vậy có nghĩa là việc ông được lựa chọn không đại diện cho cách lựa chọn người để kết nạp đảng viên và bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo các cấp ?
N.T.T.H/ Blog RFA/TTHN
Cám ơn chủ top
Trả lờiXóaTìm hiểu: nam khoa