Bài đăng phổ biến

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

THÓI HÁCH DỊCH CỦA QUAN CHỨC

Thói hách dịch của quan chức

Posted by adminbasam on 07/09/2015
6-9-2015
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Chủ đề quan chức hách dịch được người dân hâm nóng mấy hôm nay. Mình xin đóng góp một chút.
Hách dịch là thói xấu không phải bây giờ mới có. Nó tồn tại từ lâu và kéo dài cho đến bây giờ. Ngạc nhiên là nó càng ngày càng phát triển mạnh chứ không mất đi theo sự tiến bộ của xã hội loài người, đặc biệt là ở xứ ta.
Đang là anh lính, nhảy lên anh đội trưởng là khác hẳn, giọng điệu khác, phong cách khác, thái độ khác. Từ anh phó phòng lên trưỏng phòng là khoảng cách lớn về quyền lực thực tế. Vì thế, lên đến trưởng phòng, thái độ vênh váo một chút là điều dễ hiểu, và cứ như thế, càng lên cao càng nắm nhiều trọng trách, nắm quyền sinh quyền sát trong tay, và điều này tồn tại trong cơ chế xin cho vậy nên hách dịch, cửa quyền là chuyện không tránh khỏi. Năm này qua năm khác, thói quen ứng xử đó ngấm vào máu, đến tận nhân tế bào, được xã hội ngầm công nhận và mặc nhiên trở thành lối ống văn hóa.

Hiện tượng quát nạt, nói như ra lệnh và đòi hỏi người khác phục tùng bất chấp đúng sai không chỉ có trong các cơ quan của lực lượng vũ trang mà còn lan tràn cả ở các cơ qua hành chính trong bộ máy nhà nước. Tất nhiên, vì nó người dân chấp hành, nhưng cũng vì nó mà xã hội mất đi vẻ đẹp thẩm mỹ trong ngôn từ và hình ảnh. Cũng vì nó mà nhiều quyết định sai trái đã được thực hiện. Ở tầm vĩ mô, những quyết định dạng này gây ra hậu quả xã hội vô cùng lớn.
Xét về nguyên nhân, thói hách dịch xuất phát từ tàn dư của xã hội phong kiến và thói tôn sùng cá nhân lãnh tụ; do di chứng chiến tranh với đời sống mệnh lệnh kiểu quân sự; do thói háo danh và tự đề cao mình của các nhà lãnh đạo quản lý. Và cuối cùng, do cơ chế xin cho đã vô tình tạo ra quyền lực và quyền lực luôn đi kèm với tham nhũng.
Từ góc nhìn khác, một trong số những nguyên nhân chính gây ra thói hách dịch cửa quyền của quan chức chính là từ chúng ta. Vì chúng ta đánh mất mình, vì chúng ta đi xin để họ cho nên vô tình tạo cho họ quyền lực, và từ đó sinh ra hách dịch. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các cơ quan nhà nước. Trong một cơ quan, những người giúp việc (cấp phó) cho lãnh đạo không có ý kiến gì vì ngại làm mất lòng cấp trên nên chính họ đã tự tạo ra một khoảng cách quyền lực ngày càng xa với người đứng đầu. Hệ lụy là họ tự đánh mất quyền của mình và sếp đương nhiên có cái quyền đó, một quyền lực tối cao.
Phải khẳng định rằng, thói hách dịch của quan chức đồng nghĩa với vô cảm và thiếu văn hóa. Thực tế, báo chí đã từng phê phán, cảnh báo điều này nhiều lần. Nhưng chính những “công bộc của dân” lại sống không gương mẫu. Những sự việc xảy ra vừa qua cho thấy, cách ứng xử bàng quan, thờ ơ với người khác; sự lạnh lùng, vô cảm đến tột độ của một số cán bộ, quan chức khiến người dân bất bình.
Hình ảnh quan chức đút tay túi áo, dửng dưng nhìn người dân gặp tai nạn, quát nạt cấp dưới và người dân, chì chiết đồng nghiệp trong sinh hoạt khoa học cho thấy đạo đức, lối sống, nhân cách, văn hóa của người đứng đầu đang là vấn đề cần quan tâm. Và nếu cứ tiếp tục, sẽ dẫn tới hệ lụy độc đoán, chuyên quyền và mất dân chủ.
Quan chức, một khi không được thanh lọc về năng lực chuyên môn, về phẩm chất đạo đức thì không thể “tròn vai công bộc của dân”. Nếu đã là công bộc của dân thì phải vì dân, nhưng ở đâu đó, điều này đang chỉ là khẩu hiệu chót lưỡi đầu môi.
Thực tế, quan chức ta có nhiều hành vi chẳng phải “là đấy tớ của dân” chút nào, và thói hách dịch dường như rất khó khắc phục.
Nhưng người dân dễ thấy, một câu quát nạt, một thái độ đe dọa, một khuôn mặt lạnh lùng vô cảm là những hành vi không đồng nghĩa với nhân tính.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét