Bài đăng phổ biến

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2016

HOÀNG SA CHIẾN HẠM MĨ

Hoàng Sa: Chiến hạm Mỹ lại tuần tra để thách thức Trung Quốc

Posted by adminbasam on 22/10/2016
Trọng Nghĩa
22-10-2016
Khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường USS Decatur (DDG 73) hoạt động tại Biển Đông. Ảnh chụp ngày 13/10/2016. REUTERS/Courtesy Diana Quinlan/U.S. Navy
Khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường USS Decatur (DDG 73) hoạt động tại Biển Đông. Ảnh chụp ngày 13/10/2016. REUTERS/Courtesy Diana Quinlan/U.S. Navy
Ngày 21/10/2016, một chiến hạm Mỹ đã vào tuần tra trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Hoạt động này được các quan chức Mỹ xác định là nhằm thách thức « yêu sách hàng hải quá đáng » của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông.
Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường USS Decatur đã thực hiện nhiệm vụ đi qua vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền gần quần đảo Hoàng Sa « một cách bình thường, hợp pháp, không có tàu nào khác hộ tống, và không gặp phải bất cứ vấn đề gì ».

Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ xác định rằng chiến hạm Mỹ không tiến vào vùng 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc chiếm đóng, nhưng đã tuần tra sâu bên trong vùng biển mà Trung Quốc « đòi hỏi quá đáng (excessive) » – có lẽ là vùng nằm bên trong đường lưỡi bò ở khu vực Hoàng Sa.
Thông báo không nói rõ là chiến hạm Mỹ đi ngang thực thể nào ở Hoàng Sa, thế nhưng, theo hãng tin Anh Reuters, một số quan chức quân sự Mỹ xin giấu tên, cho biết chiến hạm Decatur đã đi tuần trên vùng biển gần đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm, và đã bị 3 tàu Trung Quốc bám đuôi.
Đây là lần thứ tư mà Hải Quân Mỹ tiến hành chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông nhằm phủ nhận đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc. Tuy nhiên, ba lần trước đây, khu trục hạm Mỹ đều đi vào bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo đá mà Bắc Kinh đòi chủ quyền, hai lần đầu ở khu vực Đá Xu Bi và Đá Chữ Thập ở Trường Sa, và lần thứ ba vào tháng 01/2016 ngoài khơi đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa.
Việc tàu Mỹ ngày 21/10 tránh không đi vào vùng 12 hải lý của Tri Tôn và Phú Lâm đã bị một số chuyên giá phê phán. Ông Greg Poling, một chuyên gia về Biển Đông ở Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế, CSIS, tại Washington đã coi chiến dịch đó hoàn toàn vô ích.
Trả lời hãng tin Anh Reuters, ông Poling nhận xét : « Động thái đó không chỉ là thừa, mà lại còn không thu hút được sự chú ý trên những hạn chế khác – đáng lo ngại hơn nhiều – mà Trung Quốc đang áp đặt trên quyền tự do hàng hải ».
Dẫu sao thì chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải mà Hoa Kỳ tiến hành ngày 21/10 rất đáng chú ý vì là chiến dịch đầu tiên kể từ khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết ngày 12/07/2016, phủ nhận các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông, và chỉ ít lâu sau khi tổng thống Philippines, một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á, đe dọa rời bỏ Hoa Kỳ để liên minh với hai đối thủ của Washington là Trung Quốc và Nga.
Bắc Kinh lại tố cáo Mỹ hành động phi pháp
Ngay sau khi chiến hạm Mỹ USS Ducatur thực hiện nhiệm vụ « tuần tra bảo vệ tự do hàng hải » trong vùng biển gần Hoàng Sa, Trung Quốc, tối 21/10, đã lập tức lên tiếng tố cáo một hành vi « khiêu khích ». Điều đáng nói là Bắc Kinh vẫn gọi đó là một hành động phi pháp, cho dù tháng Bảy vừa qua, Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye đã bác bỏ toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc bên trong « đường lưỡi bò » ở Biển Đông vì không có cơ sở pháp lý.
Trong một thông cáo đăng trên trang web của mình, bộ Quốc Phòng Trung Quốc, qua lời phát ngôn viên Ngô Khiêm, đã cho rằng việc chiến hạm Mỹ tiến vào « lãnh hải của Trung Quốc »là một hành vi « vi phạm pháp luật nghiêm trọng » và « cố tình thách thức ». Bộ Quốc Phòng Trung Quốc còn cho biết thêm là Hải Quân Trung Quốc đã phái ngay một khu trục hạm tên lửa và một tàu hộ vệ ra theo dõi và đuổi tàu Mỹ đi.
Với cùng một giọng điệu, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng ra một thông cáo riêng biệt, chỉ trích Mỹ là đã « vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và các lợi ích an ninh của Trung Quốc, đồng thời vi phạm nghiêm trọng luật pháp Trung Quốc và quốc tế ».
Bắc Kinh đã cực lực tố cáo Mỹ vi phạm luật lệ quốc tế trong bối cảnh Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye mới đây, sau khi xem xét kỹ các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên gần như toàn bộ Biển Đông, đã phán quyết rằng các yêu sách quá đáng đó hoàn toàn không có cơ sở pháp lý thể theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Theo tinh thần phán quyết, mà Bắc Kinh thản nhiên xem là « một tờ giấy lộn », thì Biển Đông không có đảo, thành ra không nước nào có quyền đòi vùng đặc quyền kinh tế quanh các thực thể trong tay mình ở Biển Đông, cho dù đã được bồi đắp thành đảo nhân tạo, như tại những nơi bị Trung Quốc chiếm đóng ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Đối với phát ngôn viên Nhà Trắng Mỹ Josh Earnest, hoạt động ngày 21/10 của chiến hạm USS Decatur nhằm cho thấy không một nước nào có quyền « hạn chế một cách phi pháp quyền tự do lưu thông hàng hải và quyền sử dụng các vùng biển đúng theo luật pháp quốc tế, của Mỹ cũng như tất cả nước khác ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét