Vatican và Công Giáo Việt Nam
Posted by adminbasam on 24/10/2016
Nguyễn An Dân
24-10-2016
Thế là hôm nay Việt Nam đã cử phái bộ ngoại giao sang làm việc với tòa thánh Vatican.Ông Greg Burke, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết: “Như thỏa thuận, trong những ngày 24 đến 26-10 tới đây, sẽ diễn ra tại Vatican cuộc gặp gỡ thứ 6 của Nhóm Làm Việc (Tổ Công Tác) giữa Tòa Thánh và Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt nam, để phát triển và đào sâu các quan hệ song phương. Phái đoàn Tòa Thánh sẽ do Đức Ông Antoine Camilleri, Thứ trưởng ngoại giao, làm trưởng đoàn; Phái đoàn Việt Nam sẽ do Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng ngoại giao hướng dẫn”.
Chuyện đã xảy ra đúng như mình dự đoán, sau những căng thẳng do Công Giáo đang ủng hộ quần chúng đòi công lý chính đáng ở trong “vụ việc Formosa Hà Tĩnh”, phía đảng cầm quyền Việt Nam đã đến cái gốc vấn đề để tìm một giải pháp
Quần chúng và nhiều người tranh đấu dân chủ đang trông đợi Giáo Hội Công Giáo Việt Nam bên cạnh họ phải luôn nhớ là Công Giáo chỉ có thể ở bên cạnh chúng ta khi thực thi lòng yêu nước chân chính vì tiến bộ dân tộc và đất nước, tìm công bằng – công lý – hợp pháp – hợp lý, kêu gọi dân chủ hóa xã hội (lập hội, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận…) giúp đỡ chúng ta trong một số việc thiện nguyện cứu trợ… chứ các Đức Cha không thể tham gia các hoạt động tranh đấu, giành quyền lực chính trị với thể chế đương quyền như một tổ chức chính trị quần chúng.
Lịch sử 800 năm tồn tại của Tòa Thánh đầy những tranh đấu chính trị có liên quan đến mình nên đã làm Vatican trở thành một trung tâm quyền lực lớn trên thế giới và chất chứa đầy kinh nghiệm chính trị. Sứ mệnh của Tòa thánh Vatican là thúc đẩy và khuếch trương Công Giáo trên thế giới. Do đó quan hệ của Tòa Thánh với thế quyền các nước trên thế giới luôn nằm trong nguyên lý thế quyền cần ủng hộ Vatican phát triển đạo và ngược lại, Vatican không đứng sau giật dây lật đổ chính quyền, các tu sĩ không được tham gia các chức quyền chính trị do thể chế ban phát.
Riêng với Việt Nam, lâu nay chính quyền và Công Giáo – các giáo phái khác luôn có nhiều “ân oán” qua lại với nhau mà đa phần sai là đến từ nhà nước Việt Nam do chủ trương không muốn tôn giáo lớn mạnh và tạo điều kiện thực thi các quyền tự do tôn giáo như cộng đồng quốc tế thừa nhận. Cũng vì vấn đề đảng cầm quyền Việt Nam đã đi về hướng “tôn giáo hóa” tổ chức của mình với việc “phong thánh”, họ đã đưa vào các cơ sở tôn giáo thờ cúng ông HCM và muốn toàn dân coi học thuyết Mác Lê như một giáo lý duy nhất.
Nguyên lý chính trị của Vatican là khi thế quyền còn mạnh thì hợp tác với thế quyền để bảo vệ, phát triển giáo hội và chỉ đòi thế quyền thực hiện tự do tôn giáo theo chuẩn mực của Tòa Thánh. Khi thế quyền suy yếu dẫn đến không còn đủ sức dẫn dắt xã hội nữa thì Vatican sẽ hợp tác với khối đòi cải cách trong chính quyền cũng như quần chúng để tìm một giải pháp chính trị tốt hơn nhằm đưa đất nước và dân tộc nhanh chóng đi vào chuyển hóa để sớm mang lại ổn định cho quốc gia, có lợi cho tất cả.
Giáo Hội Công Giáo Việt Nam là một bộ phận của Vatican, nên sẽ cần thực thi các quyết nghị, chủ trương lớn từ Vatican sau khi Vatican đã có những đàm phán, giao kết với nhà nước Việt Nam.
Cuộc hỗ trợ quần chúng đòi công bằng – công lý của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam với Formosa Hà Tĩnh tới đây không biết sẽ đi về hướng nào sau khi các phái bộ Việt Nam và Vatican đàm phán với nhau.
Trái bóng đang ở chân nhóm cải cách trong nội bộ Đảng CSVN, nhất là ở tư duy của ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người được tôi cho là có tiếng nói ảnh hưởng nhất trong việc phát triển quan hệ đối ngoại của Việt Nam và giữ gìn an ninh quốc gia hiện nay.
Chúng ta chỉ có thể chờ đợi và quan sát hai bên, nhưng dù thế nào, chúng ta cũng cần luôn thực thi quyền yêu nước của mình trong “vấn đề Formosa” và chính trị nói chung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét