Bài đăng phổ biến

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

CHUYỆN TÌNH NÀNG CÔNG CHÚA

  Lớn | Vừa | Nhỏ  
Chuyện tình nàng "công chúa tình báo" đầu tiên trong lịch sử VN
Tư Bối | 11/10/2016 21:24
            
    

    
         
            

              
Chuyện tình nàng "công chúa tình báo" đầu tiên trong lịch sử VNChuyện tình nàng "công chúa tình báo" đầu tiên trong lịch sử VN
Hình tượng Công chúa An Tư. Ảnh Viettoon


Trong chiến thắng vang dội trước Nguyên Mông có 1 phần công sức không nhỏ của công chúa út An Tư. Ở góc độ này, có thể coi An Tư là một "điệp viên cấp cao" của nhà Trần.
An Tư công chúa (Theo Việt Sử Tiêu án của Ngô Thì Sĩ chép là Thiên Tư công chúa) là con gái út của vua Trần Thái Tông, chưa rõ năm sinh năm mất. 
Theo một số tư liệu ghi chép lại, nàng là một "lá ngọc cành vàng" tài mạo song toàn, là một trong hai công chúa nổi tiếng nhất trong lịch sử nhà Trần, cùng với Huyền Trân công chúa.
An Tư có một cuộc hôn nhân trọng đại cùng với Trấn Nam Vương của nhà Nguyên - Thoát Hoan, nhằm giúp cho quân tướng nhà Trần bảo toàn lực lượng chờ ngày phản công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai.
Từ công chúa thành "tình báo"
Năm 1279, sau khi đánh bại nhà Tống, làm chủ toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa, quân Nguyên mở cuộc chiến "phục thù", tiến đánh Đại Việt lần thứ hai. Con trai Hốt Tất Liệt là Thoát Hoan được phong làm Trấn Nam Vương, thống lĩnh toàn bộ lực lượng viễn chinh lần này.
Trước sự tấn công dồn dập như vũ bão của giặc, Thượng hoàng Trần Thái Tông đã cử người đem thư giảng hòa, nhằm mục đích kéo dài thời gian để củng cố lực lượng. Tuy nhiên, Toa Đô cậy thế mạnh không chấp nhận hòa hoãn, quân Nguyên đổ bộ đánh quân ta trên các mặt trận.
Tướng Trần Bình Trọng đã hy sinh ở bờ sông Yên Mạc, chiến sự bắt đầu với cục diện bất lợi cho ta.
Và lúc này, công chúa An Tư nhận trọng trách kìm hãm ý chí tiến công của địch vào thành Thăng Long để quân dân ta có thời gian củng cố lực lượng, tổ chức chiến đấu.
Trong Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ có ghi: "Thoát Hoan lên sông Nhĩ Hà, cột liền bè vào làm cầu, cho quân qua sông; quân ta theo hai bên sông lập đồn để cự lại, không được; ngày đã về chiều, quân giặc qua được sông vào kinh thành, vua sai đưa Thiên Tư Công chúa cho chúng, để thư nạn cho nước".
Trong sách Nhà Trần trong văn hóa Việt Nam, mục Phụ nữ thời Trần viết về An Tư công chúa như sau:
"Chuyện dã sử cũng kể rằng, khi đến tuổi cài trâm, An Tư cũng đã cùng với hoàng thân Chiêu Thành Vương ước hẹn. Nhưng giặc Nguyên tràn vào nước ta, lúc này thế của chúng quá mạnh, đã tiến công khắp mặt, đã chiếm được cả kinh thàng Thăng Long.
Trước tình hình cấp bách diễn ra, đe dọa khắp nơi, vua quan nhà Trần đành phải dành cho An Tư công chúa sứ mệnh trọng đại này, hy vọng hòa hoãn được phần nào thế của giặc, để triều đình kịp thời xoay chuyển tình thế. An Tư đành phải liều thân vì nạn nước. Người yêu là Chiêu Thành Vương cũng đành ngậm ngùi đau khổ".
Chuyện tình nàng công chúa tình báo đầu tiên trong lịch sử VN - Ảnh 1.
Bìa cuốn Tiểu thuyết lịch sử "An Tư" của Nguyễn Huy Tưởng
An Tư công chúa được gả sang trại giặc với tư cách là một vật cống nạp, nhưng một số ghi chép nói cô đã làm nhiệm vụ mật báo nhiều tin tức quan trọng, là một "điệp viên cao cấp" của nhà Trần.
Hiện có rất ít tư liệu nói cụ thể về hoạt động của An Tư bên kia chiến tuyến, chỉ biết là không lâu sau đó, quân Trần bắt đầu phản công ở hầu khắp các mặt trận khiến cho quân Nguyên đại bại, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn về nước.
Có công nhưng không có thưởng
Theo tiểu thuyết lịch sử An Tư của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thì người yêu của nàng là Chiêu Thành Vương Trần Thông, con cả của Thái úy Khâm Thiên Đại Vương Trần Nhật Hiệu.
Trần Thông tuy mồ côi cha từ bé, nhưng được dạy dỗ chu đáo. Thân mẫu là người quyết đoán, thông minh, có ảnh hưởng giáo dục rất lớn đối với ông. Ông cũng có học văn, nhưng thiên về võ hơn và có một tinh thần thượng võ rất cao, thường mời những dũng sĩ các nơi đến tỉ thí, ai có môn võ nào hay là học cho bằng được mới thôi.
Ông lại rất ham đánh vật, môn thể thao thịnh hành nhất thời Trần, mỗi khi cởi trần đóng khố ra sân vật, ai cũng phải trần trồ khen ngợi thân hình cường tráng.
Hiện có rất ít tư liệu ghi chép lại về Chiêu Thành Vương Trần Thông cũng như mối tình với nàng công chúa xinh đẹp An Tư. Thậm chí, một số tư liệu lịch sử khác còn cho biết An Tư công chúa đem lòng yêu chàng Yết Kiêu...
Và cho đến ngày nay, quân tử thực sự trong lòng nàng vẫn còn là một đáp số bí ẩn.
Sau chiến thắng Nguyên Mông, có rất nhiều công thần, tướng lĩnh được truy phong, khen thưởng. Tuy nhiên, lại không ai nhắc đến nàng công chúa An Tư. Nàng còn sống hay đã chết? Được đưa về Trung Quốc hay bị lưu lạc? Cho đến nay đây vẫn là một câu hỏi lớn chưa lời đáp. 
Theo Lê Tắc - một thuộc hạ của Trần Kiện theo chủ chạy sang nhà Nguyên, sống lưu vong bên Trung Quốc, có ghi: "Trước, Thái tử (Thoát Hoan) lấy người con gái nhà Trần, sinh được hai con". Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa có cơ sở để khẳng định rõ ràng.
Nói về công lao của công chúa An Tư, GS Phạm Đức Dương, Chủ tịch Hội Khoa học Đông Nam Á của Việt Nam, đánh giá:
"Nhà Trần trở thành triều đại vinh quang nhất trong lịch sử Đại Việt vì đã ba lần chiến thắng quân Nguyên, một đội quân đã từng làm mưa làm gió khắp Á- Âu. Trong chiến công chung đó người ta ghi nhận sự đóng góp hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ, trong đó có công chúa An Tư.
Người con gái "lá ngọc cành vàng ấy" đã vì nợ nước mà ra đi không trở lại. Nhưng trớ trêu thay, sau chiến thắng, vua trở về kinh thành hân hoan khen thưởng những người có công, nhưng không ai nhắc tới công chúa An Tư…".
* Tài liệu tham khảo:
- Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam
- Tiểu thuyết lịch sử An Tư- Nguyễn Huy Tưởng
- Sách Nhà Trần trong văn hóa Việt Nam
- Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ
- Văn hiến - xem link
- Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài - xem link

theo Trí Thức Trẻ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét