Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2016

TÍN HIỆU GÌ CHO...

6910. ‘Tín hiệu tốt’ cho Hà Nội và TP.HCM

Posted by adminbasam on 05/02/2016
BBC
5-1-2016
Ông Hoàng Trung Hải (trái) và ông Đinh La Thăng hôm 5/2/2016 được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy hai thành phố quan trọng nhất nước. Photo: Getty.
Ông Hoàng Trung Hải (trái) và ông Đinh La Thăng hôm 5/2/2016 được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy hai thành phố quan trọng nhất nước. Photo: Getty.
Việc bổ nhiệm hai tân ủy viên Bộ Chính trị làm bí thư thành ủy Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh là ‘tín hiệu tốt’, theo đánh giá của tiến sỹ Vũ Cao Phan.
Nhà nghiên cứu từ Hà Nội nhận xét là cả ông Đinh La Thăng và ông Hoàng Trung Hải “đều là những người nhiệt tình, làm việc tốt, xưa nay chưa có điều tiếng gì”, tuy nhiên mọi người “không nên đặt kỳ vọng quá nhiều”, bởi đây cũng chỉ là những bổ nhiệm “bình thường như bao lần khác” trong hệ thống chính trị Việt Nam.
Việc được trao những vị trí mới, theo tiến sỹ Vũ Cao Phan, có thể coi như một bước thăng tiến trong sự nghiệp chính trị của hai người.
“Có thể qua địa phương sẽ là một bước để lên rất cao.”
“Ví dụ như các trường hợp bí thư thành ủy của Thành phố Hồ Chí Minh trước đây có ông Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, hay ông Phan Văn Khải làm chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, v.v…”
“Cho nên việc về địa phương, nhất là về các nơi quan trọng như Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh, tôi đánh giá không phải là một sự đi xuống, mà xét về khía cạnh nào đó còn là sự đi lên.”

‘Cái nhìn mới cho TP Hồ Chí Minh’

Việc đưa ông Đinh La Thăng, “một người ở trung ương, lại ở ngoài Bắc”, vào Thành phố Hồ Chí Minh là điều đáng chú ý, ông Vũ Cao Phan nói.
“Ở Thành ủy TP Hồ Chí Minh, người giữ cương vị bí thư lâu nay thường là lên tại chỗ. Bản thân ban lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng quanh quẩn những người tại chỗ, ngay trong thành phố hoặc ở vùng lân cận.”
“Lần này đưa một người có phong cách rất khác với những gì những người ở TP Hồ Chí Minh đã quen, lại là người ở nơi khác đến, thì người mới có thể sẽ nhìn vấn đề rõ hơn bản thân người ở tại chỗ.”
“Có thể đây sẽ là điều rất tốt cho TP Hồ Chí Minh.”
Là người từ bên ngoài vào, nhưng vị tân bí thư nhiều khả năng sẽ nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, bởi “một người có phong cách như ông Đinh La Thăng sẽ dễ hòa nhập”.
Tuy nhiên, ông “không hy vọng, cũng không muốn là ông ấy sẽ ‘trảm’ người nọ hay cách chức người kia, hay có hành động can thiệp mạnh [vào bộ máy hiện nay tại TP Hồ Chí Minh]” trong tiến trình xử lý các vấn đề ở thành phố, nhà nghiên cứu từ Hà Nội nói.
“Tôi muốn ông ấy xem xét thêm trước khi xử lý, nhưng khi đã xử lý thì nên theo phong cách mà ông ấy từng làm.”

‘Không có chuyện tạo thế cân bằng công an – dân sự ở Hà Nội’

Ông Hoàng Trung Hải, theo nhận xét của phân tích gia chính trị, đã “tác chiến rất tốt” trong vai trò phó thủ tướng, và việc một số người băn khoăn về nguồn gốc gia đình của ông là chuyện “vô lý”.
Ông Vũ Cao Phan cho rằng việc ông Hoàng Trung Hải không để lại dấu ấn rõ nét sau hai nhiệm kỳ làm phó thủ tướng một phần là bởi “ông ấy chỉ là ủy viên Trung ương Đảng, còn có những ông phó thủ tướng là Ủy viên Bộ Chính trị ở trên”.
“Nếu là một ủy viên Bộ Chính trị, có vị trí như phó thủ tướng thứ nhất thì ‘[dấu ấn làm việc của ông ấy] đã khác.”
Đánh giá về bộ máy lãnh đạo mới của Hà Nội, ông Vũ Cao Phan không cho rằng việc đưa ông Hoàng Trung Hải vào chức Bí thư Thành ủy là nhằm tạo thế cân bằng với tân Chủ tịch UBND Hà Nội, Tướng công an Nguyễn Đức Chung.
Lý do là bởi “ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, việc bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo đều chú ý tới sự cân bằng, xưa nay đều thế” bất kể những người được đặt trọng trách có phải là công an hay không.
Hôm 5/2/2016, ông Đinh La Thăng được chính thức bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, và ông Hoàng Trung Hải được giao đảm nhận vị trí Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Trước khi nhận nhiệm vụ mới, ông Đinh La Thăng là Bộ trưởng Giao thông, còn ông Hoàng Trung Hải là Phó Thủ tướng.
____

Ông Đinh La Thăng làm Bí thư TP. HCM

5-1-2016
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam chiều 5/2 đã công bố quyết định phân công ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, làm Bí thư Thành ủyTP.HCM.
Cùng ngày tại Hà Nội, ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, được xác nhận là Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Công việc cuối cùng của ông Đinh La Thăng trong tư cách bộ trưởng dường như là việc ký văn bản chỉ đạo cách chức Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội do mắc sai phạm trong mua toa tàu cũ của Trung Quốc.
Báo chí trong nước ca ngợi đây là quyết định “dũng cảm”.
Trong số 19 Ủy viên Bộ Chính trị vừa được bầu tại Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12, ông Đinh La Thăng là trường hợp duy nhất không được giới thiệu trước, nhưng đã trúng cử nhờ phiếu bầu của Ban chấp hành trung ương khóa 12.
Vì thế, việc ông được phân công lãnh đạo TP. HCM được xem là một bất ngờ.
Các bình luận trên mạng xã hội đa số bày tỏ hy vọng hai lãnh đạo tương đối trẻ (Hoàng Trung Hải sinh năm 1959, Đinh La Thăng sinh năm 1960) sẽ thúc đẩy sự phát triển của hai thành phố quan trọng nhất Việt Nam.
Trong một diễn biến khác, ông Võ Văn Thưởng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP. HCM, sẽ ra Hà Nội làm Trưởng ban Tuyên giao trung ương.
Sinh năm 1970, ông Thưởng là người trẻ nhất trong Bộ chính trị mới được bầu.

Các vị trí liên quan ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam vừa được bổ nhiệm:

  • Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.
  • Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
  • Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
  • Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
  • Hoàng Trung Hải, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội.
  • Đinh La Thăng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét