Bài đăng phổ biến

Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

SANG NĂM TỚI HOÀNG SA

Năm nào đến Hoàng Sa?

Posted by adminbasam on 09/02/2016
8-2-2016
H1
Ảnh: FB Nghiem Viet Anh

Câu “sang năm đến Hoàng Sa” không biết xuất hiện từ đâu, khi nào, nhưng khi lên mạng internet lâu lâu lại thấy nó. Câu này chắc chắn không phải đến từ chủ trương của nhà nước CSVN rồi. Đối với nhà nước này, Hoàng Sa và Trường Sa là chủ quyền của Trung Quốc, theo đúng nội dung của công hàm (hay công thư chi đó) của ông Phạm Văn Đồng gởi Chu Ân Lai ngày 10-9-1958.
Nhà nước CSVN, qua các học giả VN, cố gắng chống chế, phủ nhận hiệu lực của văn thư này trước dân chúng. Nhưng trước dư luận quốc tế thì những hành động của nhà nước này luôn thể hiện lập trường trái ngược. Từ trước đến nay, bất kỳ hành vi nào của người dân, thể hiện trước công chúng, nhằm khẳng định chủ quyền của VN tại HS và TS, đều bị nghiêm cấm. Các cuộc tưởng niệm ngày mất HS (17,19 tháng giêng 1974), hay ngày thảm sát ở Gạc Ma (14-3-1988), của các thành phần người Việt yêu nước ở Sài gòn hay Hà Nội, luôn bị nhà nước, nếu không cho công an đàn áp bắt bớ, thì cũng cho sai nha “hồng vệ binh” ra phá phách để việc tưởng niệm không thực hiện được.
Những hành vi nói trên của nhà nước, trên phương diện công pháp quốc tế, là bằng chứng hùng hồn: nhà nước CSVN nhìn nhận, bằng văn bản và bằng hành động trên thực tế, khẳng định HS và TS thuộc chủ quyền của TQ.
Nếu HS và TS của VN, thì có nhà nước nào lại cấm đoán, bắt bớ, đàn áp… những công dân của mình tổ chức những buổi lễ tưởng niệm (oan hồn) những chiến sĩ hy sinh bảo vệ lãnh thổ của mình ?
Nếu HS và TS là của VN, thì tại sao nhà nước CSVN không gọi những tử sĩ (chết oan ức) ở Gạc Ma là những chiến sĩ hy sinh bảo vệ tổ quốc, mà đơn giản là những người chết vì “bảo vệ ổn định cho khu vực”, như đã ghi trên bia đá tưởng niệm (những người lính chết trận Gạc Ma) ?.
Còn nói chi đến những người lính chết ở Hoàng Sa! Họ sống là “lính ngụy” thì chết cũng là “lính ngụy”.
Vì vậy, những lần đọc câu “sang năm tới Hoàng Sa” của bạn bè nào đó “hứa hẹn” với nhau như một lời thề, nhứt là trong ngày đầu năm, lòng tôi lại dâng lên một nỗi niềm chua xót khó tả được bằng lời.
Tôi không nghĩ là thế hệ mình sẽ thấy được Hoàng Sa về lại với tổ quốc của mình. Với một nhà nước như thế, ta không có bất kỳ một hy vọng nào. Nhưng dầu thế nào chúng ta vẫn phải làm bổn phận công dân của mình: bằng mọi cách bảo vệ lãnh thổ của tổ quốc.
Dầu vậy, việc mất chủ quyền lãnh thổ Hoàng Sa (và Trường Sa – vài ki lô mét vuông đất) sẽ chỉ là một vấn đề nhỏ, nếu so với hiệu lực về biển hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu ki lô mét vuông có thể sẽ phải mất cho TQ.
Đọc đâu đó một tài liệu, cho rằng trước đây ông Hồ Chí Minh có nói rằng HS và TS “ba cái đảo chim ỉa”, ý nói đại khái là HS và TS không quan trọng đâu, giao cho TQ cũng không hề gì. Vào thời điểm đó (1958), ông Hồ cần sự trợ giúp súng đạn, nhân lực, vật lực… của TQ để đánh chiếm miền Nam. Thời điểm đó ông Hồ, cũng như nhân sự đảng CSVN, không ý thức được tầm quan trọng của vùng biển (và thềm lục địa) chung quanh các đảo này. Có lẽ vì vậy nên nhà nước của ông Hồ đã ký cái công hàm nhìn nhận HS và TS thuộc về TQ. Cho đến ông Nguyễn Cơ Thạch, theo một tài liệu trên net, cũng đặt ưu tiên vấn đề xâm chiếm miền Nam lên trên vấn đề chủ quyền lãnh thổ.
Bây giờ, xem những yêu sách của TQ về hải phận của họ ở HS, qua bộ Luật Biển 1996, người ta mới thấy tầm quan trọng của vấn đề chủ quyền HS (và TS).
Mất chủ quyền HS, trong chừng mực, tội trạng của đảng CSVN còn có thể chạy được. Như lý lẽ của học giả VN: HS là do VNCH làm mất. Nhưng việc (có thể) mất hàng trăm ngàn cây số vuông biển (và thềm lục địa) ở HS cho TQ là do việc nhà nước CSVN nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS (và TS).
Bởi vì nếu VN còn giữ được danh nghĩa chủ quyền ở Hoàng Sa, thì cho dầu lãnh thổ này mất trên thực tế, thì trên phương diện pháp lý, Hoàng Sa là “lãnh thổ có tranh chấp”.
Theo tập quán quốc tế, một lãnh thổ có tranh chấp, nếu đưa ra trọng tài phân giải, thông thường là chia đôi (vùng biển vì vậy cũng chia đôi).
Ta thấy, trên thực tế (và lịch sử), TQ lên tiếng tranh chấp HS với VN từ thời VN còn là thuộc địa của Pháp. Nhà nước Pháp đã hai lần đề nghị với TQ giải quyết tranh chấp này trước một trọng tài quốc tế. Cả hai lần TQ đều từ chối.
Phía TQ từ chối vì họ không có lý lẽ nào thuyết phục, để thắng. Sau khi TQ chiếm HS (trên tay VNCH bằng vũ lực), HS vẫn không được quốc tế nhìn nhận là lãnh thổ của TQ. Đơn giản vì tập quán quốc tế không nhìn nhận việc chiếm hữu lãnh thổ bằng vũ lực.
Nhưng HS trở thành lãnh thổ của TQ, bởi vì Việt Nam là quốc gia duy nhứt có tính pháp nhân để phản đối chủ quyền của TQ, thì quốc gia này đã “nhìn nhận” chủ quyền của TQ tại HS.
Cho đến bây giờ nhà nước CSVN, cũng như nhiều học giả VN, vẫn không ý thức được rằng, mất chủ quyền HS là mất hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu ki lô mét vuông biển cho TQ.
Thậm chí khi TQ cho đạt giàn khoan 981 ngay trên thềm lục địa của VN, cách đảo Lý Sơn của VN là 119 hải lý, nhưng nó chỉ cách đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) có 18 hải lý (về phía tây nam), thì nhà nước CSVN (và giàn học giả) cũng vẫn còn đắm chìm trong mê muội.
Vừa rồi, Mỹ cho tàu chiến tuần hành xuyên qua khu vực 12 hải lý của đảo Tri Tôn. Báo chí VN đánh phèng la rùm beng, cho rằng VN “mạnh” lên nhờ có Mỹ. Cho rằng “Mỹ phá đường cơ sở thẳng phi pháp của TQ”…
Nhân dịp, nhà nước VN, qua ý kiến của học giả VN, lý luận rằng các đảo HS không có đảo nào là “đảo” để có hiệu lực về (200 hải lý vùng kinh tế độc quyền) theo bộ Luật Biển quốc tế 1982. Họ cũng lý luận rằng TQ không phải là “quốc gia quần đảo” để có thể vẽ hệ thống đường cơ bản quần đảo HS, như bộ luật 1996 của TQ.
TQ có quyền vẽ hệ thống đường cơ bản như vậy hay không, sẽ phân tích ở dưới.
Mục đích của học giả VN nhằm chứng minh chuyến đi qua đảo Tri Tôn của chiếc khu trục hạm Mỹ là phù hợp với luật quốc tế: thể hiện quyền tự do hàng hải.
Nhà nước VN, qua giàn học giả (thượng thặng) của mình, lại rút dao ra đấu với người ta. Có điều là học giả nhà mình cầm dao bằng đàng lưỡi.
Giả sử rằng chuyến hải hành của chiếc khu trục hạm Mỹ là phù hợp với luật quốc tế. Thì việc này có làm giảm đi chút nào yêu sách về “vùng nước” của quần đảo Hoàng Sa (theo luật biển 1996) của TQ hay không ?
Xin thưa rằng không. Tàu Mỹ có đi vào vùng nội hải của quần đảo Hoàng Sa, hay lãnh hải của đảo Tri Tôn, việc này không làm mất, hay giảm đi yêu sách của TQ.
VN cầm dao bằng lưỡi để đấu với người ta, bởi vì chỉ có những nước như Phi, Mã Lai, Brunei… là những nước không thể chứng minh chủ quyền của họ ở TS thì họ mới lập luận rằng các đảo TS là các đảo đá, không có đảo nào là đảo thật (như định nghĩa ở điều 121 bộ Luật biển 1982).
Lập luận như vậy, thứ nhứt, vô hình chung, các học giả đã thú nhận rằng VN không có chủ quyền tại HS.
Thứ hai, các học giả nói rằng các đảo HS không có đảo nào là “đảo” thật sự để có hiệu lực biển (200 hải lý vùng kinh tế độc quyền). Thì tranh chấp giữa VN và TQ đơn thuần là tranh chấp chồng lấn về biển, do cách diễn giải đối nghịch nhau về hiệu lực các đảo HS.
Tập quán quốc tế giải quyết vụ này ra sao ? Vụ kiện Phi-TQ trước Tòa Trọng tài sắp tới sẽ cho thấy số phận của một số bãi đá TS (mà TQ đòi hỏi chủ quyền) có hiệu lực về biển như là đảo thật sự hay không. Các đảo HS, có hiệu lực nhiều hay ít sẽ do tương quan lực lượng (quốc phòng, kinh tế, ngoại giao..) giữa các bên.
Còn hệ thống đường cơ bản của quần đảo Hoàng Sa, theo bộ Luật biển 1996 của TQ, có phù hợp với nội dung Luật quốc tế về Biển 1982 hay không ?
Phần IV của Bộ Luật quốc tế về Biển 1982 nói về “quốc gia quần đảo”, trong đó có định nghĩa về “quần đảo”.
“Quần đảo (archipel) là một tổng thể các đảo, kể cá các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau đến mức tạo thành về thực chất một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mựt lịch sử.”
H1
Về địa lý và lịch sử, ta không thể phản bác Hoàng Sa (gồm các đảo của nó) tạo thành một “quần đảo”. Mà “quần đảo” bao gồm, dĩ nhiên các đảo, còn có “các vùng nước tiếp liền”.
Vì vậy khi cho rằng hệ thống “đường cơ bản” của TQ là “không hợp pháp”, như ý kiến của học giả VN, là không thuyết phục.
Trong khi nhiều nỗ lực về kinh tế, chính trị của TQ (mà VN không làm được gì) như thành lập thành phố Tam Sa, trong đó đảo Phú Lâm là trung tâm hành chánh, cho tổ chức các cuộc du lịch các đảo HS, cho khai trương đường bay dân sự Hải Nam-Phú Lâm… 
Các việc này càng củng cố quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của TQ, củng cố yêu sách hệ thống đường cơ bản quần đảo HS của nước này.
Nông nỗi đến nước này, chỉ vì lý do nhà nước CSVN và giàn học giả (thượng thặng) của VN, chỉ chú trọng đến yếu tố đảo hay đá, có hiệu lực biển (kinh tế độc quyền) hay không có hiệu lực biển, chớ không đặt nặng vấn đề chủ quyền.
Lại còn có học giả khuyên VN nên từ bỏ chủ quyền (sic!) ở các đảo TS năm trong hải phận của các nước Phi, Mã Lai, Brunei…
Như vậy là VN lên đấu trường đấu dao với TQ, mà lực sĩ VN cầm dao bằng lưỡi.
Không ít, từ 15 năm nay, tôi luôn nhấn mạnh vấn đề “chủ quyền”. VN cần khẳng định “chủ quyền” của mình ở HS và TS. Khẳng định bằng các hành vi có giá trị về pháp lý, chớ không phải nói khơi khơi. Hay bằng cách giải thích HS (và TS) là đảo đá, không phải đảo thật. Hay lên án khơi khơi (không chứng minh) hệ thống đường cơ bản của TQ ở HS là “phi pháp”.
Bao giờ đến Hoàng Sa?
Bạn bè chuyền nhau khẩu hiệu “sang năm đến Hoàng Sa”. Tôi ngậm ngùi tự hỏi lòng mình: bao giờ đến Hoàng Sa ?
Tôi sợ là không bao giờ. Một nhà nước vừa ươn hèn lại còn mang tiếng bán nước. Hả miệng mắc quai. Một giàn học giả chỉ biết vuốt ve xuôi chiều, không dám nói ngược.
Tôi sợ không chỉ mất Hoàng Sa, VN còn mất hàng trăm ngàn cây số vuông biển cho TQ.
Hai bản đồ đính kèm ở đây, dẫn từ tài liệu của học giả Valencia, hai trường hợp: hiệu lực Hoàng Sa 100% và hiệu lực 0%, cho ta thấy nguy cơ hàng trăm ngàn ki lô mét vuông biển của VN bị mất cho TQ là có thật.
Và không chỉ ngừng ở HS, TS cũng sẽ cùng số phận.
____

“Sang năm tới Hoàng Sa”

28-12-2012
Mỗi ngày, mình vào trang web Ba Sàm một lần. Mỗi lần mình ở lại đó từ 30 đến 45 phút – khoảng thời gian chỉ đủ để lướt qua các sự kiện mà nhóm thực hiện trang web này lựa chọn – giới thiệu. Cũng vì vậy, gần như chẳng bao giờ mình xem bình luận của độc giả. Hôm qua, trò chuyện với một người bạn, kể như vậy, nghe xong, bạn bảo mình sai. Bạn bảo: Bình luận của độc giả là một phần giá trị của Ba Sàm, không thể không đọc. Bận bịu cỡ nào cũng ráng mà đọc, ở đó thế nào cũng có vài ý kiến đáng ngẫm.
Hôm nay, mình thử đọc bình luận của những người đọc Ba Sàm và có ngay một chuyện để nghĩ…
1.
Đa số độc giả tham gia đóng góp ý kiến cho các sự kiện được nhóm thực hiện Ba Sàm lựa chọn – giới thiệu, thường dùng nickname thay tên thật.
Vì là nickname nên nó “thiên hình, vạn trạng”. Trong số này có một bác, không rõ nam – nữ, già – trẻ, chọn nickname là “F 361”.
Bác “F 361” đóng góp ý kiến cho nhiều sự kiện và điểm đặc biệt, khiến mình chú ý tới bác là: Lúc nào, bên dưới các ý kiến mà bác đóng góp cũng có dòng “Sang năm tới Hoàng Sa”. Dòng chữ đó khiến mình gai người!
Ngoài chuyện gai người, trong đầu mình nảy ra một thắc mắc khác: “Sang năm tới Hoàng Sa” là ý tưởng của riêng bác “F 361” hay là của một nhóm người (?). Mình mượn google, lấy “Sang năm tới Hoàng Sa” làm từ khóa để kiểm tra thì phát giác thêm một chuyện thú vị khác: Hóa ra bác “F 361” còn là độc giả, tham gia đóng góp ý kiến trên nhiều trang web và diễn đàn khác. Độc đáo là chỗ nào, góp xong, bác cũng viết thêm dòng “Sang năm tới Hoàng Sa”…
Bây giờ thì mình giải thích vì sao “Sang năm tới Hoàng Sa” làm mình gai người…
2.
Cách nay đâu chừng ba mươi năm – lúc hàng triệu người Việt “ngậm đắng, nuốt cay”, tìm đủ mọi cách để trốn khỏi nơi “chôn nhau cắt rốn” của họ, một người bạn vong niên đưa cho mình hai cuốn sách và bảo: Mày nên đọc cả hai. Đọc thật kỹ!
Cả hai: “Exodus” – tiểu thuyết lịch sử của Leon Uris và “Bài học Israel” của cụ Nguyễn Hiến Lê, cùng viết về người Do Thái và chuyện tái lập quốc gia Israel của họ.
Với mình, “Exodus” của Leon Uris và “Bài học Israel” của cụ Nguyễn Hiến Lê đều là những cuốn sách đáng đọc. Nhờ chúng mà mình có thêm kiến thức về lịch sử dân tộc Do Thái, xứ Israel, hiểu hơn nguồn gốc, đặc điểm của cuộc xung đột Israel – Palestine nói riêng, mâu thuẫn giữa Israel với các quốc gia ở khu vực Trung Đông nói chung,… Mình tin ít ai đọc xong “Exodus” và “Bài học Israel” mà không cảm thấy thán phục tinh thần dân tộc của người Do Thái.
Người Do Thái có tôn giáo riêng, được gọi là Do Thái giáo, vẫn được xem là gốc của một số tôn giáo, trong đó có cả Thiên Chúa giáo lẫn Hồi giáo sau này. Do Thái giáo tạo nơi người Do Thái niềm tin, rằng họ là dân tộc được Thượng đế chọn làm dân riêng của Ngài và xứ sở của họ là nơi mà Thượng đế ban cho riêng họ. Khoảng năm 60 trước Công nguyên, Do Thái bị đế quốc La Mã xâm chiếm. Dân Do Thái nổi dậy chống lại vài lần nhưng không thành công. Đó cũng là lý do để năm 70, đế quốc La Mã xóa tên Israel trên bản đồ thế giới. Jerusalem – thủ đô của người Do Thái bị san thành bình địa. Người Do Thái lưu lạc khắp nơi và trở thành một dân tộc không có tổ quốc.
Trong gần 2000 năm (từ năm 70 đến năm 1948), người Do Thái bị khinh miệt, ngược đãi không sao kể xiết. Họ bị xem là một loại động vật hạ đẳng, bị hắt hủi, săn đuổi. Thảm sát là một thảm kịch mà người Do Thái liên tục phải gánh chịu từ thế kỷ này, sang thế kỷ khác, ở khắp mọi nơi trên thế giới, bất kể Á hay Âu. Sáu triệu người Do Thái bị gom lại, rồi bị giết trong các trại tập trung của Đức Quốc xã hồi Chiến tranh Thế giới lần thứ hai chỉ là một phần trong chuỗi thảm kịch kéo dài khoảng 20 thế kỷ của dân tộc này.
Đáng nể là tuy không còn quê hương, không rõ ngày về nhưng từ đời ông, đến đời cha, qua đời con, sang đời cháu, chắt, chút, chit,.. cho dù lưu lạc ở đâu và bất kể trong hoàn cảnh nào, trước mỗi bữa ăn, người Do Thái đều cầu xin Thượng đế dẫn họ về đất hứa, trước khi từ biệt nhau, họ luôn luôn chào nhau: “Sang năm về Jerusalem”!
Mình không biết Do Thái có đúng là dân tộc được Thượng đế chọn và lãnh thổ của Israel có phải là xử sở mà Thượng đế ban cho riêng họ hay không nhưng minh tin chắc, niềm tin, sự tự hào về việc được Thượng đế chọn, trong mỗi người Do Thái đã nâng đỡ họ vượt qua đủ thứ khó khăn, nghịch cảnh và vươn tới thành công. Lịch sử nhân loại ghi nhận nhiều thiên tài và thời nào, lĩnh vực nào cũng có những thiên tài gốc Do Thái góp mặt. Theo thống kê, khoảng ¼ số nhà khoa học được trao tặng giải Nobel có gốc Do Thái! Do Thái cũng là dân tộc có rất nhiều tỷ phú mang đủ thứ quốc tịch khác nhau. Nói cách khác, dân tộc này nổi tiếng cả vì sự thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh, tài chánh.
Trong “Bài học Israel”, cụ Nguyễn Hiến Lê đã tập hợp, trưng dẫn nhiều bằng chứng cho thấy, thời nào, người Do Thái cũng tìm cách để tái lập quốc gia Israel nhưng không thành công. Luôn luôn thất bại nhưng họ không nản. Từ đời ông, đến đời cha, qua đời con, sang đời cháu, chắt, chút, chit,.. trước mỗi bữa ăn, người Do Thái vẫn tiếp tục xin Thượng đế giúp họ trở về quê hương. Trước khi từ biệt nhau, vẫn chào: “Sang năm về Jerusalem”!..
Mãi tới khoảng cuối thế kỷ 19, những nỗ lực vận động tái lập Israel của người Do Thái mới bắt đầu đạt được vài kết quả.
Lịch sử ghi nhận đó là công lao của Theodore Herzl – một nhà báo gốc Do Thái, sinh ra ở Hungary, lớn lên và sống ở Áo. Herzl – vốn xuất thân từ trường Luật – viết, cho xuất bản cuốn “Quốc gia Do Thái”, khẳng định với đồng bào của ông rằng, nếu họ muốn có một quốc gia thì họ sẽ có, vì họ xứng đáng với điều đó. Rồi Herzl vẽ cờ, thiết kế quốc huy, phác thảo kế hoạch thành lập “Quốc gia Do Thái”.
Ý tưởng, kế hoạch của Herzl được người Do Thái ở khắp nơi ủng hộ. Họ góp tiền, mua lại đất đai ở Palestine – nơi vốn là lãnh thổ của Israel từ 2000 năm trước. Có những người bỏ hết mọi thứ mà họ đang có, tình nguyện trở về Palestine, gầy dựng các trang trại để những người Do Thái khác quay về cố quốc sinh sống…
Số phận, khát vọng, nỗ lực của người Do Thái khiến nhiều người khác cảm động, muốn giúp đỡ. Chính quyền Anh ngỏ ý tặng vài chỗ ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á – lúc đó đang là thuộc địa của Anh – để người Do Thái có chỗ thành lập “Quốc gia Do Thái” nhưng người Do Thái từ chối vì đó không phải là đất tổ – dẫu cho đất tổ chỉ toàn… đá và cát.
Cuộc vận động ấy diễn ra khoảng chừng mười năm thì Herzl chết do kiệt sức, song kế hoạch thành lập “Quốc gia Do Thái” vẫn được thực thi, tuần tự từng bước theo đúng tiến trình mà Herzl đề nghị.
Nỗ lực thành lập “Quốc gia Do Thái” tiến thêm một bước khi Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Ông Chaim Weizmann – một nhà khoa học kế nhiệm Herzl, kêu gọi người Do Thái tham chiến, hỗ trợ Anh và đồng minh. Ông Weizmann còn đem phát minh chế tạo acetone (một loại dung môi quan trọng trong công nghiệp, bao gồm công nghiệp quốc phòng) tặng người Anh. Cảm kích trước sự giúp đỡ này, chính phủ Anh tặng Weizmann một tấm séc, bỏ trống chỗ ghi giá trị khoản tiền được tặng, họ muốn chính Weizmann tự quyết định giá trị tấm séc nhưng ông ta từ chối. Weizmann chỉ xin “một điều gì đó có lợi cho dân tộc của tôi”.
Được sự ủy nhiệm của chính quyền Anh, Ngoại trưởng Anh thời đó, gửi cho Weizmann một lá thư, chính thức xác nhận: Anh ủng hộ người Do Thái thành lập một quốc gia ở Palestine. Các đồng minh của Anh tất nhiên là tán thành. Vậy là nỗ lực tái lập “Quốc gia Do Thái” của người Do Thái tìm được sự ủng hộ có giá trị pháp lý trên bình diện quốc tế. Họ tiếp tục hồi hương, tiếp tục bỏ tiền mua lại đất đai trên lãnh thổ cũ của cha ông họ, tiếp tục đổ tiền, đổ mồ hôi để biến hoang mạc thành đất hứa.
Thế rồi sự thành công của người Do Thái ở Palestine khiến các sắc dân khác sống quanh họ lo âu và ganh tị. Để xoa dịu sự bất bình của người Ả Rập, giữ sự chi phối các giếng dầu tại Trung Đông, người Anh thay đổi chính sách đối với người Do Thái tại Palestine: Cấm nhập cư vào Palestine, chỉ cho người Do Thái mua đất ở một số khu vực đã xác định và không cho phép sở hữu quá 5% diện tích tại những khu vực đó.
Chiến tranh Thế giới lần thứ hai bùng nổ, bị Đức Quốc xã săn lùng – giết hại khắp châu Âu, người Do Thái tiếp tục đổ về Palestine nhưng vì chính sách của Anh, những con tàu chở họ bị chặn lại khi đã tới sát đất hứa. Tàu cũ, neo đậu, loanh quanh vài ngày trên biển thì chìm, hàng ngàn, hang ngàn người Do Thái chết đuối.
Bất kể sự tráo trở của Anh, người Do Thái vẫn tình nguyện gia nhập quân đội Anh và quân đội đồng minh, vừa để chống Đức Quốc xã, trả thù cho những đồng bào bị Đức Quốc xã sát hại, vừa để học kinh nghiệm tổ chức quân đợi, kỹ năng chiến đấu – thứ mà “Quốc gia Do Thái” sẽ rất cần trong tương lai. Cũng vì vậy, trong quân đội đồng minh, có cả nữ quân nhân gốc Do Thái. Đánh đấm không thua gì nam giới.
Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, thảm kịch của người Do Thái, kể cả sự hy sinh, đóng góp của họ cho chiến thắng chung, không làm chính phủ Anh thay đổi thái độ, chính sách của họ đối với người Do Thái ở Palestine. Vì người Anh cần sự “ổn định chính trị” ở bán đảo Ả Rập để giữ… các giếng dầu nên người Do Thái vẫn bị cấm nhập cư, bị bắt, giam trong nhiều trại giam khác nhau, khi họ tìm cách trở về Palestine. Vậy mà họ không nản.
Năm 1946, người Do Thái qua mặt lính Anh, đưa khoảng 300 đứa trẻ đang bị giam trong một trại giam những người Do Thái muốn vượt biên vào Palestine, đặt ở đảo Chypre, lên một con tàu mang tên Exodus để tiếp tục trốn về Palestine. Vụ việc vỡ lỡ, lính Anh không dám lên tàu, xua trẻ con xuống, vì tàu vừa chất đầy thuốc nổ, vừa có 300 đứa trẻ. Ho vây con tàu, không cho nó nhổ neo. Hăm dọa chán, chính quyền Anh chuyển qua thương lượng nhưng Ben Cananan – người chỉ huy con tàu trả lời thẳng tuột, đại ý: Hãy để chúng tôi đi. Hoặc là những đứa trẻ sẽ được sống trên đất hứa, hoặc là chúng sẽ chết như cha ông chúng từng chết khắp nơi vì bị ngược đãi!
Vụ cầm giữ tàu Exodus kéo dài khoảng nửa tháng thì 300 đứa trẻ bắt đầu tuyệt thực. Vụ tuyệt thực kéo dài đến ngày thứ tư, khi những đứa trẻ sắp sửa chết vì đói và khát thì chính phủ Anh tuyên bố nhượng bộ. Họ chịu không nổi sự phẫn nộ của dân chúng Anh và dân chúng – chính quyền nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay cả những người lính Anh được giao nhiệm vụ vây, giữ tàu Exodus cũng vứt súng, xin ra Tòa án Quân sự, thà bất tuân thượng lệnh chứ không thể nhìn cảnh hàng trăm đứa trẻ thà chết chứ không lên bờ, trở lại với cuộc sống không có tổ quốc như ông cha chúng.
Viết tới đây, mình nhớ tới phim “Exodus” mà mình cũng đã từng được xem. Phim được dựng từ tiểu thuyết cùng tên của Leon Uris. Mình tin không ai có thể quên được cảnh những bà mẹ trên tàu “Exodus”, xin Ben Cananan cho con họ – những đứa trẻ đang ẵm ngửa – cùng được tuyệt thực với những đứa lớn hơn vì… chúng cũng là người Do Thái. Vì họ không muốn con họ khi lớn lên phải chào người khác bằng câu: “Sang năm về Jerusalem” nữa! Cũng phải nói thêm là sở dĩ Leon Uris – một nhà báo Mỹ – quyết định viết “Exodus” là vì ông ta từng có mặt ở đảo Chypre để tường thuật sự kiện tàu “Exodus”. Chính sự kiện tàu “Exodus” thúc đẩy ông ta tìm hiểu lịch sử Do Thái, cũng như số phận, tinh thần của dân tộc này.
Trở lại với vụ tái lập “Quốc gia Do Thái”, sau sự kiện tàu Exodus, chính sách của Anh đối với người Do Thái càng lúc càng khắc nghiệt hơn. Để tồn tại, người Do Thái ở Palestin vừa chống quân Anh, vừa dựa trên sự thừa nhận trước đó của Anh và đồng minh để khiếu nại. Khoảng giữa năm 1947, Liên Hiệp Quốc nhóm họp, xem xét và quyết định chia đôi Palestine, một phần Palestine thuộc về dân Do Thái. Tới lúc này, ngoài quân Anh, khối Ả Rập, bao gồm bảy quốc gia (Ai Cập, Syria, Liban, Iraq, Jordan, Saudi Arabia, Palestine), cũng bắt đầu liên kết để đuổi người Do Thái ra khỏi Palestin. Ai cũng nghĩ bốn, năm chục triệu người sẽ nuốt chửng khoảng năm, sáu trăm ngàn người. Vậy mà khối Ả Rập nuốt không nổi. Để tránh bị phê phán việc để người của khối Ả Rập tàn sát người Do Thái, Anh tuyên bố rút khỏi Palestine. Hôm 14 tháng 5 năm 1948, ngay vào thời điểm tuyên bố rút khỏi Palestine của Anh có hiệu lực, ông Ben Gurion – thay mặt những người Do Thái ở Palestine, tuyên bố thành lập “Quốc gia Do Thái”. Ông bảo: Kể từ hôm nay “Quốc gia Do Thái” ở Palestine sẽ lấy tên là Israel! Diễn văn lập quốc rất ngắn, chỉ có vài dòng. Chủ yếu thông báo với người Do Thái ở khắp nơi trên thế giới rằng, họ đã có quốc gia, đã có nơi gọi là quê hương, hãy ráng hết sức để ước mơ hàng ngàn năm của họ – tái lập Israel – không bị xóa thêm lần nữa.
Tuy ngay sau đó, Mỹ, Liên Xô và nhiều quốc gia khác cùng lên tiếng công nhận Israel là một quốc gia nhưng ít ai tin Israel sẽ tồn tại. Khối Ả Rập dồn sức đánh Israel từ ba phía, dự định dồn người Do Thái xuống biển (phía còn lại) nhưng không nuốt nổi Israel. Từ đó đến nay, Israel bị “đánh hội đồng” thêm vài lần nữa nhưng nó vẫn trơ ra như thế giữa khối Ả Rập…
3.
Mình tin bác “F 361” cũng đã đọc hoặc “Exodus” của Leon Uris, hoặc “Bài học Israel” của cụ Nguyễn Hiến Lê, hoặc đã đọc cả hai cuốn sách ấy như mình. Tuy nhiên bác “F 361” hơn hẳn mình ở chỗ, nhìn ra giá trị của: “Sang năm về Jerusalem”, rồi ứng dụng vào hiện tình Việt Nam, biến nó thành: “Sang năm tới Hoàng Sa”.
Trong “Bài học Israel”, cụ Nguyễn Hiến Lê có viết, đại ý, theo cụ, thanh niên, trí thức Việt Nam nên học người Do Thái. Lúc đọc “Bài học Israel” mình còn rất trẻ, chỉ nhớ thế thôi chứ chẳng thấm được bao nhiêu. Bây giờ, ý tưởng “Sang năm tới Hoàng Sa” của bác “F 361” làm mình tỉnh ngộ.
Có thể ý tưởng “Sang năm tới Hoàng Sa” của bác “F 361” làm nhiều người mắc cười, giống như thiên hạ đã từng cười người Do Thái khi nghe họ hẹn nhau: “Sang năm về Jerusalem”, lúc Jerusalem thuộc về kẻ khác. Cũng có thể đây chính là lý do khiến cụ Nguyễn Hiến Lê – một học giả đáng kính – bỏ thời gian nghiên cứu lịch sử dân Do Thái và chuyện tái lập quốc gia Israel của họ, rồi lấy “Bài học Israel” làm tên cho công trình biên khảo của cụ.
Cám ơn bác “F 361”.
“Sang năm tới Hoàng Sa”
____

Lời chào “Sang năm tới Hoàng Sa” và “Hẹn gặp lại tại Hoàng Sa”

Quốc Tư – Tokyo
18-1-2014
Đọc bài “Hoàng Sa & Hòa giải quốc gia” của bác Huy Đức, thấy hai chữ Hoàng Sa phải là đầu cầu cho việc Hòa giải quốc gia.
Nói đến Hòa giải, người ta liên tưởng là có vấn đề gì khác nhau lớn nên mới phải Hòa giải. Vậy những người,  các bên có những vấn đề gì chung ngoài  cái khác nhau lớn ấy không. Cái chung ấy, có lớn, có thiêng liêng đủ để vượt lên  sự khác biệt không ?
Hoàng Sa bị chiếm đóng là một nỗi đau lớn, một vết thương sâu thẳm.
Thu hồi lại Hoàng Sa có phải là nguyện vọng, mục tiêu của mọi người Việt Nam dù có suy nghĩ khác nhau về những vấn đề khác ?  Nếu vậy thì thử hỏi nguyện vọng nầy, mục tiêu nầy có đủ để hàn gắn những vết thương, gắn những tâm hồn Việt Nam lại không.
Có những người vẫn tiếp tục gọi người anh em mình là “ngụy”, cứ tiếp tục tự hào mình là người chiến thắng, thuộc bên thắng cuộc.
Lại có những người cứ lớn tiếng đòi những người anh em mình phải “sám hối”, “phủ nhận sạch trơn” cảcuộc đời chiến đấu của người anh em.
Những người thuộc một trong hai phân loại trên chắc chắn đa số có một điểm chung cao cả : yêu đất nước Việt Nam và có một nỗi mong muốn lớn lao là thu hồi lại Hoàng sa đã bị cướp đoạt. Nếu không vượt qua được những khác biệt dù lớn đến chừng nào để sống vì mục tiêu cao cả chung thì những lời lẽ yêu nước thương nòi chỉ là những câu dối lòng, câu ở cửa miệng, ,nói để cho có nói mà thôi.
Đọc những bài của bác Đồng Phụng Việt về bác “F361” tức là bác Nguyễn Hòa Bình có lẽ không ai không thấy trái tim mình rung động. Bác Nguyễn Hòa Bình qua đời để lại cho chúng ta câu nói :
“Sang năm tới Hoàng Sa”
Khi chào nhau, người Mỹ nói Good Morning, người Pháp nói Bonjour, người Nhật nói Konnichiwa, người Việt Nam nói Chào Anh, chào Chị..
Niềm nỡ bắt tay nhau và chúc một ngày tốt lành.
Chúng ta đều nhớ những lời dặn của vua Trần Nhân Tông hay Lê Thành Tông về việc phải gìn giữ từng tấc đất của Tổ Tiên để lại.
Nhận được lời chào “chúc một ngày tốt lành” , tối về tỉnh tâm suy nghĩ làm sao có được một  ngày tốt lành khi xét mình chưa thực hiện được lời căn dặn của các bậc tiền nhân.
“Hoàng Sa” là tên chỉ  một quần đảo có ý nghĩa vật lý về đất và biển chung quanh, cùng tài nguyên hải sản hay địa chất. Nhưng “Hoàng Sa” còn là hai chữ mang nhiều ý nghĩa :
Hai tiếng Hoàng Sa gợi cho ta hình ảnh những trái tim bị thương, rướm máu, nhưng đồng thời cũng là những trái tim kiêu hãnh ! 
Hoàng Sa là mệnh lệnh của tiền nhân về quyết tâm bảo vệ Tổ Quốc, mệnh lệnh không dược dối trá khi nói về lòng yêu nước, không được độc quyền yêu nước.
Hoàng Sa là từ chấn hưng Dân Khí Việt Nam
Hoàng Sa là từ để kẻ địch phải nễ sợ người dân Viêt Nam.
Hòang Sa là sức mạnh  kết nối người Việt Nam lại với nhau.
Không được nói “mất Hoàng Sa”,coi sự việc đã rồi, tỏ thái độ đành chịu, kiếp nhược!
Mà phải nói Hoàng Sa bị chiếm đóng hay bị tạm chiếm vì ý đồ bành trướng của giặc phương bắc!.
Tình hình kinh tế, chình trị, văn hóa thế giới thay đổi không ngừng, các tiến bộ khoa học liên tục tạo ra những sản phẩm mới. Sử dụng mọi thời cơ, sử dụng các thành quả khoa học, chắc chắn sẽ thu hồi được Hoàng Sa, không phải đợi cả ngàn năm.
Trong ý nghĩa ấy, xin mạn phép và cùng bác Đồng Phụng Việt, đề nghị khi gặp nhau chúng ta chào nhau :
Sang năm tới Hoàng Sa
Khi tạm biệt nhau, chúng ta chào :
Hẹn gặp lại tại Hoàng Sa
Đề nghị trang mạng Anh Ba Sàm, nơi mà bác Nguyễn Hòa Bình đã xuất hiện và các trang mạng khác, các bác đồng cảm ủng hộ đề nghị chân thật nầy và mở cuộc vận động phổ biến cách chào hỏi nhau với tất cả tấm lòng đối với Hoàng Sa và đất nước.
Hẹn gặp lại tại Hoàng Sa
Tokyo ngày 18/1/2014
____

SANG NĂM TỚI HOÀNG SA!

9-3-2013
Gần hai nghìn năm trước,
Năm 70 Công Nguyên,
Quân đế quốc La Mã
Xóa sổ Israen.
Toàn bộ dân Do Thái
Bị trôi dạt khắp nơi,
Bị truy bức, khinh bỉ,
Không được xem là người.
Nhưng người dân Do Thái,
Mặc dù sống tha phương
Vẫn ngày đêm ngong ngóng
Được trở về quê hương.
Gặp nhau, họ luôn nói,
Dù đang ngày hay đêm:
“Sang năm ta trở lại
Thành Jerusalem!”
Lời chào, lời chúc ấy,
Cũng là một lời thề,
Đã giúp họ sống sót
Chờ đến ngày trở về.
Và ngày ấy đã đến.
Nhà nước Israel
Cuối cùng được khôi phục,
Thủ đô Jerusalem.
Tôi đã đến nước ấy,
Hòa mình giữa thủ đô.
Ngưỡng mộ một dân tộc
Yêu công lý, tự do.
*
Vừa lên mạng, chợt thấy
Một blogger nước nhà
Nói một câu tương tự:
“Sang năm tới Hoàng Sa!”
Một câu nói cực đúng,
Cấp thiết và cực hay.
Biển đảo ta giặc chiếm.
Không thể ngồi khoanh tay.
Khí phách dân Đại Việt
Đâu thua kém người ta.
Vậy thì hãy cùng hẹn:
“Sang năm tới Hoàng Sa!”
Hãy nói câu nói ấy
Trong giao tiếp ngày thường:
Vâng, chung ta cùng hẹn
Đến Hoàng Sa thân thương!
Quyết bảo vệ Tổ Quốc
Và biển đảo nước nhà.
Thế nhé, ta hẹn nhé:
“Sang năm tới Hoàng Sa!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét