Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

THAM LUẬN GIỚI THIỆU SÁCH

THAM LUẬN GIỚI THIỆU SÁCH
   Kính thưa: Các vị khách quý, thưa hội nghị!
             Được các bác lãnh đạo trong ban liên lạc Hội đồng hương quý mến, ưu ái, tin cậy cho tôi cơ hội tiếp cận mọi người, thay mặt Ban Biên Tập phát biểu hầu chuyện các quý vị trong hội nghị hôm nay, để trình bày đôi điều về nội dung cuốn "hai mươi năm hình thành & phát triển Hội đồng hương làng Nhân Kiệt tại thành phố Hải Dương".  Trước đây nhiều năm, các bậc tiền bối đã có ý định viết được cái gì đó để lại cho Hội đồng hương chúng ta. Việc chưa thành các cụ đã sớm vân du hạc lội, cưỡi hạc lên mây về với tiên tổ. Trân trọng, kế tục những điều trăn trở, ý nghĩ tốt đẹp dang dở, sự gợi ý bảo ban của các bậc tiên hiền.  Anh em trong ban lãnh đạo Hội đồng hương làng Nhân Kiệt đã không ít nhọc nhằn, đau đáu suy tư, nhiều lần họp hành, bàn thảo: Đưa ra đề cương, chia phần việc cho từng người, điều tra sưu tầm tài liệu, tập hợp viết bản thảo, cân nhắc từng chi tiết, thống nhất nội dung rồi in ấn. Từ lúc bắt đầu tới khi ra sách vừa tròn 6 tháng. Hôm nay ngày 28/02/2016 nhằm ngày 21/01/ Bính Thân, tại Công Ty cổ phần xây dựng & thương mại Phượng Hoàng, hồ sinh thái khu 6, phường Cẩm Thượng TP Hải Dương. Hội đồng hương làng Nhân Kiệt tổ chức hội nghị kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội, giới thiệu nội dung, chính thức phát hành cuốn "Hai mươi năm hình thành & phát triển Hội đồng hương làng Nhân Kiệt tại TP Hải Dương".

            Nộị dung cuốn" Hai mươi năm hình thành & phát triển Hội đồng hương làng Nhân Kiệt tại thành phố Hải Dương" gồm 7 chương mục, chúng tôi không có tham vọng giới thiệu nội dung cả cuốn sách, làm mất nhiều thời gian của quý vị dự hội nghị, chỉ chủ tâm đi sâu giới thiệu một đề mục, cũng là phần chính yếu trong cuốn sách, có nhẽ phần này được nhiều người quan tâm"Đất và người làng Nhân Kiệt". Bởi mọi người ai cũng có chung ý nghĩ, khi chúng ta đang sống, làm việc ở địa phương nào đó, cũng cần biết nơi ta đang ở trước và hiện tại có điều gì hay dở, cái hay thì học tập tiệp thu, phát triển. Cái dở biết tránh, hoặc luôn giữ khoảng cách cần thiết để ứng sử thích hợp. Làng Nhân Kiệt chúng ta từ xa xưa cho tới nay, hẳn có nhiều đổi thay về dân sinh kinh tế, nhiều lần chuyển mình thay da, đổi thịt, bứt phá lớn mạnh, bây giờ đã giàu có sung túc mọi mặt, văn hoá xã hội phát triển không ngừng. Chỉ có điều đáng tiếc trong những bước chuyển, vươn lên của làng không để lại bút tích, căn cứ, dấu ấn cho lịch sử. Đó cũng là điều khó, những góc khuất cho các thế hệ mai sau muốn nhìn lại quá khứ xa xưa chính làng mình. Ngày nay chúng ta chỉ còn biết qua những lời truyền khẩu, với những nghiên cứu phỏng đoán sử liệu ngoại lai. Tại sao? làng Nhân Kiệt trước kia có tên làng Thanh Trung, địa điểm khu Ba Đống xứ Đồng Trong. Các cụ truyền lại rằng: Vì làng ở liền kề bờ sông, mé nước,  nhiều lần bị giặc giã cướp phá, nên dân chuyển làng vào trong đê địa điểm hiện nay. Tuy bỏ địa điểm làng cũ đã lâu, nhưng mãi đến những năm sau 1945 thế kỷ XX vẫn còn sót lại vài di tích cũ như chùa Vậm, chùa Đống, và đăc biệt ngôi nghè xây gạch đất nung, cả hai làng Tuấn Kiệt, Nhân Kiệt hàng năm đều tổ chức rước kiệu, thờ cúng chung ngài 范鼎鍾 (Phạm Đỉnh Chung) người làng Tuấn Kiệt, đỗ tiến sỹ khoa thi năm Giáp Thìn niên hiệu Bảo Thái thứ 5(1724). Khi nghè bị phá huỷ hoàn toàn, đất nghè biến thành ruộng lúa làng Nhân Kiệt và không còn nghi lễ thờ cúng rước kiệu từ đấy. Một vấn đề là tại sao hai làng Tuấn kiệt, Nhân Kiệt cùng thờ vị quan Đại Tư Đồ Đinh Điền làm Thần Hoàng, trong lúc cả tỉnh Hải Dương không nơi nào thờ ông, đó là câu hỏi còn bỏ ngỏ chưa lời giải. Đành rằng nhiều nơi khác có đền thờ ông ví như làng Xích Đằng thành phố Hưng Yên vì vợ ông bà Phan Môi Lương người địa phương. Đình làng Đông Xá, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, ở đình này còn lưu giữ bài thơ Nôm cũ liên quan đến xã Tuấn Kiệt như: Anh linh phổ chấn cửu lai / Ninh Bình tám xã xứ Đoài mấy hương / Xã Tuấn Kiệt tỉnh Hải Dương / Cùng làng Đông Xá quý hương đất nhà / Lập đền thờ phụng nguy nga… Và nhiều nơi khác thuộc tỉnh Ninh Bình có đền thờ Ngài. Căn cứ vào vốn tư liệu ít ỏi từ xa xưa còn sót lại, như hai đôi câu đối  thờ trong cung và cổng đình làng Nhân Kiệt:
  đôi câu đối chữ Hán cổ nơi cột trụ cổng:
 志氣壯山河十二使軍和會聚
明精玄日月雄強萬勝合開邦
Phiên âm: Chí khí tráng sơn hà, thập nhị sứ quân hoà hội tụ
Minh tinh huyền nhật nguyệt, hùng cường vạn thắng hợp khai bang.
Tạm dịch nghĩa: Tập hợp được mười hai sứ quân , sức mạnh bao trùm sông núi
Cao minh sâu sắc huyền diệu, anh hùng vạn thắng mở giang sơn.
Câu đối thờ trong đình
丁朝將國威封傑節名臣傳萬古
南邦一統凜冽英雄顯赫櫂千香
Phiên âm:
 Đinh triều tướng Quốc, uy phong kiệt tiết, danh Thần truyền vạn cổ
Nam Bang nhất thống, lẫm liệt anh hùng, hiển hách trạc thiên hương.
Nghĩa: Đinh triều tướng Quốc, oai phong lẫy lừng, danh vang truyền vạn cổ
 Thống nhất giang sơn, kiệt hiệt anh hùng, rạng rỡ tiếng ngàn thơm.
              Qua bút tích, nội dung ý nghĩa các đôi câu đối đình làng, và một phần quan trọng trong quốc sử cho chúng ta thấy Ngài Đinh Điền (910 - 979) 大越史記全書 (Đại Việt sử Ký toàn thư, quyển một kỷ nhà Đinh). Một trong những thủ lĩnh của Vua Đinh Tiên Hoàng có công dẹp loạn 12 sứ quân kéo dài trên 20 năm(944 - 968). Khi đó vùng Hải Đông tức phía Đông kinh thành Thăng Long bao gồm (Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh) đang có sứ quân của tướng Phạm Bạch Hổ tức Phạm Phòng Át(910 - 972)chiếm giữ. Sau những lần giao tranh tướng Phạm Phòng Át đã quy phục đầu hàng quân tướng của Đinh Điền. Việc này liên quan mật thiết đến làng Thanh Trung, xứ đồng trong chúng ta, các địa danh tên gọi có tính căn cứ quân sự của trại lính còn nguyên đến bây giờ như: Nhà Cơ, Nội Trại, Bờ Du,Vườn Hồng… đặc biệt có cả một cánh đồng rộng lớn mang tên"Ruộng Lính", hẳn ruộng dành cho binh lính(Hoặc gia đình họ) cầy cấy tự cấp, tự túc lương thực với tinh thần "Ngụ nông ư binh"(寓農於兵) bình yên làm nông dân cày cấy, động tập hợp thành lính cầm gươm giáo chiến đấu chống giặc. Tới đây có thể xem làng Thanh Trung được hình thành từ một trại lính thời Đinh Điền thế kỷ thứ X sau công nguyên, chính là làng Nhân Kiệt, Tuấn Kiệt bây giờ. Mang tên Thanh Trung cùng đồng thời để tưởng nhớ tới vị đầu lĩnh (Đinh Điền) kiên cường, bất khuất, trung quân ái Quốc không chịu thờ hai vua quyết giữ lòng trong sạch, như nước trong không một gợn đục. Như vậy làm thoả mãn vấn đề tại sao cả vùng Hải Dương chỉ có làng Nhân Kiệt, Tuấn Kiệt thờ quan Đại Tư Đồ Đinh Điền làm Thần Hoàng.  Trong đình Nhân Kiệt còn thờ phối thần một vị nữa Ngài: 阮德潤 Nguyễn Đức Nhuận (1672 - 1727)võ tướng thời hậu Lê giữ trọng trách trong phủ Chúa Trịnh, chức tổng thái giám, chánh nhị phẩm, chuẩn quận công, tước hầu(Văn bia khu lăng đá thờ Ngài tại thôn Đạo khê, xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Khi xưa trong đình làng dựng bia  神皇壹尺 Thần Hoàng nhất xích nghĩa là: (Cách Thần Hoàng một bậc) ghi công đức thờ ngài, chỉ tiếc bia bị đập phá trong cải cách ruộng đất năm 1956.
          Qua nhiều đời, người làng Nhân Kiệt mang trong mình dòng máu kiên trung, bất khuất của  những bậc tiền bối quan tướng thời Đinh Điền, thể hiện trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) nhân dân làng Nhân Kiệt đã anh dũng chiến đấu chống trả quân Pháp quyết liệt, tiêu biểu trận càn ngày 18/2/1953 địch phải gọi máy bay trực thăng đỗ xuống Mả Rầu chở lính bị thương và xác chết. Góp phần viết lên trang sử oanh liệt, vẻ vang chống ngoại xâm của dân tộc Việt.
           Về mặt văn hoá làng ta còn có các bậc túc nho đỗ đạt nhưng không ra làm quan, ở nhà dậy học như tú tài cụ Nguyễn Trường Phớt, nho sinh cụ Nguyễn Đức Tuỵ…Trong nhà cụ Nguyễn Đức Tuỵ, khi xưa thờ bức châm thư chứ Hán, của cụ tổ dòng Nguyễn Đức Nhuận để lại, (Nguyễn Đào Trường phục thuỷ canh ngọ niên), nội dung răn dạy con cháu sống biết giữ đức, làm nhiều việc tốt có ích cho đời. Xin được phiên âm dịch nghĩa dưới đây:
生前志氣定軒昂
海岳鍾英一派長
官路輕輕憑福蔭
封候重重近君王
如生奉事孫而子
不死生靈漢又唐
安賭人間歸德厚
子孫繼世祀馨香
 景興十二年
phiên âm:
Sinh tiền chí khí định hiên ngang
Hải nhạc chung anh nhất phái tràng
Quan lộ khinh khinh bằng phúc ấm
Phong hầu trọng trọng cận quân vương
Như sinh phụng sự tôn nhi tử
Bất tử sinh linh Hán hựu Đường
An đổ nhân gian quy đức hậu
Tử tôn kế thế tự hinh hương.
Cảnh Hưng thập nhị niên
Dịch nghĩa:
Đương thời chí khí ngài đã hiên ngang
Biển sâu, núi cao chung đúc nên một chi phái lớn
Coi nhẹ đường làm quan, trọng phúc ấm tiên tổ
Phong tước hầu, chức lớn bên cạnh nhà Vua
Con cháu kính cẩn như lúc còn sống
Mong dòng họ trường tồn như nhà Hán, nhà Đường
Để nhân gian nhìn thấy nền đức dầy
Cháu con thờ cúng, hưởng tiếng thơm mãi
Vua Cảnh Hưng năm 1761
Dịch thơ:
 Tổ tiên chí khí rất hiên ngang
Sông núi đúc lên một phái trường
Quan chức xem thường mừng phúc tổ
Tước hầu coi trọng canh quân vương
Cháu con kính cẩn như khi sống
Dòng họ dài lâu tựa Hán Đường
Dầy đức nhân gian nhìn mến phục
Đời đời con cháu hưởng thơm hương.
             Hiện trong nhà cụ Nguyễn Trường Tập năm nay 93 tuổi, cháu đích tôn cụ Nguyễn Trường Phớt đang lưu giữ hai bài thơ tứ tuyệt chữ Hán, điêu khắc trên nền gỗ tốt, sơn son thiếp vàng, của người thân tặng khi cụ tú thi đỗ năm Nhâm Tí(1912).
Chúng tôi xin dịch nghĩa, dịch thơ mời quý vị thưởng lãm:
地靈仁傑果然今
梅榜春回翰墨林
宅相不虛名不士
磨成默會化工心
維新壬子冬
家舊書賀
Phiên âm:
Địa linh Nhân Kiệt quả nhiên kim (Câm)
Mai bảng xuân hồi hàn mặc lâm
Trạch tướng bất hư danh bất sỹ
Ma thành mặc hội hoá công tâm.
Duy tân Nhâm Tý đông
Gia Cữu thư hạ

Dịch nghĩa:
       Người hào kiệt, đất linh thiêng quả nhiên mới
Chữ nghiã như rừng mùa xuân thi chiếm bảng
Nhà có thực kẻ sỹ không hư danh
Im lìm mài chuốt văn chương đến thành công.

Dịch thơ:
     Đất thiêng Nhân Kiệt quả nhiên
Xuân về bút mực thiên kim bảng vàng
Nhà lành danh sỹ tiếng vang
Trầm ngâm rèn dũa luyện gang thi tài
Vua Duy Tân năm Nhâm Tý(1912).
 Cậu nhà mừng tặng
一脈書香此地存
名流傑出有文孫
驅陶涌進風朝會
教澤汪函雪立門
恭進
Phiên âm:
Nhất mạch thư hương thử địa tồn
Danh lưu kiệt xuất hữu văn tôn
Khu đào dũng tiến phong triều hội
Giáo trạch uông hàm tuyết lập môn.
Cung tiến

Dịch nghĩa:
Sách thơm một mạch đất nay còn
 Kiệt xuất danh văn  lưu cháu con
Triều Đình mở hội thi tài tiến
 Giáo dưỡng ơn sâu quyết lập môn.

Dịch thơ:
Sách hay một mạch còn đây
  Danh văn kiệt xuất mỗi ngày một thơm
Triều Đình hội mở giang sơn
Ân sâu lan toả lập môn đáp đền.
            Kế thừa truyền thống, dòng máu kiên trung, bất khuất của các bậc tiền nhân quan lính thời Đinh Điền. Ở mọi lĩnh vực hoạt động xã hội, học tập, xây dựng và chiến đấu: Trong hai cuộc kháng chiến(1946 - 1975) làng chúng ta đã hy sinh không biết bao nhiêu máu xương, tài sản, nhiều người làng đã ngã xuống trước mùi tên, hòn đạn của quân thù, sau mỗi trận chiến quần nhau với giặc, để lại một làng quê tan hoang, xác xơ đến không còn một nóc nhà lành lặn, cả làng là đống tro tàn, không một ngọn tre nguyên vẹn, mặt đất bị cày đi xới lại cây cỏ không thể mọc, côn trùng không nơi trú ngụ, chim chóc không cây làm tổ vì chịu quá nhiều bom đạn. Trên các chiến trường người làng Kiệt hy sinh 67 liệt sỹ, hàng trăm thương bệnh binh, tất nhiên sự hy sinh mất mát của toàn dân, đã mang lại nhiều thành công cho làng cho nước. Chúng tôi không muốn khơi dậy những đau thương tang tóc của quá khứ, thời gian đã phủ bụi làm mờ vết sẹo lịch sử. Nhưng biết ôn cố chi tân, cái được hôm nay trong đó có cái mất của ngày hôm qua, giống như "Sen tàn cúc lại nở hoa".  Điều đặc biệt, ngọn lửa chiến tranh thử thách, khí thiêng sông núi đã hun đức, tôi luyện, làm nẩy sinh cho làng Nhân Kiệt một thế hệ vàng các bậc cố nhân thế kỷ XX: Cụ Nguyễn Ngọc Sơn, bí thư tỉnh uỷ Hải Dương, cụ đại tá Nguyễn Đăng Diễn  phó giám đốc Công an tỉnh Hải Hưng, cụ Phạm Lê Bình trưởng ty thông tin tỉnh Hải Dương…Cùng nhiều cán bộ trung cao cấp trong hội đồng hương chúng ta.
          Với bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, sự nỗ lực học tập, lao động sáng tạo vươn lên không ngừng, nắm vững nền kinh tế trí thức, biết vượt qua chính mình, phát huy truyền thống tốt đẹp của người làng Nhân Kiệt, Hội đồng hương chúng ta mong sẽ đón nhận, ghi danh vào lịch sử địa phương những người con xuất sắc, ưu tú, những trí thức tinh hoa, những doanh nhân thành đạt, những cán bộ tiêu biểu làm rạng danh cho gia đình, quê hương làng xã. Sánh vai tiến cùng nền văn minh nhân loại.
                       Kính chúc sức khoẻ quý vị đại biểu cùng toàn hội nghị, xin cảm ơn !.

                                                                                          Nguyễn Đào Trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét