Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2016

VÌ SAO MỸ CHỌN ĐẢO TRI TÔN

Vì sao Mỹ chọn đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa để thách thức Trung Quốc?

Ảnh minh họa. Thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 30/1 nói rõ tàu khu trục tên lửa dẫn đường Mỹ USS Curtis Wilbur đã đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa mà không thông báo trước. (Ảnh: Wiki)
Ảnh minh họa. Thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 30/1 nói rõ tàu khu trục tên lửa dẫn đường Mỹ USS Curtis Wilbur đã đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa mà không thông báo trước. (Ảnh: Wiki)
Hôm 30/1, Mỹ cử một tàu chiến đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa và bị Trung Quốc chiếm đóng. Hành động này nhằm thể hiện quyền tự do hàng hải, thách thức các “đòi hỏi quá mức” của Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng cân nhắc để không gây bùng phát xung đột quân sự.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 30/1 nói rõ tàu khu trục tên lửa dẫn đường Mỹ USS Curtis Wilbur đã đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa mà không thông báo trước.
Lầu Năm Góc nhấn mạnh rằng Mỹ không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền tại biển Đông. Mỹ ủng hộ mạnh mẽ việc “bảo vệ các quyền, sự tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển và không phận này đối với tất cả các nước và tất cả những tuyên bố chủ quyền hàng hải phải phù hợp với luật pháp quốc tế”. Tuy nhiên, hoạt động của tàu USS Curtis Wilbur nhằm thách thức các “đòi hỏi quá mức” của các bên tranh chấp làm giới hạn các quyền và tự do hàng hải xung quanh các thực thể mà họ tuyên bố chủ quyền, bằng các chính sách yêu cầu nước khác phải xin phép hay thông báo trước khi đi qua.

Thách thức đường cơ sở lãnh hải phi pháp do Trung Quốc vạch ra

BBC dẫn lời học giả Hoàng Việt, chuyên gia luật quốc tế, cho rằng hoạt động của tàu USS Curtis Wilbur đã “gây bất ngờ” và “cho thấy quyết tâm của Mỹ” trong thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông.
Động thái trên là điều bất ngờ vì trước nay Mỹ chỉ tiến hành các hoạt động tuần tra tại khu vực quần đảo Trường Sa, nơi diễn ra tranh chấp chủ quyền với 5 nước 6 bên yêu sách, đồng thời là khu vực mà Trung Quốc bồi đắp và xây dựng trái phép các đảo nhân tạo bất hợp pháp gây cản trở tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Mỹ chưa bao giờ có hoạt động bảo vệ tự do hàng hải tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Giáo sư James Kraska, giáo sư tại Trung tâm Stockton chuyên Nghiên cứu Luật Quốc tế thuộc Đại học Hải chiến Mỹ, nói với phóng viên trang tin USNI News hôm 30/1 rằng, việc Mỹ chọn Hoàng Sa làm nơi tiến hành “Chương trình Tự do Hàng hải” (FONOP) nhằm thách thức đường cơ sở phi pháp mà Trung Quốc vạch ra.

Nhà Quảng Cáo

Ngày 15/6/1996, Trung Quốc phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và ban hành “Quy định về hệ thống đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải“, bao gồm quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa). Theo đó, Trung Quốc đã áp dụng phương pháp vẽ các đường cơ sở quần đảo, vốn chỉ dành cho các quốc gia quần đảo (Điều 47 của UNCLOS), như Philippines hay Indonesia, để tự ý vạch đường cơ sở tính chiều rộng lãnh hải. Điều này hoàn toàn nghịch lý và bất hợp pháp bởi lẽ Hoàng Sa và Trường Sa không phải là một quốc gia quần đảo.
Trung Quốc cũng yêu cầu tàu chiến nước ngoài phải xin phép trước khi đi vào một khoảng cách nhất định quanh các thực thể mà nước này yêu sách chủ quyền. Theo ông Kraska, đòi hỏi này không phải là quyền được quy định trong luật hàng hải quốc tế.
Ông Kraska nói rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đi ngược lại với định nghĩa về đường cơ sở thẳng trong Công ước Luật biển và luật hàng hải quốc tế. Cụ thể, ông cho biết: “Trung Quốc đã vẽ ra một đường cơ sở trái phép bao trọn lấy quần đảo, điều này là bất hợp pháp.”
Ông cho biết: “Chúng ta đã từng thách thức những đường cơ sở đó, nhưng bằng những chuyến bay. Kể từ rất lâu rồi, đây mới là lần đầu tiên có một sự thách thức đường cơ sở bất hợp pháp bằng tàu.”
Giáo sư nhận định, không giống như hoạt động FONOP diễn ra vào ngày 27/10/2015 khi hải quân Mỹ điều tàu khu trục gắn tên lửa dẫn đường USS Lassen thực hiện tuần tra trong phạm vi 12 hải lý xung quanh bãi cạn Subi thuộc quần đảo Trường Sa, động thái lần này cho thấy Mỹ đã thể hiện rõ ràng thách thức của họ đối với “các đòi hỏi quá mức”. Ông cho rằng chuyến tuần tra của tàu USS Curtis Wilbur là một “sự khẳng định mạnh mẽ hơn” quyền đi lại quốc tế, so với chuyến tuần tra của tàu Lassen hồi tháng 10 năm ngoái.
Theo ông Kraska, Mỹ cần thực hiện các hoạt động FONOP thường xuyên hơn tại khu vực biển Đông. Ông nói rằng càng chần chừ thì vấn đề sẽ càng lớn hơn.
Trong bài viết đăng trên trang giaoduc.net.vn, Tiến sĩ Trần Công Trục cũng bày tỏ quan điểm tương tự giáo sư Kraska. Ông Trục cho rằng, “sở dĩ Hoa Kỳ chọn đảo Tri Tôn, Hoàng Sa, để tiến hành tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải lúc này, ngoài khả năng có thể Mỹ đã phát hiện thấy Trung Quốc đang có động thái nào đó về mặt quân sự ở Hoàng Sa, Washington còn có mục đích phá vỡ mưu đồ của Trung Quốc hòng hiện thực hóa đường lưỡi bò về mặt pháp lý.”
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng các nước, trong đó có Mỹ, có quyền đi lại trên biển theo luật quốc tế. Ngày 31/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố: “Là quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là điều 17 của Công ước.”

Lựa chọn “ít rủi ro hơn” của Mỹ

Các nhà phân tích nhận định rằng căng thẳng trên biển Đông ngày càng tăng kể từ khi Trung Quốc tiến hành bồi đắp và cải tạo bất hợp pháp các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tiến hành xây dựng trái phép đường băng có khả năng tiếp nhận máy bay quân sự trên các đảo này.
Báo The Economist viết: “Điều lo ngại là Trung Quốc đang dần mở rộng sự hiện diện, cho đến khi sự bành trướng trên biển của họ trở thành một thực tế khó tranh cãi.”
Đã từ lâu, Washington tuyên bố rằng lợi ích quốc gia của Mỹ là tại châu Á. Tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) hồi tháng 7/2010, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nêu rõ Mỹ có lợi ích quốc gia đối với tự do hàng hải trên biển Đông. Trong một bài viết đăng trên tạp chí Foreign Policy, bà Clinton đã một lần nữa khẳng định: “Hoa Kỳ đã giúp định hình một nỗ lực tầm khu vực trong việc bảo vệ quyền tiếp cận không hạn chế cũng như quyền lưu thông qua biển Đông, đồng thời ủng hộ những luật lệ quốc tế cơ bản về xác định các tuyên bố lãnh hải trên các vùng biển thuộc biển Đông.”
Tiếp đến, tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) hồi tháng 11/2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ không đứng về bên nào trong các tranh chấp ở biển Đông, nhưng lợi ích của Mỹ bao hàm cả việc tự do hàng hải và đảm bảo thương mại quốc tế trong khu vực không bị cản trở.
Gần đây, trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9/2015 của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Obama nói với ông Tập rằng tàu và máy bay Mỹ sẽ tiếp tục đi lại trên biển, trên không và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép, trong đó có biển Đông.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với trang Zing hồi tháng 10/2015, Bà Phương Nguyễn, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) tại Washington, cho biết: “Giờ đây giới cầm quyền Mỹ nhận ra rằng nếu họ để Trung Quốc tự tung tự tác ở Biển Đông, sự thống trị về quân sự của Mỹ ở phía tây Thái Bình Dương sẽ chấm dứt. Đương nhiên, Washington không thể để kịch bản đó diễn ra dễ dàng.”

Chiến lược của Mỹ hiện nay là thực hiện các cuộc tuần tra hải quân để khẳng định quyền tự do hàng hải, theo cách thức không gây ra các cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc.

Theo Reuters, Lầu Năm Góc đã sẵn sàng hành động từ nhiều tháng trước khi điều chiến hạm USS Lassen tuần tra tại gần đảo Subi hồi tháng 10/2015. Tuy nhiên, hoạt động này “liên tục bị trì hoãn” bởi Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ.
CS Monitor dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng: “Điều lo ngại là nếu chúng ta thể hiện rằng chúng ta đang phản ứng với những gì Trung Quốc đã làm thì nó sẽ làm suy yếu sự khẳng định của chúng ta rằng đây là vấn đề về luật pháp quốc tế, và quyền đi lại trên biển của chúng ta.”
Do đó, chiến lược của Mỹ hiện nay là thực hiện các cuộc tuần tra hải quân để khẳng định quyền tự do hàng hải, “để đảm bảo rằng hải quân, lực lượng bảo vệ bờ biển và các tàu dân sự của Mỹ… duy trì quyền tự do đi lại không hạn chế ở những vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép”, theo cách thức không gây ra các cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc. Đây là lời giải thích của các chuyên gia Michael J. Green, Bonnie S. Glaser, và Gregory B. Poling trong một bài viết đăng trên trang web của CSIS.
Japan Times dẫn lời chuyên gia Euan Graham, Giám đốc chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy ở Sydney, nhận định rằng: “Mỹ lựa chọn tuần tra ở đảo Tri Tôn có thể là do hoạt động này ít rủi ro hơn tuần tra ở đá Vành Khăn (trong quần đảo Trường Sa), nơi nhiều người dự đoán sẽ là địa điểm cho các hoạt động FONOP sắp tới.”
Ông Graham cho biết: “Khi quá cảnh gần đảo Tri Tôn, một thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa, hải quân Mỹ có thể sử dụng chiến thuật bất ngờ bằng cách vào và ra trước khi Trung Quốc có thể phản ứng bằng cách điều tàu chiến hay tàu hải giám.”
Nhìn chung, ông Graham cho rằng việc Mỹ lặp đi lặp lại hoạt động “đi qua vô hại” sẽ gửi một thông điệp thận trọng đến Bắc Kinh rằng Washington đang tiếp tục chống lại các tuyên bố chủ quyền quá mức, nhưng theo cách tiếp cận dần dần và giảm thiểu nguy cơ đối đầu trực tiếp.
Cây viết John Garnaut bình luận trên tạp chí The Age rằng, “Các viên tướng diều hâu của Trung Quốc muốn chúng ta tin rằng lãnh đạo Tập Cận Bình có khả năng sẽ sử dụng vũ khí nhân để bảo vệ niềm tự hào dân tộc của ông ấy ở biển Đông. Họ thề sẽ tấn công phủ đầu bất kỳ tàu nước ngoài nào thách thức chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc bằng cách đi qua gần 5 hòn đảo nhân tạo mà ông Tập đã cho bồi đắp (trái phép) ở ngoài khơi bờ biển Philippines.”
CS Monitor cho rằng điều này lý giải vì sao Tổng thống Obama đã tỏ ra thận trọng trước khi quyết định cử tàu chiến tuần tra biển Đông hồi tháng 10/2015.
Hoạt động FONOP của Mỹ được các đồng minh Nhật và Úc đồng loạt lên tiếng ủng hộ.
Hôm qua (1/2), báo Kyodo của Nhật Bản đưa tin chính phủ nước này ủng hộ việc Mỹ điều tàu USS Curtis Wilbur tuần tra gần đảo Tri Tôn. Tờ báo dẫn lời Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói rằng: “Động thái này là hết sức quan trọng đối với cộng đồng quốc tế để hợp tác nhằm bảo vệ các vùng biển mở cửa, tự do và hòa bình.”
Trước đó, hôm 31/1, tờ Sydney Morning Herald của Úc trích dẫn thông cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne cho hay: “Mỹ đã thông báo công khai chính sách tiến hành hoạt động tự do hàng hải trên toàn thế giới phù hợp với luật pháp quốc tế.” Theo bà Payne, Úc sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ và các đối tác khu vực về an ninh hàng hải, “Vì chúng ta (Úc) đã làm như thế trong nhiều thập niên, tàu thuyền và máy bay của Úc sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do đi tàu và tự do bay qua theo luật pháp quốc tế, kể cả ở biển Đông.”

Bắc Kinh ở thế tiến thoái lưỡng nan?

Trên thực tế, Trung Quốc chỉ phản đối cuộc tuần tra của tàu USS Curtis Wilbur bằng một tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân (Yang Yujun) đăng trên Tân Hoa Xã hôm 31/1. Ông Dương nói rằng hành động của Mỹ “đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp Trung Quốc, phá hoại hòa bình, an ninh trật tự và làm xói mòn hòa bình và ổn định của khu vực”, đồng thời đe dọa rằng “lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp nào cần thiết” để bảo vệ cái mà họ gọi là chủ quyền và an ninh.
Theo nhà phân tích John Garnaut, “Quân đội của ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục hăm dọa và phản đối, nhưng họ sẽ nhượng bộ khi vấp phải sự phản kháng lớn. Trái với những gì mà người Trung Quốc muốn chúng ta tin, ông Tập Cận Bình không muốn mạo hiểm tất cả mọi thứ để chống lại sức mạnh quân sự của Mỹ.”
Hồi tháng 10/2015, tờ Taipei Times của Đài Loan dẫn lời ông Đinh Thụ Phạm, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế của Đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan, nói lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ở thế tiến thoái lưỡng nan khi Mỹ điều tàu chiến USS Lassen tuần tra tại biển Đông.

Trái với những gì mà người Trung Quốc muốn chúng ta tin, ông Tập Cận Bình không muốn mạo hiểm tất cả mọi thứ để chống lại sức mạnh quân sự của Mỹ.

Ông Đinh cho rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ phải tự kiềm chế để tránh leo thang căng thẳng trong khi vẫn tiếp tục cạnh tranh với nhau.
Theo ông Đinh, hành động của Hoa Kỳ hoàn toàn phù hợp với Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc mà theo đó các tàu nước ngoài, cả dân sự và quân sự, có thể đi ngang lãnh hải. Washington có thể cáo buộc Trung Quốc vi phạm luật quốc tế, nếu Bắc Kinh phản ứng mạnh.
Nhưng nếu Bắc Kinh không phản ứng mạnh, thì điều đó đồng nghĩa với việc ông Tập chấp nhận quy định của luật pháp quốc tế. Điều này sẽ dẫn đến việc chính sách ngoại giao của ông sẽ bị chất vấn bởi những người thuộc phe diều hâu như Thiếu tướng La Viên, người nói rằng Trung Quốc phải mạnh mẽ giáng trả bất kỳ nước nào hành động chống lại quyền lợi quốc gia của Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn của trang Zing hồi tháng 10/2015, giáo sư Carl Thayer – một chuyên gia nghiên cứu về biển Đông, cũng cho rằng: “Hải quân Trung Quốc không thể đối đầu với một tàu chiến uy lực như USS Lassen. Trung Quốc sẽ chủ yếu phản đối bằng lời nói, thông qua Bộ Ngoại giao nước này hoặc từ liên lạc vô tuyến từ các đảo nhân tạo. Trung Quốc cũng có thể phản đối bằng việc cử tàu Hải cảnh hoặc thậm chí cả tàu cá. Tuy nhiên, các tàu này chủ yếu chỉ phục vụ mục đích tuyên truyền của Bắc Kinh.”
Đánh giá về khả năng Mỹ và Trung Quốc bắt tay nhau, cùng chia sẻ lợi ích trên Biển Đông, trang Zing dẫn lời tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói rằng: “luôn tồn tại nguy cơ các nước lớn bắt tay, thỏa hiệp cùng nhau trên lưng các nước nhỏ, đặc biệt là khi giữa hai bên có các lợi ích có thể đem ra đổi chác. Tuy nhiên trong trường hợp giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay, ít nhất cho tới giờ phút này, khả năng này là thấp do tổng cục lợi ích của Mỹ và Trung Quốc, nhất là trong vấn đề Biển Đông, đang có sự mâu thuẫn lớn và đối đầu.”
Ban Mai tổng hợp
[1]: “innocent passage”, thuật ngữ chuyên môn của UNCLOS, nghĩa là dù lãnh hải thuộc chủ quyền của một quốc gia thì tàu thuyền các nước vẫn có quyền đi qua tự do nếu sự đi qua đó không gây hại gì.
Xem thêm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét