Bài đăng phổ biến

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

CHỈ MỘT TỪ DÂN

Chỉ một từ: DÂN

“Không có nhân dân thì đất nước không thể còn, chủ quyền không thể lập. Nhân dân còn thì nước còn. Mất lòng dân thì mất nước…Dân quyền được đề cao thì nhân dân được tôn trọng và nước cũng mạnh…” (Phan Bội Châu)
"Giữ nước chính là giữ dân vậy. Muốn giữ dân, một chính quyền phải thực sự vì dân". 
LTS: Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9, Tuần Việt Nam gặp gỡ và phỏng vấn GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định tư liệu triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”.  
Cách kỷ niệm ý nghĩa nhất 
- Xin bắt đầu bằng một câu hỏi ngược dòng lịch sử. Như nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra, đất nước ta mang một vận mệnh khắc nghiệt khi luôn phải gồng mình chống lại các thế lực ngoại xâm mạnh hơn nhiều lần để có thể tồn tại, độc lập. Vậy theo ông, đâu là yếu tố tiên quyết, xuyên suốt làm nên những chiến thắng của dân tộc? 
- Có thể tóm lại trong một từ “DÂN”. Dân tin, dân theo thì thành công; dân không tin, dân không theo thì thất bại. Bài học của tất cả các cuộc chống ngoại xâm thất bại trong lịch sử Việt Nam là ở chỗ người tổ chức kháng chiến đã không huy động được sự đóng góp của dân.  
Hồ Quý Ly là một người anh hùng, tài ba, lỗi lạc, nhà cải cách lớn. Nguyễn Trãi từng nói về ông “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật/ Anh hùng di hận kỷ thiên niên”. Song cũng chính Nguyễn Trãi đã chỉ ra cái yếu cốt tủy của nhà Hồ là “chính sự phiền hà, để trong nước lòng dân oán hận”. Khi đứng trước cuộc chiến tranh xâm lược đại quy mô của quân Minh mà quân đội nhà Hồ “trăm vạn người trăm vạn lòng” thì dù có trăm tay nghìn mắt, dù có tả xung hữu đột trên các phòng tuyến kiên cố, Hồ Quý Ly cũng không còn cách có thể nào ngăn cản nổi các cuộc tấn công ào ạt của quân Minh. Thất bại của cuộc kháng chiến của nhà Hồ là điều không tránh khỏi.  



 Dân Văn Giang, dân Vụ Bản, dân Dương Nội chống 
cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình

Mọi chiến thắng huy hoàng của Việt Nam trước giặc ngoại xâm hung ác đều là cuộc chiến tranh nhân dân. Chiến tranh nhân dân là tinh hoa của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Vì sao? Vì các cuộc chiến tranh của chúng ta tổ chức đều là chiến tranh vệ quốc, mà kẻ thù xâm lược nước ta thường đều là các đại đế chế hùng mạnh nhất thế giới đương thời, chúng ta luôn phải “lấy yếu thắng mạnh”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy đại nghĩa thắng hung tàn/ lấy chí nhân thay cường bạo”, trong điều kiện như thế, người lãnh đạo kháng chiến không thể không đặt cược thành công ở sự đóng góp của toàn dân.  
Giữ nước chính là giữ dân vậy. Muốn giữ dân, một chính quyền phải thực sự vì dân. 
- Là người nghiên cứu sử, lại từng sống qua các cuộc chiến tranh của dân tộc, ông cảm nhận ra sao về những bước đi suốt 70 năm qua của đất nước?
- Đây là dịp để nhìn nhận lại chặng đường 70 năm, những gì làm được, những gì chưa làm xong, để có thể tính tiếp con đường phát triển trong tương lai. Theo tôi, đó là cách kỷ niệm ý nghĩa nhất. 
Có thể nói Cách mạng tháng Tám là một bước thay đổi hoàn toàn, từ chế độ phong kiến thực dân chuyển sang chế độ dân chủ nhân dân. Sau Cách mạng tháng Tám, chỉ một thời gian rất ngắn, trong hoàn cảnh tròng trành giữa bão tố, chúng ta đã tập trung để xây dựng một nhà nước mới, thể chế mới trở thành nền tảng ban đầu cho toàn bộ quá trình phát triển cho đến ngày nay.   
Tiếp đến là thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp, 20 năm kháng chiến chống Mỹ… đều là những trang sử rất hào hùng.
Rồi thời kỳ phe XHCN đi vào khủng hoảng, tan rã, chúng ta ở vào một hoàn cảnh còn khó hơn các nước, vì vừa từ chiến tranh đi ra. Trong điều kiện thiếu thốn những cái sơ đẳng, đói đến “vàng mắt”, chúng ta đã tiến hành Đổi mới, và cuộc sống hồi sinh nhanh chóng. Với nông nghiệp, chỉ mấy năm sau chúng ta đủ ăn, tiếp đến có dư để xuất khẩu, thậm chí xuất khẩu gạo đứng thứ nhất, thứ nhì thế giới. 
Nhìn cả lại cả một quá trình một cách tổng thể như vậy, rõ ràng chúng ta đã có những bước tiến mà trước đây chưa bao giờ nghĩ tới.  
Đạo đức lớn nhất là chấp hành nghiêm luật pháp
- Những thành quả đó là không thể phủ nhận. Song, mặt khác, Việt Nam độc lập đã 70 năm, hòa bình đã 40 năm, cùng một quãng thời gian như vậy, thế giới đã có những bước tiến dài. Đổi mới tạo ra bước ngoặt kỳ diệu, nhưng sau đó dường như chúng ta lại bỏ lỡ không ít cơ hội để phát huy hết tiềm năng những thành quả. Theo ông đâu là nguyên nhân căn cốt?
- Chúng ta thường ca ngợi Việt Nam là một xã hội rất hài hòa giữa lý và tình. Trong xã hội truyền thống, điều này hay thật, quý thật. Nhưng bước sang xã hội hiện đại, tôi e rằng đó chính là vật cản lớn nhất của chúng ta trên con đường phát triển. 
Một Nhà nước do dân, vì dân, đặt yêu cầu phát triển lên hàng đầu không thể không đề cao vai trò của pháp luật, thượng tôn pháp luật. Nghĩa là tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và đó mới là dân chủ, bình đẳng, chứ không thể vì tôi là con “ông to”, cái gì tôi cũng phải được ưu tiên.  
Chúng ta đề ra khẩu hiệu “sống và làm việc theo pháp luật” nhưng theo quan sát của tôi, không nhiều người thực hiện được, ai cũng muốn tìm ra sự hợp lý, ưu tiên cho mình, cho quyền lợi cá nhân, phe nhóm của mình.  
Thí dụ, chỉ từ chuyện nhỏ như tham gia giao thông, ai cũng muốn vượt, muốn chen ngang thì có nghĩa là chúng ta đang tự ngáng cản mình, đang tự kéo chúng ta lại. 
Cả hệ thống phải hiệu quả hóa từ khâu làm luật cho đến thi hành pháp luật, từ cấp cao nhất cho đến từng người dân thường, làm thế nào để mọi người thực sự nghiêm chỉnh chấp hành theo luật pháp và pháp luật của Nhà nước. 
- Một xã hội “pháp trị” liệu có mâu thuẫn với một xã hội “đức trị”?
- Tôi đi một số nước, quan sát chỉ vài hành động nhỏ cũng thấy sự chấp hành pháp luật ra sao. Chẳng hạn người hút thuốc lá mà không đúng vị trí quy định, lại vứt tàn thuốc bừa bãi thì sẽ bị phạt nặng. Nhưng cái phạt đó không đau bằng những người chứng kiến sẽ nhìn anh ta bằng con mắt khinh thường, xem anh ta như là cá thể lạc lõng trong thế giới văn minh. Nếu biết được điều ấy thì người hút thuốc lá sai quy định kia sẽ không bao giờ tái phạm nữa.  
Tôi không bàn về các thuật ngữ “pháp trị” hay “đức trị” phương Đông và phương Tây đời xưa, mà chỉ muốn nói quan niệm thông thường hiện nay thôi. Ta vẫn gọi “đức” là đạo đức, là tư cách, phẩm chất con người; có trường hợp cụ thể dễ hình dung, nhưng phần nhiều là trừu tượng. Nhiều khi người ta đánh giá con người có đạo đức chỉ căn cứ vào thái độ ứng xử hài hòa, nói năng lễ phép, mà lại dễ dàng bỏ qua những tiêu chí rất cơ bản về phẩm chất, lối sống, hiệu quả công việc.  
Chúng ta vẫn nhìn nhận đạo đức theo lối tư duy của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, tính thời gian theo nhịp điệu mùa vụ, mà quên rằng trong xã hội hiện đại đòi hỏi tính chuẩn xác rất cao, nên chuẩn giờ phải trở thành một trong những tiêu chí hàng đầu của đạo đức con người.  
Vậy thì quan niệm đạo đức không phải là cái nhất thành bất biến mà cũng biến đổi trong không gian và thời gian. Tôi nghĩ, đạo đức lớn nhất ở những trường hợp tôi dẫn ra chính là chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp của nhà nước và quy định của xã hội. Trong xã hội hiện đại xem ra giữa “pháp trị” và “đức trị” càng xích lại gần nhau hơn và nhiều khi đã hòa đồng cùng nhau. 
Trước sau luôn tin ở lớp trẻ
- Tôi được biết tháng 5 vừa rồi ông đã lần đầu tiên đặt chân đến Trường Sa, đánh dấu hơn 20 năm chính thức tham gia công cuộc sưu tập tư liệu chủ quyền đất nước. Đâu là điều ông tâm niệm suốt hành trình dài đó?
- Tôi được phân công làm Chủ nhiệm đề tài Lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1994 và vì là nhà Sử học nên trước sau tôi chỉ chăm chú tìm kiếm các tư liệu lịch sử. Hơn 20 năm qua, tôi đã tranh thủ khảo sát hầu khắp các địa phương trong nước, nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm lưu trữ, thư viện của nhiều nước trên thế giới có các nguồn tư liệu liên quan đến chủ đề này.  
Tuy nhiên mãi đến tháng 5 vừa rồi tôi mới có cơ hội được đi ra Trường Sa. Thời gian chỉ có hơn chục ngày, chưa thể đi hết được các đảo, đá, bãi cạn, nhưng tôi đã thực học được nhiều hơn, biết được rõ ràng, cụ thể hơn so với tất cả những gì tôi đã tích lũy suốt hơn 20 năm nghiên cứu. 
Điều tôi luôn trăn trở là chúng ta có chủ quyền thật sự, trọn vẹn, trong hòa bình, hoàn toàn không có tranh chấp, tranh biện ít nhất từ đầu thế kỷ XVII cho đến đầu thế kỷ XX, nghĩa là chúng ta đã khai chiếm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa theo đúng nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ của luật pháp quốc tế, thế mà dân ta còn biết chưa nhiều. 
Tôi cũng chưa hiểu vì sao sách giáo khoa lịch sử phổ thông của ta chưa thấy có mục nào viết về những trang sử bi hùng này ở Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi đau xót thấy môn Sử đang bị đẩy vào ngõ cụt và có nguy cơ không còn tồn tại trong chương trình giáo dục phổ thông (vì chắc chắn sẽ không còn học sinh chọn học môn này) và không khỏi ngậm ngùi nghĩ đến máu xương của lớp lớp các thế hệ cha anh đã tan trong sóng biển.  
Trung Quốc mãi đến năm 1909, lợi dụng khi nước ta đang bị Pháp đô hộ, đã đưa người ra Hoàng Sa tuyên bố chủ quyền, rồi nhiều thập kỷ sau đó đã dựng lên cả một “Văn hiến các đảo Nam Hải”, ngang nhiên coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi; khăng khăng tuyên bố cái gọi là Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam) là chủ quyền bất khả tranh cãi của họ. Chỗ nào họ cũng tuyên truyền, giáo dục, ở đâu họ cũng giới thiệu, giảng giải. Tôi hết sức ngạc nhiên là họ đào đâu ra lắm “hiện vật” minh chứng chủ quyền của họ đã được xác lập từ thời Hán (???) để trưng bày ở khắp các bảo tàng, các cuộc triển lãm trên toàn Trung Quốc.  
Đảng và Nhà nước ta luôn xác định nguồn lực con người là nguồn lực cơ bản cho phát triển bền vững đất nước, trong đó lịch sử Việt Nam là cơ sở rất quan trọng của nguồn lực con người Việt Nam. Mong các nhà chiến lược giáo dục quan tâm trả lại vị trí vốn có của ngành Sử trong hệ thống giáo dục phổ thông và đưa lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa vào chương trình sách giáo khoa Lịch sử. Được như vậy thì chắc chắn cả tiền nhân, hậu thế và cả người đời nay đều ghi nhận.  
- Năm 2014, sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ảnh hưởng thế nào đến công tác sưu tập, công bố tư liệu chủ quyền cũng như một số vấn đề về quan điểm khác?
- Tôi cho rằng đó là một sự kiện mang tính chất thúc đẩy rất quan trọng để chúng ta nhìn nhận, phát biểu vấn đề chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa một cách bài bản, đầy đủ, rõ ràng và chuẩn xác.  
Tôi cũng rất ủng hộ cách làm của Bộ Thông tin Truyền thông, trên cơ sở tư liệu đã chuẩn bị, tổ chức các triển lãm giới thiệu bài bản tư liệu, cơ sở lịch sử và pháp lý của chủ quyền VN tại gần 40 điểm ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, nhiều tỉnh, thành phố và các huyện đảo như Cô Tô (Quảng Ninh), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Trường Sa (Khánh Hòa), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu) và Phú Quốc (Kiên Giang). Điều này đã nâng cao căn bản nhận thức về chủ quyền cũng như trách nhiệm của người VN đối với nghĩa vụ bảo vệ toàn vẹn từng tấc đất của Tổ quốc. 
Rồi cả những câu chuyện về quan điểm chính trị, như có người chưa rõ chức năng đại diện cho Việt Nam của Chính phủ Quốc gia VN (chính phủ của Bảo Đại) trong Hội nghị San Francisco (năm 1951), hoặc có người muốn có sự đánh giá về sự hy sinh của những người lính VNCH trong trận chiến Hoàng Sa 1974. Theo tôi, lúc nào chúng ta cũng phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên cao nhất. Chính phủ Quốc gia Việt Nam khi ấy đứng về mặt chính trị giữa các đảng phái trong nước thì đối lập với chính phủ Việt Minh, nhưng lại được thừa nhận trên trường quốc tế, và khi họ đi dự hội nghị Quốc tế San Francisco là đại diện cho Việt Nam. Và tất cả hành động hi sinh vì sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đất nước đều thiêng liêng, đều phải được trân trọng. Tổ quốc đời đời ghi công tất cả các trường hợp chiến đấu, hy sinh vì sự toàn vẹn của quốc gia lãnh thổ, không phân biệt thời kỳ nào hay thuộc thể chế chính trị nào.  
- Nhiều người cho rằng giới trẻ ngày nay sinh ra khi đất nước đã hòa bình nên tình yêu, cảm nhận của họ đối với đất nước, chủ quyền sẽ nhạt nhòa hơn so với những thế hệ đi trước. Là một người thầy, tiếp xúc nhiều với giới trẻ, ông có bi quan như vậy?
- Hoàn cảnh mỗi thời mỗi khác. Chúng tôi trưởng thành trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ, khi đó yêu cầu tìm hiểu lịch sử về công cuộc chống ngoại xâm, chủ quyền quốc gia lãnh thổ luôn luôn thôi thúc mỗi người, mà nếu như bàng quan đứng ngoài thì cũng giống như kẻ có tội vậy.  
Hiện nay, chẳng hạn, khi cần tìm hiểu chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa, các em có thể tìm ở bất cứ nơi đâu, chỉ gõ máy tính là có thể có hàng nghìn trang (nếu như trước đây chúng tôi phải đến thư viện, tìm khắp nơi, thậm chí mất hàng tháng trời chưa chắc đã được vài trang). Như vậy, khó có thể so sánh rằng vì thế hệ trước dành nhiều thời gian hơn thì yêu Hoàng Sa, Trường Sa hơn, còn thế hệ hiện nay sử dụng ít thời gian hơn thì yêu Hoàng Sa, Trường Sa không bằng. Chúng ta phải căn cứ vào hiệu quả công việc, đánh giá thực tế hành động thể hiện nhận thức vấn đề chủ quyền...  
Tôi có cảm giác có một thời ta ít tuyên truyền, giới thiệu thì cũng có nhiều người không mấy quan tâm, nhưng sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa và khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cả xã hội quan tâm sôi sục, trong đó đặc biệt là lớp trẻ. Họ có sự hiểu biết sâu sắc không chỉ lịch sử chủ quyền của Việt Nam, mà cả luật pháp quốc tế. Họ đã sáng tạo ra nhiều hình thức đấu tranh linh hoạt, độc đáo, hiệu quả, thể hiện tầm cao trí tuệ và bản lĩnh tuyệt vời của tuổi trẻ Việt Nam. 
Tôi trước sau vẫn rất tin ở lớp trẻ. Qua những sự kiện có tính chất kiểm nghiệm, chúng ta càng thấy rõ hơn ý thức sâu sắc về chủ quyền quốc gia lãnh thổ và nhất là tài thông minh, trí sáng tạo được thể hiện ở các hình thức đấu tranh phong phú và hiệu quả, mà tuổi trẻ chúng tôi trước đây chắc chắn chưa làm được như vậy.          
Mỹ Hòa/tuanvietnam
-------------

14 nhận xét:

  1. "Tôi cũng chưa hiểu vì sao sách giáo khoa lịch sử phổ thông của ta chưa có mục nào viết về những trang sử bi hùng này ở Hoàng Sa,Trường Sa"
    Đây chắc chắn là câu nói không thật lòng của ông Ngọc.
    Một người dân quèn như tôi còn biết là do đảng đã thần phục Trung cộng nên không dám đưa vào huống chi là một nhà nghiên cứu như ông Ngọc.
    Ông đau xót vì học sinh quay lưng với môn sử,xin chia sẻ với ông.Xin mượn ý của ông Hà Văn Thịnh,đồng nghiệp của ông : giáo trình lịch sử VN hiện đại,viết trong sách giáo khoa,có 70% là dối trá.
    Ông nên mừng vì điều đó thì hơn,vì nếu chúng nó vẫn cắm đầu nhồi nhét cái thứ đó vào đầu thì nguy hiểm biết chừng nào.
    Trả lời
  2. Đảng Cộng Sản rẩt hiểu ý nghĩa của hai từ LÒNG DÂN và đã từng thành công trong việc khai thác LÒNG YÊU NƯỚC CỦA DÂN để đạt mục đích của chính họ.
    Hôm nay, sau 85 năm có ĐCS, chúng ta phải nghiêm khắc khẳng định rằng Chủ nghĩa CS coi trọng quyền lợi của Đảng trên quyền lợi của Dân tộc, nhưng lúc ban đầu chuyện đó chưa lộ ra và ĐCS đã thu hút được một số rất đông những người yêu nước.
    Nhưng ngay từ phút ban đầu đó, ĐCS đã gây chia rẽ trong những người yêu nước với nhau.
    Từ trước CM tháng 8 năm 1945, ở VN đã xuất hiện Phong trào Đông Du của các cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, ĐCS đã bôi nhọ họ thậm chí chống đối họ, sau đó xuất hiện Quốc Dân Đảng, ĐCS cũng phản đối và coi họ là phản động, cho đến Chính phủ Trần Trọng Kim, một chính phủ có toàn bộ nội các là Trí thức yêu nước.... cũng bị ĐCS gọi là bù nhìn và mặc dù họ rất thiện chí nhưng cũng bị ĐCS diệt trừ..... cho đến sau này, ĐCS răm rắp biến VN làm tiền đồn cho phe XHCN và bắt nhân dân ta đổ bao nhiêu xương máu để đánh Mỹ hộ Liên Xô và TQ.

    Nhưng thời đó qua rồi.
    Lúc này KHCT đã phát triển và người dân đã quá hiểu.
    Hôm nay không ai lừa dân được nữa.
    Người nào đứng lên bảo vệ Tổ quốc là người đó được LÒNG DÂN.
    Bởi vậy, tôi nghi vị Gs Sử học đáng kính trong bài này chưa nói trúng những điều dân chúng tôi nghĩ. 
    Trả lời
    Trả lời
    1. Bác dẫm lên chân tôi rồi.
      Đã viết một còm trong entry "Độc lập" của BVB về 2 cụ Phan nhưng sau đó không gửi. Giờ xin viết lại:
      Từ bé đã được học thuộc lòng bài học lịch sử của phong trào Đông Du. Bài học đó là : "Hai ông định dựa vào Nhật để đuổi thực dân Pháp giành độc lập thì chẳng khác nào đuổi hổ cửa trước, rước hổ cửa sau". Câu nói này là của một người không nhớ rõ tên lắm nhưng hình như người đó đã viết bài thơ "Dân ta phải thuộc sử ta". Bây giờ mới ngộ ra: thuộc sử ta mà lại dựa vào CS Trung -Nga và nhất là Trung Hoa để giành và giữ gìn độc lập !?. Nếu có vinh dự gặp người ấy thì sẽ nói rằng: Đúng hai cụ Phan có thể đã lầm khi đuổi hổ cửa trước, rước hổ cửa sau. Còn các Ngài thì lại đuổi cáo (thực dân cáo già) cửa trước, rước hổ cửa sạu!
  3. Ông GS TS GVND này là một công cụ tuyên truyền của ĐCS.
    Vị nhà báo Tuần VN nay cũng đang làm một việc ĐCS giao cho là tiếp tục lừa Dân.
    Các vị có biết câu trích dẫn đầu bài này của cụ Phan Bội Châu là xuất hiện từ bao giờ không?
    Và các vị có biết ai là người Tố giác cụ Phan Bội Châu không?
    Một lãnh tụ Cộng Sản dấu mặt đấy.
    Buồn quá.
    Trả lời
    Trả lời
    1. Giáo sư tiến sỹ, Nhà giáo "nhân dân" nhưng lại do đảng csVN phong thì làm gì có quan điểm của người dân? ông ta chỉ nhai lại những gì đảng dạy ông mà thôi. Tôi khinh cái ông từng viết "dân ta phải biết sử ta" nhưng lại "coi thằng tàu cộng là cha đảng mình" nên mới tìm cách hạ uy tín của hai cụ Phan để tiếm danh, tiếm quyền lừa đảo cho đảng.
      Người đó là ai thì cũng khối người biết, vì thế đảng lợi dụng ông ta và tôn thờ ông ta, bắt dân thờ phụng ông ta như cha của mình.
  4. Tuy TuanVN không đăng, nhưng với chủ đề bài này, nhân dịp CM8 - QK 2-9, Đại tá Bùi Văn Bồng đưa lời huấn dạy của cụ Phan Bội Châu lên đầu bài, tôi rất tán thành, nhất là trong bối cảnh nước ta lúc này này. Có kẻ vẫn bám Ba Tàu, đừng hòng. Tàu sang VN làm ăn thì được, nếu can thiệp vào công việc chính sự, dân sự, chủ quyền của VN thì dân Việt dập chết ngay...
    Thời cụ Phan Bội Châu, một luật sư người Pháp tên là Bona ca ngợi rằng: “Cụ Phan (Phan Bội Châu) là người quả không hổ là kẻ ái quốc, ái quân chân chính. Dầu tôi là người Pháp, đối với cụ Phan tôi cũng phải ngưỡng mộ. Tôi ngưỡng mộ là ngưỡng mộ cái thân thế quang minh, cái tinh thần cao thượng, cái nghị lực bất di, bất khuất đã chứng tỏ ra trong việc làm của cụ.”
    Gần đây, trong sách Đại cương cương lịch sử Việt Nam (xuất bản 2006) đã có đoạn viết: ‘Theo Phan Bội Châu, chỉ có con đường vũ trang bạo động...Đây là con đường đúng đắn nhất. Tuy nhiên, ông thất bại là vì "không có lực lượng bên trong mà chỉ ỉ lại vào người ngoài thì thật là khó", "ỉ lại vào người ngoài thì không thể thành công được"(trích Niên biểu)...Những lời tự phê phán của ông thật sự nghiêm khắc mà cũng vô cùng chính xác!...Mặc dù không giành được thắng lợi, nhưng đường lối bạo động cách mạng đó đã phát động mạnh mẽ tinh thần yêu nước, giải phóng dân tộc của nhân dân Việt. Đó là cống hiến lớn lao của Phan Bội Châu và các tổ chức của ông...
    Ngoài sự nghiệp cách mạng, ông còn viết rất nhiều sách báo, và đã được phổ biến sâu rộng trong nhân dân. Trong Từ điển văn học (bộ mới xuất bản 2004), sau khi giới thiệu về ông và sự nghiệp văn chương của ông, cũng đã kết luận rằng: “Trong lịch sử văn học Việt Nam không dễ gì có nhiều văn chương có sức lay động quần chúng đứng lên đấu tranh cách mạng lớn lao như văn chương của Phan Bội Châu. Ngày nay trong văn chương đó, về tư tưởng và quan niệm, có thể điểm này điểm khác không còn phù hợp, nhưng trái tim chan chứa nhiệt huyết của tác giả vẫn còn nguyên giá trị. Ông là một trong số những nhà văn lớn của văn học Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 20”.
    Trả lời
  5. PV hỏi câu: " Là người nghiên cứu sử, lại từng sống qua các cuộc chiến tranh của dân tộc, ông cảm nhận ra sao về những bước đi suốt 70 năm qua của đất nước?"
    có ý gợi ra để ông Ngọc nêu thực tế, thực trạng, cả những yếu kém, sai lầm, những mặt còn tồn tại làm chậm phát triển đất nước, ...thế mà ông Ngọc lại né tránh, chỉ ca ngợi chung chung một chiều, lựa lời nhằm giữ ghế. He...he...
    Trả lời
    Trả lời
    1. GS.TS.NGND, thì:
      'Cũng phường giá áo túi cơm
      Công danh còn kém thằng Bờm quạt mo
      Chỉ là ngủ kỹ ăn no
      Chực chờ cơ hội vén lo túi tiền'...
  6. Các hiện tượng trong xã hội đều có quan hệ nhân quả. Người ta hoặc đưa ra giả thiết (nguyên nhân) và dùng các hiện tượng xã hội chứng minh cho giả thiết đó hoặc ngược lại.
    Nếu đưa ra giả thiết như ông Trần Trọng Kim rằng: CS chỉ đấu tranh cho lí tưởng chứ không đấu tranh cho dân tộc. Nếu đúng như vậy thì sau năm 1945 sẽ (có khả năng) xảy ra hiện tượng sau (một số ví dụ):
    - ĐCS không quan tâm đến ý nguyện toàn dân, đến quyền lợi của dân tộc mà chỉ lo cho quyền lợi giai cấp mà nó đại diện. Dẫn đến hy sinh quyền lợi dân tộc vì quyền lợi giai cấp, vì quốc tế vô sản.
    - ĐCS đưa ra và thi hành phân biệt đối xử với các giai cấp khác nhau, giành ưu tiên về quyền lợi cho giai cấp của mình. Gây chia rẽ giữa các giai cấp khác nhau. Dùng chủ nghĩa lí lịch lầm công cụ để để phân biệt và nhằm triệt tiêu các giai cấp khác. Mặt khác, hâu quả về mặt xã hội sẽ là những gì v.v... Trong khoa học người ta gọi là nghiên cứu tiến cứu (propective study)
    Ngược lại, trên cơ sở của các hiện tượng xã hội đã xảy ra người ta phân tích sau đó quy nạp lại tìm ra nguyên nhân (gọi là Hồi cứu - retrospective study). Sau 70 năm,đã có đủ các dữ liệu để thực hiện việc nghiên cứu hồi cứu để khẳng hay phủ định giả thiết này. Nghiên cứu xã hội ở VN hầu như không theo chuẩn mực quốc tế mà chủ yếu minh họa các đường lối của ĐCS. Do vậy, người thì cho rằng ĐCS có công, kẻ thì cho rằng có tội. Người chiến thắng là kẻ to mồm. ĐCS thì không cho phép những nghiên cứu như vậy và hễ cứ ai cho rằng ĐCS có công thì là tốt, ai nói có tội thì là "thế lực thù địch". Và tiếp tục giống như con đà điểu tiếp tục rúc đầu vào cát không tìm ra thiếu sót mà chỉ thấy mình là đỉnh cao trí tuệ. Lớp trí thức (XHCN) thì chỉ nói theo, tầm chương trích cú những gì được học (ví dụ trích Nguyễn Trãi, Hồ Quý Ly về những điều liên quan đến dân) chứ không biết chính sách của ĐCS hiện nay đối với dân giống như của Nguyễn Trãi hay giống như chính sách của Hồ Quý Ly. Đấy là phân tích chi tiết thôi, chứ chẳng cần nghiên cứu, người dân thường sau 70 năm cũng biết rằng ĐCS ngồi xổm lên đầu dân rồi. Dân chỉ có nghĩa vụ phải theo, ngược lại thì bị trấn áp (hiện tượng dân oan mất đất là thí dụ hùng hồn).
    Trả lời
  7. Là người có có địa vị,có học vị, có trách nhiệm cao trong việc viết sử Việt nam, không lẽ ông Ngọc thât sự không hiểu vì sao?đến ông mà còn không hiểu thì dân đen chúng tôi ai mà biết được. Nhưng...xin lỗi ông,ông biết tất cả,dân đen chúng tôi tuy ít học nhưng cũng biết tất cả, chúng ta còn định dối trá với nhau đến bao giờ, đừng để người dân phải nghĩ ông không trung thực.
    Trả lời
    Trả lời
    1. Tôi nhớ người thày dạy lịch sử (cấp III những năm đầu 60's) mà chúng tôi thường gọi là Napoleon (do lớp đàn anh truyền lại chứ cũng chẳng hiểu tại sao), gày gò và nhỏ thó. Thày thường nói với học trò: em nào có pin cũ (đã hết điện) thì đem cho thày. Cũng không biết thày dùng để làm gì. Gặp lại thầy những năm 80's sau khi thầy đã về hưu, hỏi thầy có làm thêm gì hoặc có dạy thêm không. Thật ngạc nhiên, thầy nói: lịch sử mà các em đã học có đúng đâu. Thầy không muốn đi dạy thêm vì không muốn lừa dối các em thêm nữa.
  8. Tôi không ngờ đến lúc này mà các nhà sử học vẫn còn dốt sử đến như vậy?
    Trả lời
  9. Ecopark là dự án cướp đất của gia đình nào, hả bọn nịnh thần?!
    Trả lời
  10. À,lại một dư luận viên nữa đây rồi ! Nặc danh 20:38 ơi ! bạn nói gì vậy ?nịnh thần à ? giống như bạn vậy sao ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét