Bài đăng phổ biến

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2016

HỘI NGHI TW 4 KHOÁ 12

Hội nghị TW4 (khóa 12): Sẽ hóa giải hai bài toán đang làm đau đầu Tổng Bí thư

Hội nghị Trung ương 4 lần này sẽ họp tại Hà Nội từ ngày 10/10 đến ngày 16/10, cần nghiêm túc xem xét vụ việc Trịnh Xuân Thanh/PVC và vụ đại án tham nhũng Mobifone mua AVG là hai bài toán khó giải của Tổng Bí thư, để chiến dịch chống tham nhũng của Đảng thực sự quyết liệt và có kết quả như mong muốn, mang lại niềm tin cho nhân dân cả nước.
Trịnh Xuân Thanh và MobiFone-AVG: hai bài toán khó giải của Tổng Bí thư
Hội nghị Trung ương 4 của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ họp tại Hà Nội từ ngày 10/10 đến ngày 16/10, chủ đề chính của Hội nghị lần này, cũng như Hội nghị Trung ương 4 lịch sử của Đại hội 11, là các biện pháp cấp bách để chỉnh đốn Đảng và chống tham nhũng.
Trong thời gian gần đây, dư luận rất quan tâm đến hai phát súng hiệu của Tổng Bí thư trong chiến dịch chống tham nhũng được khởi xướng vào giữa năm nay, đó là 2 vụ tham nhũng: Trịnh Xuân Thanh và Mobifone mua AVG.
Trịnh Xuân Thanh và PVC
Như chúng ta đều biết, Trịnh Xuân Thanh đã nhanh chân trốn sang Đức vào đầu tháng 8 trong khi Bộ Công An quyết định khởi tố Trịnh Xuân Thanh vào 16/9. Việc Trịnh Xuân Thanh bị giám sát mà lại dễ dàng trốn chạy ra nước ngoài đã làm Tổng Bí thư mất mặt với nhân dân cả nước. Ngoài ra, việc này đặt ra vấn đề lòng tin của Bộ Chính trị và Đảng với Bộ Công An, dẫn đến quyết định tham gia Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương của TBT vào ngày 21/9. Xem ra Tổng Bí thư và Bộ Chính trị cần bổ nhiệm gấp một số thứ trưởng, tổng cục trưởng thuộc Bộ Công An là “người của Đảng” thì mới có thể đảm bảo lực lượng “còn Đảng, còn mình” này thực sự làm việc “vì Đảng”.
Trịnh Xuân Thanh tạm thời trốn thoát thì Vũ Đức Thuận phải chịu trận. Đầu tháng 10, Vũ Đức Thuận đã bị khởi tố và cùng 3 lãnh đạo khác của PVC bị tạm giam. Nhìn vào con đường thăng tiến của Vũ Đức Thuận (Tổng công ty Sông Đà, Tập đoàn Dầu khí, Bộ Giao thông Vận tải, Thành ủy TP.HCM”) thì chúng ta có thể thấy “Thăng đi đâu thì Thuận đi đấy”. Trong trại tạm giam, hẳn Vũ Đức Thuận đang viết “hồi ký” về những ngày hầu cận Đinh La Thăng và tài liệu này dự kiến sẽ công bố tại Hội nghị trung ương 4 lần này.
Khi Đinh La Thăng nhận chức Chủ tịch thì Tập đoàn Dầu khí có 7 tỷ USD tiền mặt trong ngân quỹ, ngày ông Thăng rời PCV thì Tập đoàn Dầu khí còn chưa đến 1 tỷ USD trong tài khoản. Ông này cũng được mệnh danh là “quan chức giàu nhất Việt Nam” sau giai đoạn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông: tỷ lệ thất thoát trong mỗi dự án cầu đường là trên 50%, tất cả các trạm thu phí BOT đều là của ông Thăng và các đàn em. Đặc biệt, Đinh La Thăng đã có cú chạy nước rút ngoạn mục trước Đại hội 11. Thăng ký quyết định để PVN đầu tư 800 tỷ đồng vào Ngân hàng Ocean của Hà Văn Thắm và PVN đã mất trắng khoản đầu tư này. Việc này không chỉ giúp ông Thăng giữ được ghế ủy viên trung ương mà còn bất ngờ có chân trong Bộ Chính trị. Thử hỏi, một cán bộ tham nhũng nức tiếng như vậy thì có xứng đáng để lãnh đạo Đảng bộ, nhân dân thành phố mang tên Bác hay không? Nếu để Đinh La Thăng tiếp tục ở lại vị trí Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh thì có lẽ Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã chủ ý chuẩn bị làm thủ tục giải thể trong một đến hai năm tới.
Mobifone mua AVG
Đây là cú “gạt tay trúng má” thứ 2 của Tổng Bí thư trong chiến dịch phòng chống tham nhũng. Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban bí thư (cuối tháng 7) và Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (đầu tháng 8), Thanh tra Chính phủ đang tiến hành thanh tra toàn diện vụ việc Tổng Công ty MobiFone mua đài truyền hình AVG (50 ngày, kể từ ngày 6/9).
MobiFone đã ký hợp đồng mua 95% cổ phần của AVG vào cuối tháng 12/2015 với mức giá 8.900 tỷ đồng và cho đến thời điểm này, MobiFone đã thanh toán 8.500 tỷ đồng. Hồ sơ dự án bị đóng dấu “mật” do có 2 kênh truyền hình an ninh của Bộ Công An được phát sóng trên kênh AVG.
AVG có vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng, lỗ lũy kế lên đến 1.000 tỷ đồng và đang vay nợ 800 tỷ đồng do Mobifone bảo lãnh thanh toán. Số thuê bao thực của AVG chỉ khoảng 500.000 thuê bao, chiếm 5% thị phần thị trường thuê bao trả tiền. Với một công ty làm ăn thua lỗ như vậy, giá trị định giá không thể vượt quá giá trị tổng tài sản: 2.600 tỷ đồng.
Trong vụ việc này, có nhiều dấu hiệu cho thấy Lê Nam Trà, Chủ tịch Mobifone, có hành vi “cố ý làm trái” qua việc: chỉ đạo nâng khống giá trị AVG qua việc: cung cấp các dự báo phát triển thuê bao rất cao trong 10 năm cho các công ty tài chính khi định giá, xác định giá trị thương hiệu AVG ở mức rất cao trong khi Mobifone lại đổi thương hiệu AVG thành MobiTV vào đầu tháng 7, đưa 2 băng tần 700 GHZ vốn là tài nguyên quốc gia vào định giá AVG trong khi 2 băng tần này AVG phải trả lại Bộ Thông tin Truyền thông vào cuối năm 2017 để cấp lại cho các doanh nghiệp viễn thông theo quy trình đấu giá minh bạch. Và cuối cùng, việc mua bán không báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định mức giá mua bán để trình Thủ tướng quyết định.
Chứng cứ “gây hậu quả nghiêm trọng” thể hiện ở mức chênh lệch giữa mức giá mua (8.900 tỷ) và giá trị thực tế của AVG (2.600 tỷ đồng), Lê Nam Trà và Phạm Nhật Vũ cùng một số quan chức liên quan đã bỏ túi số tiền 6.300 tỷ đồng. Với 6.300 tỷ đồng, chúng ta xây dựng được hàng nghìn trường học, bệnh viện cho người nghèo tại các vùng sâu vùng xa trên toàn quốc; toàn thể trẻ em Việt Nam sẽ được cắp sách đến trường. Ngoài ra, Lê Nam Trà đã bỏ ra 60% vốn điều lệ của Mobifone để mua AVG, một tài sản kém hiệu quả, nên giá trị định giá Mobifone khi định giá lại vào năm 2017 sẽ giảm tối thiểu 1 tỷ USD.
Trong vụ đại án tham nhũng nói trên, Lê Nam Trà và Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp - Bộ Thông tin Truyền thông, đã câu kết, cố ý đề xuất sai về giá trị và thủ tục mua bán AVG đối với cấp có thẩm quyền, bao gồm: ông Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công An và ông Trương Minh Tuấn – Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông. Chính ông Tô Lâm là người ký phê duyệt mức giá mua bán AVG từ phía Bộ Công An trong khi Bộ Công An ký phê duyệt mức giá mua bán trong việc này là không đúng chức năng, còn ông Trương Minh Tuấn là người ký phê duyệt mức giá mua bán AVG từ phía Bộ Thông tin Truyền thông.
Để chạy tội, cùng với sự tác động của một số quan chức nhúng chàm, Lê Nam Trà và đám đàn em đang bỏ ra số tiền rất lớn, hơn 200 tỷ đồng để lo lót đoàn Thanh tra Chính phủ. Hiện nay, đoàn Thanh tra đang viết dự thảo kết luận vụ việc theo hướng “đúng quy trình, không có sai phạm, rút kinh nghiệm” và sẽ công bố vào đầu tháng 11. Như vậy, có thể kết luận là vụ việc Mobifone mua AVG đã bị làm “chìm xuồng” và chỉ thị chống tham nhũng của Tổng Bí thư trong thời gian gần đây chỉ đơn giản là những cú “gạt tay trúng má”, “đá nhưng không trúng”.
Đề nghị Hội nghị Trung ương 4 lần này nghiêm túc xem xét vụ việc Trịnh Xuân Thanh/PVC và vụ đại án tham nhũng Mobifone mua AVG để chiến dịch chống tham nhũng của Đảng thực sự quyết liệt và có kết quả như mong muốn, mang lại niềm tin cho nhân dân cả nước.
Công Lý/(TTHNO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét